Singapore lên kế hoạch sống chung với Covid-19 ra sao?

Thứ tư - 14/07/2021 04:37
Singapore thông báo nới lỏng thêm giãn cách xã hội ngày thứ hai 12/7/2021. Đây có lẽ sẽ là thông báo cuối cùng trước khi người dân đất nước này tham gia "tình trạng bình thường mới" và "sống chung với Covid-19".
michael nguyen 1
Người dân Singapore xếp hàng chờ sử dụng dịch vụ check-in giúp truy vết Covid-19 ở China Town
hôm 7/7. GETTY IMAGES

Nhiều báo đài phương Tây như tờ The Times của Anh có lẽ hơi kịch tính hóa sự việc khi chạy tít: "Singapore từ bỏ chiến lược "Covid-Zero" sang chung sống với Covid-19 và mở cửa nền kinh tế". Hãng Bloomberg bình luận về việc Singapore và một số quốc gia vẫn đang chật vật cởi bỏ chiếc áo bó "đóng cửa", để chuyển sang các biện pháp thông thoáng hơn trong việc đối phó với đại dịch.

Tuy nhiên nhìn lại, chính quyền Singapore chưa bao giờ coi chiến lược "Không Covid19" hay "Covid-Zero Strategy" là cứu cánh, hay mục tiêu cuối cùng của họ.

Một quốc gia nhỏ về diện tích lãnh thổ và quy mô dân số như Singapore, có nền kinh tế mở, giao thương sâu rộng với bên ngoài chắc chắn phải hiểu rõ không thể đóng cửa để ngăn dịch lâu dài, để "không Covid-19". Bởi vì đóng cửa là tự hủy diệt.

Singapore trên thực tế đã chuẩn bị kế hoạch "sống chung với Covid-19" một cách cẩn trọng, có chuẩn bị kỹ và có cân nhắc cả ba yếu tố: Chính trị, Kinh tế và Khoa học. Khi thực hiện kế hoạch dài hơi này, chính quyền đã tỏ ra linh hoạt, kịp thời điều chỉnh quyết định chiến lược để phù hợp với thực tế.
 
-
Cư dân xếp hàng xét nghiệm Covid tại nơi bùng phát dịch hồi tháng 6/2021. MICHAEL NGUYEN

Kịch bản thoát Covid-199 và hậu Covid-19

Trong số hơn 94 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng biện pháp siết chặt giãn cách xã hội để chống dịch, và rất nhiều các quốc gia đưa ra quyết định bằng ý chí chính trị, chính quyền Singapore được cho đã tham vấn và sử dụng khuyến nghị từ giới khoa học và y học.

Lancet Regional Health, tạp chí y khoa thuộc một trong các tờ tạp chí y khoa uy tín và lâu đời nhất trên thế giới được Bộ Y tế Singapore tài trợ nghiên cứu và khuyến nghị các kịch bản thoát Covid-19 (exit strategies) cho chính phủ Singapore. Tổ chức này đã nghiên cứu ảnh hưởng của phong tỏa và giãn cách xã hội, của cách ly và điều trị người bệnh có triệu chứng nhẹ bên ngoài bệnh viện, về việc nên mở cửa trường học ngay lập tức và giảm nhẹ các biện pháp giãn cách xã hội tại Singapore so với kịch bản phải phong tỏa và giãn cách xã hội lâu dài.

Nhờ có những nghiên cứu khoa học của các tổ chức như Lancet Regional Health, chính quyền Singapore đã có cách xử lý thành công đợt bùng phát dịch tại khu lưu trú công nhân nước ngoài, hạn chế ảnh hưởng tối thiểu lên cộng đồng dân cư, bảo vệ được bệnh viện và hệ thống y tế, và quan trọng nhất, là cách sống chung với Covid-19.

Giãn cách xã hội để câu giờ chờ vaccine

Thời điểm mới bùng phát dịch Covid-19 đầu năm 2020, Singapore cùng một số quốc gia Châu Á được cho là đã kiểm soát dịch khá hiệu quả, giữ số ca nhiễm ở mức dưới 2 con số mỗi ngày. Tuy nhiên trong khi một số quốc gia khác vẫn đang say sưa với thành tích kiềm chế số ca lây nhiễm, chính quyền Singapore đã sớm mạnh tay chi hơn 1 tỷ đô la và thành lập nhóm tìm kiếm, lựa chọn, đầu tư vào các hãng dược phẩm sản xuất vaccine phòng chống Covid-19 cho mình.
 
-
Người dân Singapore xếp hàng chờ tiêm vaccine. Hình chụp ngày 24/6/2021. GETTY IMAGES

Có thể thấy Singapore đã sớm nhận ra vaccine, miễn dịch cộng đồng, hay ít nhất là cùng tồn tại với virus mới chính là đích cuối cùng.

Thủ tướng Singapore tiết lộ trong một phiên truyền hình trực tiếp vào cuối năm 2020 rằng chính phủ đã sớm lập cơ quan chuyên trách và chi hơn 1 tỷ đô la Singapore từ tháng 4/2020 để có quyền được tiếp cận, sở hữu và sớm mang được số vaccine cần thiết về nước ngay từ năm 2020.

Từ tháng 4/2020 đến cuối tháng 6/2021, chính quyền Singapore đã nhiều lần thi hành giãn cách xã hội: nới lỏng, siết chặt lại, rồi tiếp tục nới lỏng, áp dụng những biện pháp tạm thời để duy trì nền kinh tế, duy trì hệ thống y tế khỏi đổ vỡ vì quá tải.

Ngày 14/12/2020, khi lô vaccine đầu tiên được đưa về Singapore, Thủ tướng Lý tuyên bố: "Nền kinh tế của chúng ta bị ảnh hưởng nặng, song chúng ta đã không để cho nó bị sụp đổ. Mặc dù nền kinh tế thế giới chao đảo, phần lớn công dân của chúng ta vẫn giữ được việc làm".

Tiêm vaccine thế nào để đạt hiệu quả tối đa

Có lẽ do chủ động nắm được nguồn cung vaccine cần thiết và chuẩn bị tốt nên chính quyền Singapore đã triển khai tiêm khá nhanh, phân bổ hợp lý, không xảy ra hỗn loạn. Chính quyền thông báo từng nhóm dân cư tới tiêm chủng trong thời gian cụ thể, đăng ký trước ngày giờ tiêm qua một ứng dụng cài trên điện thoại thông minh hoặc trang website của Bộ Y tế.
 
-
Một khu ẩm thực tạm thời giãn cách vì bùng phát Covid. Hình chụp tháng 6/2021.
MICHAEL NGUYEN

Gia đình chị Angelina, một giáo sư đại học Singapore, cho biết gia đình chị có năm người lần lượt thuộc ba nhóm dân cư: Nhóm sinh viên học sinh cho hai cô con gái, nhóm trên 45 tuổi, và nhóm nhân viên tuyến đầu. Việc phân các nhóm dân cư dựa trên độ tuổi chứ không theo địa bàn là dựa trên khuyến nghị của cơ quan y tế - khả năng mắc bệnh nghiêm trọng do Covid gây ra gia tăng theo độ tuổi.

Đây là điểm khác biệt so với cách tiến hành của một số nước trong khu vực như Cambodia tiêm chủng theo vùng, từ thủ đô đến thành phố lớn, hay như cách Việt Nam đang tập trung ưu tiên vaccine cho TP. Hồ Chí Minh hay vùng bùng phát dịch lớn Bắc Giang.

Singapore thay đổi rất nhanh chiến lược tiêm vaccine khi nhận thấy chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh. Từ kế hoạch tiêm tập trung đầy đủ hai mũi, chính quyền chuyển sang tiêm theo diện rộng để tăng số người được bảo vệ. Gần đây chính quyền lại quay về chiến lược tiêm tập trung theo nhóm.

Tính đến ngày 12/7, Bộ Y tế Singapore đã đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho hầu hết dân cư trên 12 tuổi. Tốc độ tiêm chủng của Singapore được coi là nhanh nhất châu Á, cao hơn cả New York (Hoa Kỳ) hay London (Anh).

Mở cửa một cách thận trọng và sống chung với Covid-19

Có nhiều ý kiến về lý do chính quyền Singapore không vội vã "mở cửa" toàn bộ đất nước và hủy bỏ các biện pháp giãn cách xã hội đang áp dụng, giống như Anh hay Hoa Kỳ, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng của Singapore đạt ngang mức của hai quốc gia này.
 
-
Singapore sẽ 'chuyển sáng trạng thái bình thường mới' và 'sống chung với Covid-19'. GETTY IMAGES

Ông KC Gupta, một chuyên gia y tế Singapore cho rằng trong khi quyết định sống chung với Covid-19 thể hiện bản lĩnh của người lãnh đạo thì thái độ thận trọng về độ mở cửa của chính quyền phản ánh trách nhiệm cao của họ đối với sức khỏe cộng đồng. Đây cũng là điều khác biệt giữa quan điểm của dân chúng và giới chính trị gia phương Tây so với phần còn lại của thế giới, về đánh đổi rủi ro sức khỏe cộng đồng với tự do kinh tế và tự do cá nhân.

Trên thực tế, các loại vaccine Covid mà Singapore đang sử dụng, tuy được sản xuất bởi các hãng dược phẩm hàng đầu thế giới, được cấp phép khẩn cấp, chưa thể khẳng định chắc chắn hiệu quả của nó đối với các biến thể mới của virus corona, cũng như tác dụng phụ của chúng.

Lãnh đạo Singapore cũng bày tỏ quan ngại về việc còn lâu mới đạt được miễn dịch cộng đồng (cần từ 90% đến 95% dân số được tiêm chủng đầy đủ) và tốc độ lây lan nhanh của các biến thể virus mới.

Còn một yếu tố nữa mà chính quyền phải cân nhắc khi mở cửa là thái độ chấp nhận thay đổi của cộng đồng. Bộ trưởng Y tế Singapore từng lưu ý việc nhiều người dân đã quen với số ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận hàng ngày ở mức thấp. Do vậy, một tai nạn đột biến khiến số ca nhiễm tăng lên có thể sinh ra hoảng loạn hoặc kỳ thị đối xử.

Mới đây, một cơ sở đào tạo lái xe của Singapore đã công khai từ chối học viên đến từ vùng dịch, một hành động dù sau này bị phê phán và buộc phải rút lại, vẫn gây ra chia rẽ đáng kể trong cộng đồng.
 
-
Những người già phục vụ khu ẩm thực vừa mới giãn cách, tháng 7/2021.
MICHAEL NGUYEN

"Trạng thái bình thường mới" và "sống chung với Covid-19" là gì và được làm gì?

Bình thường mới là cách chính quyền Singapore mô tả trạng thái một đại dịch (pandemic) chuyển thành một loại bệnh đặc hữu, như cảm cúm hay sốt rét.

Còn sống chung với Covid-19 là gì?

Thứ nhất, một người nhiễm Covid-19 có thể được điều trị tại nhà, vì vaccine làm giảm nhẹ các triệu chứng.

Thứ hai, không cần truy vết quyết liệt và cách ly F1, F2 mỗi lần phát hiện ra các ca nhiễm. Người dân sẽ tự xét nghiệm tại nhà, tự cách ly nếu nhiễm Covid-19.

Thứ ba, không cần theo dõi số ca nhiễm bệnh hàng ngày, chỉ cần quan tâm đến số ca bệnh nặng, cần thở ô xy, cần điều trị đặc biệt. Giống như điều trị bệnh cúm.

Thứ tư, dần dần cho phép tụ tập đông người tại các sự kiện lớn. Chấm dứt ngắt quãng hoạt động kinh doanh.

Thứ năm, cho phép du lịch nước ngoài và khách du lịch đã tiêm chủng đầy đủ tới Singapore, miễn cách ly nếu xét nghiệm âm tính.
 
-
Tập luyện kéo Quốc kỳ tại lễ quốc khánh 9/8, ngày chính thức mở cửa, 'new normal' của Singapore. MICHAEL NGUYEN

Học được gì từ cách chống dịch của Singapore từ trước tới nay?

Singapore có những thuận lợi sẵn có để chống dịch hiệu quả hơn các quốc gia khác như: sự thịnh vượng của quốc gia, dân số và diện tích lãnh thổ nhỏ gọn, kỷ luật cộng đồng cao.

Chiến lược chống dịch của nhà cầm quyền Singapore được cho là đã cân nhắc thấu đáo ba căn cứ: Chính trị, Kinh tế và Khoa học, như trên đã đề cập.

Đồng thời do số dân và lãnh thổ nhỏ mà các quyết định được thực thi ngay, hầu như không có độ trễ. Việc áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến vào truy vết và tổ chức tiêm chủng cũng góp phần thuận lợi cho việc mở cửa sớm hơn ở Singapore.

Tuy vậy các yếu tố được cho là thuận lợi sẵn có lại chính là rủi ro tiềm tàng. Quy mô dân số nhỏ gọn cũng làm bất cứ một sai sót, một tính toán vội vàng trong việc mở cửa sẽ có hậu quả tiêu cực ở mức độ lớn nhanh hơn cho cả cộng đồng.

Bài toán chung cho hầu hết các quốc gia trong chống dịch Covid-19 là ra được đáp số đúng, cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe cộng đồng và duy trì, phát triển kinh tế.

Đối với Singapore, có lẽ nhiệm vụ này còn nặng nề hơn sự chọn lựa giữa mạng sống và sinh kế. Họ chỉ có không nhiều hơn 3.5 triệu công dân.

*Bài thể hiện quan điểm của ông Michael Nguyễn, doanh nhân, công dân Singapore gốc Việt.
Michael Nguyễn
Gửi tới BBC từ Singapore
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-57823417

Tác giả: Michael Nguyễn

Nguồn tin: BBCVietnamese

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập176
  • Hôm nay21,849
  • Tháng hiện tại466,874
  • Tổng lượt truy cập68,432,413
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây