Cha Bề trên PX. Nguyễn Văn Thuận. Từ Tiểu Chủng viện Hoan Thiện đến nhà thờ Santa Maria della Scala [2]

Thứ bảy - 12/03/2022 04:03
Thao thức việc giáo dục, cha Bề trên không ngần ngại đưa vào chủng viện những cải cách hợp với thời đại. Phim ảnh và sách truyện góp phần vào việc giáo dục con người.
 
HY FX 1967 1
 
PHẦN 1. THỜI TIỂU CHỦNG VIỆN HOAN THIỆN
(tiếp theo)

1.7. ÓC QUAN SÁT SẮC BÉN – TRÍ NHỚ TỐT

Ngài có óc quan sát sắc bén. Trong chốn riêng tư, khi nhắc đến ai đó, ngài có thể lặp lại những đặc điểm, thói quen tốt lành của người đó để bông đùa, không phải nhạo báng. Ngài vo vo hai bàn tay khi nói đến chú Trần Bá Chiến đang đọc đít-cua (đọc diễn văn chào mừng); ngài để mấy ngón tay lên miệng, suỵt suỵt và nhìn quanh ra dấu cho các chú im lặng khi diễn tả cha Phêrô Hàm trước giờ đọc kinh ăn cơm; ngài làm bộ điệu cha Giữ việc bỏ mũ bê-rê xuống bàn và gãi đầu khi vào bàn ăn các cha. Ngài giảng giọng Nam bộ ngọt ngào của Đức Tổng Điền. Ngài ở trong phòng nhưng có thể nhận ra qua bước chân hay tiếng đằng hắng của cha nào hay chú nào đó đang đến trước cửa hay bước trên cầu thang cạnh phòng ngài. Được nghe kể rằng thời chủng viện An Ninh chú Thuận khi diễn kịch hài hay diễn lại giọng nói, điệu bộ các cha giáo làm các ngài cười nắc nẻ, ngã nghiêng.

Ngài nhanh trí, khôn ngoan và dí dỏm. Sau năm 1975, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình được phép Nhà nước cho gặp ngài trước khi qua hội nghị bên Rôma nhằm mục đích cho thế giới thấy ngài còn sống. Chuẩn bị cho cuộc gặp, công an đã ‘làm việc’ kỹ với ngài. Cuộc nói chuyện có mấy câu mở đầu:

- Đức Cha có khỏe không?

- Thưa Đức Tổng, con khỏe con như Đức Tổng thấy (đang ở tù thiếu thốn thì ốm o xanh xao).

- Đức Cha nay ở đâu?

- Thưa, con đang ở đây với Đức Tổng.

- Vậy trước đây Đức Cha ở đâu?

- Thưa con ở chỗ khác đến.

Đức Tổng Bình kể lại và khen Đức Tổng phó của mình nhanh trí, khôn ngoan.

Ngài hay dí dỏm. Trong các cha gần ngài có một cha rất mê chơi cờ tướng và thích người chơi cờ giỏi. Cha nầy được ngài phong cho mỹ danh ‘Cha xứ bàn cờ’. Ở Sài Gòn, cũng có họ đạo Bàn Cờ.

Ngài có trí nhớ rất tốt. Khi đã gặp ai thì khó quên tên người ấy. Mấy chục năm sau ngày ngài rời chủng viện, có những chú chỉ vào trường mấy bữa ngài vẫn nhớ tên. Thiết nghĩ rằng ngoài trí nhớ tốt còn là sự quan tâm, ai cũng là quan trọng đối với ngài, không thấy ngài khinh ghét ai. Có những chú bị trả về gia đình, ngài còn đến thăm và động viện học hành tốt để ngài sẽ nhận vào tu lại. Nhớ tên người đã gặp càng làm cho người ta yêu mến ngài hơn.

1.8. THÁI ĐỘ DỊU DÀNG - HÀNH ĐỘNG QUYẾT ĐOÁN (SUAVITER IN MODO ET FORTITER IN DEEDS)

Nhìn bề ngoài ngài có vẻ dịu dàng, hòa nhã, tình cảm, tính cách của người mẹ hiền nhưng thật sự ẩn chứa một sức mạnh tinh thần, tính  quyết đoán đầy nam tính. Chính sự hòa điệu nầy làm nên tính cách cần có của một lãnh đạo tinh thần, một mục tử, một cha bề trên của hàng trăm chủng sinh.

Sự dịu dàng, ân cần của ngài thể hiện khi dạy bảo, sửa lỗi, đặc biệt nơi những lần ngài tự tay làm thuốc, chăm sóc cho những chú bị vết thương làm độc dù ngài còn nhiều việc phải làm.

Sức mạnh tinh thần, biết kềm hãm cảm xúc, được chứng nghiệm nơi một chuyện xảy ra trong một buổi lễ trọng, ở cuối lễ chủ tế cất cao giọng hát tiếng latinh I-tê...ê ê ê ệ...thay vì missa est, vị nầy i-son. Cả nhà thờ bụm miệng, ngài đang đồng tế vẫn nghiêm trang, nét mặt lạnh lùng. Ngài mà cười chắc cả nhà thờ cười òa, khỏi thưa Deo gratias luôn!
 
Sau cuộc đảo chánh ngày 01/01/1963, lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, người khai sáng nước Việt Nam Cộng Hòa và nền dân chủ ở miền Nam, vào những năm 1965-66, miền Trung, riêng hai tỉnh Quảng Nam-Đà nẳng và Thừa Thiên-Huế đã trải qua nhiều cuộc biến động chính trị-tôn giáo, phong trào phật tử cuồng tín do nổi dậy chống công giáo. Ở Đà Nẳng họ tấn công bạo lực vào các họ đạo Thanh Bồ Đức Lợi, Tam Tòa...
 
-

Ở Huế, họ đe dọa tấn công những cơ sở công giáo. Bị kích động bởi các thế lực đen tối, họ đốt phá Trung tâm Văn hóa Hoa Kỳ, ở bên hông chủng viện Hoan Thiện, bị gán cho cái ‘mác’ văn hóa nô dịch. Họ ra tờ báo lá cải ‘Lập Trường’ sặc mùi kỳ thị công giáo, có một bài viết bài xích trắng trợn linh mục, tu sĩ ‘Quét sạch bóng đen’. Bầu khí căng thẳng và tâm trạng lo âu lan tỏa khắp trường mỗi khi cha Bề trên có việc phải đi Sài Gòn. Khi cha Bề trên về lại nhà, thái độ điềm tĩnh và sự khôn ngoan trong quan hệ đối ngoại của ngài làm cho mọi âu lo cả trường tan biến, sinh hoạt lại bình thường, không còn cảnh giờ chơi không dám ra sân, giờ nghỉ không dám đi bộ ngoài mặt tiền.

Đầu hè năm 1966, giữa lúc phong trào Phật giáo tranh đấu còn nổ ra ở Huế và tình hình an ninh bất ổn trên đoạn đường Huế-Đà nẳng do VC hay đặt mìn, pháo kích, lớp chúng tôi phải vào Đà Nẳng thi Brevet. Chúng tôi chờ đợi, không biết có đi thi không, với tâm trạng lo lắng, bồn chồn, chờ quyết đinh của cha Bề trên. Rồi tối hôm đó cha Bề trên gọi cả lớp đến phòng, ngài đùa giỡn một hồi, rằng học cho đã mà không đi thi được thì sao hè, chọc quê đứa nầy đến đứa kia, rồi thông báo tối ni đọc 3 kinh Kính mừng cầu nguyện, cứ ngủ ngon rồi mai lên đường. Bầu không khí thật phấn khởi. Thật khó quên cách ứng xử vui vẻ, bình tĩnh của cha Bề trên. Sáng hôm sau, trung úy Bình với một chiếc xe quân đội, dẫn gần 20 trò trực chỉ Đà Nẳng bình yên.

Là Tổng Đại diện, cha chính giáo phận, ngài có tầm ảnh hưởng lớn về các mặt đạo, tôn giáo bạn, ngoài xã hội. Nhiều lần trong khi ngài dạy tiếng Latinh hay tiếng Anh, ông bọ nhà khách gõ cửa báo cha Bề trên có khách, ngài vội vàng ra bài tập rồi đi.

Sự kiện Phật giáo đồ đem bàn thờ Phật xuống đường ngày 25.6.1966 tại thành phố Huế ngài được báo trước. Một chú lớn thuật lại đang lúc ở trong phòng thì chuông điện thoại reo, ngài ra bắt máy một hồi. Rồi ngài vào kể lại rằng thầy Trí Quang cho biết có một kế hay là ngày mai bàn thờ Phật sẽ xuống đường để chống quân Thiệu-Kỳ ra Huế. Ngài luận rằng không biết thầy bên chùa nghĩ sao mà cho Phật xuống đường, để mà xem Phật ở chỗ không đúng thì người ta sẽ dẹp thôi. Ngài có viễn kiến, nhận định sắc bén. Quả thật mấy bữa sau, tướng Loan đem cảnh sát dã chiến Sài Gòn ra dẹp loạn, bàn thờ nào không đem vô nhà kịp thì bị hất ngã nghiêng bên lề, số thì quăng xuống sông An Cựu. Chuyện xứ Huế nầy đi vào lich sử, người đương thời ai cũng biết.

Ngài là người có kỷ luật, nề nếp, nghiêm khắc với bản thân, nhưng có những vụ việc ngài sống với con tim hơn lý trí, con tim mách bảo phải xé rào một chút, và dùng lý trí để phục vụ con tim, ngài quyết đinh táo bạo, vượt qua những lý lẽ thường tình. Nhiều vĩ nhân và thánh nhân cũng đã hành động như thế. Thực vậy, ngài đã giải quyết nhiều trường hợp nan giải của một số linh mục, tu sĩ, chủng sinh ở nước ngoài mà nhiều đấng khác không dám, một cách khôn ngoan, kín đáo trong tình thương của người mục tử nhân lành. Trong thời gian khó khăn của Giáo hội Việt Nam, ngài đã liều lĩnh truyền chức chui nhiều linh mục.

1.9. CỔ VŨ ƠN GỌI: PHÁT HÀNH SÁCH ‘CON TÔI LÀM LINH MỤC’

Nhân kỷ niệm Ngân khánh Giám mục của ngài, để làm món quà mừng và tỏ lòng tri ân, hai anh Nguyễn Đăng Trúc PX59, Nguyễn Như Quỳnh PX61 đã thể hiện một ‘cử chỉ đẹp’ là cho tái bản sách “Con tôi làm linh mục”, tác phẩm được dịch từ bản tiếng Pháp, phát hành năm 1964 do cha Bề trên chủ trương, cha giáo Hoài thực hiện. Tôi tham gia nhóm “dịch trật” một vài trang nên nhớ. Mùa hè năm đó mỗi chú nhận 5-10 cuốn đem về phổ biến với giá khuyến mãi nhằm cổ động ơn gọi.

Trong mối giao hảo với chủng viện Làng Sông-Qui Nhơn và Sao Biển-Nha Trang, mỗi chú nhà miềng viết mấy giòng kèm với cuốn sách tặng các chú ở Qui Nhơn và Nha Trang. Sau nầy tôi gặp lại mấy anh Làng Sông và Sao Biển đã nhận sách. Có lần vào thư viện học viện Dòng Phanxicô tôi thấy lại cuốn sách đó. Một vài anh em dự định cho tái bản sách vào một ngày gần đây.

1.10. TINH THẦN ĐỒNG CẢM - HIỆP THÔNG VỚI GIÁO HỘI – SENTIRE CUM ECCLESIA

“Yêu mến Hội Thánh, vâng lời Hội Thánh, trung thành với Hội Thánh, cầu nguyện cho Hội Thánh” (ĐHV 253)
“Đừng nói Hội Thánh đã canh tân rồi, Hội Thánh liên lỉ canh tân” ( ĐHV 257)

Ngài hết lòng yêu mến, nêu cao tính hiệp thông với Hội Thánh và muốn truyền lửa đó cho mọi người. Trong các giờ huấn đức, ngài hay kể những sự kiện liên quan đến Giáo hội. Có sự kiện nổi bật nầy: Vào đêm 11 tháng 10 năm 1962, khi toàn trường đang ngủ ngon, một hồi chuông vang lên, tất cả thức dậy áo quần chỉnh tề xuống nhà cơm, cha Bề trên loan báo giờ nầy bên Rôma ĐTC Gioan XXIII khai mạc Công Đồng chung II, biến cố quan trọng của Hội Thánh, hiệp thông với ĐTC và toàn thể nghị phụ và Giáo hội khắp năm Châu, chúng ta cầu nguyện cho Công Đồng được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần.... Sự kiện trọng đại nầy tràn ngập niềm vui bằng mỗi bàn một dĩa bánh ngọt và một cuộc xổ số trúng thưởng. Tôi may mắn trúng một tuýp banh bóng ban 10 trái. Có lẽ nhớ dai vì được trúng số.
 
-

1.11. SÁCH TRUYỆN và PHIM ẢNH

Thao thức việc giáo dục, cha Bề trên không ngần ngại đưa vào chủng viện những cải cách hợp với thời đại. Phim ảnh và sách truyện góp phần vào việc giáo dục con người. Những phim Charlot, những truyện tranh tiếng Pháp khôi hài như TinTin Milou, Lucky Lucke và Les Daltons...vừa giúp học tiếng Pháp vừa tạo tinh thần vui tươi, hài hước trong cuộc sống hằng ngày. Khi trình độ tiếng Tây khá hơn thì đọc loại Livres de poche như Autant en emporte le vent, Les raisins de la colère, Ben Hur, La porte étroite, truyện phiêu lưu giả tưởng của Jules Vernes…

Mội tháng ít nhất một lần vào tối thứ bảy, Cha Jean Oxarango đến chiếu phim tại chủng viện. Chúng tôi được xem nhiều thước phim Charlot, phim các thánh như Le curé d’Ars. Có những mẫu đối thoại và hình ảnh rất ấn tượng như một đoạn trong phim Cha xứ Ars. Trong cuộc hành trình đến xứ Ars trên chiếc xe ngựa lăn bánh cộc kệch, đến ngã ba đường cha Jean M. Vianney từ trên bước xuống gặp 2 cậu bé để hỏi đường đến nhà thờ, chúng ngạc nhiên thấy người lạ, chỉ đường, và nói thêm rằng, ở đây mấy ai tới nhà thờ nữa đâu, ông cha ơi, và cha Vianey vui vẻ, trìu mến nói với chúng: “Cám ơn các con đã chỉ đường đến nhà thờ cho cha, cha sẽ chỉ cho các con đường đến Thiên đàng”.

Nguồn phim thứ hai từ Tòa Lãnh sự Pháp cho mượn, chủng viện có máy chiếu. Có nhiều phim nhớ đời như Le dialogue des carmélites, Le voleur de bicyclette. Phim Le dialogue des carmélites kể về các nữ tu một nhà dòng Kín trong thời cách mạng Pháp 1789, lời thoại do Georges Bernanos, một đại văn hào công giáo Pháp rất cảm động và sâu sắc; đoạn cuối, các nữ tu lúc bước lên đoạn đầu đài còn điềm tĩnh hát Veni Creator Spiritus. Phim Le voleur de bicyclette, một cuốn phim kinh điển của điện ảnh mọi thời. Tôi được làm việc trong ban chiếu phim một năm cùng với bạn Quỳnh, nên phải xem phim trước để biết đoạn nào có cảnh ‘nóng’ thì lấy tay che ống kính.

Thời Cố Etcharren ở chủng viện, ban tối vào giờ ngủ có nhạc nhẹ không lời 30’. Chúng tôi đã nghe những bản nhạc của sơ Sourire.

Ngoài mục đích giải trí, thư giản, những thước phim con mang tính giáo dục tâm linh, tu đức, nâng cao văn hóa.

1.12. PHONG TRÀO HƯỚNG ĐẠO

Từng là một linh mục tuyên úy hướng đạo, cha Bề trên biết những lợi ích về giáo dục của phong trào. Đẻ bổ túc cho giáo dục chủng viện, rèn luyện tính khí: tháo vát thích nghi với mọi hoàn cảnh, trọng danh dự và tinh thần trách nhiệm, ngài cho du nhập phong trào hướng đạo vào chủng viện, cha Philiphe Hoài là người thực hiện rất tích cực. Nhờ sinh hoạt hướng đạo, chủng sinh được trang bị thêm các kỹ năng sống, năng động, biết tổ chức các trò chơi cho thiếu nhi, lửa trại... Năm đầu tiên là thiếu sinh, đội trưởng của tôi là chú Lê Văn Tình, PX60, hằng tuần họp sinh hoạt, trong đội có Nguyễn Phùng Minh (+), Tống Viết Hai(+) và 5 người nữa, rồi đến tuổi lên tráng sinh; cùng toán tráng có toán trưởng Nguyễn Như Quỳnh, Lê Văn Bường,  Văn Đức Triêu, Nguyễn Văn Dụ...

Toán tráng sinh chúng tôi có chương trình mỗi tháng một hai lần đi làm công tác hớt tóc miễn phí cho các trẻ em nghèo. Bên bờ sông Hương trước Phú Văn Lâu là một điểm công tác. Thỉnh thoảng xảy ra chuyện vui như có lần mấy chị gái ‘bán hoa’:

- Cậu ơi, đò không cậu ?
- Đi  hớt tóc làm gì có tiền mà đi đò
- Giảm nửa giá chịu không ?
- Không có tiền
- Thôi cho nợ lần sau trả hí.
- Không luôn
- Đồ cà chớn...

Ban đầu nhìn y phục hướng đạo sinh họ tưởng là lính nên mời chào, thời gian sau họ biết ra mấy anh học sinh đi làm công tác xã hội thì đứng xem.

Sau biến cố Mậu thân 1968, cha Philipphê đi du học Rôma, phong trào Hướng đạo theo cha rời chủng viện.

1.13 VỤ TRỘM CƯỜI RA NƯỚC MẮT

Thòi gian năm 1966, không nhớ rõ tháng, chủng viện xảy ra một vụ mất trộm lớn. Đêm hôm đó sau 12 giờ, vì trước 12 giờ đèn phòng Cha Bt còn sáng, những tên trộm đột nhập vào lầu 2 phòng ngủ giữa 2 cánh, cuỗm hết áo quần các chú để trên table de nuit: một áo sơ mi, một quần dài. Bường, Cả, Cần đều nạn nhân. Có 3 bộ xoay tua mà mất 1. Sáng dậy, không thấy đồ của mình, nghĩ tưởng đứa bạn nào đó chơi nghịch thu giấu, nhưng nhìn quanh thấy ai nấy cũng dáo dác tìm đồ, cả phòng ngủ nhốn nháo, mới biết là có trộm hồi đêm đến thăm. Cả một phòng ngủ 70 chục người lấy bộ đồ khác. Khổ nỗi nịt mất rồi, mặc quần không nịt. Xuống nhà nguyện, ngồi và quì thì không sao nhưng khi đứng trong thánh lễ, có chú một tay giữ lưng quần, có chú mấy phút thì kéo quần lên một lần. Nhìn thấy ngộ nghĩnh. Chúa trên Thánh giá cũng cười thôi. Lễ xong đi tìm dây nylon, dây nhựa tạm thay thế nịt, tháo vát theo tinh thần hướng đạo. Chiều lại, cha Bề trên phát cho chú một nit mới.

Phòng cha giáo Nguyễn Dư Tự cùng dãy lầu, có lẽ ngài ngáy to như sấm động làm trộm không dám mò vào. Cha Louis Bính mất xe Honda dame, nhưng 2 ngày sau thu hồi lại do cha Hồ Hán Thanh lệnh cho đám giang hồ trả lại xe cho thầy cả. Bố già Thanh đang nuôi dưỡng, cải huấn một đám bụi đời tại Phủ Cam nên tìm manh mối rất nhanh, không trình cảnh sát.

Có một tên trộm vô phép, bĩnh trước phòng bề trên một bại, rồi lấy áo ăn trộm lau chùi phủ lên. Có lẽ tên nầy làm nhiệm vụ cảnh giác, canh chừng mà trời sương đêm lạnh đau bụng chịu không thấu. Lẽ ra nó ra hồ sát bên thả xuống cho cá dùng thì lợi đôi bề. Cá có món lạ. Sáng ra, tội nghiệp người giúp việc phải mất công dọn vệ sinh.

Mấy tên trộm chuyến nầy thất thu, xe máy phải trả lại, ba đồ quần áo chẳng ra chi, quần thì kaki, áo trắng ố vàng sờn cổ của đám học trò. Đáng đời! Lần sau khỏi mò vô nhà Đức Chúa Trời.

1.14. TÂM TÌNH CỦA MILES CHRISTI

Càng trưởng thành, tôi càng nhận ra tâm hồn mỗi chúng tôi được bồi đắp từ thuở thiếu thời bởi những lời dạy dỗ, gương sáng, bầu khí đạo đức hằng ngày để hình thành tính cách và bản ngã cá nhân. Dù khi đã thành kẻ ta-ru bao năm lăn lóc bươn chải trong cuộc đời ô trọc, tính cách đó không dễ bị xói mòn. Dù có lúc nào đó bị vong thân bởi vướng mắc tham sân si rồi cũng hồi tâm tìm lại chính bản ngã của mình.

Những người tinh mắt thường nhận ra dân ta-ru có cái gì khang khác, theo nghĩa tích cực, không ‘lanh’ trong cách làm ăn, buôn bán. Chúng tôi hay đùa với nhau “nhìn cái mặt ngô ngố là biết dân ta-ru”. Thôi thà “thật thà là cha quỉ quái” hơn là... để giữ chút niềm tin cho đời.

Muôn vàn lời cám ơn dành cho cha Bề trên, các cha giáo đã tạo nên một môi trường giáo dục vào hàng tốt nhất về trí dục, nhân bản, tâm linh, tu đức, thể chất. Dù chúng tôi có đóng tiền phí, có khi trễ cả năm vì cha mẹ chưa kịp kiếm ra tiền mà cha Giữ việc không bao giờ tiếng nặng tiếng nhẹ. Khi qua học bên Thiên Hựu đến đầu tháng chưa kịp đóng tiền thì thầy Nhạc đến lớp gọi tên (tội nghiệp thầy phải làm nhiệm vụ chẳng vui vẻ gì). Tiền phí so với các nội trú Thiên Hữu, Pellerin thì thấp hơn nhiều (mấy năm qua học bên Thiên Hựu từ lớp 2de-1ere có đóng thêm học phí), nhưng những gì chúng tôi nhận được quá lớn. Chúng tôi hạnh phúc được sống trong môi trường vườn ươm (chủng viện) đủ tiêu chuẩn để đào tạo nên những con người có phẩm chất. Bây giờ mơ cho con cháu cũng không dám.

Cám ơn chủng viện đã tạo cho chúng tôi một khung trời kỷ niệm của tuổi hoa niên tươi đẹp, môi trường sống lý tưởng, nhờ đó chúng tôi xây dựng nên tình đồng môn thiêng liêng, cao quí, gắn bó với nhau suốt đời, và cùng nhau thực hiện những điều tốt đẹp cho đạo cho đời.

Trên ý định của cha mẹ và cha bảo trợ là tiếng gọi của Chúa, dù làm chủng sinh ít hay nhiều ngày, nhiều năm. Là một hồng ân nhưng không vì không phải là cha mẹ giàu có mà vào được. Cho nên có cha giáo nói chủng viện là “nơi đào tạo người ta làm linh mục và người không làm linh mục”, vì không phải ai vào chủng viện đều thành linh mục hết, làm giáo dân cũng là một ơn gọi. Mỗi người đều có một vai trò, vị trí trong kế hoạch cứu độ của Chúa. Trong cuộc chiến giữa thế gian và Nước Trời, mỗi người là một Miles Christi (Chiến sĩ Chúa Ki-tô) theo như châm ngôn giám mục của Đức cố TGM Phêrô Martinô Ngô Đình Thục, người sáng lập chủng viện Hoan Thiện, và luôn sống trong tinh thần Gaudium et Spes, Niềm vui và Hy vọng giữa đời thường.

(Xem tiếp PHẦN 2)

Lê Cần PX61

Tác giả: ccshue, Lê Cần PX61

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Chú ý: Được đăng lại bài viết, nhưng vui lòng ghi rõ nguồn "Gia đình Cựu Chủng sinh Huế" và link đến bài viết trên trang này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập184
  • Hôm nay28,926
  • Tháng hiện tại665,756
  • Tổng lượt truy cập67,690,603
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây