Bao giờ nền Kinh Tế Việt sẽ phục hồi?

Thứ ba - 11/06/2013 19:39

-

-
Thực ra giải pháp cho sự phục hồi của nền kinh tế rất đơn giản nếu các nhà lãnh đạo xác quyết một con đường sẽ chọn. Nếu đây là một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, thì việc đầu tiên là bán hết các doanh nghiệp nhà nước qua các cuộc đấu giá quốc tế công khai minh bạch.
Bao giờ nền Kinh Tế Việt sẽ phục hồi?
 
Tôi thích tạo ra rất nhiều dự đoán kinh tế. Người ta sẽ quên những dự đoán sai và chỉ cần họ nhớ một lần khi tôi trúng (Alan Cox)
 

Tuần qua tôi ra Hà Nội để nói chuyện ở 3 cuộc hội thảo nhỏ với khoảng 2 ngàn người. Câu hỏi đầu môi ở khắp nơi là “bao giờ kinh tế chúng ta mới phục hồi?”. Ngoài các quan chức, ai cũng muốn đánh giá và đo lường sức chịu đựng của họ trước cường độ và thời gian của cuộc khủng hoảng.
 
Lại chuyện dự đoán kinh tế
 
Tôi nghiêm túc lập lại các lý do tôi không còn làm những dự đoán kinh tế cho Việt Nam là vì (a) các số liệu thống kê toàn dựa trên thành tích và chỉ tiêu thay vì thực tế hay khoa học (b) nền kinh tế ngầm lớn hơn 30% sẽ làm sai lạc mọi kết luận và (c) phần lớn quyết định kinh tế đều xuất phát từ nhu cầu chính trị, trung ương đến địa phương.
 
Tôi tin rằng ngay cả những quan chức lãnh đạo kinh tế xứ này cũng không chắc chắn về quy trình để hoàn thành quyết định và chính sách hay cả về sự hữu hiệu của việc thực thi. Kiếm một vài tỷ đô la cho ngân sách qua việc mua bán độc quyền vàng và đô la; hay in tiền mà không gây lạm phát (vì suy thoái về tổng cầu quá nặng) không có nghĩa là “vận may” hay các “thủ thuật bùa phép” sẽ có những kết quả tương tự trong tương lai.
 
Mâu thuẫn của mô hình
 
Trong khi đó, căn bản yếu kém của nền kinh tế vẫn là một cấu trúc cốt lõi “kinh tế thị trường với định hướng xã hội”. Thực ra, ngay cả các nền kinh tế tự do của Âu Mỹ Úc đều chứa đựng những chất tố lẫn lộn giữa thị trường và xã hội. Nhưng chỉ tại Việt Nam mới có sự áp đặt “tùy tiện” của chính quyền trong vấn đề thực thi.
 
Như bất động sản, để bảo vệ quyền lợi cho các đại gia BDS, chúng ta để giá cả nhẩy múa thăng tiến theo giá thị trường. Khi dân không đủ tiền để trả giá cao như vậy thì chánh phủ bơm ngay 30,000 tỷ đồng ngân sách để cứu trợ. Khi ngân hàng kiếm tiền vô tội vạ bằng cách cho vay bừa bãi không kể đến rủi ro, chúng ta tôn vinh quy luật thị trường. Khi nợ xấu đe dọa sự sống còn của vài ngân hàng, chính phủ phát trành trái phiếu quốc gia với mệnh giá 100% để chuyển đổi dùm nợ xấu. Mọi ngành nghề khác trong nền kinh tế đều được quản lý tương tự.
 
Thông điệp của chánh phủ khá rõ ràng,” chúng ta sẽ cứu vài nhóm giàu có quyền lực bằng tiền thuế của toàn dân”. Điều này được biện minh là sự sụp đổ của nhóm nhỏ sẽ kéo theo sự sụp đổ chung của mọi người; do đó, nếu lấy 330 ngàn đồng mỗi người (nghèo đi không bao nhiêu), chúng ta sẽ có 30 ngàn tỷ đồng để kích cầu và phục hồi BDS.
 
Nhân cách suy nghĩ này lên 100 lần cho các gói cứu trợ khác, chúng ta sẽ có một bức tranh khá chính xác về nền kinh tế Việt Nam. Danh từ để gọi mô hình kinh tế vĩ mô này là “dở dở ương ương” hay “nửa đực nửa cái, nửa đồng bóng”.
 
Giải pháp rất đơn giản
 
Thực ra giải pháp cho sự phục hồi của nền kinh tế rất đơn giản nếu các nhà lãnh đạo xác quyết một con đường sẽ chọn. Nếu đây là một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, thì việc đầu tiên là bán hết các doanh nghiệp nhà nước qua các cuộc đấu giá quốc tế công khai minh bạch. Ước lượng của một công ty kiểm toán đa quốc là ngân sách sẽ thu về khoảng 70 tỷ đô la. Ngoài tiền bạc, hiệu ứng lớn nhất là niềm tin sẽ quay trở lại với các nhà đầu tư nội cũng như ngoại. Với 60 tỷ đô la trong dân và khoảng 30 tỷ FDI, dòng tiền sẽ khai thông phần lớn bế tắc hiện nay, kể cả BDS.
 
Nếu chúng ta nhất quyết giữ mô hình kinh tế chỉ huy, thì việc đầu tiên là đánh thuế thật nặng các doanh nghiệp và đại gia tư nhân, đẩy dòng tiền về các dự án xã hội, hạ tầng và để cho các doanh nghiệp nhà nước đầu tư tràn lan. Hậu quả là nạn lạm phát bùng nổ mạnh, mọi người dân sẽ nghèo đi một ít, tiêu dùng sẽ co cụm, GDP suy giảm, nhưng tựu trung xã hội sẽ thâu ngắn khoảng cách giầu nghèo, chánh phủ sẽ nắm chặt quyền bính và chúng ta có ổn định kiểu bao cấp. Viễn cảnh cũng nhận được khá nhiều ủng hộ từ 3 triệu công chức và gia đình. Họ muốn quên chuyện biển lớn để ta có thể về tắm ao ta. An toàn hơn.
 
Lựa chọn nào thì cũng cần một quyết tâm chánh trị và một sự ban phép về quyền lực từ trung ương. Tôi hoàn toàn không có thông tin nội bộ, cũng không là thầy bói biết số tử vi của các lãnh đạo để đoán mò. Cho nên, tôi thực tình không biết bao giờ thì chúng ta mới bắt đầu một chu kỳ phục hồi. Cũng có thể tương quan quyền lực sẽ không cho phép một đổi thay gì và chúng ta sẽ dậm chân tại chỗ trong vài năm tới?
 
Con thiên nga đen
 
Tuy nhiên trong 2 cuộc hội thảo vừa rồi, tôi có dịp thảo luận phân tích tình hình với anh Trương Đình Tuyển, cựu bộ trưởng. Anh vừa được thủ tướng bổ nhiệm làm đặc sứ trong cuộc đàm phán TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương) ở Peru. Theo dự tính, nếu Việt Nam gia nhập TPP sau khi quốc hội Mỹ thông qua, GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng 11% trong khi xuất khẩu gia tăng 26% mỗi năm. Đây sẽ là một cú hích quan trọng tương đương với việc gia nhập WTO.
 
Vài ba rào cản khá lớn trong tiến trình này:
 
-   Vì các điều khoản mậu dịch và mục tiêu của 12 nước thành viên chứa nhiều khác biệt, hiệp định sẽ không hoàn tất vào cuối 2013 như dự định mà có lẽ phải dời đến cuối 2014.
 
-   Hiệp định là một thủ thuật của Mỹ để kéo vài nước ASEAN và Nhật khỏi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc (và từ đó, địa chánh trị). Gần như 80% thương mại và sản xuất của Việt Nam tùy thuộc vào Trung Quốc. Chắc chắn Trung Quốc sẽ không khoanh tay ngồi yên nhìn Mỹ lấy mất miếng mồi béo bở này.
 
-   Những điều kiện đòi hỏi từ các thành viên là sự minh bạch của quy chế thị trường, khó thực thi cho bối cảnh Việt Nam.
 
-   Quốc hội Mỹ quàng thêm điều kiện tự do và nhân quyền vào hiệp định. Dù chánh phủ Mỹ coi Việt Nam như đồng minh chiến lược (Đại sứ David Shear tuần rồi đến Little Saigon để “dân vận” cộng đồng Việt kiều), chưa chắc Obama sẽ có sự đồng thuận mong muốn.
 
Nếu TPP được thông qua với Việt Nam là thành viên vào cuối 2014, tôi nghĩ kinh tế Việt sẽ phục hồi mạnh mẽ vào giữa 2014. Hai quỹ đầu tư lớn của Mỹ dường như đánh cuộc vào kịch bản này khi KKR rót vào Masan 200 triệu USD và Warburg Pincus theo gương, đầu tư 200 triệu USD vào Vincom Retail.
Trong khi đó, chúng ta vẫn phải tiếp tục xin Ơn Trên phù hộ.
 
Alan Phan
 
P.S. Một câu hỏi bên lề hội thảo là gói kích cầu 30 ngàn tỷ chủ chánh phủ có thể vực dậy ngành BDS đang ngủ đông? Câu trả lời của Alan: KHÔNG.

Tác giả: TS Alan Phan

Nguồn tin: www.gocnhinalan.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập611
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm610
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại930,739
  • Tổng lượt truy cập57,032,376
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây