Câu chuyện lá chuối

Thứ sáu - 19/04/2024 00:18
Có một câu chuyện tiếu lâm mà tôi nghe được từ một nhà báo lão thành: Hai người đàn bà đi bán lá chuối từ lúc còn con gái cho đến tuổi trung niên. Hàng ngày họ lội khắp vùng quê đi mua lá về rọc, lau chùi cẩn thận và xấp thành từng bó để mỗi sáng gánh ra chợ bán.
la chuoi
 
Khi mặt hàng bao ny lon tràn lan, những gánh lá chuối của họ ngày một ế ẩm. Bà A nói với bà B: “Ế quá, em nghỉ!”.

Bà B: “Buôn bán có chị có em mà mi nghỉ thì tau làm chi đây?”.

Bà A: “Chị nghĩ coi, bây giờ cái gì người ta cũng dùng bao, túi ny lon hết thì buôn bán kiểu chị em mình sao sống nổi?”.

Bà A: “Ừ hỉ,  mi nói tau mới nhớ. Chừ tau thấy để sinh đẻ có kế hoạch họ cũng dùng bao ny lon! Thôi nghỉ trớt!”.

Nhà báo lão thành ấy kết luận: Đó là chuyện tiếu lâm vô cùng ý nghĩa đối với việc bảo vệ môi trường.

Đứa cháu dâu của người viết bài này mới năm ngoái phải thuê người đào mấy chục gốc chuối trong vườn để lấy chỗ trồng rau. Cháu bảo: Chuối mốc thì cả năm mới ra được một buồng bán Tết, còn lá thì đâu còn ai mua, không bằng trồng rau để đỡ tiền chợ!

Nhưng gió bắt đầu chuyển hướng. Thông tin giá bán một tàu lá chuối bên Nhật lên đến 500 ngàn đồng Việt Nam (Người Nhật cũng gói các loại bánh truyền thống bằng là chuối) và những hình ảnh các siêu thị ở Thái Lan hiện đã sử dụng lá chuối để gói hàng đã gây sự chú ý trong tuần qua trên mạng xã hội. Và càng đáng chú ý hơn khi một số siêu thị Co-opMart ở TP HCM hiện cũng đang bắt đầu sử dụng lá chuối thay vì bao ny lon để gói hàng cho khách.

Trước đó nữa là các nỗ lực sử dụng ống hút thủy tinh thay cho ổng hút nhựa cũng đang được nhiều hàng bán giải khát trên cả nước hưởng ứng.

Tôi có người bạn là doanh nhân trong ngành nông sản hữu cơ hiện nay ở Quảng Nam đang đi khảo sát các thiết bị và công nghệ chế biến bao bì từ rơm và các loại phế phẩm từ nông nghiệp. Anh nói chỉ cần cung ứng bao bì loại này cho các siêu thị, cửa hàng và các chợ ở Đà Nẵng, Hội An thôi cũng đáng kể rồi.

Những thông tin trên cho thấy nhu cầu sử dụng các loại bao bì, đồ dùng phi ny lon hiện nay đang bắt đầu trở thành một ý thức mang tính tự giác trong xã hội, bởi mọi người đều đã biết tác hại của chất thải rắn đối với môi trường và sức khỏe con người là như thế nào.

Nhưng nói về lá chuối mà không nói đến cái mùi của nó thì thật thiếu sót cho những ai gắn cả tuổi thơ mình ở nông thôn. Không chỉ là cái mùi thơm hăng nồng của lá khi giở nắp vung (có lót lá chuối) của nồi khoai sắn luộc mỗi buổi mai, của nồi bánh tét cuối năm, mà còn là cái mùi ngây ngây thân thuộc của tấm lá chuối lót trên chiếc mâm gỗ mà trên đó bà mẹ đã thức suốt đêm làm tổ bánh xôi đường để sáng mai mang về giỗ ngoại. Mùi lá chuối dính đầy mỡ còn theo ta cùng chiếc nia tre đặt giữa sân nhà bữa mấy bà con họ hàng cùng nhau ngã chú heo ngày chạp mả tổ tiên…

Ở quê tôi, chuyên nghề thuốc lá, lá chuối già được cắt ra làm cái hoản để cấy cây thuốc giống đợi ngày bén rễ nữa đấy!

Cây chuối theo ta suốt ấu thời đến già chẳng khác gì cây tre ngoài vườn quê. Thân chuối xắt nhỏ trộn với cám nuôi heo, bắp chuối nào có thể thiếu trong đĩa rau sống ăn cùng mì Quảng, cái gân lớn giữa tàu chuối được bọn trẻ cắt ra từng đoạn làm súng chơi trò “giặc giả”. Bẹ chuối được gấp lại, đựng mấy thứ nông hải sản bữa cúng đất treo ngoài ngã ba. Những nải chuối chín vàng đặt trên bàn thờ tổ tiên những ngày sóc vọng giỗ quảy…Còn  nữa. Những năm đói thời trước, cha tôi kể gia đình từng đào củ chuối để nấu ăn lót dạ.

Và cũng như cây tre thân thuộc làm sợi lạt cột áo quan ra mộ, người ta cũng chặt thân những cây chuối lớn làm đòn kê chiếc quan tài trước khi tiễn đưa người quá cố…

Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều!
 

Ngõ sau nào mà không có những hàng chuối gió xào xạt buồn tênh. Ngõ sau và hàng chuối ấy đã bao đời chia sẻ tâm trạng cô đơn, buồn tủi của người phụ nữ quê nhà phong kiến hàng thế kỷ qua. Trước cau sau chuối trong phong thủy ngôi nhà Việt muôn thuở của chúng ta.

Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh theo vợ nhỏ bỏ bè con thơ

Buồn quá!

Rồi công nghệ phát lên, rồi nhiên liệu hóa thạch, rồi bao túi ny lon và đồ nhựa tràn vào đời sống, khiến ta quên đi hình ảnh thân gần của cây chuối. Ta lại quên luôn những tác hại lâu dài của các loại chất thải rắn đối với lẽ sinh tồn mà chúng để lại trong đất đai, trong mạch nước ngầm, trong sông rạch quê ta…

Bởi vậy, một tàu là chuối giá 500 ngàn ở Nhật hay giá vài ba chục đồng một ký ở quê ta và nay thì các siêu thị đang bắt đầu sử dụng như vừa nói ở trên, là một tín hiệu đáng mừng của con người đang dần quay lại với thiên nhiên với lẽ phải chăng!

Cụ Nguyễn Trãi viết trong bài thơ Quốc âm Ba Tiêu (Cây chuối):

Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem.

Gượng ấy là gượng nhẹ, khẽ khàng, trân quý như giải thích của nhà thơ Xuân Diệu chớ không phải là gượng ép.

Bằng câu chuyện quay về sử dụng lá chuối, tôi chạnh nghĩ, đó cũng là thái độ trân trọng với một di sản tự nhiên của mỗi chúng ta!

Nguồn: FB Trương Điện Thắng

Tác giả: Trương Điện Thắng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập161
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm149
  • Hôm nay22,815
  • Tháng hiện tại268,223
  • Tổng lượt truy cập67,293,070
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây