Sơ lược lịch sử Đức Mẹ hiện ra tại La Vang

Thứ sáu - 12/08/2022 10:39
La Vang thời các chúa Nguyễn nằm trong khu vực Dinh Cát (dinh xây trên cát), cách thành Dinh Cát 10 cây số về hướng Nam. Địa danh này chỉ cách tỉnh Quảng Trị 6 cây số cũng về hướng Nam dưới thời Gia Long.
Sơ lược lịch sử Đức Mẹ hiện ra tại La Vang
Thời đó, La Vang chỉ là một thôn xóm hẻo lánh nằm hút sâu trong rừng già Trường Sơn. Từ thế kỷ XVII, đây là đất khẩn hoang thuộc làng Cổ Vưu, đa số cư dân là người Cổ Vưu. Họ sinh sống bằng nghề trồng khoai, cấy lúa, trồng bắp, chặt cây, đốn gỗ, bẫy thú…
 
Vì cho rằng Đức Cha Bá Đa Lộc đã giúp họ Nguyễn chống lại Tây Sơn, đồng thời để khủng bố giáo dân mà triều đình luôn cho là kẻ nội ứng, ngày 7.1.1795 và ngày 24.1.1795, Thái sư Bùi Ðắc Tuyên nhân danh Vua Cảnh Thịnh ra hai sắc lệnh chấn chỉnh việc thờ Khổng Tử và các thần phật, và ngăn cấm đạo Công Giáo.
 
Tuy diễn ra chớp nhoáng, nhưng cuộc ruồng bắt dưới thời Cảnh Thịnh rất dã man và tàn ác khiến giáo dân hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị trở tay không kịp. Họ đạo Cổ Vưu cũng như vùng Dinh Cát nói chung có hàng trăm giáo dân bị giết, và hàng ngàn người bị tống giam hoặc bỏ nhà bỏ cửa tìm nơi lánh nạn. Một số trong họ đã đến được La Vang. Họ phải trú ẩn trong các chòi tranh, dưới các gốc cây, hoặc lùm bụi. Cùng thời điểm lại xẩy ra bệnh dịch hoành hành. Nhiều người đã bỏ mạng tại nơi hoang địa này. Trong hoàn cảnh khốn khó ấy, giáo hữu chỉ biết cậy trông vào Chúa và Đức Mẹ. Dưới đám cỏ gần một gốc cây đa, họ họp nhau, lần hạt và kêu xin Mẹ thiên đình cứu chữa.
 
Một hôm, trong khi giáo hữu đang đọc kinh cầu nguyện thì Đức Mẹ hiện ra. Người mặc áo choàng rộng đẹp rực rỡ, tay bế Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần hầu cận. Đức Mẹ đứng trên đám cỏ gần gốc cây đa, nơi giáo hữu đang cầu nguyện. Đức Mẹ tỏ vẻ nhân từ và âu yếm, an ủi các giáo hữu vui lòng chịu khổ, và dạy hái lá quanh đó nấu uống để chữa lành các chứng bệnh. Đức Mẹ còn hứa rằng: “Các con hãy tin tưởng hãy cam lòng chịu khổ, Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện.”

Đức Mẹ đã hiện ra nhiều lần như vậy. Điều này được lưu truyền lại cho đến ngày nay.
 
LỊCH SỬ HIỆN RA TẠI LA VANG
 
Thời điểm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang cho tới nay qua hơn hai thế kỷ vẫn chưa có bằng chứng cụ thể để xác định. Nhiều vị cao niên sống vào khoảng thời gian gần với biến cố khi được hỏi đều trả lời là họ có nghe cha mẹ, người lớn kể lại nói là Đức Mẹ đã hiện ra tại La Vang cách đó khoảng cả 100 năm. Nhưng tất cả chỉ dựa vào truyền khẩu, và không có sử sách nào ghi chép rõ ngày tháng Đức Mẹ hiện ra tại đây.
 
Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn khi nói về Đức Mẹ La Vang cũng khẳng định như sau:
 
 “Sự tích về La Vang chúng tôi có biết được ít nhiều thì bởi truyền khẩu thư. Những điều truyền khẩu về Đức Mẹ La Vang thật hư thế nào mặc ai tự nghĩ. Chúng tôi chỉ luận chung rằng: Có tích mới dịch ra tuồng. Nay việc La Vang đã ra như một tuồng lớn lao thế này, lẽ nào mà là một việc vô tang tích...”

Cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ thứ XX, Thừa Sai Claude Bonin, cha sở Cổ Vưu, mỗi lần gặp những ai lớn tuổi đều hỏi họ về việc Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Trong một lần xức dầu cho một giáo dân Cổ Vưu, thọ gần 100 tuổi, vị Linh Mục có hỏi bà: “Bà nay gần đến toà phán xét, bà phải nói cho thật, khi nhỏ bà có nghe Đức Bà hiện ra ở La Vang không?” Và bà đã trả lời rằng: “Thưa cha có, lúc nhỏ con có nghe cha mẹ con và mấy người lớn kể lại các việc ấy... Bấy giờ, theo lời cha mẹ là lúc con sắp sửa chào đời, quê nhà lâm cơn cấm cách ác liệt.”
 
Nếu theo mốc lịch sử cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, là thời gian có bắt đạo, vậy Đức Mẹ hiện ra ở La Vang năm nào?
 
Thời Chúa Trịnh (1775-1786) sau khi chiếm Phú Xuân, đã ra lệnh bắt đạo hai lần vào năm 1779 và năm 1783. Nhưng trong hai lần này, lệnh bắt đạo không được thi hành nghiêm chỉnh, giáo dân vẫn không bị bách hại, ngoại trừ vài địa phương chính quyền lợi dụng cơ hội gây khó dễ với người Công giáo như dọa tịch thu ruộng đất, tống tiền, hoặc buộc các giáo dân tham gia vào các việc cúng bái, tế tự điều mà thời đó Giáo Hội không cho phép. Và vì không có hình phạt chết người, nên không đến nỗi người Công Giáo phải trốn lên rừng hoặc xuống biển.
 
Theo Đức Cha Gioan Labartette viết trong thư đề ngày 9 tháng 1 năm 1791, năm 1790 Nguyễn Huệ đã hạ lệnh lùng bắt các Thừa Sai. Tuy nhiên lệnh này chỉ thực hiện trong vòng sáu ngày và không được hạch hỏi, bắt bớ giáo dân. Như vậy, cuộc bắt đạo lần này cũng “không đủ điều kiện” để các tín hữu Dinh Cát phải trốn vào La Vang.
 
Nguyễn Ánh phục quốc (1801) lên ngôi lấy hiệu là Gia Long (1802-1819). Thời gian thống nhất đất nước, không có việc bắt đạo.
 
Minh Mạng (1820-1840), tuy có nhiều cuộc bắt đạo tàn khốc nhưng chỉ xẩy ra sau năm 1833.
 
Tài liệu cũng ghi nhận, mười ngày sau cuộc bố ráp, vua Cảnh Thịnh còn ban hành một sắc chỉ “truyền phá hủy tất cả các Nhà Thờ, tất cả các nhà ở của các Linh Mục và bắt tất cả những ai có thể bắt được.” Sắc chỉ viết: “Người dân trong nước phải giữ đạo Tam Cương, Ngũ Thường: Quân thần, phụ tử, phu phụ và nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đạo Datô có nhiều tà thuyết phải được cấm triệt để. Do đó muốn ích quốc lợi dân, hoàng đế truyền lệnh tiêu diệt đạo ấy vì là đạo đáng ghét.” Nhưng trong thư đề ngày 25 tháng 6 năm 1801, Thừa Sai Girard cho biết: “Cuộc bách hại này chỉ xảy ra dữ dội trong vòng khoảng một tháng bởi vì đã có bất hòa trong nội bộ Tây Sơn. Họ lo chém giết lẫn nhau và để cho chúng tôi yên.”
 
 “Khoảng một tháng” tính theo thư của Thừa Sai Girard tức là từ ngày 7 tháng 8 năm 1798 đến khoảng ngày 7 tháng 9 năm 1798. Và như vậy sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang (có thể) xảy ra vào tháng Tám hoặc đầu tháng Chín năm 1798, là thời gian mà cuộc bách hại đã xẩy ra một cách gắt gao, dữ dội. Đây cũng là thời gian Thánh Linh Mục Emmanuen Nguyễn Văn Triệu được phúc chết vì Chúa. Ngài bị bắt ngày 8 tháng 8 năm 1798 và tử đạo ngày 17 tháng 9 năm 1798.

NHỮNG SỰ KIỆN LIÊN QUAN ĐẾN LA VANG
 
Thánh Đường tranh đầu tiên
 
Năm 1801, Nguyễn Ánh phục quốc đánh bại nhà Tây Sơn, chấm dứt bắt đạo. giáo dân hồi hương về làng cũ. La Vang trở lại cảnh rừng thiêng hoang dã, ít người lui tới ngoại trừ những nông phu đi làm rẫy. Những người này thường hay đến van vái tại gốc cây đa cổ thụ, nơi tương truyền có bà linh thiêng hiện ra. Vì cho rằng đó không phải là Đức Bà của người Công Giáo mà chỉ là bà tiên, bà thánh giáng phàm, nên họ đã đắp lên một nền thờ vọng và rào sơ tứ phía, như có câu thơ sau:

Bên lương chức dịch nhộn nhàng
Đắp nền thờ vọng rào hàng sơ li.”
 
Khoảng năm 1820, dưới thời Minh Mạng, lương dân ba làng Thạch Hãn, Cổ Thành và Ba Trừ đã chung nhau dựng một ngôi chùa tranh trên nền thờ vọng ấy. Nhưng các vị chức sắc cả ba làng nhận ra có điềm ứng đây là nơi ngự của Đức Bà bên đạo, họ liền đồng thuận nhượng cúng ngôi chùa cho người Công Giáo. Và điều này cũng được ghi lại qua truyền tụng:
 
 “Cùng nhau bàn bạc rộn ràng
Chùa này để cúng về đàng đạo nhơn.”

Ngôi chùa tranh sau đó đã được sửa đổi thành ngôi Thánh Đường tranh. Đó là ngôi Thánh Đường tranh đầu tiên tại La Vang. Ngôi Thánh Đường này tồn tại khoảng chừng 29 năm (1833-1862) và đã bị phá hủy cùng chung số phận với tất cả những ngôi Thánh Đường trên toàn lãnh thổ Việt Nam do lệnh bắt đạo.

Lễ Toàn Thiêu trên nền Thánh Đường bị đốt

Sau hòa ước Nhâm Tuất 1862, vua Tự Đức ban hành chỉ dụ tha tháp, việc đạo được bình yên, nhiều cuộc hành hương băng rừng vượt núi vào La Vang kính viếng Đức Mẹ đã được giáo xứ Cổ Vưu tổ chức.

Những cuộc hành hương như thế diễn ra hằng năm và số giáo dân tham dự càng lúc càng đông biến cuộc hành hương La Vang cấp Giáo Xứ (Cổ Vưu) thành Giáo Hạt (Dinh Cát). Một ngôi Thánh Đường tranh khác được dựng trên nền cũ. Khoảng 20 năm sau, ngôi Thánh Đường này đã bị đốt khi nhóm Văn Thân cực đoan thảm sát Giáo Phận Huế năm 1885.

Sau khi thiêu sát họ Cổ Vưu vào ngày 7 tháng 9 năm 1885, hôm sau, quân Văn Thân kéo nhau vào La Vang. Trước cảnh vườn không nhà trống vì giáo dân đã hoảng sợ chạy lên núi, chúng bèn vơ vét của cải, đốt nhà cửa, bắt trâu bò, chỉ chừa lại ngôi Thánh Đường tranh vì nghe tiếng Đức Bà linh thiêng không dám đốt. Nhưng trưa ngày 9 tháng 9 năm 1885, một người ở làng Phú Long, xóm Bốc, tên là Thơ, con ông Mẹo đến La Vang với ý định hôi của. Vì thấy tất cả nhà cửa người Công Giáo nơi đây đã thành đống tro tàn chẳng còn gì để kiếm chác, chỉ còn lại ngôi Thánh Đường tranh vẫn đứng yên, hắn châm lửa đốt luôn.

Thấy La Vang có lửa cháy, nghi có chuyện gì chăng, nhóm Văn Thân đã trở lại La Vang. Khi biết Thơ đã làm một việc mà họ không dám làm: đốt Nhà Thờ La Vang! Họ kéo nhau tới nhà ông Mẹo chửi bới rồi phóng hỏa đốt cả nhà trên nhà dưới, thiêu chết ông Mẹo, Thơ và vợ con.

Trong số những giáo dân Cổ Vưu trốn lên La Vang lánh nạn. Tưởng rằng tình thế đã bình yên nên nhiều người trong họ đã quay trở về nhà mình. Không ngờ, một vài nơi dư đảng Văn Thân vẫn còn say máu, lẩn quẩn quanh khu vực La Vang, họ đã bắt được một nhóm 30 giáo dân Cổ Vưu khi vừa rời khỏi bìa rừng. Ông Thoàn xin cho cả nhóm được chết trên nền Thánh Đường La Vang vừa bị đốt. Họ đã trói ông và 29 giáo dân lại thành chùm rồi chất củi hỏa thiêu.

Thánh Đường tranh thứ ba

Sau thảm họa Văn Thân tình hình Dinh Cát trở lại bình yên. Giáo dân La Vang đã khởi công dựng lại ngôi thánh đường tranh nhỏ bé trên nền hoang, để sớm hôm có bóng Mẹ từ bi. Và ngôi thánh đường tranh La Vang thứ ba được dựng lên lưu dấu nơi Đức Mẹ đã đứng khi hiện ra.

Trong Báo Cáo Năm 1894 linh mục Patinier Kinh, cha sở Cổ Vưu kiêm quản hạt Quảng Trị cho biết: “Năm 1885 ngôi Nhà Thờ ở đây cũng như những Nhà Thờ khác trong hạt, không thoát khỏi thảm họa... Khi hoà bình vừa vãn hồi, con đã cấp tốc dựng lại ngôi Nhà Thờ nhỏ bé, tạm bợ để chờ nguồn kinh phí cũng như để chờ cho tình hình bớt nhiễu nhương...”

Cũng theo Linh Mục Patinier Kinh, ngôi Thánh Đường được tạo dựng năm 1894, trở thành ngôi Thánh Đường tranh La Vang thứ ba và tồn tại khoảng 9 năm, từ cuối năm 1885 đến năm 1894.

THỜI KỲ PHÁT TRIỂN (1894-1960)

Ngôi Thánh Đường ngói
 
Năm 1885 khi tiếng đồn Đức Mẹ La Vang đã ban nhiều ơn lành hồn xác vượt địa phân Huế, Đức Giám Mục Caspar Lộc quyết định cho xây dựng tại La Vang một ngôi thánh đường bằng ngói. Mọi vật liệu cần thiết đã được chuẩn bị, và dự định sẽ khởi công vào năm 1886, nhưng do nạn Văn Thân nên hoãn lại mãi đến 1894 mới được thực hiện. Thánh đường cũng đã được Đức Giám Mục Caspar Lộc làm phép và khánh thành vào dịp Đại Hội La Vang lần thứ nhất, ngày 8 tháng 8 năm 1901, 14 với tước hiệu Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu.

Nơi chính diện mặt tiền, phía trên cửa ra vào in nổi năm chữ nôm

LA VANG CUNG CHỦ MẪU
(LA VANG CUNG ĐIỆN MẸ CHÚA TRỜI = ĐỀN THỜ ĐỨC MẸ LA VANG).
 
Ngôi thánh đường này tồn tại được 25 năm (1900- 1925), dấu chứng còn lại là bức tranh “Thánh Đường La Vang” do một họa sĩ ngoại giáo tài hoa, Nguyễn Khắc Nhân vẽ. Bức ảnh vẫn còn lưu truyền hình ảnh ngôi thánh đường ngói cho đến ngày nay.
 
Thánh Tượng Mẹ La Vang
 
Trong dịp Đại Hội La Vang lần đầu tiên – khánh thành ngôi Thánh Đường ngói, Đức Giám Mục Caspar Lộc đã cung thỉnh thánh tượng Đức Mẹ La Vang theo mẫu tượng Đức Bà Chiến Thắng đặt trong thánh đường.
 
 “Đức Mẹ mặc áo choàng màu thiên thanh, phủ trên áo trắng ngà, đầu đội triều thiên vàng, chân đứng trên đám mây. Nét mặt dịu hiền, dáng điệu uy nghi. Hai tay Mẹ nâng đỡ Chúa Hài Đồng đứng bên tay mặt. Chúa Giêsu Hài Đồng xinh xắn trong bộ áo màu hồng, đầu đội triền thiên, chân đứng trên quả địa cầu lấp lánh mấy vì sao. Chúa Hài Đồng một tay níu áo Mẹ, nương tựa vào Mẹ như để làm gương cho ta, một tay giơ ra như để mời gọi ta chay đến cùng Mẹ để tỏ lòng hiếu thảo mến yêu và lãnh nhận muôn ơn lành nhờ lời Mẹ chuyển cầu.”
 
Thánh tượng quý giá này đã bị hủy hoại trong cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.
 
Nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, trong cuộc họp ngày 24 tháng 2 năm 1998 tại Hà Nội, ban thường vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã quyết định chọn pho tượng Thánh Mẫu La Vang của họa sĩ kiêm điêu khắc gia Văn Nhân, thực hiện tại Hoa Kỳ, làm mẫu tượng chính thức thay mẫu tượng cũ Đức Mẹ La Vang Nữ Vương Chiến Thắng.
 
Pho tượng Thánh Mẫu La Vang đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II làm phép ngày 1 tháng 7 năm 1998 tại Rôma, trước khi được gởi sang Việt Nam.
 
Ý nghĩa pho tượng mới được giải thích như sau:
 
 “Đức Mẹ từ ái vận trang phục hoàng hậu, áo trong trắng ngà, áo ngoài xanh thiên thanh viền vàng, tương ứng với đôi hài màu vàng nhạt. Vương miện diễn tả Đức Maria vừa là Người Mẹ nhân từ vừa là Nữ Vương uy linh. Mẹ bồng Chúa Giêsu Hài Đồng trên tay, đầu Mẹ hơi ngả về phía Con, người Con hơi nghiêng về phía Mẹ diễn tả hai Mẹ Con tâm đầu ý hợp đoái nhìn xuống đoàn con dưới thế. Chúa Giêsu Hài Đồng uy nghi trong bộ áo màu hồng, trước ngực có vòng tròn vàng lồng trong hai chữ Alpha và Omega (Ta là khởi thủy và là tận cùng). Trong tư thế của Chúa Tình Thương tuyệt hảo, tay trái Chúa chỉ lên Thánh Tâm đầy thương xót của Người. Vì Mẹ La Vang đã nhận lời nên Chúa đưa tay ban phép lành cho con cái Việt Nam và những ai tín thác nơi Người.”

Đền Thánh Mẹ La Vang
 
Trong dịp Đại Hội La Vang 8 (1923), Đức Giám Mục Allys Lý nhận thấy số giáo dân hành hương ngày một đông, ngôi thánh đường ngói thì quá chật hẹp, lại đã xuống cấp, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nên đã quyết định xây dựng ngôi đền thánh rộng lớn tại La Vang. Đức cha đã giao phó trọng trách này cho cha sở Cổ Vưu.
 
Ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11 tháng 2 năm 1924, cha sở Cổ Vưu Morineau Trung khởi công xây dựng đền thánh La Vang theo đồ án của kiến trúc sư Carpentier. Sau bốn năm xây cất, Đền Thánh La Vang vĩ đại đã hoàn thành ngoại trừ phần tháp chuông chưa xong. “Ngôi thánh đường với hai tầng mái và hai cánh thánh giá cổ điển, cùng với cây tháp vuông hai tầng cao ngất nổi bật lên giữa cảnh đồi cát chung quanh và núi rừng xa xa. Đây là ngôi thánh đường ngói thứ hai minh chứng lòng thành kính Đức Mẹ La Vang của giáo dân toàn quốc.”
 
8 giờ sáng ngày 20 tháng 8 năm 1928, ngày đầu trong tam nhật Đại Hội La Vang 9, Đức Giám Mục Allys Lý đã long trọng cử hành nghi thức làm phép ngôi thánh đường mới. Sau đó, Chúa nhật ngày 30 tháng 9 năm 1928, chuông thánh đường mới được làm phép. Qua năm tháng Đền Thánh La Vang bị hư hại nặng. Năm 1959, cha sở La Vang Giuse Trần Văn Tường cho trùng tu, thay toàn bộ tường gỗ, lợp lại mái ngói và đóng trần mới.

TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC (1961- 1963)
 
Trong phiên họp ngày 13 tháng 4 năm 1961 Hội Đồng Giám Mục Miền Nam đã đồng thanh quyết định La Vang là Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc và chọn Đền Thánh La Vang làm đền thờ kính dâng Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Đồng thời chấp thuận một chương trình kiến thiết Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang.
 
Trong đền thánh được đặt bốn bàn thờ cẩm thạch lấy từ núi Ngũ Hành Sơn. Bàn thờ chính dâng kính Đức Mẹ và ba bàn thờ phụ dâng kính các thánh tử đạo ba miền Bắc, Trung, Nam. Đồng thời đền thánh được chỉnh trang để chuẩn bị đón nhận tước hiệu Vương Cung Thánh Đường.

Sáng ngày 22 tháng 8 năm 1961, ngày xức dầu đền thánh, cũng là ngày cuối cùng trong 6 ngày Đại Hội La Vang 15, trước hàng giáo sĩ và 300.000 giáo dân, Đức Ông De Nitris, thư ký Tòa Khâm Mạng, đại diện Tòa Thánh tuyên đọc nguyên văn bằng La ngữ sắc chỉ Magno Nos Solatio của Thánh Giáo Hoàng Gioan  XXIII nâng Đền Thờ La Vang lên bậc Vương Cung Thánh Đường. 18 Tiếp đó, Đức Tổng Giám Mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục tuyên bố: “Kể từ nay Vương Cung Thánh Đường và khu vực La Vang là Nhà của Mẹ, Đất của Mẹ, là Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc.”Vương Cung Thánh Đường La Vang – Đền Thánh La Vang sau 44 năm (1928 – 1972) là nơi con cái bốn phương ngày đêm tìm đến để dâng lời tạ ơn, cầu xin, và khấn nguyện bên và với Mẹ đã bị bom đạn phá hủy hoàn toàn trong cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Nay chỉ còn di tích tháp chuông…

GIAI ĐOẠN TÁI THIẾT HIỆN TẠI

Theo tài liệu trích từ “Nội dung từ Văn Bản Bàn Giao của cha sở Diên Sanh kiêm La Vang E. Nguyễn Vinh Gioang – Dịp lễ nhậm chức quản nhiệm Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang của Lm. Giuse Dương Đức Toại – Ngày 16.2.1995”, năm 1995, Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể, đã bắt đầu thực hiện chương trình tái thiết La Vang.

Năm 2008, thánh địa được chính quyền tỉnh Quảng Trị cấp lại 21 ha đất để “phục vụ hoạt động tín ngưỡng của giáo dân” nên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã quyết định xây lại đền thờ La Vang cho xứng với Trung Tâm Hành Hương quốc gia. Ngày 6.1.2011, Hồng Y Ivan Dias – Đặc sứ không thường trực của Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI trong dịp bế mạc Năm Thánh, kỷ niệm 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam (1960- 2010) đã làm phép viên đá để sau này được dùng làm đá tảng xây dựng Vương Cung Thánh Đường mới.

Ngày 15.8.2012, lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, ngày truyền thống hàng năm của Trung Tâm Hành Hương La Vang. Trước sự chứng kiến của trên 200.000 tín hữu từ khắp nơi tụ về, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, cùng với sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa thánh tại Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Huế và 16 vị Giám Mục thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 1 Đan Viện Phụ, 217 Linh Mục, cùng hàng trăm tu sỹ nam nữ đã long trọng cử hành nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang.
 
Dự án mới dự kiến được xây dựng trên một mặt bằng có diện tích 13.464m2 thể hiện phong cách kiến trúc Việt, mang hồn Việt qua hình dáng những tấm mái ngói thân quen, kiểu dáng ngôi nhà ở, ngôi đìnhViệt, những họa tiết diễn tả cụ thể những ân huệ của Thiên Chúa.

Quần thể đồ án còn bao gồm Công Trường Mân Côi với các pho tượng mười lăm mầu nhiệm Mân Côi theo cách điệu trừu tượng. Lễ đài mang hình ảnh thu nhỏ đàn tế Nam Giao ở Huế với nền vuông (dưới) tượng trưng cho đất và nền tròn (trên) tượng trưng cho trời. Từ hai nền đất vuông tròn hòa hợp ấy vươn lên tám chiếc lọng vàng (thấp), xanh (cao) theo hình tứ trụ. Một chiếc độc lập, cao hẳn trấn thủ đỉnh đài, tạo cảm giác đường bệ uy nghi. Lễ đài vừa là nơi cử hành các thánh lễ đồng tế, vừa dùng làm sân khấu cho những đêm diễn nguyện trong các kỳ đại lễ, đại hội. Nhà Truyền Thống. Quảng Trường Thánh Tâm. Tháp Cổ. Di tích lịch sử La Vang sau chiến cuộc Mùa Hè 1972.

SỨ ĐIỆP LA VANG

Căn cứ vào những lời Đức Mẹ đã phán với các con của Mẹ trong thời gian bị cấm cách, bị ruồng bắt vì danh Chúa: “Các con hãy tin tưởng hãy cam lòng chịu khổ, Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện.”

Và cũng căn cứ vào những lời cầu xin của Hội Đồng Giám Mục Nam Việt Nam trong Kinh Dâng Nước Việt Nam Cho Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Sứ Điệp mà Đức Mẹ La Vang muốn gửi đến con cái Việt Nam qua các thời đại, đó là dù bất cứ trong cảnh huống nào, dù trong bất cứ nỗi thống khổ nào, Mẹ luôn luôn đồng hành với các con để:

Gìn giữ Giáo Hội Việt Nam;
Nâng đỡ và ủi an những con cái Mẹ khi họ phải khốn khó vì Đạo Chúa;
Nhất là Mẹ sẽ cứu dân tộc Việt Nam thoát nạn CS vô thần.

Tại La Vang, dù giữa cơn cấm cách của các thời kỳ cấm đạo xa xưa, hoặc ngày nay trong sự thù nghịch, bắt bớ, đàn áp tinh vi của chính quyền vô thần, Đức Maria vẫn luôn là người Mẹ rất mực thương yêu, lo lắng, bầu chữa cho con cái của Mẹ, bênh vực Giáo Hội Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Một sự trùng hợp rất ý nghĩa khi các Giám Mục Việt Nam lúc đó đã nhìn lên Đức Mẹ La Vang cũng bằng những ánh mắt mà các Kitô hữu bị bắt bớ, bị tù tội, hoặc bị giết vì đạo Chúa, vì niềm tin trong thời Cảnh Thịnh, Văn Thân, và các triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Nhưng có lẽ những cấm cách, bắt bớ, và những hình thức tử đạo thời đại ngày nay còn tinh vị, quỉ quyệt, tàn bạo và sắt máu hơn.

Như hình ảnh người nữ đạp giập đầu con rắn trong Cựu Ước. Lời Đấng Toàn Năng phán: “Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người phụ nữ. Giữa dòng giống ngươi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đạp giập đầu ngươi, và ngươi sẽ cắn vào gót chân nó.” (St 3,15). Mẹ Maria, người Nữ Đồng Trinh, dòng dõi của Mẹ là Đức Kitô sẽ đạp giập đầu Satan, con rắn già hỏa ngục để giải thoát và đem lại chiến thắng cho các con cái Mẹ. Nhưng hắn thì tìm cách trả thù bằng cách cắn vào gót chân Mẹ là con cái loài người. Vì thế, khi con cái Mẹ bị những “vết cắn” thù hận ấy, Mẹ không đứng nhìn và im lặng. Nhưng Mẹ đã xuất hiện và ra tay bênh đỡ: “Từ nay về sau hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện.”
 
Ý nguyện ấy trong thời gian cấm cách đạo Chúa là trả lại sự bình an cho niềm tin được đâm bông, kết trái trên đất nước Việt Nam. Ý nguyện ấy tuy chưa được thực hiện lúc này, nhưng sẽ được thực hiện, đó là lời cầu xin của các Giám Mục nhân danh Giáo Hội Việt Nam, nhân danh dân tộc Việt Nam, và nhân danh đoàn con Việt Nam:
 
 “Xin Mẹ gìn giữ Giáo Hội Việt Nam. Xin Mẹ nâng đỡ  và ủi an những anh em của chúng con đang phải khốn khó vì Đạo Chúa… Nhất là xin Mẹ cứu chúng con thoát nạn CS vô thần, để mọi người được sống trong tự do hòa bình, ngõ hầu Nước Chúa được mở rộng khắp nơi.”
 
Lời Mẹ hứa tại La Vang cũng phản ảnh lời Mẹ hứa tại Fatima: “Cuối cùng Trái Tim Mẹ sẽ thắng”.

THỰC HÀNH SÙNG KÍNH
 
Năm 1798 khi hiện ra tại La Vang, Đức Mẹ đã khuyên các con cái Mẹ đang trải qua cơn gian nan, bắt bớ: “Các con hãy tin tưởng hãy cam lòng chịu khổ.” Và Người khuyến khích họ: “Hãy chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này.” Để tỏ lòng kính mến Đức Mẹ và để tiếp tục cầu xin ơn hòa bình cho Giáo Hội và quê hương Việt Nam, năm 1961 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã dâng lời khấn nguyện lên Mẹ: “Chúng con nguyện muôn đời ghi nhớ ơn Mẹ và cùng nhau xây dựng một đền thờ hay một công tác nào khác dâng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, để lưu truyền cho hậu thế ơn che chở đặc biệt của Mẹ.”
 
Vậy những lời Mẹ dạy và những lời khấn hứa của Hội Đồng Giám Mục có ý nghĩa gì đối với mỗi người chúng ta?
 
 “Tin tưởng hãy cam lòng chịu khổ!”
 
Trước đây trong lúc gian nan, bắt bớ và nay giữa những trù dập và cấm cách, Đức Mẹ muốn mỗi người con Mẹ thực hành qua lời nhắn nhủ này là sự trung thành, can đảm sống đức tin, dù có phải hy sinh chính mạng sống mình. Vì Mẹ đã phán: “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin”.

Phó thác đời mình, tương lai mình cho sự phù trợ và bàn tay từ mẫu của Mẹ sẽ dẫn chúng ta đến việc trung thành, bền bỉ sống theo luật Chúa, và mạnh dạn, nỗ lực làm chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống.
 
 “Chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ.”
 
Tại La Vang, Mẹ đã hứa ban ơn cho những ai chạy đến cầu khẩn với Người. Điều này đồng nghĩa với lời Mẹ nói về việc siêng năng lần hạt khi hiện ra tại Fatima, bởi vì cầu nguyện lúc ấy đối với các tín hữu Việt Nam có gì khác hơn là lần hạt: “Dưới đám cỏ gần gốc cây đa, họ họp nhau, lần chuỗi và kêu xin Mẹ thiên đình cứu chữa.” Đối với những mảnh đời đang đau khổ, và trước những đe dọa về mạng sống, về đức tin, về tôn giáo, về chiến tranh, và về hòa bình thì Kinh Mân Côi chính là “thuốc chữa bệnh thời thế”. (Lm. Đaminh Maria Trần Đình Thủ).

Cùng nhau xây dựng một đền thờ.”
 
Xây một đền thờ hay một công tác nào khác dâng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, là lời của Hội Đồng Giám Mục nhân danh toàn thể Giáo Hội Việt Nam. Trải qua nhiều năm tháng dưới ảnh hưởng của chiến tranh, của cấm cách, ngày nay Vương Cung Thánh Đường La Vang, và toàn thể dự án tái thiết linh địa La Vang đang được thực hiện. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là mỗi tín hữu hãy xây dựng đền thờ tâm hồn mình để xứng đáng là nơi Thiên Chúa ngự trị: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em.” (1Cr 3,16, 17b).
 
Ngày 22 tháng 8 năm 1961, dịp Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII nâng Đền Thờ La Vang lên bậc Vương Cung Thánh Đường, Đức Tổng Giám Mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục đã tuyên bố:
 
“Kể từ nay Vương Cung Thánh Đường và khu vực La Vang là Nhà của Mẹ, Đất của Mẹ, là Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc.” Nơi đó Mẹ sẽ đón tiếp mọi con cái Mẹ từ khắp muôn phương trở về. Nơi đó, Mẹ sẽ an ủi, vỗ về, và sẽ lau khô những dòng lệ cho các con của Mẹ. Nơi đó, Mẹ sẽ ban tràn đầy muôn ơn lành hồn xác cho các con cái Mẹ. Và nơi đó, mọi con cái Mẹ sẽ dâng lên Thiên Chúa toàn năng lời chúc tụng, ca khen vì “Chúa đã làm những sự trọng đại” cho Mẹ và qua Mẹ ơn Ngài đổ xuống trên con cái của Ngài.
 
Tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ La Vang, ngày Vương Cung Thánh Đường La Vang mới được thánh hiến, trung tâm hành hương La Vang được khánh thành cũng là ngày mà Thiên Chúa sẽ ban tự do, hòa bình, và công lý xuống trên dân tộc và quê hương Việt Nam.
 
KINH DÂNG NƯỚC VIỆT NAM
CHO ĐỨC MẸ MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

(Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 1961)
 
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng con toàn thể giáo hữu Việt Nam hết lòng trông cậy chạy đến cùng Mẹ.

Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ chúng con. Mẹ là Nữ Vương toàn năng, là Đấng Bầu Cử cho chúng con trước tòa Chúa. Biết bao lần Mẹ cứu vãn Giáo Hội và các dân tộc trong cơn nguy biến. Chúng con hết lòng thành kính hiến dâng Giáo Hội và tổ quốc Việt Nam cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, để thực hành mệnh lệnh của Mẹ và để nhờ Mẹ che chở phù trì ngày nay và mãi mãi! Xin Mẹ gìn giữ Giáo Hội Việt Nam. Xin Mẹ soi sáng hàng giáo phẩm, dìu dắt và thánh hóa các linh mục. Xin Me giúp sức cho toàn thể giáo dân được trung thành giữ luật Chúa, và sốt sắng làm việc tông đồ. Xin Mẹ nâng đỡ và ủi an những anh em của chúng con đang phải khốn khó vì Đạo Chúa.

Xin Mẹ chúc lành cho Tổ Quốc Việt Nam. Xin Mẹ hướng dẫn các nhà lãnh đạo dân tộc. Xin Mẹ đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần tất cả các cơ cấu quốc gia. Xin Mẹ cho toàn thể dân Việt biết đoàn kết để cùng nhau xây dựng lại giang sơn. Nhất là xin Mẹ cứu chúng con thoát nạn Cộng Sản vô thần, để mọi người được sống trong tự do hòa bình, ngõ hầu Nước Chúa được mở rộng khắp nơi.

Chúng con nguyện muôn đời ghi nhớ ơn Mẹ và cùng nhau xây dựng một đền thờ hay một công tác nào khác dâng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, để lưu truyền cho hậu thế ơn che chở đặc biệt của Mẹ.

Lạy Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng con thành khẩn kêu đến Mẹ, vì chúng con biết Mẹ sẽ nhận lời chúng con, và mặc dầu mọi nỗi khó khăn hiện tại, chúng con tin chắc Trái Tim Mẹ sẽ thắng. Amen.

KINH THÁNH MẪU LA VANG

Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang, đầy muôn ơn phước, ngời chói hào quang, muôn vàn Thần Thánh không ai sánh bằng. Ðức Chúa Trời đã đoái thương chọn Mẹ, tinh tuyền thánh thiện, sinh Ðấng cứu độ muôn loài. Mẹ đã chọn La Vang mà hiện đến, cứu giúp hộ phù tổ tiên chúng con lương giáo, giữa thời ly loạn cấm cách, khốn khổ trăm bề.

Từ ấy gót chân Mẹ bước đến, vẫn mãi đầy ơn thiêng. Ơn phần hồn ơn phần xác, người bệnh tật kẻ ưu phiền, nào ai cầu khẩn mà Mẹ không nhậm lời.

Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang, Mẹ là Thánh Mẫu Chúa Trời, cùng là Thánh Mẫu loài người chúng con. Cúi xin xuống phước hải hà, đoái thương con cái thiết tha van nài.
 
Xin cho chúng con tấm lòng từ bi nhân hậu, đại lượng bao dung, cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống.

Xin Mẹ phù hộ chúng con, luôn sống đức hạnh, đầy lòng cậy trông. Và sau cuộc đời nầy, xin cho chúng con được về sống bên Mẹ, hưởng vinh phúc trong Chúa Ba Ngôi muôn đời. Amen.
 
(Kinh Thánh Mẫu La Vang cho Năm Toàn Xá Ðức Mẹ La Vang 1998-1999 Khai mạc trọng thể tại Thánh Ðịa La Vang lúc 9 giờ ngày 1 tháng 1 năm 1998 và bế mạc ngày 15 tháng 08 năm 1999)

Imprimatur

La Vang ngày 8 tháng 12 năm 1997,

+Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể,
Giám Quản Tông Tòa Huế

Tác giả: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập226
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm200
  • Hôm nay23,801
  • Tháng hiện tại269,209
  • Tổng lượt truy cập67,294,056
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây