Cha Bề trên PX. Nguyễn Văn Thuận. Từ Tiểu Chủng viện Hoan Thiện đến nhà thờ Santa Maria della Scala [4]
2022-04-18T10:59:56-04:00
2022-04-18T10:59:56-04:00
http://www.cuucshuehn.net/Duc-HY-FX-Nguyen-Van-Thuan/cha-be-tren-px-nguyen-van-thuan-tu-tieu-chung-vien-hoan-thien-den-nha-tho-santa-maria-della-scala-4-12161.html
http://www.cuucshuehn.net/uploads/news/2022_04/dhy-nguyen-van-thuan-12.jpg
Cựu Chủng Sinh Huế
http://www.cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ hai - 18/04/2022 10:50
Từ ngôi nhà chủng viện của một giáo phận nhỏ, giờ đây cha Bề trên đang an nghỉ trong ngôi nhà thờ cổ kính Santa Maria della Scala của thánh đô Roma, kinh thành muôn thuở. Con đường đi qua có hoa lá, vinh quang mà cũng đầy sỏi đá chông gai, thập giá, ngược đãi như lời Thầy Giêsu đã hứa sẽ dành cho các môn đệ.
(Tiếp theo và hết)
2.9 Ngài có sức truyền cảm hứng
Trong những năm mở công ty sản xuất kinh doanh, số nhân viên lên đến trên 300, xem hồ sơ lý lịch chúng tôi nhận thấy phân lớn công nhân trẻ, trình độ học vấn chỉ lớp 6, 7, 8, bỏ học nửa chừng, chưa hết trung học phổ thông vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn mà tương lai đang mở ra với thời kỳ đất nước mở cửa.
Lời ngài có sức truyền cảm hứng cho ban giám đốc chúng tôi (Cần-Liêm-Tập-Huệ-Hiếu- Quang-Hiển) lập chương trình Khuyến Học.
“Con phải là ‘tông đồ phát triển’” như Đức Phaolô VI đã kêu gọi và chính ngài đã là vị giáo hoàng lữ hành vì phát triển và hòa bình” (ĐHV 603).
Chương trình khuyến học gồm:
+ Phụ cấp tiền trường (sách vở, đồng phục) cho con em nhân viên vào đầu năm học.
+ Cấp toàn bộ học phí, sách vở cho công nhân đi học bổ túc văn hóa.
+ Cấp toàn bộ học phí cho việc học thợ điện, điện lạnh, vi tính, kế toán.
+ Học giỏi sẽ được khen thưởng.
Từ khi chương trình khuyến học mở ra, sau giờ làm việc không còn thấy cảnh công nhân kéo nhau đàn đúm đi nhậu nhẹt. Hiệu ứng thứ hai là tờ báo quận Thủ Đức có đăng bài biểu dương “Có một công ty TNHH như thế - Cty Mimosa”. Ông bí thư huyện ủy đọc báo, đến công ty xem thực hư, thấy tờ thông báo trên bản tin tức, ông xin một tờ làm chứng từ để phổ biến việc tốt cho các đơn vị trong huyện. Từ đó, ông cộng sản bắt đầu có thái độ thiện cảm với dàn lãnh đạo có đạo của công ty.
Mười mấy năm sau chương trình Khuyến học, có anh làm phó giám đốc một chi nhánh ngân hàng; có anh lấy bằng kỹ sư xây dựng mà khởi đầu học bổ túc văn hóa lớp 7, vào công ty làm công nhân phụ việc cho một ông thợ cả lo sửa chữa nhà xưởng, nay lập công ty xây dựng; có những cử nhân Anh văn, có những cử nhân quản trị kinh doanh; thợ điện, tốt nghiệp trung học phổ thông thì nhiều.
Chuyện liên quan đến chương trình Khuyến học là có một lần tôi đang lái xe trên đường ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất, thấy một viên công an giao thông ra dấu chận xe, tôi tấp vô lề dừng lại, trình giấy tờ, liền khi đó một anh khác cũng bước đến: “A chú! con chào chú”. Anh nầy nhận ra tôi.
- Qua có tội tình gì vậy em?
- Chú lấn đường, mà thôi không có chuyện gì. Chú nhớ lái xe cẩn thận. Lâu ngày gặp lại chú. Chú có khỏe không?
Anh ta nhờ chương trình Khuyến học, học hết THPT, vô nghành công an.
Lần nầy khỏi phải mất tiền đóng phạt. Đầu tư không ngờ có lời. Hi hi!
Chuyện thứ 2: Các công ty về nghành thực phẩm - giải khát thường có lịch kiểm tra bởi Sở Y tế. Hôm đó chúng tôi tiếp đoàn kiểm tra liên ngành 6 người, một anh đến chào tôi:
- Chú nhận ra con không?
Tôi ngạc nhiên về sự hiện diện của anh trong đoàn. Khi vào làm việc, nghe trưởng đoàn giới thiệu anh ấy là thư ký của đoàn.
Tôi quên sao được, anh nầy có tiếng siêng năng, hết giờ làm việc là thấy cầm cuốn sách. Công ty có chế độ nội trú giúp cho công nhân ở xa đến làm việc ăn ở. Tôi hỏi thăm học hành tới đâu mà vào được Sở Y tế thành phố. Anh cho biết đã có hai bằng đại học. Tôi có một lời động viên: “Gắng lên! Tương lai còn dài.”
Thực ra, chương trình Khuyến học chỉ là một cái thang trao. Người nào có chí thăng tiến thì bước lên thang, bền chí, gắng sức leo cao đến hết các bậc thang thì thấy có nhiều cánh cửa mở để đi tiếp làm hành trang vào đời.
Tuy vậy, có một số ít người được trao cơ hội nhưng không nắm lấy, bỏ chương trình sau một vài lớp học.
Ngài là một nguồn cảm hứng thúc đẩy tôi tham gia những việc tông đồ giáo dân. Năm đó, giáo xứ tôi có kế hoạch thay đổi nhân sự hội đồng mục vụ, cha xứ muốn có lớp người mới, ngài gợi ý cho một ông trùm sắp nghỉ hưu đến đề nghị tôi tham gia. Tôi từ chối ngay lập tức với lý do công việc kinh doanh bề bộn, nhưng vị nầy thật “võ công cao cường” xuất một chiêu độc làm tôi thua ngay: “Cậu là học trò của ĐHY mà từ chối làm việc cho giáo xứ sao?”. Tôi tỉnh ngộ, cám ơn cụ và nhận lời. Gần 20 năm tham gia hội đồng muc vụ, thừa tác viên Thánh Thể ngoại thường, tham gia ban Caritas, hiệp hội Thánh mẫu của giáo xứ, thành viên ban mục vụ truyền thông giáo phận, hội doanh nhân công giáo; đồng hành với những chuyến công tác bác ái từ thiện từ Tây nguyên cho đến miền Tây Nam bộ. Đó là những chuỗi ngày thêm việc nhưng cảm thấy vui thích và hữu ích cho nhiều người: đem Mình thánh cho người liệt lào, tiếp xúc với người có hoàn cảnh khó khăn, thăm viếng những người yếu đau, lo tang lễ cho cho người trong giáo họ, tìm và đem các trẻ em cha mẹ lơ đạo đến học giáo lý... Không làm được việc gì lớn lao chỉ những việc cỏn con nhưng theo lời ngài làm “việc nhỏ, lòng lớn” (ĐHV 807).
2.10 Cha Bề trên đồng hành cùng Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Năm 2011, khoảng tháng 6, tại Quảng Thuận, Lm Trần Văn Quí, Tổng đặc trách cựu chủng sinh Huế, mở cuộc họp trù bị cho ngày Hội Ngộ kỷ niệm 50 năm thành lập chủng viện Hoan Thiện. Tham dự ngày họp: từ Huế vào có cha Quí TĐT, Phạm Thanh Cương; cha Võ Quý, linh hướng vùng Nha Trang-Ninh Thuận, cha Lê Minh Cao, Lê Văn Hùng… và vùng Sàigòn có Lê Cần, Hùng Dũng... Cuộc họp đã thống nhất về chương trình 3 ngày Hội ngộ và quan trọng là chọn linh đạo của Cha Bề trên làm kim chỉ nam cho Gia đình CCS Huế để cha Bề trên luôn hiện diện với các chú như ngày nào. Không còn gì hợp tình hợp lý hơn.
Trong kỳ Hội Ngộ Toàn quốc đầu tiên nầy, tại Trung Tâm Mục vụ TGP Huế, Lm. Nguyễn Hữu Giải đã có bài thuyết trình về linh đạo của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie. Đồng thời, một biểu tượng gắn liền với gia đình cựu chủng sinh Huế là chiếc cà-vạt màu đỏ có hình Nhà nguyện với tháp Thánh giá và hàng chữ Gaudium et Spes được trao cho mọi tham dự viên. Từ đó mỗi lần có họp mặt, lễ lạt, chiếc cà-vạt đó không thể thiếu trên màu áo anh em cựu chủng sinh.
2.11 Ngài đã ‘chạm’ đến con tôi
Năm 2014, đứa con trai thứ của tôi đến phòng nha của một bác sĩ nha khoa giàu kinh nghiệm và thân quen. Bệnh nhân ngồi lên ghế chừng 5’ thì bác sĩ hoảng hốt: Kim mài răng đã tuột ra và chạy qua cổ họng. Bác sĩ ra phòng ngoài báo với mẹ cháu tai nạn. Phản ứng tức thời của mẹ cháu là vừa xin ông bác sĩ, nha tá cầu cùng Đấng Tôi tớ Chúa ĐHY FX. Thuận vừa vội vàng đưa cháu đến bệnh viện An Sinh gần đó, chụp X-Ray cho thấy cây kim cỡ 1,5cm nằm ngang trước cuống bao tử. Nghe biết sự việc nầy, tôi liên tưởng đến thời kỳ nhà tôi nuôi một đàn heo 10 con, đang khi chúng hùng hục ăn, bỗng một con lăn đùng ra, nấc lên eng éc vài tiếng, lăn quay tắt thở, chết tươi chẳng kịp nhắm mắt. Mổ bụng ra thấy đầy rau và 01 cây tăm thủ phạm đâm lủng ruột, máu đầy khoang bụng.
Về nhà, chẳng biết làm gì hơn là cho cháu ăn thêm rau và cả nhà ông bác sĩ cùng chúng tôi đều tha thiết khẩn cầu ngài cứu giúp. Ngày hôm sau, chúng tôi đem cháu đi chụp CT lại, chụp đủ góc cạnh, không thấy kim nữa. Tạ ơn Chúa! Sự tồi tệ cho con heo xấu số đã không xảy ra cho cháu bởi cây kim. Chúng tôi tin ngài đã ‘chạm đến’ cháu. Và tạ ơn ngài.
Tháng 8/2018, vợ chồng chúng tôi cùng cháu đi trong đoàn du lịch hành hương Châu Âu, đến Roma đoàn viếng nhà thờ Santa Maria Della Scala (Đức Mẹ Cầu thang), nơi đặt mộ phần Đấng Đáng Kính để tạ tội với ngài vì đã không đi hết con đường ngài muốn giúp tôi đi và tạ ơn đại ân nhân. Một chi tiết nhỏ: Trong thời gian đoàn hành hương Roma trú tại Foyer Phát Diệm, tôi khen các sơ nấu ăn rất ngon, sơ liền khoe ĐHY Thuận dạy chúng con nấu nhiều món ăn, khen cái gì ngài cũng giỏi. Ngài đã trú tại đây một thời gian dài trước khi nhận chức Chủ tịch Hội đồng Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh.
2.12 Tiếp đón cha Stefaan Lecleir: Người viết sách về cha Bề trên
Đầu năm 2019 giáp Tết Kỷ Hợi, do sự giới thiệu của bạn Nguyễn Cả, anh em chúng tôi Cảnh, Quỳnh, Cần, Liêm cùng quí phu nhân và mấy thân hữu (nhà viết sử công giáo Lê Thiện Sĩ và đạo diễn Vinh Sơn bận không đến được) tiếp đón Lm. Stefaan Lecleir, giáo sư đại chủng viện ở Belgique, một người rất mến mộ ĐHY đến Sàigòn. Chúng tôi không thông báo rộng rãi do ngại cha Stefaan bị làm khó. Cha đi từ Hà Nội, Huế, Nha Trang đến Sàigòn, những nơi có ghi đậm nét dấu chứng của ĐHY, gặp những chứng nhân để lấy tư liệu viết về ngài. Với đầu óc chính xác và khoa học của người viết sử, cha không quản khó nhọc vất vả đi tìm thêm tư liệu và xác minh những điều đã nghe biết.
Trước tiên, chúng tôi đưa cha đến gặp Cha GB. Võ Văn Ánh, đang nghỉ hưu tại quận Hóc Môn, nói chuyện suốt 2 giờ về những kỷ niệm với ĐHY. Sau đó, chúng tôi lên Củ Chi, được anh chị Đỗ Thắng Cảnh đón tiếp nồng hậu tại lầu thượng với bữa cơm trưa đặc sản Củ Chi. Học trò Cảnh kể lại những lần được cha Bề trên ân cần dạy bảo.
Buổi chiều, chúng tôi cùng với ngài đến gặp cha Gioan Huỳnh Công Minh, nguyên là linh mục Tổng đại diện và quản xứ Nhà thờ Chánh tòa Sàigòn, người đã được ngài ‘hoán cải’ rất đặc biệt. Theo dư luận trong giới Công giáo, cha Minh là người được Nhà nước đề cử chức Giám mục Tòa Sàigòn. Điều nầy đã gây khó khăn cho Tòa Thánh một thời gian dài. Khó khăn đã giải quyết không khó sau buổi gặp gỡ chân tình và thẳng thắn giữa ĐHY Thuận với cha Minh tại Roma. Về nước, cha Minh có quyết định dứt khoát là không nhận bất cứ sự đề cử nào, từ đó Tòa Thánh mới rộng đường bổ nhiệm theo ý mình. Cha Minh là người trọng nghĩa và ngay chính, hằng năm tổ chức thánh lễ giỗ ĐHY tại Nhà thờ Chánh Tòa Sàigòn. Trước ngày lễ giỗ, có một băng-rôn mầu tím với hàng chữ trắng “Lễ giỗ lần thứ ...ĐHY FX. Nguyễn văn Thuận” trước mặt tiền nhà thờ. Chuyện nầy chấm dứt từ khi cha Minh thôi chức Tổng đại diện.
Năm 2005, trong thánh lễ giỗ 5 năm ĐHY, cha Minh công khai thú nhận, do tầm nhận thức hạn chế đã cầm đầu một nhóm người chống đối mạnh mẽ việc Tòa Thánh Vatican bổ nhiêm Đức Giám mục FX. Thuận làm Tổng giám mục phó Sàigòn năm 1975. Nghe những lời thú tội, cộng đoàn bàng hoàng xúc động và khâm phục sự khiêm tốn, trung thực của cha Gioan. Errare humanum est, nên tha thứ cho người hối lỗi và nhìn đến việc tốt họ làm.
Lễ xong, tôi đến cám ơn ngài, rồi nhanh chóng phone báo tin sốt dẻo nầy cho Cha Agostino Nguyễn Văn Dụ đang dạy học ở xa. Năm 2004, Cha Dụ đã được cha Minh mời đồng tế và giảng lễ giỗ ĐHY nơi đây.
Đáp ứng sự mong ước của cha Stefaan, chúng tôi đưa cha đến nghĩa trang Lái Thiêu, Bình Dương thăm mộ cụ Gioan Baotixita Huynh (cụ Diệm), thân mẫu và các bào đệ cụ. Với lòng ngưỡng mộ sâu xa một người công chính, một tấm gương cao cả vì đại nghĩa cha xin mọi người tháp tùng chờ đợi để cha ngồi bên mộ thinh lặng giao cảm với một bậc thánh nhân ở cõi vô hình chừng 15‘. Cha cũng biết nhiều về giòng tộc ĐHY, cuộc đời thánh thiện của thân mẫu ĐHY, biết bà luôn nén lòng hận thù và khuyên bảo gia đình nên tha thứ cho những người đã sát hại dã man anh em của bà, ngài nói đây là một vị thánh.
Cha Stefaan đến từ xứ Bỉ với phong cách giản dị, thanh bần. Sử dụng điện thoại loại ‘cùi bắp’, ở Sàigòn thuộc loại hàng hiếm, mang theo máy ảnh digital dùng đến ngày thứ 2 ở Sàigòn thì máy nhắm mắt, ra tiệm sửa thợ chê đồ quá đát, không cách nào làm cho mở mắt được. Cảm kích sự nhiệt tình của ngài với ĐHY, chúng tôi ra phố máy ảnh, đường Nguyễn Huệ tìm mua tặng cha cũng loại digital như ý ngài muốn, xịn nhất nhưng chỉ có second-hand vì thời nay máy ảnh digital lỗi thời, không có hàng mới. Chiếc máy ảnh cũng là một phương tiện để cha tác nghiệp trong những ngày ở Sàigòn.
Sau 4 ngày đồng hành với cha, chúng tôi có bữa ăn từ giã tại một nơi làm ngài ngạc nhiên và thích thú, đó từng là trụ sở COREV, văn phòng làm việc và nơi ở của ĐHY, 123 Bà Huyện Thanh Quan, đã bị Nhà nước tich thu, nay thành nhà hàng phong cách Nhật Bản.
Chúng tôi trao tặng cha những kỷ vật gồm 2 bộ áo thụng cổ truyền Việt Nam nam nữ như ý muốn của cha, tấm bằng lái xe mang tên Nguyễn văn Thuận, một tập Văn phạm tiếng Nga do người tù viết; cha nói sẽ học tiếng Nga khởi từ cuốn văn phạm nầy, cha Stefaan biết nhiều ngôn ngữ. Những món đồ này cha cho biết sẽ đem đến phòng trưng bày những kỷ vật về Đức cố Hồng y tại nước Đức.
Cuối bữa ăn, cha mở túi vải lôi ra một lô bao sôcôla đem từ Belgique và những tràng chuỗi mân côi tặng chúng tôi. Một cử chỉ biết ơn rất ý nghĩa. Thật là cảm động!
Chúng tôi đưa cha về trụ sở dòng Phanxicô Đa Kao, nơi cha đã lưu trú trong những ngày ở thành phố nầy, nói lời tạm biệt với tất cả sự quí mến, kính phục và chúc công việc của cha sớm hoàn thành.
2.13 Hai tấm hình làm nên hai chuyện lạ
- Tôi in một số hình có lời kinh và trao tặng nhiều người
- Lời kể của anh Đỗ Thắng Cảnh PX60:
Chị Lan đi khám mắt về và ở lại nhà minh. Chị rất buồn vì bác sĩ cho biết con mắt đó phải chấp nhận bị hư (mù) thôi, chỉ có thể uống thuốc để tránh viêm nhiễm, vì nếu mổ con mắt đó sẽ có thể làm hư con mắt còn lại. Thấy chị buồn quá mình đành lấy tấm ảnh cha bề trên trên bàn thờ, tấm ảnh giám mục 6x12 mà cậu đã cho, mình nói với chị: “Cho chị tấm ảnh cha Thuận mà thằng bạn đã tặng. Có thể chị biết ngài nhưng không thân. Chị cứ nói thật lòng với cha như ri: “Con không biết nhiều về cha nhưng thằng Cảnh nói cha dễ thương lắm, đời thương lắm. Rứa thì cha thấy con mắt của con có ích cho cuộc đời tu trì của con theo kiểu mô đó, mù hoặc sáng, thì cha giúp con...”. Có thể câu chữ miềng nói không y khuôn, nhưng đúng nội dung là rứa. Không biết khi cầu nguyện chị nói chi với cha, nhưng khi uống xong đợt thuốc đi tái khám bác sĩ báo chi tin mừng con mắt đó có thể mổ được rồi, nhưng tất nhiên là vẫn bị hư (mù) vì bà chị Lan miềng từ Huế vào Sàigòn để điều trị mắt tại bệnh viện mắt Sàigòn. Sau khi lành lặn sẽ không bị viêm nhiễm ảnh hưởng đến con mắt còn lại. Bác sĩ băng con mắt bị hư lại và cho thuốc uống tiếp tục hẹn ngày tái khám để mổ múc bỏ con mắt hư.
Đến ngày tái khám lần ni, khi lên ghế nằm chị nắm tấm hình cha trong tay, chị nói chị thưa với cha như ri “Cha ơi, con tuân theo ý cha”. Khi chị vừa tháo băng ra, con mắt nớ bỗng thấy nhập nhòa và lộ dần bàn tay bác sĩ. Bác sĩ săm soi hỏi đi hỏi lại một hồi, nói với chị “Lạ quá sơ ơi! Con mắt không cần mổ nữa, có thể chữa lành và thấy lại...”. Rứa đó, con mắt đó tốt tới chừ, năm ni chị 78 tuổi rồi vẵn còn chạy xe Honda.
Chị được mời đi Rôma làm chứng đợt đầu tiên.
Tấm hình 6x12 cậu cho mình năm nào không nhớ sau khi đi cải tạo về. Về sau cậu tặng lại tấm hình khác, đó là tấm hình cậu nói trên đường Lê Văn Sĩ. Hình như tấm hình ni mình cũng cho lại thằng bạn hồi đại học Trần Ngọc Ánh ở Úc, bị cancer giai đoạn cuối 2 lần, lần đầu ruột già lần sau thực quản, 6 năm ni không ăn uống qua đường miệng mà cứ 3 giờ/lần bơm trực tiếp qua đường ống vào bụng. Không biết hắn có cầu nguyện với cha như chị không mà suốt 6 năm qua hắn vẵn bơm như rứa và đi chu du khắp thế giới, năm mô cũng về Việt Nam vài lần, mang theo mấy thùng nuitrition loại nớ, năm 2020 hẹn nhau hội ngộ từ Bắc chí Nam, điểm chính là đại học Đà lạt, nhưng đành gác lại không đi vì Côvi. Hắn viết bài trên đặc san của khóa “...Tui cầu nguyện Chúa bất cứ lúc nào trong ngày, nhưng mỗi ngày tui chửi thề 3 lần: thần chết ơi, tao đ. sợ mầy”. Hình cha bằng thạch cao hiện nay trên bàn thờ cậu cũng cho, tấm ni thì giao tại Củ Chi.
2.14 Thay lời kết: Cha Bề trên – con người của thời đại Vaticanô II
- Từ ngôi nhà chủng viện của một giáo phận nhỏ, giờ đây cha Bề trên đang an nghỉ trong ngôi nhà thờ cổ kính Santa Maria della Scala của thánh đô Roma, kinh thành muôn thuở. Con đường đi qua có hoa lá, vinh quang mà cũng đầy sỏi đá chông gai, thập giá, ngược đãi như lời Thầy Giêsu đã hứa sẽ dành cho các môn đệ. Những “ngược đãi” đã tôi luyện người lữ hành trên đường hy vọng thành chứng nhân hy vọng và ngài nhắn nhủ: “Các con hãy nỗ lực đem niềm hy vọng lan tỏa nơi môi trường các con đang sống” (ĐHV), “Cha đã hạnh phúc và vui tươi vì cha đã hy vọng vào Chúa và cha chỉ biết yêu thương” (ĐHV, lời mở đầu).
- Ngài để lại một di sản thiêng liêng, một con đường nên thánh thời hiện đại, thời Vaticanô II, phù hợp với mọi bậc sống, nhất là dành cho người đang sống giữa lòng đời phải bôn ba với bao việc trần thế, không tu phục, không cộng đoàn, ngày ngày phải chu toàn bổn phận với gia đình với xã hội. Hãy “Thánh hóa bổn phận của con. Thánh hóa người khác nhờ bổn phận của con. Thánh hóa chính mình trong bổn phận” (ĐHV 31).
- Những nhân đức đối thần, nhân đức nhân bản nơi ngài đã đạt tới mức anh hùng, tuyệt vời như hương thơm ngát bay lên tòa Chúa và tỏa sáng nơi trần gian, tạo cảm hứng cho nhiều người trong đời sống thiêng liêng, như một chứng từ của ĐHY Peter Turkson, bộ trưởng Thánh bộ Dich vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện kể chuyến đi của ngài đến Camerun. Ngài rất bất ngờ khi thấy những người trong nhà tù cầu nguyện với ĐHY.
“Những người tù ở đó có hình của ĐHY và họ lần chuỗi với ngài. Họ xin ĐHY cho họ sống tốt. Đó là một phúc lành và gương sáng mà ĐHY đã toả sáng tại Camerun. Và những người tù đã không chỉ cầu nguyện cho họ, mà còn cầu nguyện cho những người khác được sống tốt.”
- Là con người của “vui mừng và hy vọng”, tiêu đề của Hiến chế Hội thánh trong thế giới ngày nay với lời mở đầu “Vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và người đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo âu của môn đệ Đức Kitô”, ngài có phẩm chất của người mục tử luôn đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, dám quyết đoán và có giải pháp đột phá, vượt quá lề lối và suy nghĩ bình thường. Điển hình trường hợp nầy (xin phép anh bạn cho mình kể lại chuyện gia đình mà bạn đã kể trong một hàn huyên có mấy anh em): Sau biến cố lật đổ chế độ đệ nhất cộng hòa của tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 01.11.1963, một số viên chức chính quyền công giáo bị tù tội, rồi cho về vườn, nghỉ việc không lương một cách bất công; trong số đó có cha anh bạn đang tu học tại chủng viện. Từ một tỉnh cực nam miền trung, ông cựu quận trưởng trở về Huế, trắng tay. May mắn, có Đức cha Kontum, bạn cùng lớp ngày xưa ở chủng viện An Ninh, có lời mời lên dạy học tại chủng viện thừa sai Kontum. Ông đến chào từ biệt cha Bề trên và xin chúc lành, cha Bề trên ngay lập tức nhất quyết không cho ông đi xa, bắt ông ở lại Huế với gia đình, hằng ngày vào làm thư ký cho ngài, còn chuyện lỗi hẹn với Đức cha Phạm Văn Lộc để ngài lo.
Cuộc sống êm đềm như mặt nước sông Hương của xứ Huế cho đến một ngày đại họa xảy đến. Ông thư ký tan việc trên đường về gần nhà thì một chiếc xe nhà binh Mỹ chạy ào ào gây tai nạn chết người. Ông requiescat in pace nhưng gia đình 6 người con đang tuổi ăn học không thể in pace. Ai lo đây? Đúng là có Chúa lo, Chúa lo liệu qua tay cha Bề trên. Ngài có lời khyên: Thầy dòng dòng Chúa Cứu Thế, ông anh cả của 6 anh em, đang ở nhà tập nên xin bề trên xuất tu về lo bổn phận gia đình, đi làm việc nuôi các em ăn học. Đồng thời, cha Bề trên xin ông bà cố bảo trợ một người con đang tu học. Nghe lời khuyên, thầy dòng đành hy sinh mộng ước làm cha cố, trở thành cựu tu sĩ ra đời làm việc, và đã làm tròn bổn phận người anh cả. Vậy thầy đã thi hành thánh ý Chúa vì “bổn phận là thánh ý Chúa trong giây phút hiện tại” (ĐHV 17). Lời khuyên của cha Bề trên rất nhân bản, đầy tình người, hợp đạo lý vì “tu đâu cho bằng tu nhà”. Theo ngài, đi tu là quí nhưng có khi bổn phận với gia đình lại trọng hơn.
Có thể thấy đây là một phiên bản của một hoàn cảnh ngoại lệ trong dòng tộc ngài. Cụ Ngô Đình Khả, ông ngoại ngài, đang khi làm thầy đại chủng sinh ở chủng viện Penang thì xảy ra cuộc thảm sát kinh hoàng người công giáo năm 1885 tại Việt Nam do phong trào Văn Thân gây ra, gia đình thầy khả ở làng Đại Phong, Quảng Bình bị tận diệt. Trước tình cảnh bi thương đó, các đấng bề trên gợi ý thầy khả về đời lập gia đình để tiếp nối giống nòi. Hậu duệ và sự nghiệp để đời của cụ ai cũng biết.
- Khi viết về những năm tháng ở chủng viện, tôi có cảm tưởng như “Đi tìm lại thời gian đã mất - À la recherche du temps perdu”, nhan đề tập truyện của nhà văn Marcel Proust mà chúng tôi được làm quen qua một vài đoạn văn trong cuốn Morceaux choisis (Những áng văn hay chọn lọc) trong những giờ học litterature francaise với cha G. Lefas ở trường Thiên Hựu. Khi đi tìm lại thời gian đã mất, vùng trời ký ức mở ra, những kỷ niệm trổi dậy từ trong bóng của quá khứ lại sống động và đẹp như mơ như M. Proust viết: “Những thiên đường thật là những thiên đường đã mất”. Và mượn tiếp lời của nhà văn “Le temps retrouvé - Thời gian tìm lại được” để diễn tả trong thời quá khứ có những hình bóng xuất hiện, nhạt nhòa nhưng có hình bóng vượt thời gian, trường tồn: CHA BỀ TRÊN.
- Thưa cha bề trên, con không muốn thưa trọng kính Đức Hồng Y, đề cảm thấy gần gũi như tình cha-con, thầy-trò như ngày xưa. Con viết về cha Bề trên với tất cả tâm tình thành kính tri ân, quí mến. Nếu có điều gì quá đà hoặc thiếu sót, xin cha cứ diễu con “santus piger” khi học trò làm bài tập latinh sai lỗi, rồi vui vẻ chỉ đàng thêm cho con như khi đứa nhà quê, khoe lần đầu tắm nước nóng nước lạnh thích quá nhưng suýt lốt hồn vì cái vòi nóng quá độ chưa điều chỉnh kịp, cha cười và hỏi có khi mô đi thang máy chưa, còn thưa chưa biết bao giờ, cha liền nói ngày mai lên clinque St Paul gặp Sr Francois ở lầu 3 thì biết.
Gặp cha bề trên là được niềm vui, an lạc và phấn khởi, dù ngày hôm nay cha hiện diện vô hình./.
Lê Cần PX61
Tác giả: ccshue, Lê Cần PX61
Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế