Việt Nam thịnh hành 'món'... ăn ốc trốn đổ vỏ

Thứ tư - 23/01/2013 18:56

-

-
Một chàng trai ngoại quốc trong bài phỏng vấn nọ cho rằng, rất nhiều đàn ông ở Việt Nam chơi trò ăn ốc rồi trốn đổ vỏ, chứ ở phương Tây, trót "nếm ốc" sẽ biết hậu quả ngay.
Việt Nam thịnh hành 'món'... ăn ốc trốn đổ vỏ
 
 
Phụ nữ sắp được "giành giật"?
 
"Mất cân bằng giới tính là do phái mạnh", bởi vì "Khát vọng có con trai rất nặng nề về Nho giáo chứ không phải vì nguyên nhân kinh tế xã hội". Bên lề kỳ họp Quốc hội đầu tháng 11/2012, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định như vậy, đồng thời đưa ra khuyến nghị: "Cân bằng lại giới tính là nhiệm vụ của cả hệ thống các cấp, các ngành chứ không chỉ riêng của Bộ Y tế" [1].
 
Nhiều tờ báo sau đó hăng hái giật hẳn tiêu đề kiểu: Phụ nữ Việt Nam sẽ được/bị "giành giật"; Mất cân bằng giới khiến vài triệu đàn ông Việt không lấy được vợ; rằng "phái mạnh Việt Nam hết mạnh", v.v...  Nghe như thể sắp có một cuộc cách mạng nữ quyền, hoặc chí ít phụ nữ Việt sắp "lên ngôi".
 
Chưa biết 1 - 2 thập kỷ tới, tình trạng mất cân bằng giới trở nên trầm trọng như Bộ Y tế cảnh báo, phụ nữ Việt có được "giành giật" như nàng Mỵ Nương trong truyện Sơn Tinh - Thuỷ Tinh không. Nhưng nhìn "kim ngạch" xuất khẩu phụ nữ Việt sang Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc làm dâu xứ người, cùng những câu chuyện buồn vốn không xa lạ, mà ngày càng kịch tính hơn về họ, chẳng biết cười hay khóc.
 
Cũng chưa kịp đợi được lên ngôi, phụ nữ đã "chìm nghỉm" trong những tin tức kiểu: "lỡ có thai, anh ấy ngoảnh mặt, tôi biết làm gì?", "chồng hắt hủi vì tôi mất trinh", "tôi phải làm gì để anh ấy hỏi cưới?", "chồng ngoại tình, tôi phải làm gì để giữ bố cho con", v.v...
 
Còn nhớ cách đây chưa lâu, dư luận lại xôn xao với tin một bà mẹ 16 tuổi vứt con sơ sinh của mình vào thùng rác. Một bà mẹ khác cũng tầm tuổi đó ném con sơ sinh xuống sông. Nói "lại" là bởi những tin tức kiểu này, xen giữa những vụ án ngày càng man rợ dày đặc trên báo, khiến độ chai lì của con người dường như được "tôi luyện" thêm.
 
Theo lệ thường, dư luận dồn hết bức xúc, tức giận lên những người mẹ trẻ. Điều đó đúng, bởi hành động của họ là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, rất dễ để mạt sát, trừng phạt một cá nhân vốn yếu đuối, lầm lạc và đơn độc. Nhưng điều đó không những không ngăn chặn được những sự việc đau lòng tương tự tiếp tục xảy ra, mà còn dẫn đến những hậu quả bi kịch hơn.
 

Nhiều cô gái nhỡ nhàng đã chọn cách bỏ rơi đứa trẻ thơ dại. Ảnh minh họa
 
Đàn ông Việt và "món" ăn ốc trốn đổ vỏ
 
Trở lại với quan điểm của Bộ trưởng Y tế. Theo người viết, bà nói đúng một phần hiện trạng, và cũng chỉ đúng một phần giải pháp. Ở Việt Nam, "phái mạnh" không chỉ là nguyên nhân gây mất cân bằng giới tính, mà còn là nguyên nhân của nhiều vấn đề khác Chẳng hạn chính họ đã gián tiếp "góp phần" đẩy những người mẹ trẻ đến hành động nhẫn tâm như trên.
 
Hay nói chính xác hơn, những quan điểm đạo đức áp đặt cho người phụ nữ từ xưa đến nay rõ ràng không còn phù hợp, nhưng vẫn ăn sâu vào định kiến xã hội, đã đẩy người phụ nữ đến sự đơn độc cùng quẫn.
 
Những quan điểm ấy sẽ cần thời gian rất lâu, hoặc có thể không bao giờ thay đổi ở một quốc gia châu Á. Nhưng luật pháp thì không thể chờ lâu như vậy.
 
Tôi nhớ một chàng trai ngoại quốc trong bài phỏng vấn nọ cho rằng, rất nhiều đàn ông ở Việt Nam chơi trò ăn ốc rồi trốn đổ vỏ, chứ ở phương Tây, trót "nếm ốc" sẽ biết hậu quả ngay. Chẳng cần biết anh cưới hay không cưới, nhưng nếu cô gái chứng minh được đó là con của anh, thì anh phải có trách nhiệm (thực sự) trong việc chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy đứa trẻ về mọi mặt.
 
Ở Việt Nam, (về lý thuyết) các văn bản luật và các khẩu hiệu cũng nói như vậy. Nhưng thực tế thì sao: hãy "tham quan" các phòng khám sản khoa và cơ sở nạo phá thai, cả tư nhân lẫn quốc doanh, ngoài những cô gái tội nghiệp ra, rất hiếm khi "đồng sự" của các cô có mặt.
 
Và một nghịch lý nữa hiển hiện: các cơ sở nạo phá thai, cả "chui" và chính danh nhiều vô số, biển hiệu nhan nhản khắp nơi; nhưng những trung tâm tư vấn hỗ trợ, hướng dẫn về kiến thức tình dục, kỹ năng tự vệ... cho các em gái gần lại vô cùng hiếm, hoặc tọa lạc ở vị trí vô cùng... hiểm.
 
Nó cũng nghịch lý như lời khuyên của không ít chuyên gia cho những người phụ nữ bị phản bội, bị bạo hành cùng đường phải tìm tới họ trong nước mắt: hãy vị tha, hãy dịu dàng, hãy khéo léo, hãy vì những đứa trẻ... rồi quay về khóc tiếp.
 
Quay lại chuyện cô gái vứt con vào thùng rác. Trong trường hợp đó cô phải làm gì khi: bạn trai rũ bỏ, xã hội miệt thị, gia đình từ chối vì "bất hiếu", vì "khiến cả nhà nhục nhã với xã hội". Cũng tương tự như một người phụ nữ để con nhỏ lại nhà chồng, dứt áo ra đi sẽ hứng chịu ngàn lời phỉ nhổ. Có thể cô chỉ cố gắng thoát khỏi địa ngục... Trong khi đó, người chồng "phái mạnh" của cô lại được cả dư luận lẫn luật pháp bỏ qua.
 
Xem vậy có thể thấy, vấn đề "mất cân bằng giới tính" là nghiêm trọng. Nhưng nó cũng mới chỉ là một trong số những hệ quả của cái tư duy bao trùm chưa coi trọng phụ nữ. Tư duy đó thể hiện cả ở quan niệm coi nhiệm vụ lớn lao nhất của phụ nữ là duy trì nòi giống. Thể hiện ngay cả trong rất nhiều đức tính cao đẹp mà xã hội đang "quàng" lên họ, như bao dung, nhẫn nhịn để giữ bố cho con chẳng hạn.
 
"Nhiệm vụ của cả hệ thống các cấp, các ngành" vẫn biết là câu nói ưa thích, lúc nào cũng đúng của lãnh đạo. Nhưng rồi chúng ta vẫn sẽ có những cô gái trẻ lỡ lầm vứt con sơ sinh; vẫn có những cô dâu bị gả bán xứ người ôm con nhảy lầu; vẫn có hàng loạt thai nhi nữ bị nạo bỏ...
 
Còn để phụ nữ đơn độc và rối bời trong những quan điểm đạo đức áp đặt và những hô hào suông, thì còn bi kịch. Chúng ta sẽ vẫn còn những "bài ca buồn" về xuất khẩu phụ nữ, dù mất cân bằng giới tính có nghiêm trọng đến đâu chăng nữa, nếu không có hành động cụ thể, thưa Bộ trưởng Y tế.
-----
[1] Infonet; Bộ trưởng Y tế: Mất cân bằng giới tính là do phái mạnh;  13/11/2012.

Tác giả: Hoàng Hường

Nguồn tin: Tuần Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập731
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm727
  • Hôm nay139,955
  • Tháng hiện tại1,052,219
  • Tổng lượt truy cập57,153,856
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây