Đức Phanxicô mời gọi bước theo “Thiên Chúa nhập thể” chứ không phải “Thiên Chúa trình diễn”
Tý Linh
2023-12-25T03:43:05-05:00
2023-12-25T03:43:05-05:00
http://www.cuucshuehn.net/Tu-duc/duc-phanxico-moi-goi-buoc-theo-thien-chua-nhap-the-chu-khong-phai-thien-chua-trinh-dien-13019.html
http://www.cuucshuehn.net/uploads/news/2023_12/noel-1.jpeg
Cựu Chủng Sinh Huế
http://www.cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ hai - 25/12/2023 03:38
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Ngài không phải là Thiên Chúa trình diễn mà là Thiên Chúa nhập thể. Ngài không lật đổ những bất công từ trên cao bằng vũ lực, mà từ dưới bằng tình yêu; Ngài không bộc lộ với sức mạnh vô hạn, nhưng dìm mình trong giới hạn của chúng ta; Ngài không tránh né sự mong manh của chúng ta, nhưng đảm nhận chúng.”
Trong Thánh lễ đêm Giáng sinh, được cử hành vào Chúa Nhật 24/12/2023, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Rôma, Đức Phanxicô cảnh giác “nguy cơ sống Lễ Giáng Sinh với ý tưởng ngoại đạo về Thiên Chúa” bằng cách mời gọi các tín hữu tôn thờ một “Thiên Chúa nhập thể” chứ không phải một “Thiên Chúa trình diễn”, một Thiên Chúa “chọn con đường nhỏ bé”, “sống trong những bất công của chúng ta”, trái ngược với hình ảnh về một vị Thiên Chúa “cứng nhắc và quyền lực”.
Vào tối Chúa nhật ngày 24 tháng 12, trong Vương cung thánh đường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha trong bộ đồ trắng đi vào trên xe lăn. Từ vài tháng qua khi bắt đầu mỗi buổi cử hành, Đức Phanxicô đã mặc lễ phục phụng vụ trước công chúng. Một dấu hiệu của sự suy yếu về thể lý mà Đức Thánh Cha đã chấp nhận kể từ khi ngài sử dụng chiếc xe lăn, và một dấu hiệu của sự khiêm nhường tương phản với hình ảnh quyền lực gắn liền với Đức Giáo hoàng.
Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa trình diễn mà là Thiên Chúa nhập thể
Chính trên sự tương phản này mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi chúng ta suy nghĩ, vào buổi tối Lễ Giáng Sinh này, trong thánh lễ nửa đêm được cử hành tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, và được thắp sáng vào đúng lúc một ca sĩ công bố, theo truyền thống, sự ra đời của Chúa Kitô. Trước 6.500 tín hữu trong Vương cung thánh đường và 6000 người trên quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã miêu tả một Thiên Chúa nhỏ bé, yếu đuối, nhập thể trong một hài nhi, cách xa hàng ngàn dặm so với hình ảnh của một vị thần quyền năng và vinh quang. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Ngài không phải là Thiên Chúa trình diễn mà là Thiên Chúa nhập thể. Ngài không lật đổ những bất công từ trên cao bằng vũ lực, mà từ dưới bằng tình yêu; Ngài không bộc lộ với sức mạnh vô hạn, nhưng dìm mình trong giới hạn của chúng ta; Ngài không tránh né sự mong manh của chúng ta, nhưng đảm nhận chúng.”
Đức Phanxicô tiếp tục bài giảng bằng cách đặt câu hỏi với các tín hữu: “Chúng ta tin vào Thiên Chúa nào? Vào Thiên Chúa nhập thể hay Thiên Chúa trình diễn? Vâng, bởi vì có nguy cơ sống Lễ Giáng Sinh với ý tưởng ngoại đạo về Thiên Chúa. Như thể Ngài là một bậc thầy quyền năng trên bầu trời, một vị thần gắn liền với quyền lực, thành công trần thế và sự tôn thờ chủ nghĩa tiêu thụ”.
Theo Đức Thánh Cha, con đường nhỏ bé này cũng được xác nhận trong thái độ của Chúa Giêsu đối với cuộc điều tra dân số. “Ngài không trừng phạt cuộc điều tra dân số và khiêm tốn cho phép mình được đếm. Chúng ta không thấy một Thiên Chúa giận dữ trừng phạt, mà là một Thiên Chúa nhân hậu, nhập thể, bước vào thế giới một cách yếu đuối, với lời loan báo: “Bình an dưới thế cho loài người” đi trước Ngài”.
Ngài nhấn mạnh sự tương phản: “Trong khi hoàng đế kiểm kê số cư dân trên thế giới, thì Thiên Chúa đi vào thế giới gần như một cách bí mật; trong khi những người chỉ huy tìm cách vươn lên giữa những người vĩ đại trong lịch sử, thì Vua lịch sử lại chọn con đường nhỏ bé. Không ai trong số những người có quyền lực để ý đến điều đó, chỉ có một số mục đồng, bị đẩy ra bên lề đời sống xã hội.”
Cảnh giác với những hình ảnh sai lệch về vị thiên chúa tức thời
Theo Đức Phanxicô, đây là hình ảnh sai lệch về một vị thiên chúa tách biệt và dễ động lòng, đối xử tốt với người tốt và tức giận với người xấu; “một vị thiên chúa được tạo ra theo hình ảnh của chúng ta, chỉ hữu ích để giải quyết các vấn đề của chúng ta và loại bỏ những tệ nạn của chúng ta”. Ngược lại, “Ngài không dùng đũa thần, Ngài không phải là vị thần thương mại của “mọi thứ và ngay lập tức”; Ngài không cứu chúng ta bằng cách nhấn nút, mà đến gần để thay đổi thực tại từ bên trong,” Đức Thánh Cha nói thêm và đồng thời lấy làm tiếc về ý tưởng trần tục này về một vị thần xa rời và kiểm soát, cứng nhắc và quyền lực, vốn giúp đỡ người thân thuộc của mình chiến thắng trên những người khác như nhiều người tin tưởng.
Và Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta hướng về “Thiên Chúa hằng sống và chân thật”, Đấng vượt trên mọi tính toán của con người và tuy nhiên, Đấng cho phép mình được kiểm kê bởi thống kê của chúng ta; hướng về Đấng cách mạng hóa lịch sử bằng cách cư ngụ trong đó; hướng về Đấng tôn trọng chúng ta đến mức cho phép chúng ta khước từ Ngài. “Ngài khao khát ôm lấy cuộc sống của chúng ta đến nỗi, là vô hạn, Ngài trở nên hữu hạn đối với chúng ta; là vĩ đại, Ngài trở nên nhỏ bé; là công chính, Ngài đang sống trong những bất công của chúng ta.” Theo Đức Thánh Cha, đây là điều kỳ diệu của Lễ Giáng Sinh: “Không phải là sự pha trộn giữa tình cảm ủy mị và tiện nghi trần thế, mà là sự dịu dàng chưa từng có của Thiên Chúa, Đấng cứu độ thế giới bằng cách nhập thể. Chúng ta hãy nhìn Chúa Hài Nhi, chúng ta hãy nhìn vào máng cỏ của Ngài, chúng ta hãy nhìn vào máng cỏ mà các thiên thần gọi là “dấu hiệu” ”.
Thiên Chúa nhìn vào khuôn mặt và tâm hồn, không phải các màn trình diễn
Tiếp đến, Đức Giáo hoàng đã suy niệm về xác thịt trong đó Ngôi Lời đã nhập thể. Một thuật ngữ gợi lại sự mong manh của thân phận con người mà Thiên Chúa đã nhập thể vì tình yêu dành cho chúng ta.
“Đối với Thiên Chúa, Đấng đã thay đổi lịch sử trong cuộc điều tra dân số, bạn không phải là một con số, mà là một gương mặt; tên của bạn đã được khắc ghi trong trái tim của Ngài”, Đức Phanxicô nhấn mạnh và đồng thời nói với sự trống rỗng trong tâm hồn mỗi người: “Hãy nhìn vào tâm hồn bạn, những màn trình diễn không ngang tầm của bạn, thế giới phán xét và không tha thứ, có lẽ bạn đang sống tồi tệ Lễ Giáng Sinh này, khi nghĩ rằng bạn đang sống không tốt, bằng cách nuôi dưỡng cảm giác thiếu thốn và bất mãn vì sự mong manh, những vấp ngã và những vấn đề của bạn”.
Đức Phanxicô nói tiếp: “Tại sao bạn lại ở trong nhà tù của nỗi buồn?” Giống như những mục đồng đã rời bỏ đàn chiên của mình, hãy rời khỏi vòng vây u sầu của mình và đón nhận sự dịu dàng của Hài Nhi Thiên Chúa.”
Đối với Đức Thánh Cha, Đấng đã nhập thể, không mong đợi những màn trình diễn của bạn mà là trái tim rộng mở và tin tưởng của bạn. Đồng thời nhắc lại rằng Chúa Kitô không nhìn vào những con số mà nhìn vào những khuôn mặt. Ngược lại, Đức Thánh Cha hỏi, “ai nhìn vào Ngài, giữa vô số sự vật và sự vội vã điên cuồng của một thế giới luôn bận rộn và thờ ơ?”
Tái khám phá sự tôn thờ
Câu trả lời cho điều này nằm ở việc tôn thờ, như Đức Maria, Thánh Giuse, các mục đồng, rồi đến các nhà đạo sĩ. “Tôn thờ là cách đón nhận sự nhập thể.” “Chúng ta hãy khám phá lại sự tôn thờ, bởi vì tôn thờ không phải là lãng phí thời gian của chúng ta mà là để Thiên Chúa sống trong thời gian của chúng ta. Đó là làm cho hạt giống nhập thể nảy nở trong chúng ta, đó là cộng tác vào công việc của Chúa, Đấng thay đổi thế giới như men. Đó là chuyển cầu, sửa chữa, để Chúa uốn nắn lại lịch sử.” Và Đức Thánh Cha kết thúc bằng việc trích dẫn tác giả Kitô giáo vĩ đại Tolkien: “Cha ban cho con điều tuyệt vời duy nhất để yêu mến trên trái đất: Bí Tích Thánh Thể. Ở đó con sẽ tìm thấy sự quyến rũ, vinh quang, danh dự, lòng trung thành và con đường đích thực của tất cả tình yêu của con trên trái đất” (J.R.R. Tolkien, Thư số 43, tháng 3 năm 1941).
Hướng về Bêlem
Trong bài giảng của mình, Đức Phanxicô cũng đã đề cập đến Chúa Giêsu gắn liền với hòa bình, vào thời điểm mà thế giới đang rung chuyển bởi những gì Đức Thánh Cha đã tố cáo kể từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của mình là “một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba từng mảnh”. Ngài đã đề cập rõ ràng đến cuộc chiến giữa Israel và Hamas. “Trái tim của chúng ta, tối nay, hướng về Bêlem, nơi Hoàng Tử Hòa bình vẫn bị từ chối bởi lôgic thua cuộc của chiến tranh, với sự xung đột vũ khí, ngay cả ngày nay, vẫn ngăn cản Ngài tìm được một chỗ trên thế giới”.
Tý Linh (theo Delphine Allaire, Vatican News và nhật báo La Croix)