Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (13)

Thứ hai - 15/10/2012 10:20

-

-
[Phần 13] Trích đăng Bài giảng và Huấn đức của Đức Cố HY FX Nguyễn Văn Thuận tại Đại Chủng viện Hà Nội, tập 2, từ ngày 17-9 đến ngày 21-11-1991. Các bài giảng do một chủng sinh ghi lại, Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền thực hiện tại Roma năm 2005. Tài liệu này do Đức Ông Phan Văn Hiền gửi riêng cho website CCS Huế.
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (13)

 

Bài 96: Đừng giả hình
Thứ tư 16-10-1991 - Tuần 28 Thường Niên
 
Lc 11, 42-46 ; Rm 2, 1-11
 
Trong Phúc Âm, chúng ta thấy Chúa thường quở trách các Luật Sĩ và Biệt Phái. Những người Luật Sĩ sống vì luật, nên đánh giá trị người khác dựa trên luật lệ. Đành rằng luật lệ cần thiết cho cuộc sống, nhưng mục đích của luật là để phục vụ con người, rèn luyện con người sống tốt hơn. Vì thế, một khi luật lệ trở thành tiêu chuẩn để con người bắt bẻ, kết án nhau hoặc trở thành những nghi thức cứng nhắc, luật trở thành gánh nặng cho con người. Còn những người Biệt Phái thường nói một đàng nghĩ một nẻo. Bên ngoài, các ông nói rất hay nhưng bên trong lại đầy dẫy âm mưu thâm độc. Trong Phúc âm, có tất cả 6 lần Chúa nói khốn cho những hạng người này: ba lần cho Biệt Phái và ba lần cho Luật Sĩ. Trong đoạn Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy có bốn lần Chúa quở trách họ: một lần cho các Luật Sĩ và 3 lần cho Biệt Phái. Hai lần còn lại chúng ta sẽ đọc thấy trong bài Phúc Âm ngày mai.
 
Chúa rất ghét sự giả hình phô trương nơi những người Luật Sĩ và Biệt Phái. Họ thường bắt bẻ Chúa dựa trên lề luật và lần này Chúa trực tiếp chỉ trích cái thói phô trương giả hình của họ để mời gọi mọi người hãy sống cái tinh thần luật ở bên trong. Ngài lên tiếng cách mạnh mẽ: “Khốn cho các ông, vì các ông đóng thuế hoa màu... nhưng lại khinh chê luật mến Chúa yêu người. Khốn cho các ông, vì các ông ưa ngồi nơi danh dự, ưa được chào hỏi ngoài phố phường lại còn ra vẻ mình đạo đức, thánh thiện mà thật ra là kiêu căng tự phụ. Khốn cho các ông, vì các ông như mồ mả bên ngoài tô son trát  phấn hay lát đá hoa mà bên trong dòi bọ rúc rỉa. Khốn cho các ông vì cố che đậy thói xấu của mình nhưng lại moi móc, bới vạch cái xấu của kẻ khác...” Nghe thế, một Luật Sĩ đứng đó lên tiếng phản đối: “Ông nói thế như là nói cả chúng tôi sao” Chúa nói luôn: “Khốn cho cả các ông nữa, vì các ông đè nặng luật lệ lên trên kẻ khác mà không muốn nhúng tay vào.”
 
Chúa lên án mạnh mẽ thói kiêu căng, thói giả hình và ba hoa của những hạng người này. Người ta ví kẻ giả hình như sau: “Ở xa là thánh, ở gần là ma.” Nghĩa là người ở xa chỉ nghe họ nói toàn chuyện đạo đức, thánh thiện, nhưng những người ở gần thì không ai chịu nổi vì họ quá ti tiện, bủn xỉn, gian tham, xảo quyệt. Có người lại ví kẻ giả hình như là kẻ “mặc áo Thiên Chúa, làm việc cho ma quỷ.” Nghĩa là đi đâu cũng nói một cách đạo đức thánh thiện, thường băn khoăn về sự tội lỗi của kẻ khác, hoặc nhân danh Chúa nói lời thánh thiện, khuyên bảo kẻ này người khác, nhưng những người ở gần lại thấy rõ là quỷ, và không thể sống được vì quá hà tiện, tham lam, ích kỷ.
 
Chúa lên án những hạng người ấy vì họ đã không thấy và không lấy cái xà trong mắt mình trước khi lấy cái rác trong mắt người khác. Chúa đòi hỏi mỗi người phải sống trung thực, mở rộng cõi lòng và sống chân thật. Đã có lần Chúa nói: “Hai người lên đền thờ cầu nguyện. Người Biệt Phái kiêu căng huênh hoang cầu nguyện: “Lạy Chúa, con hãm mình, ăn chay hằng tuần; con không tội lỗi như người thu thuế kia.” Chúa cho biết người này ra về và vẫn không được sạch, lại còn thêm tội vì quá kiêu căng. Còn người thu thuế đứng xa xa bên dưới đền thờ và khẽ nói: “Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi.” Chúa cho biết người đó ra về và được công chính hóa nhờ biết khiêm tốn chấp nhận sự yếu hèn, tội lỗi của mình.
 
Ngay trên Thánh Giá, người kẻ trộm đã từng cướp của giết người, biết thành tâm thống hối và van xin cùng Chúa: “Lạy Ông Giêsu, khi nào về tới nước của Ông, xin nhớ đến tôi với”, đã được Chúa thương ban Nước Trời. Chúa nói với anh ta: “Chính hôm nay anh sẽ được lên trên Thiên Đàng với Ta.” Anh ta được Chúa thưởng ngay lập tức. Không cần đợi đến ngày mai. Điều này cho chúng ta thấy Chúa ghét sự giả hình nhưng lại rất quý lòng trung thực.
 
Nghe Lời Chúa hôm nay, chúng ta cần phải ý tứ giữ mình vì bản tính con người chúng ta thường không muốn người khác hơn mình. Một cách tự nhiên, con người thích đề cao chính mình, xem mình là tất cả, đầy đủ và trọn hảo. Những người Biệt Phái và Luật Sĩ bị Chúa quở trách vì đã dám lấy sự thánh thiện của Chúa làm của mình. Họ không nhận ra thân phận yếu đuối của mình. Trái lại, còn tự tôn mình lên và cướp lấy những điều tốt đẹp thuộc về Chúa làm của riêng mình.
 
Là con người, ai cũng mang thân phận yếu đuối, tội lỗi, ngoại trừ một mình Đức Mẹ vì Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ không vướng mắc tội lỗi nào để xứng đáng làm Mẹ Thiên Chúa. Thế nên, nhìn vào thân phận tội lỗi mình, chúng ta không thể nào dám kiêu căng, tự tôn nhưng phải tự hạ và khiêm tốn. Bất cứ làm việc gì, chúng ta đừng để đầu óc mình đầy giận ghét, ganh tị, phân bì... nhưng quyết sống trung thực, khiêm tốn để phục vụ. Đừng để anh em gọi mình là người “họ Lưu”, nghĩa là loại lưu manh, sống âm mưu xảo trá, dối trên lừa dưới, manh lợi, ghen tị...
 
Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Thánh Catarina Alacoque, Dòng Thăm Viếng. Là một phụ nữ con nhà giàu, sống giữa xã hội xa hoa của thế kỷ XVII, Catarina đã xin vào dòng tu năm 26 tuổi. Sau một năm vào dòng, Chúa đã hiện ra với Bà và truyền cho Bà cổ võ việc sùng kính Thánh Tâm Chúa. Từ biến cố này mà Giáo Hội đã khuyến khích việc dành riêng ngày lễ các thứ sáu đầu tháng để kính Thánh Tâm Chúa. Tuy nhiên, cuộc đời của Thánh Nữ Catarina cũng gặp nhiều khó khăn, đau khổ dày vò. Tất cả chị em trong dòng, kể cả bề trên và cha linh hướng đều cho Bà là người kiêu căng, tự phụ và xem những công việc Bà làm là do ma quỷ xúi dục. Họ mĩa mai rằng trong Dòng này Bà Bề Trên với nhiều chị em khác đạo đức thánh thiện, tại sao Chúa không hiện ra với họ, còn Catarina mới vào Dòng một năm, chưa biết nguyện ngắm, chưa vững luật dòng, làm sao Chúa lại hiện ra với chị ta được. Nhưng sau đó, Catarina gặp được một cha linh hướng khôn ngoan khác. Ngài buộc Catarina viết lại tất cả những gì Chúa nhắn nhủ chị. Rồi bất chấp những lời dèm pha ác ý, hai cha con cố gắng trao đổi với Đức Giám Mục và đã thành công.
 
Nói tóm lại, qua câu chuyện cuộc đời của Thánh Nữ Catarina, chúng ta thấy Bà Bề Trên và các chị em khác vì ganh tỵ không muốn ai hơn mình, nên Chị Catarina đã gặp rất nhiều đau khổ. Như vậy, ngay cả trong cuộc sống tu trì, nếu thiếu tình bác ái, sống giả hình, ganh tỵ nhau, thì cho dù có đọc kinh tối sáng và ăn chay hãm mình thường xuyên cũng không thể làm cho mình nên trọn hảo.
 
Lời Chúa cảnh cáo cả chúng ta nữa. Phải ý thức và giữ mình luôn để ma quỷ không thể xúi dục phá hoại linh hồn chúng ta bằng cách dấy vào tâm hồn chúng ta sự ganh tương và lòng hận thù. Hãy sống chân thành và đầy tình bác ái. Đó là điều Chúa muốn. Amen.
 
 
Bài 97: Vì Giáo Hội
Thứ năm 17-10-1991 - Tuần 28 Thường Niên
 
Lc 11, 11-14 ; Rm 3, 21-29
 
Như đã nói hôm qua, hôm nay Thánh Marcô nói tiếp hai cái “khốn” nữa dành cho người luật sĩ: “Khốn cho các ông là kẻ đã xây mồ mả các tiên tri là những người đã bị cha các ông giết chết. Khốn cho các ông là kẻ không vào Nước Trời nhưng lại đóng cửa ấy không cho ai vào.”
Đối với người Do Thái, tội lớn nhất là giết chết các tiên tri, những người được Thiên Chúa sai đến, vì như vậy là chống lại Thiên Chúa. Nhưng có một tội khác cũng rất nghiêm trọng là ngăn cản người khác vào Nước Trời, vì Thiên Chúa mong muốn mọi người được sống hạnh phúc với Ngài. Chính vì vậy mà Chúa Giêsu đã mạnh lời trách các Luật Sĩ và Biệt Phái bởi vì họ đã phạm đến hai điều quan trọng này.
 
Thật vậy, khi ra mặt chống đối và tìm cách tiêu diệt Chúa Giêsu, người được Thiên Chúa sai đến, những người Biệt Phái và Luật Sĩ đang tiếp nối công việc giết các tiên tri của cha ông họ trong quá khứ. Hơn nữa, qua việc bày đặt thêm nghi thức luật lệ nặng nề, gò bó, hình thức làm mất ý nghĩa tinh thần của luật, hai hạng người này tự động phong cho mình làm ông chủ giải thích lề luật tùy tiện, khiến đại đa số dân chúng không thể nào chu toàn lề luật của Mô-sê, và như vậy chính nhóm nhỏ Biệt Phái và Luật Sĩ này đã ngăn cản người dân bình thường đến với Thiên Chúa.
 
Trong Phúc Âm của Thánh Luca, chúng ta thấy rõ cái đau khổ của tiên tri Êlia. Vị tiên tri này đã nói thẳng nói thật, nên bị các đầu mục trong dân Do Thái tìm cách hãm hại, khiến ông phải trốn chạy thoát thân. Và để trừng phạt tội ác này, Thiên Chúa đã không cho mưa rơi xuống trong ba năm liền như một lời cảnh cáo để kêu gọi dân chúng trở về với Ngài. Còn Thánh Matthêu đã dùng những danh từ thật mạnh để gọi những hạng người này: Mãng xà, rắn độc…
 
Một cách cụ thể hơn là dụ ngôn chủ vườn sai thợ gặt đến thu hoa lợi. Những người được chủ sai đến đều bị bọn người thuê vườn đánh đập hoặc giết chết, đến nỗi cả người con của ông chủ được sai đến cũng bị chúng sát hại. Những người được sai đến là các tiên tri và con ông chủ chính là Chúa Giêsu. Và sau khi Chúa Giêsu chết và sống lại, Thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội đã vạch trần tội ác của những người này một cách công khai trước khi bị chúng ném đá chết.
 
Nói tóm lại, bài Phúc Âm của Thánh Marcô hôm nay cho chúng ta thấy được hành động sai trái của các Biệt Phái và Luật Sĩ. Những người này tự cho mình là công chính vì đã giữ luật lệ nghiêm nhặt, nhưng thật ra họ đang tiếp tục công việc của cha ông họ ngày xưa. Đó là nhúng tay vào tội ác giết các tiên tri, những người được Thiên Chúa sai đến, và tội ác lớn nhất chính là giết chết Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Từ bài Phúc Âm này, chúng ta có thể rút ra được hai bài học.
 
Về tu đức: Sáu lời nguyền rủa của Chúa Giêsu tố giác sự giả hình của Phái Pharisiêu và Luật Sĩ. Những lời đó cũng là lời Chúa cảnh cáo đến mỗi người chúng ta, những người có nhiệm vụ hướng dẫn và giảng dạy cho dân chúng sau này. Chúng ta phải sống chân thật và tạo điều kiện để tất cả những ai tìm đến Chúa được hiểu biết Chúa rõ ràng, không che đậy, để họ có thể gặp Chúa và hưởng hạnh phúc Nước Trời.
 
Về thần học: Lời Chúa cũng tiên báo cho biết Giáo Hội sẽ luôn luôn bị bách hại, bên trong cũng như bên ngoài. Kẻ thù bên trong là chính những người đã nắm giữ luật lệ của Giáo Hội, nhưng lại phá hoại Giáo Hội hơn cả vì họ sống giả dối, tìm danh lợi cho riêng mình bằng mọi cách, kể cả làm hại chính những anh em đồng đạo với mình.
 
Các Thánh cũng đã từng nhắc nhỡ: “Người đi tu bỏ cha mẹ, gia đình... nhưng cần phải biết nói tốt cho anh em nữa.” Bằng không, chúng ta sẽ làm hại Giáo Hội một cách tệ hại hơn là những người bên ngoài.
 
Chúng ta cần phải noi gương Thánh Ignatio thành Antiokia, vị kế nghiệp Thánh Phêrô, đã hiên ngang tiến về Roma chịu chết vì danh Chúa. Trên đường bị giải về Roma, Ngài đã viết bảy lá thơ cho bảy giáo đoàn. Những lá thư này nói lên tâm tình yêu thương của vị chủ chăn đích thực.  Ngài cầu xin tha thiết: “Chớ gì thân xác tôi bị nghiền nát để trở thành hương thơm cho Chúa Kitô.” Hãy sống và làm tất cả mọi sự vì vinh danh Chúa. Amen.
 
 
Bài 98: Can đảm rao giảng
Thứ sáu 18-10-1991 - Tuần 28 Thường Niên
 
Lc 12, 1-7 ; Rm 4, 1-8
 
Bài Phúc Âm hôm nay đã được chúng ta cùng nhau suy ngắm cách đây hai tuần. Hôm nay, chúng ta suy niệm lời Thánh Phaolo gởi cho Timôtê, trong đó có đề cập đến Luca. Thánh Luca là một trong bốn thánh sử chép Phúc Âm. Nhưng khác với ba thánh sử kia, Luca chưa từng gặp thấy Chúa Giêsu khi Ngài còn sống. Như vậy, Luca làm sao có thể viết về cuộc đời của Chúa Giêsu được.
 
Trước hết, Luca là môn đệ Thánh Phaolô một cách đúng nghĩa. Ông luôn luôn sát cánh với Phaolô trong mọi hoàn cảnh. Cùng theo Phaolô trên bước đường truyền giáo, cùng lên Giêrusalem gặp gỡ các Tông Đồ và thậm chí cả khi Phaolô bị tù đày và bị giải về Roma, Luca cũng đi theo. Tại Giêrusalem, Luca có dịp gặp mặt các môn đệ của Chúa, các phụ nữ đạo đức và nhất là được cơ hội tiếp xúc với Đức Mẹ và được Mẹ thuật lại về cuộc đời của Chúa Giêsu. Nhờ thế, Phúc Âm của Ngài mang sắc thái dịu dàng, hiền lành, nhẹ nhàng, văn vẻ. Ngài đã diễn tả lại một cách chi tiết cuộc đời của Chúa Giêsu từ khi Đức Mẹ được thiên thần truyền tin, Mẹ đi viếng bà Isave, việc sinh hạ Chúa Giêsu, diễn tiến Ba Vua ở phương đông đến thờ lạy Chúa trong máng cỏ ở Bêlem cũng như  việc phải trốn sang Ai Cập... Là người trí thức, vừa còn là họa sĩ và thầy thuốc, Luca viết Phúc Âm của Ngài một cách trau chuốt và sâu sắc.
 
Trở lại thư của Thánh Phaolô gởi Timôtê, chúng ta thấy Phaolô ân cần khuyên bảo người môn đệ này hãy can đảm rao giảng Tin Mừng luôn, cả những lúc thuận tiện cũng như khi bất tiện để Lời Chúa được truyền rao đến khắp mọi nơi. Đó cũng là lời khuyên cho mỗi chúng ta sau này. Chúng ta cũng phải rao giảng Phúc Âm một cách can đảm và cương quyết. Trong thực tế, chúng ta bắt gặp nhiều linh mục rao giảng một Phúc Âm xu thời, giả hiệu, chạy theo thị hiếu của thời đại và quần chúng, để làm vui lòng người nghe hơn là làm cho họ trở lại. Phần chúng ta, lời Thánh Phaolô dạy chúng ta phải rao giảng một Phúc Âm tinh tuyền, Phúc Âm chính hiệu, Phúc Âm không bị bóp méo, một Phúc Âm không phản bội lại sự thật mà Chúa Giêsu đã truyền dạy.
 
Chắc chắn việc rao giảng sự thật của Phúc Âm nhiều khi làm cho đời mình đau khổ vì bị kỳ thị, hiểu lầm hoặc vu khống. Chính Thánh Phaolô cũng đã trãi qua kinh nghiệm đó. Ngài cảm thấy bị mọi người bỏ rơi trong cảnh tù ngục, và khi bị xét xử ở công hội, không ai đứng lên bênh vực Ngài. Dầu vậy, Thánh Phaolô vẫn vui vẻ chấp nhận vì xác tín rằng Đức Giêsu Kitô vẫn luôn ở bên Ngài, đồng hành với Ngài trong mọi gian nan khốn khó và trở thành sức mạnh của Ngài. Chính vì vậy, Phaolô khuyên bảo Timôtê cứ tiếp tục tiến bước để phục vụ Chúa, để cùng lãnh triều thiên vinh quang Nước Trời như chính Phaolô đã đi tới cùng trong cuộc chạy đua này.
 
Những lời khuyên Timôtê đã thấm nhập vào Luca, vì Luca luôn kề cận cùng Thánh Phaolô. Luca có thể nói là người trước tiên cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa nơi Thầy Phaolô của mình và Luca cũng sẵn sàng bước theo Thầy đến cùng đích ở tuổi 84.
 
Có một bức ảnh làm Cha cảm động. Đó là bức chân dung Đức Hồng Y Giáo Chủ Ba Lan. Hình vẽ Ngài đang ngồi trên tòa, tay chống cạnh cằm, mắt nhắm lại đăm chiêu và phía sau là tấm khẩu hiệu của Ngài với hàng chữ: “Tất cả vì Chúa, chỉ một mình Thiên Chúa.” Bức hình đó nói lên tất cả tâm tình và hành động của Đức Hồng Y Giáo Chủ. Ngài đã cương quyết và can đảm hy sinh tất cả cho một mình Chúa, đau khổ vì một mình Chúa, và chịu đựng thử thách cách kiên trì chỉ vì một mình Chúa. Ngài là tấm gương cho mỗi người chúng ta bởi vì Ngài đã sống trọn vẹn lời khuyên của Thánh Phaolô: “Tôi chỉ tìm vinh quang cho một mình Thiên Chúa.”
 
Chúng ta xin Thánh Luca cho chúng ta biết sống như Ngài, sống hy sinh, từ bỏ và bác ái đến quên mình. Xin Chúa giúp chúng ta biết thật sự sống và cương quyết rao giảng cho mọi người một Phúc Âm tinh tuyền, Phúc Âm của Sự Thật, Phúc Âm của Chúa Kitô chứ không phải của mỗi người chúng ta. Amen.
 
 
Bài 99: Chúa Thánh Thần
Thứ bảy 19-10-1991 - Tuần 28 Thường Niên
 
Lc 12, 8-12 ; Rm 4, 13. 16-18
 
Bài Phúc Âm hôm nay đề cập đến ba chủ đề rõ ràng: chối bỏ Chúa hay chấp nhận Chúa, tội phạm đến Chúa Thánh Thần và sau cùng là sự hoạt động của Chúa Thánh Thần.
 
Về chủ đề đầu tiên, Chúa nói: “Ai chấp nhận Ta trước mặt người đời, Ta sẽ chấp nhận kẻ ấy trước mặt Cha Ta. Còn ai xấu hổ từ chối Ta, trước mặt Cha Ta, kẻ đó cũng sẽ bị từ chối.” Câu nói này của Chúa Giêsu được ứng dụng một cách cụ thể vào thời kỳ Giáo Hội bị bách hại. Chúa đòi hỏi những người Kitô Hữu phải có niềm tin vững chắc vào Chúa và hiên ngang bảo vệ đức tin của mình. Và phần thưởng của những tín hữu can đảm này là được Chúa thương bênh vực trước tòa phán xét và sẽ được hưởng vinh quang muôn đời với Chúa.
 
Về chủ đề thứ hai, Chúa tuyên bố: “Tội phạm đến Con Người thì được tha, nhưng tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì sẽ không được tha.” Muốn hiểu đoạn Phúc Âm này, chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ lại đoạn Phúc Âm trước. Trong chủ đề đầu tiên, việc chấp nhận Chúa vẫn còn mang tính cách bề mặt bên ngoài. Phải can đảm tỏ ra cho người khác biết mình là người tin Chúa. Tuy nhiên, việc bày tỏ này chưa nói lên được niềm tin và sự chấp nhận thực tâm bên trong của người tuyên xưng. Có hạng người mang danh nghĩa Kitô Hữu hay Công Giáo, cũng đi lễ nhà thờ, cho con cái chịu các phép Bí Tích, nhưng đó chỉ là cái vỏ bên ngoài, còn tâm hồn và cách suy nghĩ của họ không chắc đã thật sự chấp nhận sống đúng với sứ điệp của Phúc Âm, sứ điệp đã được Chúa Giêsu ủy thác cho Chúa Thánh Thần soi dẫn các Tông Đồ và Giáo Hội của Ngài.
 
Vì thế, khi không thật sự sống Phúc Âm, những người Công Giáo danh nghĩa bề ngoài này đã xúc phạm đến Chúa Thánh Thần, nên sẽ không được cứu rỗi. Trái lại, có những người tuy bề ngoài không tỏ lộ mình là người có đức tin, nhưng tâm hồn lại luôn mở rộng để cho ơn Chúa Thánh Thần hoạt động. Họ có thể là những người lương dân hay vô đạo, nhưng đời sống của họ lại đầy tinh thần của Tin Mừng. Vì thế, họ đáng được hưởng phúc thiên đàng. Thực tế, phép Rửa Tội là dấu chỉ tỏ tường của một người gia nhập Giáo Hội, nhưng còn biết bao nhiêu người khác không chịu phép rửa bằng nước, đã thực sự chịu phép rửa bằng lòng mến hay bằng lửa và nhiều khi cả bằng máu. Họ cũng là thành phần của Giáo Hội Chúa Kitô.
 
Lời Chúa hôm nay còn được áp dụng cho chính chúng ta, nhất là các mục tử chăn dắt đoàn chiên Chúa. Chúng ta cần nhìn lại mình xem thử mình có sống đạo hình thức không, có giữ đạo bề ngoài không. Coi chừng chính chúng ta lại là kẻ chống Chúa Thánh Thần vì chỉ sống bề ngoài thôi.
 
Chủ đề thứ ba về hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội và trong mỗi người chúng ta. Một khi đã sống trong ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta không còn lo sợ gì cả, ngay cả bắt bớ, tù đày và bị sát hại. Thật vậy, từ thời các Tông Đồ và cho đến bây giờ, những người tín hữu khắp nơi đã tiếp tục đổ máu vì đức tin, để loan truyền Tin Mừng cứu độ của Chúa đến mọi người.
 
Xin Chúa ban cho chúng ta biết mở rộng tâm hồn chấp nhận ơn Chúa Thánh Thần, để Ngài hoạt động và canh tân con người chúng ta xứng đáng là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu. Amen.
 
 
Bài 100: Nước Trời
Thứ hai 21-10-1991 - Tuần 29 Thường Niên
 
Lc 12, 13-21 ; Rm 4, 20-25
 
Trong những ngày qua, chúng ta thấy các bài Phúc Âm đều nói về chủ đề Nước Trời. Suốt từ chương 9 đoạn 51 đến chương 12 của ngày hôm nay, chủ đề này được nhắc đi nhắc lại bằng nhiều cách khác nhau và Chúa Giêsu mời gọi dân chúng hãy tìm mọi cách để có thể vào được Nước Trời.
Khi vào nhà Bà Matta, Chúa nhắc đến đời sống nội tâm: “Lắng nghe Lời Chúa” như là phương thế quan trọng để vào Nước Trời. Khi vạch mặt sự giả hình của nhóm Biệt Phái và Luật Sĩ, Chúa công khai cho biết sống giả hình không phải là tinh thần của Nước Trời. Và hôm nay, nhân dịp có người đến xin phân chia gia tài, Chúa nhắc lại bài học phải từ bỏ và đừng tham lam của cải vật chất để được vào Nước Trời. Trong bài Phúc Âm của Chúa Nhật vừa rồi, chúng ta đã có dịp suy ngắm về việc Chúa khuyên bảo người thanh niên bán hết gia tài và lấy tiền phân phát cho người nghèo để theo Ngài và được sự sống đời đời. Cũng vậy, Lời Chúa hôm nay dạy anh thanh niên đừng dính bén của cải vì khi chết đi anh chẳng mang theo được gì cả. Trong thực tế, chúng ta thấy có người giàu có, nhưng lại không tham lam của cải, trong khi nhiều người nghèo lại có tính tham lam này. Anh thanh niên hôm nay chỉ vì lòng ham mê của cải, không muốn bị thiệt thòi khi chia gia tài, nên xin Chúa làm trọng tài phân xử.
 
Tất nhiên, khi đề cập đến sự nghèo khó, Chúa không đòi buộc chúng ta phải sống nghèo khổ. Ngài chỉ muốn nhắc nhở chúng ta cần phải ý thức luôn rằng của cải vật chất dùng để phục vụ con người. Vì thế, đừng để mình làm nô lệ của cải, nhưng biết dùng của cải mình có để giúp đỡ người nghèo đói, túng thiếu. Và như vậy, mình sẽ tích trữ được của cải thiêng liêng cho Nước Trời. Gương của Thánh Don Bosco, Mẹ Têrêsa Calcutta... cho chúng ta thấy tinh thần từ bỏ của cải và phó thác, tin tưởng vào sự quan phòng yêu thương của Chúa. Thiên Chúa không bao giờ để ai phải thiếu thốn vì đã quảng đại giúp đỡ những người tùng thiếu, nghèo khổ.
 
Hạnh Thánh Don Bosco kể lại một hôm ông chủ tiệm bánh mì đến đòi tiền bánh Ngài còn thiếu vì nuôi các em mồ côi. Don Bosco mở ngăn kéo ra để tìm tiền trả cho ông ta. Trong ngăn kéo chỉ còn mầy đồng tiền cắc... Ngài cảm thấy tội nghiệp cho ông chủ tiệm bánh mì đã cho mình thiếu tiền nhiều lần và cũng cảm thấy áy náy vì không có tiền trả cho ông ta lần này được. Đúng lúc đó, Ngài nhận được môt lá thư qua bưu điện, trong đó người gửi biếu cho Ngài một số tiền lớn vừa đủ để Ngài trả tiền nợ bánh mì. Thật lạ lùng! Chuyện cũng kể lại một hôm có một phụ nữ sang trọng đến thưa với Ngài: “Thưa Cha, con có một số tiền lớn. Con không biết nên làm thế nào để có lợi nhất, gởi tiết kiệm hay gởi định kỳ?” Ngài đáp: “Tùy chị.” Chị kia tiếp lời: “Nhưng con muốn cha bày cách cho con.” Ngài đáp: “Tôi có một cách nhưng không biết chị có đồng ý không?” Chị đáp: “Thưa Cha cứ nói.” Ngài chìa hai bàn tay ra và nói: “Đây là cách làm lợi tốt nhất. Làm cho Chúa.” Chị ta hiểu và dâng tất cả sồ tiền mình có cho Don Bosco để Ngài  phục vụ Chúa.
 
Rồi chính chúng con cũng đã có dịp nghe Mẹ Têrêsa chia sẻ: “Chúng tôi không có lương của xã hội, không có ngân qũy gì cả, nhưng không bao giờ Chúa để chúng tôi phải thiếu hụt khi giúp đỡ người nghèo.”
 
Trong cuộc sống linh mục, có một điều người giáo dân khó tha thứ đó là linh mục ham mê tiền bạc, vì tiền bạc là chạm đến sự công bằng, đến mồ hôi nước mắt của họ. Vì thế, người linh mục phải biết quên mình để phục vụ giáo dân. Đừng bao giờ lo sợ cuộc đời linh mục của mình sẽ túng thiếu vì không biết lo xa. Chúa quan phòng không bao giờ để linh mục túng thiếu quá sức chịu đựng. Càng cố tâm tích lũy vật chất của cải cho mình, linh mục một cách nào đó sẽ giống như người thanh niên trong bài Phúc Âm hôm nay. Anh ta tưởng giàu sang, sung túc là quan trọng. Nhưng nếu đêm nay Chúa gọi anh về, của cải kia chẳng sinh ích gì cho anh cả. Của cải không mua được Nước Trời, nhưng của cải có thể dùng làm phương tiện để vào được Nước Trời. Amen.

 

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập737
  • Hôm nay135,458
  • Tháng hiện tại1,047,722
  • Tổng lượt truy cập57,149,359
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây