Một phụ nữ dùng diện thoại di động trong khi cầm biểu ngữ có dòng chữ "ngưng 5G" trong một
cuộc biểu tình chống công nghệ 5G tại Bucharest, Romania, ngày 25/1/2020.
Đánh giá được công bố hôm 3/9 cho thấy mặc dù việc sử dụng công nghệ không dây tăng mạnh, nhưng tỷ lệ mắc ung thư não không tăng tương ứng. Điều đó áp dụng ngay cả với những người gọi điện thoại lâu hoặc những người đã sử dụng điện thoại di động trong hơn một thập niên.
Phân tích cuối cùng bao gồm 63 nghiên cứu từ năm 1994-2022, được đánh giá bởi 11 nhà điều tra từ 10 quốc gia, bao gồm cả cơ quan bảo vệ bức xạ của chính phủ Úc.
Đồng tác giả Mark Elwood, giáo sư dịch tễ học ung thư tại Đại học Auckland, New Zealand, cho biết nghiên cứu này đánh giá tác động của tần số vô tuyến, được sử dụng trong điện thoại di động cũng như TV, màn hình theo dõi trẻ em, và radar.
“Trong số các vấn đề chủ chốt được nghiên cứu, không có vấn đề nào cho thấy làm tăng rủi ro”, ông cho biết. Đánh giá này xem xét các bệnh ung thư não ở người lớn và trẻ em, cũng như ung thư tuyến yên, tuyến nước bọt và bệnh bạch cầu, và các rủi ro liên quan đến việc sử dụng điện thoại di động, trạm gốc hoặc máy phát, cũng như phơi nhiễm nghề nghiệp. Các loại ung thư khác sẽ được báo cáo riêng.
Đánh giá này theo sau các nghiên cứu tương tự. WHO và các tổ chức y tế quốc tế khác đã tuyên bố trước đây rằng không có bằng chứng chắc chắn nào về tác động xấu đến sức khỏe từ bức xạ do điện thoại di động, nhưng kêu gọi nghiên cứu thêm. Hiện tại, bức xạ do điện thoại di động được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) phân loại là “có khả năng gây ung thư” hoặc loại 2B, một loại được sử dụng khi cơ quan này không thể loại trừ mối liên hệ tiềm ẩn.
Nhóm cố vấn của cơ quan này đã kêu gọi đánh giá lại phân loại vừa kể càng sớm càng tốt dựa trên dữ liệu mới kể từ lần đánh giá cuối cùng vào năm 2011.
Đánh giá của WHO sẽ được công bố vào quý 1 năm sau.
Reuters