Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (7)

Thứ sáu - 10/08/2012 09:47

-

-
“Ước mong những suy tư giản dị, trong sáng như cuộc đời của Đức Cố Hồng Y, trong tập bài giảng này, cũng giúp tất cả chúng ta hiểu biết Chúa nhiều hơn, yêu mến Chúa nhiều hơn, và yêu mến Giáo Hội của Chúa nhiều hơn.” [Tài liệu Đức Ông Phan Văn Hiền HT63, gửi riêng cho trang CCSHue]. Phần 7.
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (7)
 
 

 
Bài 67: Đối diện sự chết   
Thứ ba 17-09-91 - Tuần 24 Thường Niên
 
Lc 7, 11-17; 1 Tim 3, 1-13
 
Chúng ta thấy hằng ngày, hằng giờ, chung quanh chúng ta luôn có người chết. Có người chết vì bệnh, kẻ chết vì tình, vì chiến tranh, khủng bố hay thiên tai, lụt lội... Vừa qua, một cơn bão lớn đã làm thiệt hại biết bao nhiêu mạng người và của cải; và giờ đây, cuộc chiến ở vùng Trung Đông đang và sẽ còn cướp đi bao nhiêu mạng người nữa. Trước cái chết, chúng ta đồng cảm với dân tộc, quốc gia hay từng gia đình về sự đau khổ họ gánh chịu khi phải mất người thân yêu. Thật ra, ai trong chúng ta cũng đều lo sợ và đau khổ khi đứng trước cái chết của người thân. Cũng vậy, đứng trước cái chết của con người, Chúa Giêsu đã cảm thấy thật đau xót và đồng cảm với bà góa thành Naim mà Phúc m hôm nay tường thuật lại.
 
Đối với huyền nhiệm của sự chết, con người cảm thấy bất lực, nhưng Chúa Giêsu muốn cho con người biết rằng, Chúa có quyền năng vượt lên trên sự chết. Qua phép lạ làm cho người con trai độc nhất của bà góa thành Naim sống lại, Chúa Giêsu không chỉ muốn tỏ cho thấy Ngài có quyền lực trên sự chết nhưng còn bộc lộ sứ mệnh chính yếu của mình là cứu con người khỏi cái chết đời đời. Chết phần xác là một đau khổ, nhưng chết phần hồn lại còn khốn khổ biết chừng nào, vì đó là cái chết vĩnh viễn...
 
Mục đích và lý tưởng của chúng con nhắm tới là trở thành linh mục, là gia nhập vào đội quân của Chúa Giêsu. Chúng con biết rằng cuộc chiến đấu giữa Chúa Giêsu và ma quỷ, giữa thiên đàng và hỏa ngục vẫn còn đang tiếp diễn. Vì thế, chúng con cần phải tỉnh táo và khôn ngoan. Và muốn được như vậy, chúng con phải được đào tạo, rèn luyện kỹ càng. Trong bài đọc hôm nay, Thánh Phaolơ khuyên môn đệ Timôtêô của mình phải khôn ngoan, thận trọng, không say sưa... Nghĩa là phải mẫu mực, không tai tiếng và điều quan trọng hơn cả là phó thác mọi sự nơi Thiên Chúa.
 
Qua kỳ nghỉ hè vừa rồi, chúng con biết giáo dân đòi hỏi và chờ đợi gì ở nơi chúng con. Chắc chắn chúng con cũng đã nghe giáo dân khen ngợi và phê bình linh mục ở điểm này điểm kia. Vì thế, bây giờ chúng con cần phải rèn luyện, và quyết tâm đạt được những gì mà giáo dân đang đòi hỏi và góp ý. Nói cách khác, chúng con phải chuẩn bị chu đáo để sau này, khi trở thành linh mục của Chúa, được giao phó chăm sóc 1000 hoặc 2000 giáo dân, chúng con có thể giúp họ sống thánh thiện đạo đức.
 
Hôm nay, chúng con cùng với Cha dâng thánh lễ tạ ơn Chúa đã ban cho một kỳ nghỉ hè tốt đẹp và đồng thời cũng xin Ngi tha thứ những lỗi lầm thiếu xót trong dịp hè vừa qua. Sau cùng, xin Chúa ban ơn lành cho chúng con trong năm học mới được mọi sự tốt đẹp theo thánh ý của Chúa. Amen.
 
 
Bài 68: Nhà Thiên Chúa
Thứ tư 18-09-91 - Tuần 24 Thường Niên
 
Lc 7, 31-35; 1 Tim 3, 14-16
 
Các nhà chú giải Kinh Thánh gọi đoạn thánh thư hôm nay là bài thần học sâu sa nhất về Nhà Thiên Chúa, tức Giáo Hội của Thiên Chúa hằng sống, là cột trụ và nền tảng của chân lý.
 
Thời Thánh Phaolô, Giáo Hội chưa có nhà thờ, chưa có kinh hạt hay nghi thức thánh lễ như hiện nay. Các Tông Đồ thường trú ngụ trong gia đình của những người giáo dân và cử hành phụng vụ bắt đầu bằng việc suy ngẫm lại Lời Chúa đã dạy, sau đó đọc kinh Lạy Cha và truyền phép.
 
Ở đây, Thánh Phaolô muốn nhắc đến đền thờ của mỗi người. Mỗi một tâm hồn là một đền thờ sống động, tức là nhà của Thiên Chúa, Giáo Hội của Thiên Chúa, là cột trụ và nền tảng của chân lý. Do đó, chúng ta thấy trong các ngôn ngữ khác như Latinh, Pháp, Anh... danh từ  “nhà thờ” cũng được dùng để chỉ Giáo Hội.
 
Vì vậy, mỗi một cá nhân phải chăm lo củng cố xây dựng chính mình là nhà của Thiên Chúa dựa vào Chúa Giêsu Kitô. Vì nếu không xây dựng trên nền tảng Chúa Kitô, chúng ta sẽ dễ dàng bị phá đổ, thất bại. Công cuộc xây dựng này không phải là chuyện một sớm một chiều, nhưng đòi hỏi phải nổ lực suốt cả cuộc đời, dựa vào ơn Chúa Thánh Thần chứ không phải do sức lực cá nhân, để rồi rao giảng mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, không những cho dân Do Thái mà cho hết mọi tạo vật khắp thế giới.
 
Để được thế, chúng ta phải có lòng thành và không giả dối, cố chấp như thái độ của những người Biệt Phái trong Phúc Âm Luca ngày hôm nay. Khi thấy Gioan Tẩy Giả ăn chay, kham khổ... họ bảo Ngài điên dại. Còn khi thấy Chúa Giêsu ăn uống bình thường và đi lại với người tội lỗi để cải hoán họ, những người này lại phê bình, kết án Chúa là phường ăn nhậu và bạn của những kẻ tội lỗi. Do đó, nếu không có thiện chí và lòng thành, chúng ta cũng sẽ dễ phi bác những lời chỉ dạy của Chúa, của Giáo Hội, và không muốn ứng dụng Lời Chúa vào cuộc sống. Nói cách khác, lúc đó chúng ta chỉ muốn loại trừ Phúc Âm của Chúa, của Mat-thêu, Marcô, Luca hay Gioan, để thoải mái sống theo “phúc âm riêng” của chính chúng ta, nghĩa là sống theo bản tính ích kỷ, ngoan cố, đố kỵ, hận thù...
 
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mở cửa lòng để đón nhận ơn Chúa, và sống theo ơn Ngài ban cho. Amen.
 
 
Bài 69: Hãy tỉnh thức
Thứ năm 19-09-91 - Tuần 24 Thường Niên
 
Lc 7, 36-50; 1Tim 12-16
 
Trong Bài Đọc I ngày hôm nay, Thánh Phaolô khuyên nhủ môn đệ của mình là Timôthêo hãy biết tỉnh thức luôn. Tỉnh thức là điều rất cần thiết trong cuộc sống bình thường cũng như thiêng liêng. Đối với đời sống thiêng liêng, tỉnh thức bề ngoài là đề phòng, tránh xa những âm mưu, những cạm bẫy của kẻ thù của Giáo Hội và của mỗi người chúng ta. Còn tỉnh thức bề trong là đề phòng tránh khỏi những đam mê, quyến rũ của thế gian...
 
Mặc dầu Timôthêo làm Giám Mục, Thánh Phaolô vẫn khuyên dạy Timôthêo một cách tỉ mỉ từng chi tiết như chỉ dạy trẻ thơ, vì Timôthêo là môn đệ thân tín của Phaolô. Và lời dạy tỉnh thức này của Thánh Phaolô dành cho Timôthêo cũng rất cần thiết để giúp chúng ta suy nghĩ lại đời mình.
 
Còn bài Phúc Âm hôm nay đề cập đến tình thương Thiên Chúa, một tình yêu tha thứ. Thật vậy, Phúc Âm cho chúng ta thấy rõ hai thái độ khác biệt của ông Simon và của Madalena. Ông Simon là người mời Chúa dự tiệc, còn Bà Madalena tự động đến bữa tiệc của Simon. Bà chẳng được ai mời, và bà cũng chẳng dám mời Chúa vì thấy mình tội lỗi, bất xứng. Và cả hai người đều có món quà dành riêng cho Chúa. Ông Simon dọn bữa tiệc thịnh soạn, và mời bạn bè đến dự tiệc với Chúa, một người khách quý đối với ông. Tuy nhiên, ông Simon chỉ dừng lại ở điểm này: đón Chúa vào nhà mình như người khách quan trọng, nhưng ông không nhận ra được chính con người và sứ mạng của Chúa. Ông đã thiếu tỉnh thức.
 
Còn món quà của Madalena dành cho Chúa không phải là vật chất bên ngoài, nhưng chính là tấm lòng thống hối ăn năn, phó thác và tin tưởng vào tình yêu của Chúa. Điều đó được thể hiện qua việc Madalena xức dầu thơm, lau chân Chúa, và đặc biệt qua những giọt nước mắt tự đáy lòng. Madalena đã được Chúa đề cao, vì cô đã tỉnh thức nhận ra mình thiếu thốn, nghèo nàn, tội lỗi và xin Chúa thứ tha. Trái lại, ông Simon, vì đã cảm thấy mình quá đầy đủ trong chức vị, của cải, con cái… nên ơn Chúa không đến được với ông.
 
Qua đoạn Phúc Âm trên, chúng ta nhận thấy Thiên Chúa là Đấng yêu thương mọi người. Ngài tha thứ tất cả cho dù tội lỗi nặng nề như Madalena, nếu có lòng thống hối ăn năn.
 
Hôm qua Cha nhắc đến việc cần thiết phải xây dựng con người dựa trên nền tảng là Chúa Kitô. Hôm nay, Cha nhấn mạnh đến thái độ tỉnh thức. Cả hai đều quan trọng và bổ túc cho nhau, bởi vì nếu không tỉnh thức đề phòng, chúng ta sẽ tự phá đổ những gì đã xây dựng được. Xin Chúa cho mỗi người chúng con luôn biết tỉnh thức trong cuộc đời chủng sinh-linh mục của mình. Amen.
 
 
Bài 70: Giáo Dân Nhiệt Thành
Thứ sáu 20-09-91 - Tuần 24 Thường Niên
 
Lc 8, 1-3; 1Tim 6, 2-12
 
Bài Phúc Âm hôm nay nhấn mạnh đến tấm quan trọng của việc rao giảng lời Chúa. Nhưng chúng ta nhận ra công việc này không phải chỉ được Chúa giao cho nhóm 12 Tông Đồ nhưng ngay cho cả những bà đạo đức đi theo Ngài. Điều này cho thấy người giáo dân cũng đóng một vai trò không nhỏ trong Giáo Hội.
 
Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II cũng đã ra một Thông Điệp để chỉ định rõ vai trò quan trọng của người giáo dân. Thông thường, người giáo dân suy nghĩ cách đơn sơ rằng họ chỉ có nhiệm vụ lãnh nhận các bí tích để khi chết được lên thiên đàng, còn các việc khác thuộc về nhiệm vụ của các đấng các bậc, các linh mục, tu sĩ. Thật ra, việc rao giảng là công việc chung của tất cả mọi tín hữu, giáo sĩ cũng như giáo dân. Một điểm trùng hợp rất hay là ngày hôm nay chúng ta mừng lễ các Thánh Tử Đạo Triều Tiên, Hàn Quốc. Các vị này thật sự là những người giáo dân 100%. Và họ đã sống chứng nhân cho Chúa, giữ đúng địa vị và trách nhiệm của người giáo dân trong Giáo Hội.
 
Năm 1968, Cha đã được dự lễ phong Chân Phước cho các Vị Tử Đạo Triều Tiên ở Roma. Đạo Kitô Giáo vào Triều Tiên một cách khác thường so với các cuộc truyền giáo khác. Trong thời kỳ người Triều Tiên phải đi cống bên Tàu, các quan đã phát hiện ra ở Tàu có một Đạo mới lạ, đó là đạo Công giáo. Họ vào nhà thờ nghe giảng, trở lại và gia nhập Giáo Hội. Sau đó, khi trở về nước, các quan này hăng say rao giảng đạo mới ấy cho dân mình. Có rất nhiều người theo đạo. Họ biết rằng khi gia nhập đạo Công Giáo, họ phải tùng phục và vâng theo Đức Thánh Cha. Vì thế, các quan và giáo dân bấy giờ làm đơn đệ trình lên Đức Thánh Cha, xin sai các thừa sai đến giảng đạo cho họ. Đức Thánh Cha sai một nhóm thừa sai đến Triều Tiên và rất sức ngạc nhiên khi thấy ở nơi này, mặc dù chưa được ai rao giảng, đã có nhà thờ, kinh đọc và cả linh mục nữa. Sau khi tìm hiểu, các vị truyền giáo khám phá ra chính các quan đi cống bên Tàu đã về lại quê hương rao giảng Đạo Chúa và cũng bắt chước làm lễ như các linh mục. Khi được các vị thừa sai dạy cho họ biết chỉ có linh mục mới được làm lễ, các quan “linh mục” này vui vẻ trở lại làm những công việc, bổn phận của người giáo dân.
 
Những người giáo dân này đã can đảm giữ vững đức tin đến cùng và làm nổi bật sứ mệnh của người giáo dân trong Giáo Hội. Với 103 vị thánh Tử Đạo mới được phong Chân Phước, Giáo Hội Triều Tiên đã chứng tỏ mức độ trưởng thành và phát triển mạnh mẽ của mình.
 
Phúc Âm đã cho chúng ta thấy vai trò của người giáo dân rất quan trọng. Giáo dân nghe linh mục giảng dạy, nhưng nhiều vấn đề linh mục phải học hỏi ở giáo dân. Trong dịp nghỉ hè vừa rồi, chúng con đã thấy rõ điều đó. Giáo dân lam lũ làm việc để sinh sống nhưng vẫn sốt sắng đọc kinh tối sớm. Giáo dân hăng hái truyền giáo, xây dựng thánh đường, sửa sang Nhà Chúa, làm việc tông đồ, khuyên bảo kẻ tội lỗi, kẻ mắc ngăn trở và nói cho người lương dân về Đạo Chúa. Giáo dân sốt sắng sống đạo, đi dự lễ còn phải mất tiền để công đức, trong khi linh mục làm lễ lại được tiền... Nhiều linh mục còn khô khan, nguội lạnh, ra vào nhà thờ còn ít hơn là giáo dân.
 
Mấy hôm nay, Cha nhắc chúng con phải cố gắng xây dựng cuộc sống mình dực trên nền tảng Chúa Kitô. Nghĩa là cần phải được xây dựng bằng vật liệu tình yêu, một tình yêu sâu thẳm như Chúa yêu thương ông Simon, hay như tình yêu Chúa dành cho người đàn bà tội lỗi. Chính tình yêu thương sẽ gắn bó chúng ta lại trong Giáo Hội, để chúng ta biết sống biết yêu thương, quảng đại, tha thứ như Chúa và giúp chúng ta luôn sẵn sàng đón nhận mọi người giáo dân, để gìn giữ, bảo vệ và đưa dẫn họ vào Nước Trời.
 
Xin Chúa cho chúng con sẵn sàng yêu Chúa trong việc phục vụ tha nhân như Chúa đã truyền dạy. Amen.

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập613
  • Hôm nay65,449
  • Tháng hiện tại886,108
  • Tổng lượt truy cập56,987,745
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây