Tưởng nhớ 20 năm ngày mất cha giáo Jean Oxarango

Thứ bảy - 19/08/2023 20:26
Hôm nay, ngày 20/8/2023, là những người được kêu gọi để tiếp tục cuộc hành trình, và là những người thừa hưởng di sản thiêng liêng của cha để lại, chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì đã đặt một khuôn mặt truyền giáo đẹp đến thế trên hành trình của chúng ta.
Ngày 20 tháng Tám là ngày giỗ của cha Jean Oxarango, một người cha thân thuộc đối với những học trò của TCV Phú Xuân và Hoan Thiện cũng như của rất nhiều học sinh tại Huế. Riêng đối với tôi, Ngài không chỉ là thầy mà còn là ân nhân của gia đình tôi. Chính vì thế, thu thập các tài liệu, tôi đăng lên đây vài nét về cuộc đời của Cha, như một nén hương tỏ lòng thành kính và biết ơn. Bài khá dài và tôi không đăng ngay một lúc được. Mong các bạn thông cảm.
 
Nguyễn Cao Trưởng HT65

Cha Jean Oxarango (1913-2003)

Jean Oxarango (JO) sinh ngày 24.05.1913 tại Iribania, miền Pyrénées Atlantiques; là con của ông bà Dominique và Mariena Etcheverry. Gia đình này làm nghề nông và rất sùng đạo, có tám đứa con, ba gái năm trai. JO được Rửa Tội ngay ngày sinh, trong nhà thờ xứ Macaye, giáo phận Bayonne; và lãnh bí tích Thêm Sức ngày 15/05/1925 tại Bayonne.

JO học tiểu học tại Hasparren là thị trấn quê nhà, rồi vào Tiểu chủng viện (TCV) Ustaritz tháng 10/1924. Tháng 10/1930, JO vào Đại chủng viện (ĐCV) Bayonne, nhưng năm 1931 thì được gọi nhập ngũ để học quân sự. Sau đó, JO được cho về lại gia đình, và tiếp tục học ở ĐCV. Ngày 06/07/1936 thì được phong phó tế và 10 ngày trước quốc khánh Pháp năm 1937 thì được phong linh mục, do đức cha Henri-Jean Houbaut, giám mục Bayonne.

Tháng 10/1936, lúc còn là phó tế, JO được gửi đến TCV François-Xavier ở Ustaritz để giảng dạy. Suốt hai năm, JO hăng hái cống hiến và chờ đợi để được nhận vào một viện truyền giáo là nguyện vọng của cha. JO phục vụ tại TCV này đến tháng Bảy 1938.

Vào cuối năm học 1937-1938, tức một năm sau khi chịu chức, JO đã gửi cho bề trên tổng quyền hội Truyền Giáo Hải Ngoại một lá thư xin được vào Hội. Cha viết: “Con xin Cha cho con được hân hạnh nhập vào quý Hội. Làm thế là con tin rằng mình đáp lại lời mời gọi của Chúa mà con nghe cả mười năm nay. Sở dĩ đến nay con mới viết thư này là do sức khỏe con yếu kém và do giáo phận tạm thời không cho phép; nhưng nay thì ổn cả rồi, vì sau hai năm giảng dạy tại TCV Ustaritz, con vừa được giáo phận cho phép thực hiện những việc cần thiết để xin nhập vào quý Hội. Quá sung sướng, con vội viết cho Cha thư này đây…”

Lá thư đó của JO được cha giám đốc TCV xác nhận, bằng lá thư gửi cho bề trên tổng quyền Hội, ngày 09/07/1938: “Cha muốn có thông tin về cha JO, người bạn đồng nghiệp của chúng tôi đang xin gia nhập quý Hội. Tôi sung sướng báo rằng về mọi phương diện đều rất tuyệt: sức khỏe tốt, thông minh và có văn hóa, cư xử không chê được chỗ nào, tính dễ thương chỉ mong phục vụ và làm kẻ khác hài lòng. Tuyệt hơn nữa là những nhân đức của một linh mục như tinh thần siêu nhiên, tận tâm, hoạt động nhiệt thành. Đây đúng là một lựa chọn tuyệt hảo mà TCV Ustaritz cũng như giáo phận Bayonne gửi cho quý Hội và Cha chỉ phải tự chúc mừng về việc này thôi. Chúng tôi rất luyến tiếc người đồng nghiệp này, mà khi rời chúng tôi, đã để lại một khoảng trống quá rõ cho TCV. Để bớt tiếc đi, chúng tôi không còn cách nào khác là phải tin rằng cha JO được định để làm nhiều việc tốt đẹp trong một cánh đồng còn thiếu thốn hơn của chúng tôi…” 

Ngày 12/07/1938, JO nhận được lời đáp chấp nhận. Cha liền tới trình diện ở chủng viện đường Bến Tàu, ngày 17/09/1938. Trong năm thử ở chủng viện Paris này, theo luật của Hội, các bề trên đã yêu cầu cha chuẩn bị nhập học Sorbonne, để lấy bằng cử nhân Văn chương cổ điển.

Ngày mồng 3 tháng Chín năm 1939, thế chiến hai bắt đầu. JO bị động viên, nhưng sau việc rã ngũ của quân Pháp và hòa ước bắt buộc  tháng Sáu năm 1940, Cha lại được cho về nhà. Điều này khiến Cha có thể hoàn tất việc lấy bằng cử nhân văn chương năm 1941. Được chấp nhận vào Hội Thừa Sai rồi, ngày 15 tháng Chín năm 1941 cha JO nhận nhiệm sở đầu tiên là Huế. Nhưng bởi chiến tranh vẫn còn nên Cha về lại giáo phận Bayonne, làm giáo sư ở chủng viện Ustaritz trong khi chờ tàu qua Việt Nam.

Năm 1945, lúc chiến tranh đã kết thúc ở châu Âu và nước Nhật đầu hàng ngày 15.08.1945, thì cuộc chiến tại Đông Dương lại bắt đầu. Cuộc chiến này chỉ kết thúc với trận Điện Biên Phủ ngày 08.05.1954. Tiếp theo là hiệp định Genève ngày 20.07.1954, theo đó Việt Nam bị phân chia thành hai nước cách nhau một khu phi quân sự tại vỹ tuyến 17. Nhưng năm 1945, muốn tái lập quyền lực tại Đông Dương, người Pháp đã cho ra đời đội Quân Hải Ngoại Viễn Đông và yêu cầu có các tuyên úy tình nguyện phục vụ cho đội quân đó.

Vào thời điểm khó mà kiếm được vé tàu để đến Đông Dương thì đây là một cách để các thừa sai được đến nơi đang chờ đợi họ. Cha JO là người đã chấp nhận lời đề nghị đó của các bề trên. Nhưng sau này, như được nhắc tới trong dịp tang lễ của Cha: “… đó quả thật là một nguồn sinh ra những xung đột và thử thách, không phải vì những nguy hiểm của cuộc chiến, mặc dầu đúng là tuyên úy cũng có thể bị thương nặng, nhưng bởi vì không thể ủng hộ chính sách của một cuộc chiến do người Pháp phát động tại một xứ mà mình được gửi đến để loan báo Tin Mừng…”

Vậy là Cha làm tuyên úy quân đội tình nguyện tại Bắc Việt Nam từ 09.09.1945 đến 08.10.1948, lúc Cha được giải ngũ. Trở lại đời sống dân sự, Cha đến Huế vào tháng 10.1948 và được đón tiếp bởi một người đồng hương xứ Basque là Đức Cha Jean-Baptiste Urrutia, vị vừa được tấn phong giám mục ngày 27.05.1948. Nhưng giáo phận tông tòa này lại trải qua những thử thách nghiêm trọng: năm 1945 có vụ đảo chánh của Nhật ngày 09.03; rồi Việt Minh giành độc lập ngày 02.09; thành phố Huế bị phong tỏa từ tháng 12.1946 đến tháng 02.1947; trụ sở hội truyền giáo bị đốt cháy. Và chiến tranh tiếp tục.

Dù tình hình khó khăn như vậy, cha JO vẫn can đảm bắt đầu việc học tiếng Việt. Cha ngụ tại trường Thiên Hựu. Chính tại đây Cha đã sống suốt thời gian Cha ở tại Việt Nam. Câu chuyện đời Cha ở Việt Nam gắn liền với lịch sử ngôi trường này và ban giảng huấn của nó. Trong thời gian học tiếng, Cha có làm mục vụ tại một giáo xứ ở Huế vì lúc đó tại thành phố này vẫn có một số gia đình nói tiếng Pháp, cả lính lẫn dân sự.

Trường Thiên Hựu được thành lập năm 1933 bởi Cha François Lemasle, sau này là giám mục Huế từ 04.02.1937. Theo lời cha Georges Lefas, một vị rường cột của Trường thì … “ngôi trường Công giáo này mở rộng đối với mọi người Việt, không phân biệt tôn giáo và giai tầng xã hội…” Trường này nổi tiếng vì nề nếp giáo dục nghiêm cẩn cả về mặt tri thức, luân lý và tâm linh. Niên khóa 1943-44, tỷ lệ tốt nghiệp tú tài của trường là 80%. Sau đó nhiều cô cậu tú đã học tiếp lên đại học cả ở trong lẫn ngoài nước. Trường này dạy theo chương trình Pháp và nổi tiếng trên cả Đông Dương, đối với cả người Pháp lẫn người bản xứ.

Những biến cố chấn động Đông Dương năm 1945 đã dẫn đến việc đóng cửa trường Thiên Hựu một thời gian. Dưới sự chiếm đóng của người Nhật và trong thời gian Huế bị phong tỏa từ tháng 12.1946 đến tháng 02.1947, trường đã làm chỗ trú cho hơn 400 gia đình. Sau đó, một phần cơ sở nhà trường bị quân đội trưng dụng. Mặc dầu chiến tranh, nhưng vì yêu cầu của phụ huynh, trường mở cửa lại tháng 09.1947 dưới quyền cha Georges Lefas vừa từ Pháp về. Vị này đã nhanh chóng quy tụ một số nhà giáo có thiện ý và nhà trường đã nhanh chóng trở lại nề nếp học tập nghiêm cẩn và thân ái bấy lâu. Vào tháng 09.1948, từ lớp 5 cho đến lớp 12 đã có 250 học sinh.

Các biến cố chính trị và các khó khăn những năm đó đã tạo nên một tình hình mới tại Việt Nam. Vì thế, về mặt sư phạm, phải có những phương pháp giảng dạy mới và phải xem xét lại chương trình học. Việc dạy tiếng Latinh được giữ lại vì các chủng sinh của tiểu chủng viện đến học ở đây. Ban giảng huấn tạo thành một tập thể trẻ trung, tài giỏi, hợp nhất và rất ý thức về bổn phận giảng dạy. Các linh mục Việt Nam trẻ có bằng cấp cũng tham gia vào tập thể này.

Chính trong ban giảng huấn này, tại trường Thiên Hựu và sau này tại đại học Văn khoa Huế, mà cha JO đã trải qua nhiều giai đoạn cuộc đời truyền giáo với tư cách là linh mục thầy dạy của nhiều sinh viên trẻ Việt Nam.

Theo cha Georges Lefas, là anh em đồng nghiệp và là bạn của JO, thì giai đoạn 1945-1954 đối với trường Thiên Hựu cũng giống như “tia nắng mặt trời trong cơn bão tố”. Cha JO cố làm hết sức mình để chu toàn trách nhiệm, và phải dạy cả những môn cha không chuyên, trong thời buổi rất thiếu các giáo sư giỏi. Ngoài ra cũng còn phải làm việc theo nhóm để cổ vũ, hướng dẫn và dõi theo công việc của học sinh, đồng thời phải liên hệ với các phụ huynh vốn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong thời ly loạn.

Tuy thế giai đoạn này cũng đặc biệt mang lại nhiều hoa trái. Chính chứng tá của các linh mục giảng dạy đã làm được việc này. Năm 1951, Trường phải cung cấp chỗ ăn ở cho 70 chủng sinh của TCV An Ninh và một linh mục giám học kèm theo, vì hồi đó ở Cửa Tùng không được an toàn cho lắm. Rồi trong năm 1951, ba học sinh đã lãnh Phép Rửa Tội và nhiều em khác cũng đã xin tòng giáo. Rõ ràng tất thảy học sinh đã cảm nhận được bầu khí Kitô giáo thân thương từ chính những bậc thầy. Để kết thúc năm học này, một trong những cựu học sinh đầu tiên của trường đã được truyền chức linh mục để phục vụ tại giáo phận Kontum, đó là cha Alexis Lộc. Ngài đã về lại trường để tạ ơn Chúa và các vị thầy đã hướng dẫn mình.

Cha JO trong khả năng của mình cũng đã sung sướng góp phần với các linh mục quản xứ. Vào mùa Phục Sinh 1950, trong vòng hai ngày, cha đã đi thăm mục vụ tại nhiều doanh trại quân đội trong tỉnh, và đã rất vui vì sự tiếp đón thân tình cũng như vì đã giúp được nhiều người công giáo sống rải rác được mừng lễ Phục Sinh.

Năm 1954, trường Thiên Hựu mừng kỷ niệm hai mươi năm thành lập, nên cha giám đốc là Jean-Marie Viry đã tổ chức thật long trọng lễ phát phần thưởng cuối niên khóa vào ngày 11.06.1954. Tất cả ban giảng huấn, một số trong giới cầm quyền và đông đảo phụ huynh học sinh đã tham dự buổi lễ. Ai nấy đều ý thức rằng một giai đoạn mới vừa mở ra, giai đoạn mà cha Georges Lefas xác định là “Mở Rộng và Mở Cửa” (1954-1969).

Trong viễn tượng này, và để làm tốt hơn bổn phận, cha JO đã xin được làm thêm việc mục vụ tại giáo xứ thánh Phanxicô Xaviê, qua đó có dịp thực tập tiếng Việt. Mùa khai giảng năm học 1954-1955, cha JO vẫn ở tại trường Thiên Hựu, nơi cha có dạy vài lớp, nhưng lại dốc sức cho các chú của TCV An Ninh. Kết quả các kỳ thi rất tốt đẹp năm đó đã là phần thưởng cho công sức cha bỏ ra.

Cũng vào mùa tựu trường tháng Chín 1954, trường Thiên Hựu đón số học sinh cao nhất từ khi thành lập trường là 480 em. Tháng 06.1955, cha giám đốc Jean-Marie Viry, sau mười năm làm việc, đã được phép đi nghỉ tại Pháp. Cha giao việc điều khiển trường cho cha Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền. Nhưng vị này chỉ đảm nhận chức vụ có vài tháng thì được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục Sài Gòn lúc ấy đã trở thành thủ đô của VNCH.

Cha Trần Hữu Tôn lúc đó được giao quyền điều hành trường. Cha JO và ban giảng huấn lại tiếp tục công việc giảng dạy bình thường trong các lớp mà sĩ số có khi khá cao. Năm 1957, mặc dầu số đông học sinh muốn học tiếp chương trình Pháp, nhưng ở các lớp nhỏ đã có việc chuyển hướng để dạy các chương trình theo nền giáo dục Việt Nam. Việc chuyển hệ thống này đã được tiến hành từ từ, theo thời gian.

Cũng trong thời gian này, dự án mở một trường đại học quốc gia tại Huế đã được quyết định, và trường đã khai giảng vào tháng 11.1957. Khoảng bảy trăm sinh viên đã nộp đơn vào những khóa dự bị các ngành Khoa học, Văn khoa, và nhất là Luật học. Tới đây, ta hãy nhường lời cho cha Lefas: “Vị sáng lập Trường Đại Học đã yêu cầu nhiều anh em chúng tôi tham gia vào ban giảng huấn của trường. Chúng tôi đã gặp lại tại đấy nhiều học trò cũ của chúng tôi. Họ tỏ ra rất tin tưởng và cởi mở. Chúng tôi cũng tiếp xúc với những sinh viên khác, nói chung cũng không kém cởi mở. Và như thế chúng tôi phải mở rộng lĩnh vực chứng tá của mình: dùng đời sống nhiều hơn lời dạy.” Vẫn dạy tại trường Thiên Hựu, cha JO chấp nhận ghế giáo sư đại học. Ngày 03.06.1958, cha về Pháp nghỉ định kỳ rồi ngày 30.12.1958 lại lên đường đi Huế.

Trong khoảng thời gian từ 1955 đến 1975, có thể kể vài biến cố quan trọng, có buồn có vui, đã xảy đến với cha JO tại Huế.

Ngày 08.12.1960, ĐGH Gioan XXIII thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam và chỉ định những giám mục mới. Đức cha Nguyễn Văn Hiền là người gốc Huế và là cựu giáo sư Thiên Hựu được bổ nhiệm giám mục Sài Gòn. Huế được nâng lên hàng tổng giáo phận và trao cho đức cha Ngô Đình Thục, cũng là người gốc Huế và là cựu giáo sư Thiên Hựu.

Khi đức cha Thục về Huế, giáo phận đang có 122 linh mục Việt Nam, 12 linh mục thuộc hội Thừa Sai Paris, khoảng 20 tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế người Canada, 7 linh mục Xuân Bích, 2 cha Dòng Tên, 60 vị dòng Bênêđictô, 2 tu hội sư huynh giảng huấn và 5 dòng tu. Các linh mục Xuân Bích đang đào tạo cho khoảng 100 chủng sinh từ các giáo phận Huế, Kontum, Quy Nhơn và Nha Trang. Các cha Dòng Tên cũng đã mở một nhà nội trú cho các sinh viên đại học. Vị giám mục mới cũng bày tỏ với cha bề trên tổng quyền MEP lúc đó đang thăm Việt Nam, ước muốn được có thêm nhiều linh mục khác đến tham gia giảng dạy tại trường Thiên Hựu.

Cha JO vẫn tiếp tục giảng dạy tại đại học Huế, mà vào năm 1961 đã có khoảng 1.700 sinh viên, trong đó có 150 em công giáo. Năm 1962, đại học này có 2.400 sinh viên và sĩ số vẫn tăng đều hằng năm.

Tháng 11.1963 xảy ra cuộc đảo chính của quân đội. Tổng giám mục Ngô Đình Thục không trở lại Việt Nam được nữa nên ngày 01.07.1964, tổng giáo phận Huế được trao cho đức cha Nguyễn Kim Điền vốn là giám mục Cần Thơ, và xuất thân là một linh mục thuộc dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu.

Tình hình sau 1963 ở Miền Trung rất bi đát. Ngày 20.02.1966, cha Louis Valour, cựu giáo sư Thiên Hựu và là bạn của cha JO, người thành lập giáo xứ Đông Hà và nhiều họ nhánh khác, đã tử nạn cùng với hai em giúp lễ khi đang trên dường đi dâng lễ cho các tân tòng. Chiếc xe Jeep của cha đã cán phải mìn. Ngày 31.03.1972, một người bạn khác của cha JO là cha Guy Audigou, cựu giáo sư Thiên Hựu và đã bị cầm tù tại Vinh từ 1946 đến 1953, cựu giám đốc Đại chủng viện Sài Gòn, cựu bề trên Miền, cựu bề trên chủng viện MEP ở Bièvres, và đã trở về làm cha xứ Cam Lộ từ 1969 cũng đã tử nạn vì một quả lựu đạn ném vào xe của cha khi cha đang chở một người đi bệnh viện.

Ngày 13.01.1968, trong dịp Tết Mậu Thân, hai cha Pierre Poncet và Marie-Georges Cressonnier đã đi về Phủ cam để thăm một nữ tu cao tuổi. Không gặp được Dì ấy tại nhà, mà lại thấy Nhà Chầu vẫn còn trong ngôi nhà nguyện, nên cha Poncet đã ôm luôn Nhà Chầu đi, định đặt vào một chỗ an toàn. Nhưng cả hai cha đã bị một tràng đạn bắn hạ từ phía sau.

Trong lễ tang cha JO, những giây phút bi tráng ấy đã được nhắc tới: “Bốn giáo sư đồng nghiệp của chúng tôi tại trường Thiên Hựu, trong đó có cha JO, cũng đã biết qua những tình huống nhớ đời đó, khi họ đã bị bắt xếp hàng dựa vào tường để xử bắn, thì đột nhiên có người học trò cũ nhận ra thầy và đã cứu giúp. Và bởi vì tôi đã bắt đầu nói về các đồng nghiệp MEP đã bị giết trong biến cố đó, nên để bổ túc thêm, quý vị cũng nên biết rằng từ 1966 đến 1972, nhóm chúng tôi gồm 12 người thì 4 đã bị giết, còn 1 bị thương nặng phải về nước…”

Cuối năm học 1968, các lớp dạy theo chương trình Pháp kết thúc. Các cha thừa sai ngưng các hoạt động giảng dạy tại trường Thiên Hựu. Tuy nhiên hai cha Lefas và JO vẫn sống tại đấy và tiếp tục dạy đại học. Cho đến 1975.

1975! Từ ngày 18 đến 24 tháng ba 1975, thành phố Huế mất đi 80% dân số vì người ta lũ lượt đi về Đà Nẵng. Để cứu giúp những người tị nạn từ Quảng Trị vào sống tại các trường học và ở khắp mọi nơi tại Huế, một đội y tế gồm các linh mục, tu sĩ đã hình thành, và quan trọng nhất là nhóm này đã quyết định ở lại Huế. Cha JO và các đồng nghiệp tại trường Thiên Hựu tham gia nhóm này…

Rồi mọi sự lắng xuống vì Sài Gòn đầu hàng. Và tất cả các thừa sai biết giờ họ rời Việt Nam đã gần kề. Xin nhường lời cho bài tường thuật in trong số 90 của tờ “Tin đường Bến Tàu”, tháng 11.1975: “Ngày 04.09.1975, các cha Duval, Oxarango và Petitjean, cùng với một cha Dòng Tên người Tây Ban Nha và hai nữ nhân viên xã hội người Bỉ và Liban, đã được mời tới tòa thị chính để nhận thông báo là “nhà cầm quyền đã quyết định trục xuất họ”.

Có được hai ngày để chuẩn bị, anh em chúng tôi đã phân phát hết của cải, thu xếp vài công việc và trải qua đêm cuối tại tòa giám mục. Sáng sớm hôm sau, tất cả quy tụ quanh giám mục để dâng thánh lễ cuối cùng. Đến 05g30, một chiếc xe đã đưa họ về Sàigòn, có 4 công an cùng đi. Chiều đó họ ghé Nha trang, chiều hôm sau khoảng 18g là đến Sài Gòn và ngụ tại khách sạn Majestic, trên nguyên tắc là cấm tiếp xúc với bất kỳ ai ở Sài Gòn. Chính tại đấy, vài giờ sau một nhóm thừa sai thứ hai sẽ đến…”

Ngày 11.09.1975, cha JO về đến Paris. Quay về Pháp rồi, cha JO về lại gia đình ở Macaye và quê hương xứ Basque. Cha bề trên tổng quyền đề nghị Cha tiếp tục phục vụ với tư cách thừa sai. Nhưng trong một lá thư viết ngày 15.10.1975, Cha đưa ra những lý do để từ chối: “Con đã bị cha Destombes “bắt cóc” năm 1938 đem về làm giáo sư tại trường Thiên Hựu ở Huế. Con đã làm việc ở đó suốt 30 năm và có thể con đã chết tại đó nếu Chúa không quyết định cách khác; cho nên giả như trong Hội có khuyết một chân giáo sư văn chương nào thì có lẽ con sẽ tìm tới. Nhưng bây giờ con 63 tuổi rồi và không cảm thấy có đủ can đảm để làm mục vụ thừa sai. Con sẽ sung sướng thích nghi dần với những phương pháp tông đồ mới để có thể giúp ích chút ít cho giáo phận quê nhà của con…”

“Giúp ích chút ít” thì có cơ hội ngay. Cha xứ Macaye vừa về với Chúa và cha JO ngay lập tức được yêu cầu đảm nhiệm vị trí quản xứ. Trong lá thư ngày 07.01.1976, Cha viết: “Cha sở Macaye chỉ chờ tôi về làng là qua đời và đi gặp Chúa liền, để lại giáo xứ cho tôi gánh vác. Vậy là Chúa quan phòng đã giải quyết bài toán cả cho tòa giám mục lẫn cho chính tôi. Tôi phải ngay lập tức ôm lấy công việc, và cũng chính Chúa đã cho tôi đủ thứ việc để làm (ma chay, đám cưới, rửa tội, lễ Giáng Sinh…). Tất cả cứ tuần tự diễn ra. Và rồi tôi lại phải học làm quen lại với xứ Basque, với giáo lý, cũng chẳng phải dễ dàng gì trong tình trạng hiện nay. Tôi tin rằng điều khó khăn nhất đã qua rồi, nhưng việc học nghề sẽ khá dài vì tôi đã có tuổi…”

Dù khó khăn như vậy, Cha đã vận dụng thành công các khả năng cần thiết để tái thích ứng với xứ Basque mà Cha đã luôn yêu mến, nhưng cũng đã biến đổi nhiều từ khi Cha rời đi vào năm 1945. Cha học lại tiếng mẹ đẻ đã thay đổi, và hòa mình vào công tác mục vụ mà nói chung rất khác với điều Cha đã biết lúc thiếu thời.

Vào tháng 04.1976, giám mục Bayonne đã đề nghị Cha phục vụ hai giáo xứ thánh Martin d'Arbéroue và thánh Esteben. Cha tổng đại diện đã viết: “Cha JO xem ra rất sung sướng thỏa mãn với đề nghị này… Tôi cũng thấy điều này có lợi cho Ngài. Hai giáo xứ chỉ cách nhau 2km, là những giáo xứ tốt nhất có số đông tín hữu thực hành đạo. Hơn nữa, cha sở mới cũng sẽ thấy tại xứ Thánh Martin d'Arbéroue một nhà xứ vừa mới trùng tu, có đầy đủ đồ nội thất và trang bị cần thiết… Hoàn cảnh đã dẫn đưa Ngài thực tập mục vụ trong thời gian sáu tháng tại quê nhà, bây giờ Ngài có thể bắt đầu giai đoạn mới, tự tin hơn vào khả năng thích ứng của mình…”

Và thế là cha JO làm cha sở cho mãi đến tháng 08.1988, rồi trở thành tuyên úy cho bệnh viện tại Beaulieu và Combo-les-Bains. Ngài giữ vai trò đó cho đến cuối tháng 09.1999.

Từ ngày 16.09 đến 02.10.1989, cha JO đã tham dự cuộc hành hương Đất Thánh do Hội MEP tổ chức. Khoảng ba mươi linh mục anh em đã về thăm quê hương Chúa Giêsu, dưới sự hướng dẫn của cha Etcharren. Chương trình gồm hai ngày ở Néguev, bảy ngày ở Jêrusalem và bốn ngày ở Galilê.

Ngày 01.11.1998, sau khi dâng lễ Các Thánh và cảm thấy khá mệt, cha JO trong một phút không tập trung đã bị một tai nạn giao thông. Ngài bị bể một đầu gối. Sau ba tháng nằm bệnh viện với hai cuộc phẫu thuật, Cha đã bình phục và lại tiếp tục làm tuyên uý ở bệnh viện Beaulieu.

Ngày 01.10.1999, Cha từ nhiệm tuyên uý tại Beaulieu, và được phép của giám mục, Cha về hưu tại nhà hưu Arditeya vùng Combo-les-bains. Cha viết: “Sau khi bị tai nạn giao thông dịp lễ Các Thánh và phải nằm viện thời gian dài, tôi thấy đầu gối mình yếu đi, không lái xe được nữa, và sức khỏe cũng giảm sút…” Chính tại nhà hưu này mà Cha đã mất vào ngày 20.08.2003.

Cha JO đã cống hiến phần lớn đời mình cho việc giảng dạy, trước hết là tại Pháp, sau đó đặc biệt tại Việt Nam là nơi mà Cha đã mong được sống và làm việc cho đến tận cuối đời. Cha đã tìm thấy nhiều niềm vui tại đấy dù cũng có muôn vàn khó khăn. Điều này đã được nói lên vào dịp lễ tang Cha:… “Trong thời gian Cha sống tại Việt Nam, làm giáo sư tại trường Thiên Hựu và đại học Huế, tôi tin rằng Cha đã rất hạnh phúc. Cha đã nhận được rất nhiều tại đấy mà cũng đã cho chính bản thân mình. Là giáo sư giỏi về cả Văn Chương lẫn Vật Lý, có đầu óc năng động, sáng tạo, sẵn sàng đổi mới cả phương pháp lẫn phương tiện giảng dạy, Cha đã được nhiều thế hệ học trò yêu mến cảm phục, và nhiều em vẫn thích nhắc lại những kỷ niệm của giai đoạn đó…”

Ở đây cũng nêu lên lời chứng của một người Việt Nam, cựu học sinh Thiên Hựu mà giờ đây là giáo sư nổi tiếng tại các đại học của Canada và Mỹ, lời này được đăng trên tạp chí Sông Hương: “Những năm tháng tôi học tại trường Thiên Hựu đã khiến tôi sau này có thể vững vàng học cao hơn và vào đời mà không gặp khó khăn… Những vị sáng lập trường Thiên Hựu đã có tầm nhìn rất xa rất rộng; chính vì thế ảnh hưởng của Trường thật lớn lao… Trong suốt thời gian theo học tại trường Thiên Hựu, tôi đã không bao giờ bị mảy may áp lực, trực tiếp hay gián tiếp, phải theo đạo Công giáo hay phải theo người Pháp. Đó là ngôi trường lớn, có một ban giảng huấn khiến ai cũng phải kính trọng… Mặc dầu Trường vừa nhận học sinh Pháp lẫn học sinh Việt, tôi đã không bao giờ cảm thấy sự kỳ thị. Các giáo sư và các Cha đã luôn đối xử công bằng với mọi học sinh. Có thể là họ còn thiên vị học sinh Việt hơn… Các thầy dù Pháp hay Việt đều tài giỏi và dạy học với hết lương tâm và chăm chú, mà vẫn nghiêm cẩn đòi buộc mọi học sinh phải cố gắng hết mình…”

Cha JO, vừa là một thừa sai vừa là một thầy giáo, “đã được sắp đặt để làm nhiều điều tốt đẹp”, đúng như cha bề trên TCV Ustaritz đã viết năm 1938. Cha cũng đã góp phần vào việc đào tạo về mặt nhân bản và tri thức cho nhiều thế hệ người Việt để họ nhiệt thành và ham hiểu biết hơn. Ở trường Thiên Hựu, qua chứng tá linh mục thầy dạy, cha JO cũng đã tặng cho nhiều chủng sinh những nền tảng đầu tiên giúp họ trở thành linh mục tốt lành của giáo hội Việt Nam.

Nguyễn Cao Trưởng HT65

Tác giả: Nguyễn Cao Trưởng HT65

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập284
  • Máy chủ tìm kiếm49
  • Khách viếng thăm235
  • Hôm nay26,810
  • Tháng hiện tại272,218
  • Tổng lượt truy cập67,297,065
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây