Vị tu sĩ Dòng Tên làm các ông tướng bẽ mặt

Thứ năm - 03/10/2013 20:11

-

-
Trong cuộc phỏng vấn với tờ “La Civiltà Cattolica” đã được truyền bá khắp thế giới, Giáo hoàng Phanxicô đã miêu tả Giáo Hội như là một “bệnh viện dã chiến thiết kế sau trận đánh”, có nhiệm vụ đầu tiên là “chữa lành các vết thương”.
Vị tu sĩ Dòng Tên làm các ông tướng bẽ mặt
 
Trong cuộc  phỏng vấn với tờ “La Civiltà Cattolica” đã được truyền bá khắp thế giới, Giáo hoàng Phanxicô đã miêu tả Giáo Hội như là một “bệnh viện dã chiến thiết kế sau trận đánh”, có nhiệm vụ đầu tiên là “chữa lành các vết thương”.

Nhưng thay đổi nào xảy ra khi cuộc chiến đang hồi quyết liệt? 

Tại quê hương Argentina, giữa những năm 1967–1983, Đức Jorge Mario Bergoglio đã trải qua những "năm khói lửa"(*) do các quân nhân độc tài cai trị. Bắt cóc, tra tấn, thảm sát, 30.000 người mất tích, 500 bà mẹ bị giết sau khi sinh con và các hài nhi sơ sinh bị đem đi mất.

Vị bề trên miền trẻ tuổi của các tu sĩ Dòng Tên Argentina đã làm gì trong những năm dài ấy vẫn còn là một bí mật. Và một nỗi ngờ vực sâu đậm được khơi lên cho rằng ngài chẳng làm gì, chỉ ù lì chứng kiến những chuyên kinh hoàng, hay tệ hơn, đã để cho một vài anh em trong Dòng của mình phải đương đầu với nguy hiểm, nhất là những người quyết tâm nhất trong kháng chiến. 

Vào mùa xuân vừa rồi, ngay sau khi được bầu lên làm Giáo hoàng, các lời buộc tội này lại nổi lên trở lại.

Ngay lập tức những lời kết án ấy lại bị các tiếng nói có thẩm quyền khác phản biện, mặc dù vai trò tổng quát của Giáo hội Argentian vào những năm ấy nằm ở một tình thế rất then chốt: Tiếng nói của các Bà Mẹ Quảng Trường tháng 5, của khôi nguyên Nobel Adolfo Pérez Esquivel, của hội Ân xá Quốc tế. Chính Bộ Tư pháp Argentina cũng miễn cho Bergoglio mọi kết án, sau khi đã thẩm tra ngài trong những năm 2010 và 2011. 

Nhưng nếu đến lúc này, người ta khẳng định được rằng Đức đương kim Giáo hoàng đã không làm điều gì đáng lên án, người ta vẫn không biết trong những năm kinh hoàng ấy ngài đã có làm điều tốt nào để “chữa lành các vết thương” hay không.
 
***

Người ta không biết cho đến hôm 26-9-2013. Vì để vén bức màn phủ lấp phía giấu kín của quá khứ, Đức Giáo hoàng Phanxicô lần đầu tiên, một cuốn sách do EMI xuất bản, tuy kích thước nhỏ bé, nhưng có một nội dung gây chấn động. Sách được bày bán trong các tiệm sách tại Ý vào ngày 3-10, và rồi tuần tự được phát hành tại 8 quốc gia khác nữa trên thế giới. Các bản dịch đang được tiến hành. Sách mang tựa đề “Bergoglio’s List” (Danh sách Bergoglio) làm người ta nghĩ ngay đến cái “Danh sách của Schindler” đã biến thành bất tử nhờ cuốn phim của Steven Spielberg. Bởi vì nội dung giống nhau, như phụ đề cuốn sách đã ghi rõ: “Những người được Phanxicô cứu trong chế độ độc tài. Câu chuyện chưa hề được kể.” 

Vào phần cuối cuốn sách, có in lại nguyên văn cuộc thẩm tra Đức Tổng Giám mục Buenos Aires vào thời đó, xảy ra ngày 8-11-2010. Trước mặt 3 chánh án, Bergoglio bị tra vấn dồn dập suốt 3 tiếng 45 phút, bằng những câu hỏi lắt léo, hầu hết là do Luật sư Luis Zamora, biện hộ cho các nạn nhân. Một đoạn quan trọng trong cuộc thẩm vấn xảy ra khi Bergoglio được yêu cầu minh định cuộc gặp gỡ giữa ngài với các tướng Jorge Videla và Emilio Massera vào năm 1977. 

Hai linh mục rất thân cận với ngài là Franz Yalics và Orlando Yorio đã bị bắt cóc và biệt giam ở một chỗ bí mật. Vị đầu là cha linh hướng của ngài trong 2 năm, và vị sau là giáo sư thần học của ngài, trước khi hai ngài dấn thân làm việc với người nghèo trong khu “vìlas miseria” (ổ chuột) tại Buenos Aires. Việc này khiến hai vị trở thành đối tượng bị đàn áp. Khi hai vị bị bắt, vị bề trên miền Dòng Tên lúc bấy giờ tim ra được các ngài bị giam ở đâu. Ngài biết hai vị bị giam tại Học viện Y khoa Cao cấp nổi tiếng của các sĩ quan hải quân. Ít người có thể sống sót từ đó trở về.

 

Để đòi hỏi trả tự do cho hai vị, Đức Bergoglio muốn gặp cho được Tướng Videla, lúc ấy là Tư lệnh Tổng Tham mưu. Và ngài có thể gặp được tướng này 2 lần, lần thứ hai bằng cách thuyết phục vị linh mục làm lễ tại tư gia của ông tướng giả bộ bị bệnh để ngài làm lễ thay. Nhờ cuộc nói chuyện với Tướng Videla mà ngài biết chắc 2 linh mục Dòng Tên đang bị giam tại trại giam Hải quân.  

Như thế, chẳng còn có thể làm gì khác hơn là đi gặp Đề đốc Massera, một nhân vật bẳn gắt và thù dai. Lại thêm 2 lần gặp gỡ nữa. Lần gặp thứ hai rất chóng vánh. “Tôi nói với ông tướng ‘Massera, tôi muốn hai vị ấy sống sót trở về’, tôi đứng dậy và rời nơi đó.” Đức Bergoglio kể lại như thế trong cuộc thẩm tra năm 2010.

Đêm hôm sau, hai cha Yalics và Yorio bị chụp thuốc mê, đưa lên một phi cơ trực thăng, rồi được thả xuống giữa một vùng sình lầy. Nhưng trong suốt 6 tháng bị giam cầm và tra tấn, hai linh mục bị người ta nhồi sọ là họ đã bị Cha Bề trên Miền chỉ điểm. Và trong một hồ sơ của sở mật vụ, có người đã viết: “Mặc dầu có thiện chí của Cha Bergoglio, Dòng Tên tại Argentina vẫn không thanh lọc được chính mình”, bóng gió cho rằng có đồng loã với đàn áp.

“Một tiểu xảo bẩn thỉu” là một lời nhận xét chống lại lời bóng gió đầy ẩn ý này, từ những công tố viên trong cuộc xử án năm 1985, kết án chung thân cho Videla và Massera. Còn các cha Yalics và Yorio, cả hai vị đều công nhận có sự gian dối trong việc lên án chống lại bề trên của mình, người mà hai vị đã công khai làm hoà.
 
***

Vị bề trên miền thời ấy đã thành công trong việc khiến cho hai ông tướng nghĩ rằng ngài đang tạm trú tại Đại học Thánh Micae để chờ những ngày sáng sủa hơn. Nhưng điều mà cuốn sách tiết lộ lần đầu tiên quan trọng hơn nhiều.

Nello Scavo, phóng viên chuyên về các vấn đề liên quan đến luật của tờ “Avvenire” và là tác giả cuộc điều tra, khi tìm đến tận nhiều người được cứu thoát và tổng hợp các chứng từ của họ lại như một tấm hình ghép, đã khám phá ra rằng Đức Bergoglio đã âm thầm đan kết lại thành một mạng lưới bí mật. Mạng lưới này đã thành công trong việc giải cứu nhiều chục, nếu không nói là hàng trăm người có tính mạng bị đe doạ.

Trong khi Tướng Videla đang ấp ủ những kế hoạch đẫm máu của mình, từ những bức tường thành của Dinh Tổng thống Casa Rosada, thì cách đó chỉ vài bước, trên con lộ dẫn xuống khu Monserrat, có Nhà thờ Thánh Ignatiô thành Loyola, bên cạnh có khu cư xá Dòng Tên và trường học. Nơi đây, vị bề trên miền Dòng Tên gặp gỡ các đối tượng bị bách hại, để cho họ những chỉ dẫn cuối cùng, trước khi họ lén lút xuống thuyền chở rau quả từ Buenos Aires đi Montevideo, Uruguay, cách đó 1 tiếng đường thuỷ. Các sĩ quan quân đội này chẳng bao giờ có thể ngờ được rằng vị linh mục này lại dám thách thức ngay trước mũi họ như thế.  

Thành công của từng vụ gắn liền với sự bí mật giữa cả những người thi hành và những người được hưởng lợi. Những người được lọt vào trong mạng lưới bảo vệ do Đức Bergoglio tổ chức không hề biết được người khác ở trong cùng một tình cảnh với mình.

Đàn ông và phụ nữ đến Đại học Thánh Micae, rồi đi, bề ngoài là để học hay để cấm phòng hoặc để minh định ơn gọi. Thật ra họ là những người đang bị truy lùng vì bị cho là “những tên cách mạng”. Để đưa họ đến nơi an toàn, mục tiêu thường là Brazil, nơi đó cũng có một mạng lưới bảo vệ tương tự do Dòng Tên địa phương tổ chức. 

Nhưng Bergoglio là người duy nhất nắm đầu dây mối nhợ. Vị tu sĩ Dòng Tên lão thành Juan Manuel Scannone, hiện nay là nhà thần học quan trọng nhất của Argentina, và là người được đương kim Giáo hoàng nể trọng nhất, lúc đó cũng ở tại Đại học Thánh Micae. Nhưng ông không hề biết một tí gì. Chỉ sau nhiều năm, ông và các vị khác mới cùng nhau giãi bày tâm sự và hiểu ra. “Nếu một người trong chúng ta biết chuyện và bị bắt, bị tra tấn, toàn thể mạng lưới bảo vệ sẽ tan rã. Cha Bergoglio đã lo ngại cái nguy cơ này, và vì lý do đó mà ngài giữ bí mật. Một bí mật mà ngài giữ mãi về sau này, vì ngài không muốn khoe khoang về cái sứ mệnh đặc biệt ấy của mình.”  

“Danh sách” của Bergoglio là một tuyển tập các câu chuyện cá nhân rất dị biệt, khiến cho việc đọc sách rất thú vị. Nét chung của các câu chuyện là các người trong cuộc đều được ngài cứu thoát.

Như chuyện của Alicia Oliveira, người phụ nữ đầu tiên làm Chánh án Toà Hình sự tại Argentina, và cũng là người đầu tiên bị mất chức sau cuộc cách mạng của quân đội. Bà không phải là người Công giáo cũng chưa từng được rửa tội. Bà phải sống chui sống nhủi và được Bergoglio chở trong thùng xe đến Đại học Thánh Micae, để gặp 3 người con của mình. 

Như chuyện của 3 chủng sinh của Đức Giám mục Enrique Angelelli, Giáo phận La Rioja. Ngài đã bị các quân nhân giết vào năm 1976 trong một vụ đụng xe, sau khi ngài biết được ai là thủ phạm của nhiều vụ ám sát.

Như chuyện của Alfredo Somoza, một học giả được cứu mà không hề hay biết.

Như chuyện của Sergio và Ana Gobulin, cả hai làm việc trong khu ổ chuột, và được Cha Bergoglio làm phép cưới cho. Sergio bị bắt, còn Ana bị truy lùng. Cả hai đều được cứu thoát và cho vượt biên với sự trợ giúp của Enrico Calamai, lúc bấy giờ là phó lãnh sự Ý tại Argentina. Ông này cũng là một anh hùng nữa trong chuyện.

Trong tư cách là Giáo hoàng, nhưng trước tiên trong tư cách là một con người, Đức Bergoglio không ngừng gây ra nhiều thích thú.
 
Khang Nguyễn dịch. Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350611?eng=y

Tác giả: Khang Nguyễn dịch

Nguồn tin: www.emty.org

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập724
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm722
  • Hôm nay115,159
  • Tháng hiện tại1,412,629
  • Tổng lượt truy cập58,698,498
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây