Myanmar - đất nước hi vọng - Kỳ 1: Phép mầu “open government”

Thứ sáu - 14/06/2013 20:08

-

-
Mang ấn tượng về một đất nước Myanmar đóng cửa, bị cấm vận, nghèo nàn, lạc hậu... chúng tôi chuẩn bị tinh thần đến với Myanmar như một cuộc hành hương về Việt Nam thời bao cấp và chấp nhận chịu đựng những khó khăn thiếu thốn nhất. Thế nhưng 10 ngày trải nghiệm ở đây, chúng tôi đã gặp hết bất ngờ này đến bất ngờ khác về những thay đổi ở đây.
Myanmar - đất nước hi vọng - Kỳ 1: Phép mầu “open government”
 
Mang ấn tượng về một đất nước Myanmar đóng cửa, bị cấm vận, nghèo nàn, lạc hậu... chúng tôi chuẩn bị tinh thần đến với Myanmar như một cuộc hành hương về Việt Nam thời bao cấp và chấp nhận chịu đựng những khó khăn thiếu thốn nhất.
 
Thế nhưng 10 ngày trải nghiệm ở đây, chúng tôi đã gặp hết bất ngờ này đến bất ngờ khác về những thay đổi ở đây.

 

Bên cạnh những chiếc taxi đời mới là các phương tiện giao thông cũ kỹ đông nghẹt người. Ảnh: Thuận Thắng
 

Người dân Myanma đang tràn trề hy vọng vào tương lai. Ảnh: Thuận Thắng
 

Một loại xích lô đạp chở 2 người ở Myanma. Ảnh: Anh Kiệt
 

Điện thoại di động bắt đầu “mọi lúc, mọi nơi”. Ảnh: Thuận Thắng
 
Chỉ sau hơn hai năm mở cửa, diện mạo, sinh hoạt đời sống xã hội của Myanmar đã có những thay đổi kỳ diệu, nhiều tuyến đường đã được sửa sang, sóng WiFi, điện thoại di động đã về đến các vùng nông thôn.
 
Xe second-hand Nhật đang tràn ngập
 
Điều nhiều người nghe ta thán trước chuyến đi và cũng được xem là hình ảnh đặc trưng của Myanmar là xe cộ cổ lỗ, đường sá xuống cấp, việc thanh toán bằng tiền USD rất khó khăn. Thế nhưng ngay khi bước ra khỏi sân bay quốc tế Yangon, chúng tôi đã gặp những chiếc taxi đời mới bóng lộn nối nhau chờ khách và sốt sắng chào mời bằng đồng đôla.
 
Nhưng chúng tôi chọn một chiếc xe cũ thời thập kỷ 1970-1980 cho cả đoàn bảy người với giá 15 USD. Và trên đường từ sân bay vào trung tâm thành phố, chúng tôi bắt đầu nhận ra những thông tin của mình đã lạc hậu. Yangon vẫn còn đó những chiếc xe tải lỡ chen chúc hành khách đứng ngồi đu đeo, vẫn còn đó những chiếc trishaw (phương tiện giống như xích lô đạp của ta nhưng hình dáng rất đặc trưng chở hai khách), nhưng đường phố đã xuất hiện rất nhiều ôtô, xe buýt đời mới.
 
Trên đường đi, anh tài xế Chan liến thoắng mời chúng tôi một ngày city tour Yangon với giá 150 USD và hai ngày đi Golden Rock (Hòn đá vàng) với giá 250 USD bằng xe đời mới cho cả đoàn. Không chỉ vậy, tiền phòng khách sạn, mua hàng mỹ nghệ ở chợ và thậm chí cả trong quán ăn bình dân việc thanh toán bằng USD đều thuận lợi dễ dàng. Chừng như sau mở cửa, việc thanh toán bằng đồng đôla ở Myanmar còn dễ hơn ở Thái. Những ngày sau đó chúng tôi yên tâm bắt taxi đời mới đi thăm thú Yangon với giá rẻ bèo 2 USD mỗi cuốc.
 
Nyi Nyi, người đưa chúng tôi đến Golden Rock, nguyên là thủy thủ từng đến VN. Nyi cởi mở giải thích 99% xe đời mới đang lưu hành là xe second-hand tay lái nghịch mặc dù luật đi đường của Myanmar là theo tay phải. Chính phủ cho nhập xe second-hand với thuế suất 20%, nhờ vậy nhiều người đã mua được xe. Chiếc Toyota cá mập đời 2008 của Nyi chỉ có 8.000 USD bao gồm cả thuế.

Nhìn bảng hiệu, hầu hết là xe Nhật, chỉ một ít là xe Hàn Quốc. Tôi hỏi sao không thấy xe Mỹ, Nyi mỉm cười: cấm vận mà, rồi sẽ có, chính phủ mở cửa rồi. Nyi và cả Chan thường nhắc đến từ “open government” (chính phủ mở) với niềm vui rạng rỡ. Hóa ra, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến Myanmar chậm hơn ông Obama hơn năm tháng nhưng xe Nhật đã vào đây sớm hơn Mỹ đến hai năm. Không chỉ ôtô loại nhỏ, các xe buýt đời mới nội thất tiện nghi của Nhật cũng đang thịnh hành ở đây.
 
Đi lại tăng tốc và chất lượng cao
 
Tiến bộ giao thông ở Myanmar không chỉ ở xe mà còn ở đường. Golden Rock có ngôi chùa trên 2.000 năm là thắng cảnh nổi tiếng ở Myanmar. Nhiều người rất muốn nhưng không dám đến vì con đường lên núi quá kinh hoàng. Phải vượt 25km bằng xe tải trên đường đèo dốc hiểm trở, sau đó phải leo núi hơn 1,2km vì đoạn đường này không có phương tiện nào đi được ngoài bàn chân người. Nếu không đi nổi phải thuê kiệu với giá 8 USD. Chuẩn bị cho chuyến leo núi đầy thử thách này, chúng tôi đã liều gửi hành lý trong xe của Nyi, chỉ mang theo mỗi người một túi nhỏ thật gọn nhẹ. Nhưng tại trạm xe lên núi, người ta chào giá hai loại xe, 1.500 kyat phải leo núi, tốn thêm 1.000 kyat (hơn 1 USD) sẽ đi xe lên đến tận đỉnh. Hóa ra các chủ xe đã hùn tiền sửa sang đoạn đường 1,2km thử thách này và độc quyền khai thác.
 
Theo thông tin trên mạng cập nhật năm 2011, từ Yangon đi cố đô Bagan dài hơn 503km, mất 11 giờ rưỡi bằng xe hơi hoặc 12 giờ rưỡi bằng phương tiện giao thông công cộng.Chúng tôi đón xe buýt giá 17 USD/người đi từ 7g chiều và dự đoán đến Bagan vào 8g sáng hôm sau, nhưng thật bất ngờ mới 4g khuya xe đã tới nơi. Bối rối trong cảnh tranh tối tranh sáng đất khách quê người, chúng tôi phải vào một quán cà phê ở bến xe để hỏi thăm thông tin và tìm đường vào khách sạn.
 
Con đường từ hồ Inle đến thành phố Mandalay bị du khách ta thán là con đường kinh hoàng giằn xóc, chỉ dài gần 181km nhưng ôtô phải chạy đến 9 giờ. Một “phượt thủ” Hà Lan đã rên rỉ chưa từng đi cung đường nào khốn khổ đến mức đó, đã vậy từ thị trấn Nyaung Shwe du khách phải thuê xe ra quốc lộ để chờ đón. Nhưng hôm nay tình hình đã khác. Ngay tại làng đã có bến xe mini đi ba tuyến Bagan, Yangon và Mandalay. Tuyến Mandalay có hai loại xe: loại thường giá 10.000 kyat/người, loại VIP giá 15.000 kyat/người, xe đón tại khách sạn, thời gian đi rút ngắn chỉ còn 6 giờ. Chúng tôi đã uổng công chuẩn bị đối phó với những trận giằn xóc vì đường rất tốt, xe chạy rất êm và ghế nệm mềm mại, đến cả bệ để chân cũng được bọc nhung. Đổi lại, ở hầu hết các tuyến đường chúng tôi đều gặp những trạm thu phí, dấu hiệu cho thấy những con đường vừa được tu bổ bằng hình thức đầu tư BOT.
 
WiFi đã phủ ở nhiều nơi
 
Những thông tin trên mạng xem việc gọi điện thoại, ngay cả gọi nội địa, ở đây đã là việc khó khăn, tìm nơi kết nối mạng càng cực kỳ nhọc nhằn, chúng tôi không mang theo laptop vì nghĩ vô dụng. Tuy nhiên điều đó đã xưa rồi, đến nay hầu hết khách sạn, quán ăn của Myanmar đều có free WiFi. Ngay các cửa hàng giới thiệu sản phẩm mỹ nghệ cũng có WiFi. Các cửa hàng điện thoại, tiệm Net, game mọc nhan nhản khắp nơi.
 
Điện thoại di động đã trở thành phương tiện sinh hoạt phổ biến cho mọi người, ngay cả những người lái xe ôm, xe tuk-tuk. Cước điện thoại có lẽ vẫn còn cao, khi chúng tôi gọi nhờ điện thoại của khách sạn cho Chan chỉ hơn 5 phút, bị tính cước 1.000 kyat (khoảng 23.000 VND) nhưng trên hành trình đi Golden Rock chúng tôi vẫn thấy Nyi hồn nhiên “nấu cháo” điện thoại với ai đó. Công nghệ thông tin đã phổ cập đến mức một nhóm tài xế xe tuk-tuk ngồi giải trí bằng laptop trong khi chờ khách dưới chân đồi Sagaing ở Mandalay.
 
Còn báo chí đã bắt đầu thay đổi.
 
Trên các nhật báo của chính phủ màu sắc và thông tin đơn điệu, hình ảnh Tổng thống Thein Sein vẫn thường ngự trị trên trang nhất. Nhưng trên các quầy báo đã xuất hiện một số tờ báo tiếng Anh, song ngữ, báo thương mại thể thao đa dạng.
 
Truyền hình cáp trong các khách sạn có 11 kênh, trong đó có kênh chiếu phim HBO, kênh thể thao châu Á, còn lại là các kênh thông tin địa phương. Chất lượng đường truyền chưa tốt. Trong câu chuyện với Chan, Nyi và những người Myanmar khác, người ta nhắc tới Tổng thống Thein Sein với sự kính trọng và nhắc đến bà Aung San Suu Kyi với tình thương yêu. Anh Yar Man, người xà ích xe ngựa chở tôi đi thăm Bagan, hào hứng kể về chuyện bà từng về thăm Bagan như một niềm tự hào.
 
Anh Kiệt
____________
Kỳ tới: Xứ sở thân thiện
 

Tác giả: Anh Kiệt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập575
  • Hôm nay117,958
  • Tháng hiện tại1,326,385
  • Tổng lượt truy cập58,612,254
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây