Linh đạo “Vui Mừng và Hy Vọng” của Đức Cố HY FX Nguyễn Văn Thuận

Thứ bảy - 22/09/2012 07:37

-

-
Bài thuyết trình của linh mục Giuse Hồ Khanh nhân Lễ Giỗ 10 Năm của TTC Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận và Đại Nhạc Hội Vui Mừng & Hy Vọng do Gia đình Cựu Chủng sinh Huế Hải ngoại tổ chức tại Denver, Colorado, ngày 15-9-2012.
Linh Đạo VUI MỪNG và HY VỌNG
Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận

 
 
Kính thưa quý vị lãnh đạo tinh thần, kính thưa quý vị thân hào nhân sĩ,
Kính thưa quý đồng hương, cùng toàn thể quý ông bà và anh chị em,
 
Khi nhận lời anh Nguyễn Cả, Trưởng Ban Điều Hành Gia Đình Cựu Chủng Sinh Địa Phận Huế tại Hải Ngoại, cũng như đại diện cho Ban Tổ Chức Đại Nhạc Hội Vui Mừng và Hy Vọng học hỏi về Linh Đạo của Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, tôi thật sự không có tham vọng gì để lột tả hết những thâm thúy và nét đẹp về linh đạo của một vĩ nhân -mà hy vọng trong một thời gian sắp tới đây, với ân sủng cao vời và sự chúc lành của Thiên Chúa và Mẹ Maria, Giáo Hội Công Giáo toàn cầu sẽ hân hoan tôn kính ngài như một vị hiển thánh. Tôi chỉ xin được bắt chước Thánh Gioan Tẩy Giả ngày xưa, người đã đi trước dọn đường và cũng là người giới thiệu Chúa Cứu Thế đến với mọi người, xin được mạo muội phát họa một vài nét về chân dung của vị Hồng Y đáng kính của chúng ta; để rồi qua đó, hy vọng chúng ta sẽ có được những giây phút hội thảo hữu ích và thực tế cho đời sống tinh thần của chúng ta, nhất là trong hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương mà chúng ta đang sống! Những thiếu sót chắc chắn không thể thiếu trong bài thuyết trình hôm nay, xin quý vị rộng lòng bỏ qua, và chỉ xem đây như là một thiện chí nhỏ nhoi của một cá nhân, của một học trò, và của một hậu bối muốn đóng góp một phần nhỏ trong việc học hỏi về linh đạo của một bậc bề trên đáng kính!
 
LINH ĐẠO “VUI MỪNG VÀ HY VỌNG”
- CỐ HỒNG Y PHANXICO XAVIE NGUYỄN VĂN THUẬN
 
Kính thưa quý vị,
 
Khi Công Đồng Vatican II vừa kết thúc, Tòa Thánh bổ nhiệm một Giám Mục Việt Nam cho Giáo Phận Nha Trang vào ngày 24 tháng 6, 1967. Đó là chuyện bình thường của Tòa Thánh; nhưng khi người ta biết được vị tân giám mục là Đức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận mới 39 tuổi, thì chuyện chẳng bình thường chút nào!  Thật vậy, cho tới nay, với số tuổi 39 khi được tấn phong, Đức cha Thuận vẫn là vị giám mục Việt Nam trẻ tuổi nhất khi được lãnh chức giám mục. Phương châm Giám Mục của ngài là một sự ngạc nhiên nữa cho tất cả mọi người! Thay vì một câu Thánh Kinh như các vị giám mục khác,  Đức Cha Thuận lại chọn những chữ đầu tiên của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay-  VUI MỪNG VÀ HY VỌNG- của Công Đồng Vatican II, để làm phương châm giám mục của Ngài. Rõ ràng là một chuyện bất ngờ mà không ai ngờ tới!
 
Ngài chọn phương châm nầy không những vì trong trái tim ngài luôn có niềm vui và hy vọng trong mọi chuyện xảy đến cho đời sống của ngài, nhưng cũng vì ngài muốn nói lên rằng: Ngài tìm thấy nơi giáo huấn của Vatican II một nỗ lực để dẫn dắt toàn cầu tiến về một sự đoàn kết tối hậu, và đó, theo ngài, chính là niềm vui mừng và hy vọng cho toàn thể nhân loại vậy!
 
Muốn hiểu về linh đạo của cố Hồng Y Phanxico Xavie, tôi thiết nghĩ là trước hết chúng ta cần phải nhìn vào huy hiệu giám mục của ngài, bởi vì qua đó ngài đã gởi gắm tất cả những hoài bão và ước vọng của ngài cho bản thân ngài, cho giáo phận Nha Trang của ngài, cho dân tộc Việt Nam, cho Giáo Hội Việt Nam cách riêng và Giáo Hội hoàn vũ nói chung.
 
Trước hết, huy hiệu của ngài có nền màu xanh đậm là của đại dương bao la và cũng là màu tượng trưng cho hy vọng; và với ngôi sao trắng tượng trưng cho Đức Trinh Nữ Maria. Ngôi sao nầy là ngôi sao biển, là Stella Maris, là tình yêu đầu tiên của ngài, là ngôi sao dẫn đường cho những con thuyền trong cuộc du hành từ đời nầy cho đến vĩnh cữu, là niềm cậy trông và sự phù hộ bền vững cho ngài trong những tháng ngày tù tội sau nầy.
 
Nổi bật trên màu xanh biển và ngôi sao là ba ngọn núi của ba miền Bắc- Trung- Nam của Việt Nam, làm nên một biểu tượng tổng hợp của aqua et arida, là đại dương và lục địa. Chúng ta biết rằng, trong thời cổ đại, aqua et arrida còn có nghĩa là vũ trụ toàn cầu; và như thế cụm từ nói lên rằng, Việt Nam không là một nước độc lập nhưng là một phần của thế giới; cũng như Giáo Hội Việt Nam không phải là một chủ thể riêng rẽ, nhưng chính là một chi thể sống động của Giáo Hội hoàn cầu.
 
Trên huy hiệu giám mục của ngài, chúng ta còn thấy hình ảnh của mười khúc tre, là biểu tượng của Mười Điều Răn của Chúa, và cũng là một biểu tượng Á Châu của người quân tử, luôn vươn cao và đứng thẳng trước mọi diễn biến của thời cuộc. Cây tre tượng trưng cho sự công chính, trong sạch và chân thành; và Lõi của đốt tre thì rỗng như là tâm hồn của một con người không chất chứa sự ích kỷ, tham vọng hay tham lam!
 
Cuộc sống trong tù của ngài đã cho chúng ta thấy ngài luôn trung thành với những giá trị nhân bản và thiêng liêng mà ngài đã lồng vào trong huy hiệu giám mục của ngài. Nói tóm lại, huy hiệu giám mục của ngài đã nói lên rất nhiều về cái nhìn của ngài về thế giới, Giáo Hội, đất nước Việt Nam, gia đình và chính cá nhân ngài.
 
Bây giờ, mời quý vị cùng tôi suy nghĩ về phương châm giám mục của ngài- Vui Mừng và Hy Vọng-  Theo tôi, nếu như có những em bé, vừa sinh ra đã biết lớn lên mình sẽ theo đuổi nghề nghiệp gì, thì Đức Cha Thuận hình như cũng đã biết rất rõ ràng mình sẽ làm gì với tư cách là một giám mục của Thiên Chúa và Giáo Hội: Đó là ngài luôn muốn trở nên chứng nhân của Vui Mừng và Hy Vọng; hay nói cách khác, ngài luôn muốn theo đuổi Vui Mừng và Hy Vọng như là Linh Đạo của ngài để hướng dẫn đàn chiên của ngài nói riêng, và của Giáo Hội nói chung, về với Thiên Chúa tình yêu, là cội nguồn của mọi Vui Mừng và Hy Vọng của con người.
 
Quả thật, đúng như tước hiệu của ngài, Vui Mừng và Hy Vọng chính là Linh Đạo của Đức Cố Hồng Y mà ngài đã theo đuổi suốt cuộc sống của ngài. Đó cũng chính là di sản thiêng liêng và quý báu mà ngài đã để lại cho chúng ta! Vui Mừng và Hy Vọng cũng chính là lăng kính mà qua đó chúng ta có thể nhìn thấy một cách rõ ràng hơn cái nhìn của ngài về bản thân của ngài, về tương quan của ngài đối với tha nhân, đối với Tổ Quốc Việt Nam, và đối với Giáo Hội Công Giáo hoàn cầu.
 
1. ĐỐI VỚI BẢN THÂN
 
Ngay từ những bước đầu trong vòng lao lý, Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận đã sớm xác tín rằng, Thiên Chúa đã muốn ngài theo đuổi một lộ trình mới, gian nan hơn và nhiều thử thách hơn, nhưng đó cũng chính là lộ trình của Hy Vọng mà qua đó con người càng được huấn luyện để hoàn toàn tín thác hơn vào Thiên Chúa toàn năng. Nó cũng giống như “Đêm đen của tâm hồn” (the Dark Night of the Soul) mà Thánh Gioan Thánh Giá đã từng nói đến, qua đó tâm hồn con người được huấn luyện để được tín trung hơn với Chúa qua mọi hoàn cảnh của cuộc đời.  Xác định như thế, Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận quyết tâm sống trọn vẹn mỗi một giây phút Chúa ban.  Ngài nói:
 
“… Chấm nầy nối tiếp chấm kia,
Ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút nầy nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đời sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Đuờng hy vọng do mỗi phút hy vọng.
Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng…” (ĐHV 977)
 
Ngay cả trong những giây phút tuyệt vọng nhất của đời người, Đức Cha Thuận vẫn không đánh mất niềm hy vọng! Ngài xác tín rằng, ơn gọi của ngài đã chuyển qua một giai đoạn mới, giai đoạn mà ngài gọi là “chết bên ngoài tường thành,” như Chúa Giêsu đã một lần chết bên ngoài tường thành Giêrusalem (Chứng Nhân Hy Vọng, Hoa Kỳ 2000, tr. 126-128, và 141-142). Chết để sống mãi! Chết cho thể xác và cho những đam mê thường tình của con người để rồi niềm vui và hy vọng vào Chúa sẽ luôn rạng ngời và luôn tỏa sáng bất cứ trong hoàn cảnh nào!
 
Dẫu sao, đã mang thân phận con người, không phải mọi chuyện lúc nào cũng dễ dàng! Đức Cha Thuận đã thú nhận rằng, những giây phút đầu tiên trong vòng lao lý, có lúc ngài cũng đã phải trải qua những giây phút xao xuyến, chạnh lòng. Lúc mới bị giam tại Phú Khánh, ngài tâm sự rằng:
“Nhà tù nơi tôi bị giam trong những tháng đầu tiên tọa lạc tại khu vực có nhiều tín hữu nhất trong thành phố Nha Trang, nơi tôi đã làm giám mục trong 8 năm. Từ phòng giam, sáng tối tôi đều nghe thấy tiếng chuông nhà thờ ngân vang, và suốt ngày, tôi nghe những tiếng chuông của bao nhiêu giáo xứ và nhà dòng. Tôi ước mong được dời đi thật xa, lên miền núi để khỏi phải nghe những tiếng chuông ấy. Ban đêm, trong cái thinh lặng của thành phố, tôi nghe lại tiếng sóng Thái Bình Dương mà tôi đã từng nghe thấy từ văn phòng tòa giám mục của tôi. Không ai biết tôi ở đâu, mặc dù nhà tù chỉ cách nhà tôi vài cây số. Tôi sống tình trạng thật vô lý!” (Chứng Nhân Hy Vọng, Hoa Kỳ 2000, tr. 141-142)
 
Nhưng, với đức tin mãnh liệt vào Thiên Chúa, ngài đã sớm nhận ra rằng lịch sử đã sang trang, và Thiên Chúa đang mời gọi ngài bước vào một cuộc phiêu lưu mới, một  cuộc phiêu lưu tình yêu đầy những bất ngờ mà mỗi một giây phút của cuộc sống cũng là một sự mạc khải về tình yêu vô biên của Chúa. Kể từ giây phút đó, ngài đã quyết tâm sống trọn vẹn mỗi một giây phút như là “giây phút cuối cùng” của mình, như lời ngài đã nói, “Lạy Chúa! Con không đợi chờ. Con quyết sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương” (ĐHV 814).
 
Chúng ta nghe thoáng đâu đây âm hưởng của Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu là người đã dạy chúng ta làm những công việc bình thường với trái tim phi thường của tình thương. Đức Cha Thuận đã chứng minh điều đó một cách hùng hồn qua cuộc sống của ngài, và nhất là qua sự tương quan của ngài đối với đồng loại, nhất là cách thức ngài đối xử với bạn tù cũng như những kẻ giam ngục.
 
2. ĐỐI VỚI ĐỒNG LOẠI
 
Ông Nguyễn Thanh Giàu, một chức sắc cao cấp của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, đã nói rằng: “Trong thời gian ngắn ngủi, chỉ có một tuần lễ, sống chung phòng với Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận tại trại Thủ Đức, qua cung cách xử thế và đức độ của ngài đã khiến tôi ngày càng kính trọng hơn…”  (Hồng Ân Thiên Chúa- Mừng Đức Tân Hồng Y, Hoa Kỳ 2001, tr. 38) Trong lúc cùng bị đưa lên trại Vĩnh Quang ở Vĩnh Phú cùng với Đức Cha Thuận, ông Nguyễn Thanh Giàu đã quan sát kỹ Đức Cha Thuận và đã viết thêm rằng: “Có một điểm rất đặc biệt là, khi cán bộ trại giam bắt tất cả tù nhân lên hội trường là một gian nhà trống giữa sân trại để làm bản tự khai… Sau vài giờ viết tự khai, họ cho nghỉ giải lao, người thì đi uống nước, đi vệ sinh hút thuốc, nhưng phần đông thì bu quanh Ông Già (danh từ để gọi Đức Cha Thuận vì lúc nầy cán bộ trại không cho gọi ai theo chức sắc tôn giáo) để nghe ông nói chuyện. Một cách rất trung thực mà nói, lúc bấy giờ bu quanh Đức Cha Thuận không phải chỉ có giáo dân mà trong đó có đủ thành phần tín đồ các tôn giáo khác như Phật giáo, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo. Riêng tôi, là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, lúc bấy giờ tôi không còn nhìn Đức Cha Thuận là một Đức Tổng Giám Mục Công Giáo mà nhìn ngài là một bậc chân tu, một nhà tu đáng kính” (Hồng Ân Thiên Chúa, tr. 39).
 
Ngài luôn để tâm đến những nhu cầu của bạn tù, luôn là niềm hy vọng và là niềm vui của mọi người; nhưng những tương quan của ngài đối với những cai ngục mới còn độc đáo và nhân bản hơn. Một người đã viết, “ngài đã biến nhà tù thành nhà thờ, và đã biến những người canh tù thành người bạn của ngài.”
 
Chính Đức Cha Thuận đã viết rằng: “Tôi hồi tưởng lại một vài kỷ niệm đáng nhớ trong đời tôi.  Tôi đã bị ở tù 13 năm, trong đó hết 9 năm bị biệt giam. Khi mà tôi bị biệt giam, tôi được trao cho một nhóm lính canh gồm 5 người, cứ hai người họ lần lượt thay phiên nhau giữ tôi luôn luôn.  Cấp trên của họ nói với họ rằng: “Cứ hai tuần chúng tôi sẽ thay các anh bằng một nhóm canh khác để các anh không bị nhiễm độc bởi ông giám mục nguy hiểm nầy. Nhưng sau một thời gian, họ quyết định rằng thôi không thay lính gác nữa kẻo ông giám mục nguy hiểm nầy nhiễm độc tất cả lính gác thì nguy to!” (Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Cây Thánh Giá, Chứng Nhân của Tình Yêu, Đất Mẹ 101, tr. 05)
 
Cho dẫu ngài đã bị ngược đãi bất công, Ngài luôn yêu thương, tha thứ. Và đó chính là sức mạnh của ngài. Đức Cha Thuận viết rằng “chỉ có lòng bác ái của người theo Đạo Chúa Kitô mới cải hóa được tâm hồn. Không phải vũ khí, không phải sự đe dọa, không phải phương tiện truyền thông. Các người lính gác tôi không làm sao hiểu nổi khi tôi nói về yêu thương kẻ thù của mình, giảng hòa, tha thứ.” Họ hỏi ngài, “Nhưng tại sao?” Ngài trả lời, “Bởi vì Chúa Giêsu dạy chúng tôi phải luôn thương yêu nhau, bằng không chúng tôi không xứng với danh nghĩa là người Công Giáo” (Cây Thánh Giá Chứng Nhân Tình Yêu, Đất Mẹ, tr. 6.)
 
Ở trong tù, có nhiều người gác tù muốn học sinh ngữ Anh, Pháp… và Đức Cha Thuận đã giúp đỡ họ tận tình. Từ từ, mấy ông cai ngục đã trở thành học trò của ngài. Thậm chí, những ông xếp công an, khi thấy ngài đối xử chân thành với mấy ông lính canh, không những họ xin ngài tiếp tục dạy ngoại ngữ cho những người đó, mà còn gởi những anh khác đến học nữa! Thế mới biết không ai và không có một thế lực trần thế nào có thể dập tắt niềm vui và hy vọng trong cuộc sống của ngài! Thế mới biết sức mạnh của Bác Ái mạnh không biết gấp bao lần thế lực của trần gian. Chính ngài đã viết rằng, “Các con mang một đồng phục và nói một ngôn ngữ -Bác Ái. Bác Ái là chứng tích để biết các con là môn đệ Chúa… Là dấu hiệu giá rẻ mà khó kiếm nhất. Bác Ái là sinh ngữ số một mà Thánh Phaolô cho là cao trọng hơn tiếng nói của loài người và các thiên thần” (ĐHV 984).
 
Khi nghiên cứu về đời sống của Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Tiến Sĩ Waldery Hilgeman, cáo thỉnh viên của án phong chân phước, đã nói với hãng tin Zenit rằng, khía cạnh nổi bật nhất của Đức Hồng Y là “tình thương kiên định đối với tha nhân.” Cáo thỉnh viên nhấn mạnh rằng, ngay cả trong tù, “ngài không bao giờ ngừng yêu thương những kẻ bắt hại ngài, từ các quan cao cấp nhất đến người lính canh tù.”  Qua “tình thương trọn vẹn” của ngài đối với họ, Đức Cố Hồng Y đã cho mọi người thấy “tình yêu Chúa Kitô là gì, kể cả tình yêu đối với kẻ thù,” và ngài làm việc nầy “khi không thể rao giảng, không thể nói trực tiếp về Chúa,” cáo thỉnh viên nhận định. Nhiều lính canh phụ trách việc giám sát ngài đã được hoán cải bởi “mẫu gương của ngài về Chúa Kitô nhập thể.”
 
Chính Đức Cha Thuận đã viết về sự hoán cải của ông Hải, một người Cộng Sản cũng từng nằm cùng buồng với ngài để mật thám, nhưng sau đã trở thành bạn, như thế nầy: Trước khi ra khỏi tù, ông Hải có hứa với ngài là “Nhà tôi ở Long Hưng, chỉ cách Lavang 3 km, tôi sẽ đi Lavang cầu nguyện cho anh.” Đức Cha Thuận đã hoài nghi, làm sao một người Cộng Sản mà đi cầu nguyện Đức Mẹ cho ngài được! Sáu năm sau, đang lúc bị biệt giam, Đức Cha Thuận đã nhận được bức thư của ông Hải với lời lẽ cảm động như sau:  “Anh Thuận thân mến, tôi đã hứa với anh, tôi sẽ đi cầu nguyện với Đức Mẹ Lavang cho anh. Mỗi chủ nhật, nếu trời không mưa, lúc nghe chuông Lavang, tôi lấy xe đạp vào trước đài Đức Mẹ, vì chiến tranh bom đạn đã đánh sập nhà thờ rồi.  Tôi cầu nguyện thế nầy: “Thưa Đức Mẹ, tôi không có Đạo, tôi không thuộc kinh nào cả. Nhưng tôi đã hứa sẽ đi cầu nguyện Đức Mẹ cho anh Thuận, nên tôi đến đây. Xin Đức Mẹ biết anh Thuận cần gì thì cho anh ấy.” Sau nầy, chính Đức Cha Thuận đã viết: “Lạy Mẹ, Mẹ đã dùng người Cộng Sản nầy để dạy con cầu nguyện; chắc Mẹ đã nhậm lời anh ấy, con mới còn sống đây!” (Năm Tấm Bánh và Hai Con Cá, tr. 42-43)
 
3. ĐỐI VỚI TỔ QUỐC VIỆT NAM
 
Niềm yêu Quê hương Tổ Quốc Viêt Nam của Đức Cha Thuận có thể tóm gọn trong những dòng chữ nồng nàn của bài thơ Con Có Một Tổ Quốc, đã được phổ nhạc bởi linh mục Giacobe Đỗ Bá Công qua tiếng hát muôn thưở của chị Khánh Ly; cũng như đã được Đức Ông Peter Nguyễn Quang phổ nhạc 4 bè mà chúng ta sẽ được nghe qua tiếng hát của ca đoàn Phụng Sự trong buổi sinh hoạt chiều nay. Bài thơ nầy cũng được linh mục Phaolo Trần Khôi viết thành ca khúc Việt Nam Hy Vọng.  Bài thơ như sau:
 
Con có một tổ quốc Việt Nam.
Quê hương yêu quý ngàn đời.
Con hãnh diện, con vui sướng
Con yêu non song gấm vóc
Con yêu lịch sử vẻ vang
Con yêu đồng bào cần mẫn
Con yêu chiến sĩ hào hùng
Con phục vụ hết tâm hồn,
Con trung thành hết nhiệt huyết…
Con là người Công Giáo Việt Nam,
Con phải yêu tổ quốc gấp bội.
Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con
Cha mang dòng máu ái quốc,
Sôi trào trong huyết quản con…” (Kỷ Yếu 25 Năm Giám Mục, tr. 65)
 
Yêu quê hương tổ quốc không phải là yêu một chính thể nhất thời, nhưng là yêu thương và trân quý cái hồn thiêng dân tộc và cả một lịch sử đấu tranh trường tồn, với một kỳ vọng tương lai cho một đất nước phồn vinh. Một cái nhìn đầy niềm vui và hy vọng nơi Đức Cố Hồng Y Thuận.
Khi nói về ngài, Giáo Sư Nguyễn Văn Thành, một cựu học sinh của ngài tại trường Thiên Hựu cho biết rằng, ông là học trò lớp 12 môn Sử Địa của linh mục Nguyễn Văn Thuận lúc đó. Theo giáo sư Thành, hình tượng Nguyễn Trãi hình như đã để lại nhiều suy tư sâu đậm trong con tim của Ngài. Giáo sư Thành đã thân thương gọi Đức Cố Hồng Y là anh và đã viết những dòng chữ cảm động nầy:
 
“…Thông thường, lợi dụng mười phút giải lao, ở giữa hai tiết học, Anh có thói quen kể cho chúng tôi những câu chuyện nho nhỏ về Lý Thường Kiệt, về Trần Hưng Đạo, Hoàng Hậu Ỷ Lan…  Tôi còn nhớ rõ mồn một những gì anh chia sẻ về Nguyễn Trãi: “Một nhà chiến lược có tầm nhìn sâu xa và rộng rãi, vượt quá những điều kiện và giới hạn hiện hữu của thời đại lúc bấy giờ.”  Đối với anh, cuộc đời của Nguyễn Trãi là một kiệt tác kỳ hùng trong lịch sử Con Rồng Cháu Tiên. Nhưng đó cũng là một tấn bi kịch đầy xót xa và thương đau. Nếu con người không “quá hẹp hòi và bé nhỏ,” có lẽ Nguyễn Trãi đã tạo được một THẾ ĐỨNG kỳ vĩ cho Quê hương và anh chị em đồng bào” (Điếu Văn Chia Buồn ĐHY Nguyễn Văn Thuận, Đất Mẹ số 101, tr. 37)
 
Giáo sư Nguyễn Văn Thành lại viết tiếp:
 
“Hôm ấy, vào cuối câu chuyện, anh đã kết luận: Dù ở trong hoàn cảnh có lợi hay bất lợi cho mình, các bạn và tôi bây giờ, cũng như Nguyễn Trãi trước đây… chúng ta tất cả, trong lòng Đất Nước, không trừ sót một ai, đều là Thánh Gióng, được đồng bào sinh ra, nuôi nấng, cho ăn, cho mặc, cho ngựa, cho gươm… để lên đường, nghe theo tiếng gọi của quê hương. Làm xong công việc, chúng ta hãy biết trả lại bao nhiêu dụng cụ ấy, cho anh chị em đồng bào… chỉ để lại một vài dấu chân, trên đường trở về Trời” (Điếu Văn, tr. 37).
 
Như chính ngài đã nói, dù trong hoàn cảnh có lợi hay bất lợi, cũng phải lên đường theo tiếng gọi của quê hương, để xây đắp cho quê hương ngày càng tươi đẹp hơn! Tình yêu quê hương tổ quốc đậm sâu, cùng với sự hiểu biết quán triệt về học thuyết xã hội tôn giáo đã luôn thôi thúc ngài tìm một hướng đi toàn thiện trong công lý và hòa bình cho Việt Nam cũng như cho mọi nơi trên thế giới, một công việc quan trọng mà ngài đã đảm trách nhiều năm cho Giáo Triều Roma sau nầy.  Đối với tổ quốc Việt Nam, ngài là một hiện thân cho một hoài bão lớn lao, như một người kia đã viết: “Trong mắt nhìn của tôi, ngài là hiện thân của niềm hy vọng: Hy vọng cho đất nước Việt Nam được thịnh vượng. Hy vọng cho con người Việt Nam được hạnh phúc và hy vọng cho Giáo Hội Việt Nam được đóng góp hơn nữa với Hội Thánh Năm Châu” (Đức Tin ghi, Lễ Phát Tang ĐHY tại Vương Cung Thánh Đường Saigon, Đất Mẹ 101, tr. 27.)
 
4. ĐỐI VỚI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TOÀN CẦU
 
Phải nói được rằng, sức mạnh tinh thần của Đức Cố Hồng Y Thuận phát xuất từ niềm tin sắt son và xác tín mạnh mẽ vào tình thương của Thiên Chúa.
 
Ngay từ lúc đầu, ngài đã sớm nhận ra sự khác biệt giữa “những công việc của Chúa” và chính Chúa. Theo ngài, những công việc mục vụ và đạo đức, cho dẫu có tốt đẹp và thánh thiện đến chừng nào đi nữa cũng không có thể so sánh hoặc thay thế cho chính Chúa. Những thành công rực rỡ của những công việc Mục Vụ cũng không thấm vào đâu so với vinh quang rực rỡ của chính Chúa! Xác tín được như thế rồi, ngài an tâm để cho Chúa dẫn đi, và đã an tâm tiến bước với Chúa và chỉ với Chúa mà thôi!
 
Ngài có một sức mạnh tiềm tàng mà kẻ thù không thể phù dập, đó là lòng mộ mến Phép Thánh Thể đặc biệt của ngài. Vì khai báo đau bụng, ngài đã được tiếp tế một chai rượu mà ngài đã dè sẻn để cử hành Thánh Lễ mỗi ngày. Và rồi hằng ngày, với 3 giọt rượu và 1 giọt nước, ngài đã cử hành bí tích Thánh Thể huyền siêu ngay chính trên lòng bàn tay của ngài, mà ngài gọi là “Nhà Thờ Chánh Tòa, là Bàn Thờ” của ngài. Quả thật là một đức tin sắt son và đặc biệt đối với Bí Tích Thánh Thể!
 
Ngài có một đời sống cầu nguyện thâm sâu, là bí quyết để ngài luôn luôn đối diện với Chúa và tâm sự với ngài! Ngài đã viết rằng “Hoạt động mà không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa.  Máy móc tự động có thể làm tốt hơn con!” (ĐHV 118.) Đức Hồng Y Thuận còn dí dỏm viết rằng: “Những lúc tôi không còn sức để đọc nỗi dù là một kinh, tôi lập đi lập lại: “Giêsu có con đây!” Tôi cảm thấy như Chúa Giêsu trả lời, “Thuận ơi! Có Giêsu đây!” Tôi lại vui vẻ bình an! Hãy cầu nguyện trong tất cả mọi hoàn cảnh” (Năm Cái Bánh và Hai Con Cá, tr. 36-38).
 
Ngài lại có một lòng mộ mến Đức Mẹ thật kỳ lạ.  Ngài nói rằng Mẹ Maria chính là tình yêu thứ nhất của ngài!
 
Và sau hết, ngài có một lòng cậy trông vững vàng và một niềm Hy Vọng lớn lao. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngài cũng luôn an vui và hy vọng nơi Chúa. Ngài chính là “Vị Thánh của Hy Vọng!” Thực vậy, trong các bài viết và các cuốn sách của ngài, từ ngữ Hy Vọng đã được lập đi lập lại nhiều lần, và lời mời gọi “đừng mất hy vọng vào Chúa” là sứ điệp mà ngài luôn muốn gởi đến cho mọi người, mọi nơi. Khảo sát về đời sống của ngài, vị Cáo Thỉnh Viên cho Án Phong Chân Phước đã viết rằng: Đức Cố Hồng y Thuận quả là một “nhân vật cực kỳ phức tạp,” toàn cuộc đời của ngài là “các giọt liên tục của Tin Mừng, một cơn mưa không ngừng của sự thánh thiện.”
 
Để thay lời kết thúc phần thuyết trình hôm nay, xin kính mời toàn thể quý vị cùng đọc lại với tôi một lời kinh khác, rất là nổi tiếng và cũng rất là gần gũi với tâm hồn người Công Giáo Việt Nam:  đó là lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxico khó khăn. Hình như khi đọc lại lời kinh nầy, phảng phất đâu đây, chúng ta thấy lại cả cuộc đời và linh đạo của vị Hồng Y đáng kính của chúng ta:
 
Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người!
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ tình yêu của Chúa!
Để con đem tin yêu vào nơi oán thù,
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục,
Đem an hòa vào nơi tranh chấp,
Đem chân lý vào chốn lỗi lầm!
Để con đem tin kính vào nơi nghi nan,
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng!
Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm,
Đem niềm vui đến chốn u sầu!
Lạy Chúa!  Xin hãy dạy con,
Tìm an ủi người hơn được người ủi an!
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết!
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu!
Vì chính khi hiến thân, là khi được nhận lãnh!
Chính lúc quên mình, là lúc gặp lại bản thân!
Vì chính khi thứ tha, là khi được tha thứ!
Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời!
Ôi, Thần Linh thánh ái, xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí,
Ơn An Bình!
 
Hình như những tâm hồn lớn thì thường gặp nhau. Sống cách nhau gần 10 thế kỷ, đời sống của Đức Hồng Y Phanxico Xavie chính là hiện thân của Kinh Hòa Bình mà Thánh Phanxico thành Assisi vẫn thường nhắc nhủ, đó chính là trở nên khí cụ Tình Yêu của Chúa trong những nơi nghi nan, oán thù, lăng nhục, bất hòa, tranh chấp… và luôn là VUI MỪNG và HY VỌNG cho những ai sống trong thất vọng và tủi hờn!
 
Lm. Giuse Hồ Khanh
Nhân ngày Đại Nhạc Hội Vui Mừng và Hy Vọng & Lễ Giỗ 10 Năm Cố Hồng Y (9/15/2012)
PHANXICO XAVIE NGUYỄN VĂN THUẬN - Denver, Colorado

Tác giả: Lm. Giuse Hồ Khanh

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Chú ý: Được đăng lại bài viết, nhưng vui lòng ghi rõ nguồn "Gia đình Cựu Chủng sinh Huế" và link đến bài viết trên trang này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập600
  • Hôm nay58,562
  • Tháng hiện tại879,221
  • Tổng lượt truy cập56,980,858
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây