Linh mục: Vị chủ chăn hay đầy tớ?

Thứ ba - 03/10/2023 05:28
Chúa đã không trực tiếp nói đến hàng linh mục của đầu thiên kỷ thứ ba, nhưng Ngài đã nhắc khéo những “đấng làm thày” phải khiêm nhường và thực thi những gì họ giảng dạy. Họ không chỉ “làm thày” nhưng họ còn phải phục vụ, phải làm “đầy tớ” cho anh em nữa.
 
linh muc
 
Phúc Âm Thánh Matthew (23: 1-7) ghi lại: “Chúa Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ rằng: Những Ký Lục hay Kinh Sĩ (Scribes) và Biệt Phái (Pharisees) tiếp tục việc giảng dạy từ ông Mô-Sê (Moses) truyền lại, vậy mọi điều họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm theo và giữ lấy; nhưng các ngươi đừng làm theo hành vi của họ; vì họ nói mà lại không làm. Họ bó những gánh nặng mà đặt trên vai người ta, còn chính họ lại không muốn tra ngón tay lay thử. Mọi việc của họ, họ đều làm để được người ta thấy. Vì thế mà họ nới rộng thủ phù, làm to đại tua áo. Họ thích ngồi chỗ danh dự nhất trong các đám tiệc và chỗ cao nhất trong các hội đường cũng như được bái chào ngoài công trường, và được người ta xưng tụng là thày (Rabbi).”

Chúa đã không trực tiếp nói đến hàng linh mục của đầu thiên kỷ thứ ba, nhưng Ngài đã nhắc khéo những “đấng làm thày” phải khiêm nhường và thực thi những gì họ giảng dạy. Họ không chỉ “làm thày” nhưng họ còn phải phục vụ, phải làm “đầy tớ” cho anh em nữa. Ðó là nhiệm vụ của mọi linh mục. Tuy nhiên, trong lịch sử Ơn Cứu Ðộ, ở vào thời này hay thời khác, thỉnh thoảng vẫn có những vị chủ chăn không làm tròn bổn phận của mình.

Vào thời hậu lưu đày, khi dân Do Thái được hồi hương, trở lại Jerusalem, nhiều người đã chán nản và bất cần. Nhiều tiên tri, như Zechariah và Haggai, đã được Chúa linh ứng nhắc nhở dân chúng phải trông cậy vào Chúa, giữ vững đức tin và xây lại đền thờ. Sau đó là sách Malachi, có lẽ Malachi không phải là một tiên tri, vì chữ này chỉ mang ý nghĩa “người đưa tin của tôi.” Sau Malachi lại còn các tiên tri khác như Nehemiah và Ezra, qua những tiên tri này, đặc biệt là trong sách Malachi, người ta nhận thấy các vị “làm thày” vào thời ấy đã không lo tròn bổn phận của mình, nhiều vị lại còn hướng dẫn sai lạc các giáo hữu và làm cho họ vướng tội. Họ đã gây gương mù rất nhiều cho các giáo hữu, họ đã phạm lỗi chỉ tìm sự an nhàn thoải mái và hướng dẫn người khác làm theo mình. Cách tóm tắt, họ đã phản lại ơn gọi của họ là hậu duệ của dòng dõi tư tế thuộc chi tộc Levi, họ đã bị dân chúng khinh bỉ, và thiên chức “làm thày” chỉ còn là tiếng gọi buồn thảm!

Trong thời đại hiện tại cũng không thiếu gì những gương xấu trong các đấng “làm thày.” Chúng ta phải tự công nhận là thiên chức linh mục, nhất là trong các xã hội Âu Mỹ, đã không còn được quí trọng như trước nữa, nhiều khi sự tự hạ giá này khởi đi từ trong hàng ngũ những người giữ vai trò lãnh đạo. Người linh mục đã chỉ còn là “một người tầm thường như bao nhiêu người tầm thường khác.” Có lẽ chúng ta phải tái xác định sự thiêng liêng và quí trọng của thiên chức Linh mục nếu chúng ta muốn đi đúng đường lối Phúc Âm, nếu người linh mục muốn trở thành đầy tớ cho tất cả, trước tiên ông phải học đức khiêm nhường.

Nói đến những gương “không lành” của một vài linh mục là một vấn đề hết sức tế nhị, chúng ta e ngại rằng chúng ta sẽ mất đi một cái gì đó nếu chúng ta tự nhận là đã có những gương xấu trong hàng ngũ các linh mục, chính các linh mục cũng lo sợ phải tự công nhận mình là một người tội lỗi. Là một người đang đứng trong hàng ngũ các “tư tế,” kẻ viết bài này xin được dùng tiếng “chúng ta” để ám chỉ “các linh mục chúng mình.” Ðã bao nhiêu lần chúng ta dám xin lỗi giáo dân vì mình đã không chăm sóc cho họ đầy đủ; vì mình đã đứng quá xa họ; vì đã tự kiêu; vì nhiều khi nóng nảy; vì đôi khi hẹp hòi? Có lẽ chúng ta chẳng bao giờ xin lỗi giáo dân vì không chuẩn bị bài giảng đầy đủ hay thiếu sốt sắng khi dâng thánh lễ.

Thường khi chúng ta đã hành động như thiên chức linh mục là “của riêng” của mình và không ai có quyền “bảo” chúng ta phải làm thế này hay thế khác. Là một nhóm người được “tuyển chọn,” chúng ta “che chở” cho nhau. Ðôi khi chúng ta trách bề trên là đã “xử chìm xuồng” những gương xấu, nhưng chính chúng ta đã hành động cũng y như vậy. Người linh mục cần chân thành ghi nhận những lời giảng dạy của Chúa, chúng ta đã không trở thành linh mục để chỉ tự phục vụ chính mình, nhưng là để phục vụ Chúa Kitô và dân Ngài. Chúng ta đã không trở thành linh mục để tạo ảnh hưởng và được vinh dự, nhưng là để phục vụ dân Chúa, người lớn nhất trong chúng ta phải là kẻ phục vụ tất cả.

Một giáo hội không có linh mục là một giáo hội chết, không thể có giáo hội nếu không có linh mục, không thể có giáo hội thánh thiện nếu không có linh mục thánh thiện. Nhưng nếu thánh lễ chỉ thu gọn lại như một bữa cơm gia đình, nơi linh mục chỉ đóng vai thụ động, thì chẳng có gì đặc biệt về chức linh mục cả. Nếu các bí tích chỉ là bí tích “tập thể” thì cộng đồng cũng chẳng cần đến linh mục. Nếu ai cũng có thể “giảng” trong thánh đường, thì đâu cần phải có linh mục. Nếu việc giảng dạy giáo lý được tháo khoán cho một người được mệnh danh là “giám đốc ban giáo dục tôn giáo” (Director of the Religious Education, DRE) thì cũng chẳng cần phải bận tâm tìm kiếm một linh mục.

Có nơi, nhất là ở Phương Tây, linh mục chánh xứ đã không còn làm phép hôn phối, không làm lễ và nghi thức an táng, không đưa Mình Thánh và thăm viếng kẻ liệt, vì những việc này đã có cha phó, thày sáu và các thừa tác viên lo! Tệ hơn nữa, không ai được “làm phiền” cha “ngoài giờ làm việc.” Chắc chắn vị cha sở đó không phải là một thánh Gioan Vianney thứ hai. Nếu hình ảnh của linh mục là một người không làm việc, và nếu hình ảnh của một giáo hội là một cộng đồng hoạt động rất thành công mà không cần đến linh mục, thì thật sự hàng linh mục chúng ta đang gặp “vấn đề” lớn!

Có lẽ chúng ta cần để ý nhiều đến những dòng tu để thấy những gì đã xảy ra cho thiên chức linh mục. Thời “hậu Công Ðồng” Vatican II, có những dòng đã “canh tân” thật nhiều, dẹp bỏ hết những điều họ cho là không còn hợp thời, như tu phục, lời khấn, tinh thần vâng lời, hay đời sống cộng đồng, thật sự những dòng ấy đang dãy chết. Có dòng còn đi xa hơn nữa là không còn trung thành với những giáo huấn của giáo hội, không còn trung thành với thiên chức linh mục, những dòng đó thực sự đã chết. Ngược lại những cộng đồng tu sĩ nam, nữ còn giữ lời khấn, đời sống cộng đồng, mặc tu phục đặc biệt của họ, giữ tinh thần vâng lời, và trung thành với các giáo huấn của giáo hội cũng như thiên chức linh mục; những dòng tu ấy đang phát triển và phát triển mạnh. 

Tương tự, trong hàng ngũ linh mục, những người thường hô hào phải canh tân, phải đổi mới, phải theo thời... thường là những người sau đó không lâu đã rời bỏ thiên chức của mình. Những giáo phận đã theo chiều hướng này thường là những giáo phận đang phải kêu gào thảm thiết rằng thiếu linh mục. Ngược lại, những giáo phận nhấn mạnh đến đời sống tinh thần của thiên chức linh mục, đến bản chất hi sinh của thánh lễ, đến tầm quan trọng của các bí tích, lại là những giáo phận đang có dồi dào ơn gọi.

Cám ơn Chúa, ngày nay đa số linh mục vẫn còn tinh thần, còn thánh thiện và còn phục vụ dân Chúa cách trung thành, nhưng đây đó vẫn còn một vài linh mục chỉ biết tìm thoải mái cho riêng mình, danh dự cho riêng mình, và chỉ biết sống cho chính mình mà thôi. Ðáng buồn hơn nữa, có người còn lạm dụng thiên chức linh mục như tấm bình phong che đậy mục đích vị kỷ của mình. Ngạn ngữ Tây Phương có câu: “Khi có quyền tuyệt đối thì tuyệt đối có sự hư hỏng” (Nguyên văn: “All power tends to corrupt; absolute power corrupts absolutely.” Lord Acton.) Câu đó cũng đúng khi ám chỉ đến ảnh hưởng, đến quyền hạn, đến danh dự riêng. Việc Chúa đã có lời nghiêm khắc đối với những biệt phái và ký lục cũng là bài học chung cho giáo hội hôm nay.

Chưa bao giờ giáo hội Công Giáo đã phải gặp những thử thách về thiên chức linh mục như giáo hội đương thời, không chỉ ở những quốc gia Phương Tây nhưng các giáo hội ở Châu Á đã bắt đầu và còn đang phải đối diện với vấn nạn này. Người đời đã nói đến những khủng hoảng và khó khăn của thiên chức linh mục, và người ta đã nói với giọng điệu, với ngôn từ mỉa mai tưởng như giáo hội sẽ phải tan đi trong một sớm một chiều. Những khó khăn được kể đến như: Việc thiếu ơn gọi, việc đánh mất căn tính của linh mục hôm nay, số linh mục hồi tục, sự từ chối hay thiếu nhiệt thành của các linh mục trong việc tuyển chọn ơn gọi mới v.v... Nhưng nếu chúng ta chỉ nhìn thấy những khó khăn thì tất cả những gì chúng ta có cũng chỉ là những khó khăn, tương lai của chúng ta từ hi vọng sẽ trở thành tuyệt vọng. Nhưng tuyệt vọng không phải là phản ứng của người Kitô hữu trước những khó khăn của đời sống.

Kể từ khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, cộng đồng Kitô hữu đã thật sự hướng về niềm hi vọng, về sự sống và về cuộc tái sinh mới. Trong hoàn cảnh của những gì tưởng như tuyệt vọng, như mất đi hoàn toàn, thì người Kitô hữu đã tìm kiếm những dấu chỉ của đời sống, của sự sống mới và của niềm hi vọng. Trong mắt người đời, cái chết và sự bị bỏ rơi của Chúa Giêsu trên thập giá là sự thảm bại hoàn toàn của ơn thiêng trước tội lỗi. Nhưng với cái nhìn đức tin, thập giá của Ðức Giêsu là thời điểm của vinh quang và thời kỳ của ân sủng khi Thiên Chúa tự mặc khải là TÌNH YÊU. Quan trọng là phải có cái nhìn đúng.

Những thử thách trong hiện tại đối với thiên chức linh mục là sự thật, là hiển nhiên, chỉ có những người điên mới giản dị hóa tầm quan trọng của sự kiện này. Cùng một lúc, những thử thách ấy không thể đương đầu bằng sự mất bình tĩnh hay sự đào ngũ tập thể mà trước tiên không tìm về tầm nhìn căn bản cho nguồn hi vọng của chúng ta: ÐỨC KITÔ BỊ ÐÓNG ÐINH VÀ PHỤC SINH. Ðây cũng là Ðức Kitô đã an ủi các tông đồ trước khi Ngài thăng thiên trở về với Thiên Chúa Cha. Cũng là Ðức Kitô đã đồng hành trên đường Emmaus với hai môn đệ đã mất niềm hi vọng, Ngài đã ở lại với họ và tim họ đã bừng lên nhịp sống tin yêu. Cũng là Ðức Kitô đã sai Chúa Thánh Thần xuống thế với quà tặng bình an. Cũng là Ðức Kitô đang ngự trị giữa chúng ta trong Chúa Thánh Thần với lời mời gọi thiết tha: “Hãy đến mà xem...Hãy theo Thầy...”

Năm 1993, Ðức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố tông huấn Veritatis Splendor (Ánh Quang Chân Lý,) chính Ðức Thánh Cha đã công nhận đây là tài liệu quan trọng nhất trong triều đại Giáo Hoàng của ngài. Qua tông huấn này, người linh mục hôm nay đã có một căn bản cho những vấn đề luân lý quan trọng đương thời, căn bản đó được đóng ấn bằng chính quyền năng tối cao của giáo hội trần thế (Magisterium). Nghiên cứu kỹ lưỡng và áp dụng chính xác những giáo huấn này trong các bài giảng, các cuộc thường huấn, và các công tác mục vụ không phải là một chọn lựa, nhưng là bổn phận của những linh mục chân chính.

Người linh mục hôm nay cần phải đối diện với những thử thách trong hiện tại cách chân thành và khiêm nhượng trong tinh thần luôn luôn muốn trở nên người “đầy tớ” của những anh em, chị em của Ðức Kitô. Một lời xin lỗi hay một cuộc xưng tội “trống” (công khai) trước cộng đồng dân Chúa âu cũng là một bắt đầu tốt vậy.

Lm Phaolô Nguyễn Văn Tùng (tổng hợp)

Tác giả: Lm Phaolô Nguyễn Văn Tùng

 Tags: linh mục

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Facebook Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Kênh Youtube Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập122
  • Hôm nay44,676
  • Tháng hiện tại180,648
  • Tổng lượt truy cập69,655,980
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây