Đấng Đáng Kính hôm nay đã một thời là cha bề trên, là nhà giáo dục. Ngài dạy chúng tôi những nhân đức trọn lành, nhân đức nhân bản, cách ăn nết ở văn minh, xử sự phải phép; ngài đã để lại những dấu ấn khó phai mờ với sự ngưỡng mộ nơi thế hệ chủng sinh cùng thời.
PHẦN I: THỜI TIỂU CHỦNG VIỆN HOAN THIỆN
1.1. Có một câu nói được nhiều người tâm đắc: “Lòng biết ơn là trí nhớ của con tim”. Biết ơn bao gồm con tim và lý trí, là đạo lý làm người. Những lời có cánh nầy trước tiên dành cho các bậc sinh thành, các vị ân sư; công cha nghĩa mẹ ơn thầy là điều mọi người ghi lòng tạc dạ. Cùng với các cha giáo xứng đáng được ngưỡng mộ tri ân, vị đại ân sư của chúng tôi, những đồng môn Phú Xuân - Hoan Thiện, đặc biệt thế hệ 1960-1967, là cha bề trên PX. Nguyễn Văn Thuận.
Hôm nay ngài đã lên bậc Đấng Đáng Kính của Giáo hội, năm châu bốn bể vang danh “Việt Nam, Cardinal Francis Thuan”. Ngài được nêu danh là chứng nhân hy vọng, chứng nhân đức tin trong các thông điệp và tông huấn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Phanxicô. Đấng Đáng Kính hôm nay đã một thời là cha bề trên, là nhà giáo dục. Ngài dạy chúng tôi những nhân đức trọn lành, nhân đức nhân bản, cách ăn nết ở văn minh, xử sự phải phép; ngài đã để lại những dấu ấn khó phai mờ với sự ngưỡng mộ nơi thế hệ chủng sinh cùng thời. Nhớ đến ngài là cảm thấy được truyền cảm hứng, muốn sống tốt hơn, muốn hành động đẹp, muốn vượt lên cái tầm thường tham sân si và quyết tâm theo lời ngài nhắn nhủ:
“Chấm nầy nối tiếp chấm kia,
ngàn vạn chấm thành một đường dài
Phút nầy nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành
thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng đường sẽ đẹp,
Sống mỗi phút cho tốt đời sẽ thánh
Đường hy vọng do mỗi chấm mỗi chấm hy vọng
Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng” (ĐHV 978)
1.2. CHA BỀ TRÊN: NHÀ GIÁO DỤC CÓ TÂM TẦM
Một năm sau từ Rôma về tiểu chủng viện Phú Xuân làm cha giáo, ngài được bổ nhiệm làm cha bề trên đầu niên khóa 1961-62. Một thời kỳ mới của chủng viện bắt đầu với cha bề trên 33 tuổi và các cha giáo trẻ. Qua việc thay đổi nhân sự, bề trên Giáo phận muốn ngài có đường lối giáo dục chủng sinh phù hợp với thời đại. Một nhà giáo dục có tầm đều có triết lý giáo dục: muốn có sản phẩm giáo dục như thế nào và nhìn thấy trước sản phẩm tương lai để từ đó đề ra phương cách, đường lối thực hiện. Giáo dục chủng viện hướng đến 3 chiều kích: nhân bản, tri thức và tâm linh-tu đức. Cha bề trên thường nhắc nhở ước muốn nên người tử tế, có nhân cách tốt thì phải sửa đổi tính mê nết xấu, tập tính tốt ngay lúc trẻ; càng trưởng thành càng khó uốn nắn như tre già; ngài rầy rà chủng sinh về việc giữ kỷ luật rằng, chủng viện không phải là trường nội trú. Nền giáo dục chủng viện cao hơn về phương diện kỷ luật và chiều kích tâm linh.
Cái tầm và tâm của cha Bề trên được thể hiện từ công trình kiến trúc chủng viện đến lời giáo huấn, cách tiếp cận của ngài và sinh hoạt chủng viện.
1.3. ĐIỂM NHẤN CỦA CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC - CẢNH SINH TÌNH
Sau một năm ở tiểu chủng viện Phú Xuân, bên dòng sông Hương êm đềm, niên khóa 1962-63, ngày 15.8, toàn trường từ lớp 7ème đến 1ère tựu về cơ sở mới 11 Đống Đa. Trường tọa lạc bên con đường mới mở, nằm sau trường Thiên Hựu, do một ân nhân chuyển nhượng với giá 01 đồng Việt Nam Cộng Hòa.
Tòa nhà mới 3 tầng, 3 dãy thành hình chữ U, cạnh thứ 4 là nhà nguyện, công trình cuối cùng hoàn thành 3 tháng sau khi nhập học; đây là điểm nhấn của công trình kiến trúc. Nơi mà lễ sáng, chầu trưa, kinh tối chủng sinh có mặt trong nhà nguyện. Bao quanh nhà nguyện là hồ nước có cá vàng, hoa súng với các cầu nhỏ cong cong, mềm mại bắc ngang, tách biệt với không gian bên ngoài. Tâm ý của cha bề trên, người có ý tưởng sáng tạo công trình, nhạy cảm với chiều kích thiêng liêng, là muốn có hồ nước để tạo nên sự tĩnh lặng và ai qua hồ nước đến nhà nguyện là được vào một cảnh giới khác biệt, cảnh giới thiêng thánh với tâm hồn thanh thoát.
Nhà nguyện mái vòm, hình tròn là hình tượng quả địa cầu với tháp Thánh giá vươn cao ở đỉnh phía sau. Trong nhãn quan của nhà thần học Teilhard de Chardin, đây là tiến trình lịch sử nhân loại, vũ trụ địa cầu đang tiến về đỉnh điểm OMEGA (tháp Thánh giá) là Chúa Giêsu Kitô, Đấng khởi đầu và kết thúc lịch sử, mở ra viễn tượng “Trời mới, Đất mới”. Một nhân sinh quan và thế giới quan lạc quan nơi con người của “Vui mừng và hy vọng”.
Hồ thứ hai khá lớn ở bên cạnh nhà khách, nuôi đủ loại cá như một ao thôn quê. Hồ thứ ba trước nhà khách có hòn non bộ, hoa súng, cá vàng. Vào giờ giải lao sau các tiết học, sau giờ cơm tối lớp 5ème thường ra tụ tập bên hồ.
Khung cảnh thiên nhiên thơ mộng có hồ nước với hòn non bộ, bông sen, hoa súng là đặc trưng của xứ Huế, thường thấy nơi các chùa chiền, nhà vườn, nhà quan lại, chốn cung đình.
Trước phòng khánh tiết có trưng bày một cái đỉnh lớn màu đen, đứng trên bệ cao uy nghi, tạo nên cảm giác thiêng liêng tôn kính nơi khách lạ khi bước vào chốn tu trì và góp phần tôn thêm cảnh quan mặt tiền tòa nhà. Hiểu ý nghĩa cái đỉnh mới thấy cha bề trên rất tinh tế: “Đỉnh kì thực chính là vạc nhưng mặt khác, đỉnh có ý nghĩa thiêng liêng tôn kính hơn. Theo quan niệm Dịch học, quẻ Đỉnh (鼎卦) gồm quẻ Ly (離卦) ở trên và quẻ Tốn (巽卦) ở dưới, mà tự quẻ Ly đã có đức thông minh, sáng suốt, quẻ Tốn có đức vui, thuận. Vậy quẻ Đỉnh có đủ đức sáng suốt, vui thuận, đắc trung, cương nhu ứng viện nhau để làm việc đời, hanh thông, rất tốt” (Wikipedia).
Với một tâm hồn sâu sắc, cha bề trên yêu thích sử dụng những biểu tượng mang ý nghĩa thâm thúy, như qua việc chọn hình thể nhà nguyện, khóm trúc vàng, cái đỉnh.
Khóm trúc vàng cạnh phòng cha bề trên phía mặt tiền đường Đống Đa; bụi trúc không chỉ để tạo tiểu cảnh mà còn mang ý nghĩa nhân sinh. Cây trúc theo văn hóa Việt Nam tượng trưng cho người quân tử, “Uy vũ bất năng khuất, bần tiện bất năng di”. Xem ra ngài chịu ảnh hưởng của dòng tộc, hiệu kỳ của cậu ngài tổng thống Ngô Đình Diệm có hình ảnh khóm trúc với dòng chữ Tiết Trực Tâm Hư.
Nơi sân giữa của tòa nhà có hồ nhỏ, có hoa súng có cá vàng, nơi đặt tượng Đức Mẹ bế Chúa Giêsu trên vai. Hình tượng Chúa Giêsu trên vai Mẹ. Hằng tuần, sau giờ kinh tối thứ bảy từ nhà nguyện đi ra, chúng tôi đứng trước tượng hát kinh Salve Regina. Truyền thống đạo đức lâu đời này đã hun đúc nơi chúng tôi suốt đời lòng tôn kính yêu mến Mẹ Maria, và bài ca bất hủ Salve Regina luôn được cất lên mỗi lần anh em có dịp tụ họp.
Tượng thứ hai là hai thánh Don Bosco và Savio màu đen, lớn bằng hình người, đặt bên hành lang trước nhà nguyện (bức tượng nầy hiện nay được lưu giữ trong vườn nhà từ đường của gia đình ĐHY ở Phủ Cam). Hình tượng thiếu niên Savio bên cạnh cha Don Bosco xem ra đang trò chuyện vui vẻ, thân thiện mở ra một thông điệp về cách cư xử, tương giao giữa các cha giáo và chủng sinh. Với việc trưng bày tượng, cha bề trên cho thấy ngài muốn cùng các cha giáo thực hiện việc giáo dục chủng sinh theo đường hướng Don Bosco giáo dục thanh thiếu niên. Không dùng hình phạt răn đe, bêu xấu...nhưng yêu gương sửa dạy, khuyên nhủ, tự giác. Mỗi thời có đường hướng đào tạo phù hợp, mỗi thời mỗi khác.
Trong một buỗi huấn đức, cha bề trên đã nói về nội dung cuộc đối thoại giữa Don Bosco và Savio:
- Này Savio, nếu lúc nầy Chúa cho con chết thì con sẽ làm gì? Cũng một câu hỏi đó các bạn khác thưa con đi xưng tôi, con lần hạt ... Savio thưa:
- Thưa Cha, con vẫn tiếp tục chơi với các bạn.
- Đúng đấy, giờ nào nào việc nấy, đó là sống trọn vẹn thánh ý Chúa trong giây phút hiện tại và luôn giữ mình sạch tội.
Nét kiến trúc và sinh cảnh tạo nên bầu khí phù hợp cho việc phát triển đời sống tâm linh, việc học hành và thể chất.
1.4. VUI TƯƠI – KHÔI HÀI
Gaudium et Spes, Vui mừng và Hy vọng, chính là điểm qui chiếu cho đời sống và hoạt động của ngài, ngay trước khi ngài chọn câu châm ngôn Giám mục nầy. Vui vẻ, tươi cười, khôi hài là đặc điểm dễ nhận thấy nơi ngài. Vui tười thì thích khôi hài và khôi hài làm lan tỏa bầu khí thoải mái. Với ngài, vui tươi để lôi kéo người ta đến với Chúa:
“Thánh thiện là tươi vui liên lỉ vì được ‘Chúa đất trời là của mình vậy’” (ĐHV 532).
Vui tươi nhiều khi không phải dễ dàng nhưng là một nỗ lực vượt qua sự tê tái trong lòng. Điều nầy ngài đã trải nghiệm khi đứng trước sự thảm sát của các cậu ngài trong biến cố 1/11/1963.
“Vui tươi làm cho mọi ngươi đến với con cũng cảm thấy bầu khí vui tươi, mặc dù lòng con tan nát. Đó là sự thánh thiện hơn mọi sự ăn chay hãm mình” (ĐHV 539).
Giờ học môn Latinh thường dễ buồn chán nhưng với ngài lớp học sống động, vui vẻ. Học sinh mong giờ Latinh và giờ Anh văn với sách Anglais vivant. Trong giờ học, có mấy trò ngài không kêu tên thực mà kêu biệt danh để làm trò cười. Kờ-rút-sếp (tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô) là chú Trọng, Mao Trạch Đông là chú Cần, Nê-ru (thủ tướng Ấn độ) là chú Triêu do Triêu nhà mình có cái mũi sưng đỏ lên (nez rouge) vì bị dị ứng, Kennedy là chú Châu.
Có lần ngài kể chuyện vui về ông bọ giữ nhà khách:
- Thưa Cha, khi cha đi vắng có một ‘ôn’ đến gặp cha
- Ông ấy ra răng?
- Dạ, ôn đi giày
- Có chi nữa?
- Ông mang kiếng... Đội mũ bê-rê
- Có chi nữa?
- Ôn bỏ áo vô thùng ...
- Rứa, ông ấy có nói tên không?
- Dạ, có nói mà con quên rồi.
Cha bề trên bó tay!
Ông bọ ở thôn quê, gặp lúc chiến tranh, chạy lên thành phố, được cho vào giúp chủng viện. Các chủng sinh ít nhiều gì đều được ông bọ kêu cho gặp người nhà, rất quen tiếng “Chú T. gặp khét”. Nhớ đến ông bọ để có lời nguyện cho ông.
1.5. NHÀ GIÁO DỤC CÓ TÂM: QUAN TÂM TỪNG CÁ NHÂN
Là nhà giáo dục, cha bề trên ngoài giờ Huấn đức, ngài còn ân cần chỉ bảo sửa dạy từng cá nhân. Với óc quan sát sắc bén, thói hư tật xấu của các chú được ngài ghi nhận.
Chú Đỗ Thắng Cảnh nhiều lần khoe ngài gọi chú vào phòng, bảo chú sửa lại dáng đi chữ bát. Ngài bắt chú diễn tập trước mặt ngài cho đến khi hoàn chỉnh, và bảo về tập tiếp. Chú Cảnh hay kể lại chuyện nầy với tâm tình biết ơn cha bề trên.
Ngài dạy bái quì: chiều hôm đó tôi thay thủ chỉ Ảnh vào phòng ngài nộp bài làm Latinh. Ngài bảo tôi bái quì trước mặt ngài, làm đi làm lại. Số là ngài đã bắt gặp tôi bái quì suýt té khi vào nhà nguyện. Thật vậy, thường thì tôi bái quì vững vàng nhưng hôm đó tôi vào trễ đâm ra lúng ta lúng túng trước mặt ngài, may mà không ngã cái đùng.
Sửa dạy nhẹ nhàng: có một câu luật “castigat ridendo mores” (sửa thói hư tật xấu bằng cách cười) chạm đến tôi vì tôi là đối tượng bị nhạo. Chuyện là trong sân banh, Nguyễn Cả chơi rất hăng, không nhường ai hết kể cả cha Hoài, xáp vào giành banh ào ào mà lần đụng với Cả là tôi xoa giò. Quan sát thấy ở bàn cơm thấy bạn mình rảy nước mắm búa sua, tôi nghĩ có lẽ nhờ thế mà xương cứng và bắt chước làm theo. Ngu như rứa! Ăn mặn thì khát nước! Ở nhà cơm, mỗi bàn có một bình chè lá thơm ngon, mỗi người uống một ly là đủ tiêu chuẩn. Thường ngày, khi hết giờ cơm cha bề trên rung chuông đọc kinh, xong rồi mọi người biến khỏi bàn tôi còn nán lại rót thêm một ly nữa cho điều hòa với độ mặn. Tôi tưởng là chuyện bình thường chẳng ai để ý. Thế nhưng, có một bữa tôi đang rót nước cha bề trên đi từ trên bàn các cha vòng qua chỗ tôi, ngài nói vào tai tôi: “Chú say nước chè hả?”. Tôi tĩnh ngộ và bỏ ngay thói quen không đáng có.
1.6. GIỜ HUẤN ĐỨC VÀ NHỮNG BÀI HỌC LUẬT TIẾNG LATINH
Chúng tôi mê 20 phút huấn đức trước giờ cơm tối. Cha bề trên hay dành ít phút nói về thời sự chính trị nóng hổi và chuyện Giáo hội, kể chuyện các thánh như thánh Gioan M. Vianney, thánh Phanxicô Xaviê, Inhatiô Loyola với châm ngôn lừng danh Ad majorem Dei, thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu “dù làm việc gì nhỏ mọn, lau nhà cũng vì tình yêu Chúa”... Ngài dạy cách ăn nết ở, sống lịch sự văn minh. Về sau khi làm việc tại trường Thiên Hựu, Cha hiệu trưởng Nguyễn Tiến Huynh và cha Tổng giám thị Trần văn Tuyên giao cho tôi việc huấn đức cho các học sinh nội trú mỗi tuần 25 phút, tôi cũng dùng phương pháp kể chuyện học nơi ngài làm học trò vui thích...
Trong các giờ dạy Latinh, khi giảng các câu luật trong cuốn grammaire latine của tác giả P. Mangin, ngài triển khai nội dung thành những bài học làm người. Như khi học đến câu luật Virtus in medio stat (tạm dịch: nhân đức tiết độ nằm ở chỗ trung dung), ngài giảng thêm người có nhân đức là biết sống tiết độ, không thái quá, không bất cập, biết kềm chế những ham muốn của bản thân, làm chủ chính mình. Điển hình những chú quá mê đọc truyện TinTin et Milou, Les Dalton mà giờ nào cũng đọc, đọc trong giờ études, hay sốt sắng vào nhà nguyện đi đàng Thánh giá trong giờ chơi, đó không phải là in medio stat.
Khi học đến câu luật “Boni bonum publicum curant” (tạm dịch: Những người tốt thì quan tâm lo việc tốt chung/ công thiện) dạy tĩnh từ bonus cũng được dùng làm danh từ boni, ngài dạy thêm dấu chỉ được coi là người tốt là ngay từ bây giờ phải tạo nên cho mình tinh thần quan tâm chăm lo làm những việc chung như việc của lớp, của trường và những việc thường ngày như làm và giữ vệ sinh nhà cửa, nhà vệ sinh, phòng học...rồi khi trưởng thành hăng hái tham gia vào những công việc xã hội, cộng đồng...
Errare humanum est (sai lầm là chuyện thường tình của con người). Do bị những hạn chế nhất định con người dễ sai lầm, do yếu đuối dễ sa ngã phạm tội, nhưng khi nhận ra sai lầm thì biết sửa sai, đừng cố chấp, tụ ái. Và đừng nhìn một sai lầm của người khác trong quá khứ mà giữ mãi định kiến về họ vì họ có thể thay đổi cũng như mình biết sửa sai. Đối với bản thân, hãy thận trong việc làm, lời nói để tránh sai lầm vì có những sai lầm khó sửa sai được.
Lê Cần PX61
(còn tiếp)