Hội ngộ 50 năm lớp Hoan Thiện 72-73 tại Houston, Texas
Lm Hồ Khanh HT72-73
2023-06-10T22:33:34-04:00
2023-06-10T22:33:34-04:00
http://www.cuucshuehn.net/Tin-Hoi-Ngo/hoi-ngo-50-nam-lop-hoan-thien-72-73-tai-houston-texas-12701.html
http://www.cuucshuehn.net/uploads/news/2023_06/ht72-73-hoi-ngo-2.jpg
Cựu Chủng Sinh Huế
http://www.cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ bảy - 10/06/2023 22:20
Ngày xưa còn nhỏ dại, chưa biết gì. Có lẽ qua những đổi thay của cuộc đời, anh em thấy thương nhau và quý nhau nhiều hơn! Hẹn gặp các bạn lần tới! Xin cám ơn các phu nhân đã tháp tùng chồng mình trong chuyến đi này. Hy vọng lần sau sẽ có dịp gặp gỡ thêm nhiều “mẹ bề trên” hơn!
Thiên Chúa thực hiện mọi chuyện thật diệu kỳ. Có những chuyện ngỡ như là ngẫu nhiên, nhưng thực ra đã nằm trong sự quan phòng thương yêu của Thiên Chúa.
- Xem toàn bộ hình ảnh: TẠI ĐÂY
Hè năm nay, mấy anh em trong lớp cựu chủng sinh Huế của tôi, muốn tổ chức họp lớp nhân dịp 50 năm bước chân vào Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện niên khoá 1972-1973. Chúng tôi lên kế hoạch họp mặt với nhau tại miền đất “nóng cháy da người” của Houston, TX từ ngày 03/06 cho tới ngày 06/06/2023. Đâu có ngờ là, cũng dịp cuối tuần đó, đức ông Phanxico Xavie Cao Minh Dung từ Roma bay sang Houston để tổ chức lễ 40 năm linh mục của ngài, theo lời mời của bác sĩ Phi Ngọc Hoàng, con đỡ đầu của ngài, và một số anh chị em thân hữu tại Houston.
Thánh Lễ dự định tổ chức tại Dòng Nữ Daminh Viet Nam tại Houston tối thứ sáu 02/06 lúc 6g tối. Cũng vì thế, một số anh em trong lớp chúng tôi đã bay qua Houston trước một ngày sớm hơn dự định để cùng chung vui với đức ông Dung trong dịp lễ trọng đại nầy. Ngoài sự hiện diện của các sơ Đaminh, của Ban Tổ Chức- đại diện là chị Tuyết Lan, em họ của cha Nguyễn Hữu Hiến, còn có mặt của bạn bè thân hữu khắp nơi, các anh em cựu chủng sinh Huế kéo nhau về tham dự đông đảo. Có khoảng 9 linh mục đồng tế. Về phía gia đình CCS Huế, có đức ông Quang giảng lễ, có đức ông Hàm và tôi cùng đồng tế với đức ông Dung và các cha khác. Đức ông Quang gọi đức ông Dung là “chiến sĩ thầm lặng,” làm việc âm thầm bên cạnh 3 vị Giáo Hoàng (Gioan Phaolo II, Benedict 16, Phanxico). Nhìn quanh, có nhiều khuôn mặt quen thuộc của gia đình CCS Huế như anh Nguyễn Cả (Denver), anh chị Hiền Hương (Tulsa), anh Hoàng Đình Thượng (California), anh chị Phúc Quỳnh và anh chị Cần ở Houston, 3 cha con Trương Minh (Florida) và một số anh chị em khác. Đông nhất là anh em trong lớp của tôi, ngoài đức ông Quang và tôi, còn có vợ chồng Văn Công Quang (California), Đỗ Hữu Thịnh (Oklahoma), Nguyễn Văn Mên (Michigan), Nguyễn Văn Tâm (Connecticut), Nguyễn Văn Tính (Louisiana). Có hai anh em từ phương xa là anh Vũ Quang Hà đến từ Vietnam và em của anh là Sơn đến từ Seattle.
Sau Thánh Lễ là tiệc mừng. Đức ông Dung bận bịu tiếp khách, nhưng cũng chịu khó đi xung quanh chào hỏi mọi người và chụp hình với rất nhiều người. Thời gian gần đây ngài bị chứng bệnh Parkinson (tay chân run) nên mọi cử động cũng có phần khó khăn. Ngài qua Houston chuyến này cũng là để chữa bệnh theo lời mời của bác sĩ Phi Ngọc Hoàng, người con đỡ đầu mới trở lại Công Giáo của ngài.
Sau tiệc mừng, đức ông Hàm theo lớp chúng tôi về ngủ lại nhà cháu gái của tôi tại Houston. Một đêm trò chuyện thật rôm rả, nhờ mấy bánh bột lọc và nem mà vợ chồng Hào mang qua từ Portland. Nhưng sau một ngày bận rộn và cũng đã thấm mệt, anh em đi ngủ sớm để còn tiếp tục chiến đấu những ngày kế tiếp…
Sang hôm sau thứ bảy (03/06), Nguyễn Xuân Thuận lái xe về từ Dallas, vợ chồng Trần Đình Hào và vợ chồng Trương Quốc Thu bay sang từ Portland, Phan Văn Tuấn đến từ Atlanta. Chúng tôi rủ nhau đi ăn trưa tại Phở Saigon, và sau đó ghé lại nhà chị dâu chất đồ ăn chị đã nấu sẳn để lên đường trực chỉ căn nhà nghỉ mát ở biển Galveston. Có vợ chồng đứa cháu cho mượn thêm chiếc xe bảy chỗ ngồi nên chúng tôi cũng thong thả hơn. Nhà nghỉ mát là căn nhà 3 tầng tính luôn tầng trệt, đầy đủ tiện nghi và rất thuận tiện cho những sinh hoạt của anh em chúng tôi trong những ngày tới. Chủ nhân của căn nhà xinh đẹp này là một cặp vợ chồng trẻ, giáo dân của tôi. Họ không cho mướn nhà, mà chỉ để cho gia đình bạn bè của họ sử dụng mà thôi. Dĩ nhiên họ cũng thương mến cha xứ nhiều mới cho cha xứ sử dụng căn nhà xinh đẹp của họ như thế này! Ngoài 5 phòng ngủ rộng thênh thang và trang hoàng tao nhã, căn nhà còn có một nhà bếp, phòng ăn và phòng khách rộng rãi. Ngoài ra, còn có cả một bàn pingpong, tàu cano, jet ski, một chiếc tàu lớn sẳn sàng cho chúng tôi sử dụng. Vì thời gian có hạn, chúng tôi chỉ xử dụng hồ tắm và hồ nước nóng. Có bàn pingpong để mấy cậu thách thức nhau trả nợ đời, những món nợ mắc nhau đâu từ kiếp lúc còn trong Chủng Viện, kể ra cũng vui.
Tối thứ bảy, sau một bữa ăn thịnh soạn gồm crawfish, bún bò Huế, hột vịt lộn, chè đậu xanh… do chị dâu nấu, anh chị em chúng tôi cùng nhau lần chuỗi, dưới sự hướng dẫn của đức ông Nguyễn Ngọc Hàm. Ngài lớn tuổi nhất, nhưng đọc kinh thì không ai… đuổi kịp! Ngài lần chuỗi nhanh quá, khiến mấy thằng vạm vỡ như Nguyễn Xuân Thuận, Trương Quốc Thu, Văn Công Quang cũng chạy theo bở hơi tai!
Sau khi hàn huyên tâm sự một hồi, anh em chia nhau đi ngủ. Phúc cho những ai không phải ngủ chung với mấy thằng ưa “kéo gỗ”. Sáng hôm sau, Chúa Nhật, anh em dậy thật sớm, khăn áo chỉnh tề chuẩn bị đi Lễ. Vì còn sớm, anh em chúng tôi còn có giờ chụp hình kỷ niệm trước khi lái xe về giáo xứ của tôi để tham dự thánh lễ Chúa Nhật lúc 10:30 sáng. Thánh Lễ hôm nay mừng kính Chúa Ba Ngôi, quan thầy của giáo xứ. Tôi đã dàn xếp cho cha Joe Kattakkara giúp dâng lễ trong lúc tôi đi vắng trong mấy ngày này. Hôm nay lại có mặt đức ông Hàm và tôi đồng tế nữa, nên có ba cha trong lễ mừng Chúa Ba Ngôi cũng hợp tình hợp lý vô cùng. Lớp của tôi được mời ngồi vào trong hai dãy ghế đầu tiên, thêm sự có mặt của hai anh em Vũ Quang Hà và Sơn nữa nên cũng rất xôm tụ. Cuối thánh lễ, Nguyễn Văn Mên còn đại diện anh em nói lên những lời chúc tụng và cám ơn giáo xứ nữa.
Sau thánh lễ, anh em chúng tôi lại còn được các bà trong xứ dọn sẳn một bữa ăn tươm tất ở trong nhà xứ, trước khi chúng tôi lên đường viếng mộ cha Dương Quang Đức. Từ giáo xứ của tôi đến mộ cha Đức cũng hơn 1 tiếng lái xe, nhưng vì tình đồng môn, anh em đều muốn đi thăm ngài. Quả thật tình cảm anh em cựu chủng sinh không có nơi nào sánh ví!
Trên đường về lại Galveston, chúng tôi đổi hướng đi qua một chuyến phà. Những chiếc phà ở đây phục vụ cho khách qua lại giữa hai bờ biển Galveston và Port Bolivar. Suốt năm, những chiếc phà nầy chở hành khách và xe cộ qua lại liên tục giữa hai bờ biển mà chẳng ai phải trả tiền gì cả. Quả là chỉ ở Mỹ mới có! Tôi thấy suốt năm, chỉ có những ngày biển động phà mới tạm ngưng hoạt động mà thôi!
Trước khi qua phà, chúng tôi còn ghé lại nhà anh Hoàng Lam, giáo dân cũ của tôi. Tôi có nhờ anh nấu mấy món nhậu để anh em lai rai tối Chúa Nhật, nhưng quả thật là anh ta cung cấp thức ăn chúng tôi dùng cả tuần không hết! Vậy là tối hôm đó, chúng tôi lại có một bữa tiệc thịnh soạn gồm ghẹ, cua Alaska (do Thịnh mang về), heo giả cầy, xôi, chè và nhiều món khác. Sau bữa tối, chúng tôi lại quây cùng bên nhau chia sẻ Lời Chúa và cuộc sống của mình. Bài đọc hôm đó là câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus, có Chúa cùng đi. Chủ đề đồng hành và đối thoại thích hợp vô cùng.
Sáng thứ hai (5/6) anh em thức dậy và tham dự thánh lễ lúc 9g sáng. Trong thánh lễ nầy, chúng tôi nhớ tới các bậc ân sư và các anh em trong lớp đã qua đời. Từng tên của anh em qua đời được xướng lên để anh em cầu nguyện. Những kỷ niệm xa xưa được nhắc lại, cảm động vô cùng.
Sau khi ăn trưa, một số anh em chuẩn bị lên đường. Vì ngày hôm sau, vợ và con của Mên về Vietnam nên Mên phải về lại Michigan sớm. Luôn tiện, Mên chở luôn hai vợ chồng Hào và Tuấn ra phi trường. Mấy anh em nầy đi về ngày thứ hai.
Chiều thứ hai, đáng lý theo kỳ hẹn, đức ông Dung và một số anh em thân hữu sẽ đến chơi, nhưng đức ông bận đi bác sĩ nên không đến được. Anh em có một buổi chiều thong thả. Tôi rủ anh em đi tham quan 1 lâu đài cổ kính được mệnh danh là Bishop’s Palace (dinh thự của Giám mục), bởi vì có thời gian nơi đây là nơi cư ngụ của Giám mục Địa phận Galveston- Houston. Đây là một trong mấy buildings còn sót lại sau cơn bão tàn khốc ập vào hòn đảo nầy năm 1900 và đã cướp đi hơn 8.000 mạng sống. Toà nhà nầy bây giờ đã được địa phận Galveston- Houston bán lại cho thành phố Galveston và đã biến thành viện bảo tàng cho khách tham quan.
Rời Bishop’s Palace, chúng tôi lại ghé thăm Moody Gardens, một địa điểm tham quan khác. Ở đây vừa có khách sạn, rạp ciné, tiệm ăn, công viên cá, vườn cây nhiệt đới và nhiều điều thích thú khác.
Trở lại nhà nghỉ mát, chúng tôi thưởng thức món lẫu cá và đồ biển, thịt dê, cũng như còn bao nhiêu thức ăn mang ra hết, làm một bữa thịnh soạn trước khi Tính chở Tâm và vợ chồng Thu về ngủ lại tại Houston để sáng hôm sau đi chuyến bay sớm.
Anh em đi rồi, căn nhà rộng rãi trở nên trống vắng, cũng may còn có hai anh em, anh Hà và Sơn. Chúng tôi kéo nhau đi tắm và đi ngâm nước nóng. Vừa uống bia vừa ngâm nước nóng cũng thú vị vô cùng.
Thời gian còn lại anh em giúp nhau dọn dẹp để trả lại căn nhà nguyên vẹn cho vợ chồng giáo dân tốt bụng. Sáng hôm sau, thứ ba (6/6), chúng tôi giúp nhau dọn dẹp lần cuối. Sau bữa ăn cuối cùng, chúng tôi chia tay nhau và hẹn nhau lần tới. Hai anh em Hà và Sơn giúp chở vợ chồng Văn Công Quang ra phi trường. Nhờ thế, Thuận có thể thẳng đường về lại Dallas, và vợ chồng Thịnh có thể chạy thẳng về Oklahoma City. Phần tôi chất đầy một xe đồ đạc để về lại nơi sinh hoạt của mình. Cuộc vui nào cũng chóng qua, nhưng buổi họp mặt nầy để lại cho anh em nhiều cảm giác khó quên. Ngày xưa còn nhỏ dại, chưa biết gì. Có lẽ qua những đổi thay của cuộc đời, anh em thấy thương nhau và quý nhau nhiều hơn! Hẹn gặp các bạn lần tới! Xin cám ơn các phu nhân đã tháp tùng chồng mình trong chuyến đi này. Hy vọng lần sau sẽ có dịp gặp gỡ thêm nhiều “mẹ bề trên” hơn!
Linh mục Hồ Khanh
Tác giả: Lm Hồ Khanh HT72-73
Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế