Cha Tôi 1. Chương 1. Thời Niên Thiếu.

Thứ ba - 07/05/2013 20:43

-

-
Mới gặp Cha Bề Trên lần đầu, người ta dễ lầm tưởng Ngài nghiêm nghị và dè dặt. Nhưng nếu có dịp gặp Ngài nhiều lần, nói chuyện lâu, họ sẽ khám phá ra qua cái vẻ nghiêm nghị bên ngoài đó, Ngài thật sự là con người thích vui đùa và rất cởi mở. Bản tính vui nghịch phóng khoáng này Ngài đã có ngay từ thời niên thiếu.
Cha Tôi.
Phần Một: Vui Mừng, Gian Truân và Hy Vọng
Chương 1.
TIỂU CHỦNG VIỆN HOAN THIỆN HUẾ
 
Xem: TẠI ĐÂY

 
-----------------------------------
 
Cha Tôi.
Phần 1: Vui Mừng, Gian Truân và Hy Vọng
Chương 1

THỜI NIÊN THIẾU

 
Mới gặp Cha Bề Trên lần đầu, người ta dễ lầm tưởng Ngài nghiêm nghị và dè dặt. Nhưng nếu có dịp gặp Ngài nhiều lần, nói chuyện lâu, họ sẽ khám phá ra qua cái vẻ nghiêm nghị bên ngoài đó, Ngài thật sự là con người thích vui đùa và rất cởi mở. Bản tính vui nghịch phóng khoáng này Ngài đã có ngay từ thời niên thiếu.
 
Ở bậc tiểu học, Ngài theo học với các Sơ Dòng Thánh Phaolô ở trường Jeanne d'Arc, và sau đó với các Frères (Sư Huynh) Dòng Lasan, tại trường Pellerin, một trường tư thục công giáo nổi tiếng ở cố đô Huế. Gia đình Ngài ở Phủ Cam, nơi có nhà thờ chính tòa giáo phận Huế, được xây cất trên một ngọn đồi, trông thật oai nghiêm. Từ nhà đến trường, Ngài phải đi xuống dốc Phủ Cam, có đường xe lửa băng ngang, rồi ngược dòng sông An Cựu, một dòng sông được gắn liền với núi Ngự Bình nổi tiếng ở Cố Đô: "Núi Ngự Bình trước tròn sau méo, sông An Cựu nắng đục mưa trong", rồi đến cầu Ga, nơi có ga xe lửa. Trường Pellerin ở ngay bên cầu kia, phía tay trái. Ngài kể lại có những buổi trưa, Ngài cùng với chú Tuyên, em ruột của Ngài và các bạn cùng trường rủ nhau đi học. Khi băng qua đường rầy xe lửa dưới dốc nhà thờ Phủ Cam, tất cả cùng nhau liệng đá sỏi lên mái nhà của ông Cai phụ trách gác cổng đường rầy ở đó, vừa la thật to: "Ông Cai! Ông Cai có mười hai lỗ tai..." rồi bỏ chạy. Ông Cai bị phá giấc ngủ trưa, giận dữ chạy ra khỏi nhà la với theo: "... Tao mà bắt được đứa nào thì chết với tao". Cả nhóm cười thích chí vì chọc được ông Cai. Rồi những lần đi dọc theo bờ sông, thấy có người đang câu cá, Ngài và các bạn học rình ném đá xuống chỗ đang câu, làm cho nước động không thể câu được. Người câu cá la lối om sòm, còn nhóm của Ngài thì vừa cười vừa bỏ chay...
 
Ao cá và vườn cây ăn trái chung quanh nhà Ngài cũng là nơi để Ngài đùa nghịch thời niên thiếu. Mỗi buổi trưa những ngày được nghỉ học, Ngài đợi Ông Cố ngủ để lén ra vườn hái trái cây và bắt cá. Ông Cố cấm con cái không được đến ao cá một mình vì sợ té xuống ao không ai cứu kịp, và cũng không cho phép leo cây vì sợ té gẫy tay gẫy chân. Ông Cố cũng bắt con cái phải ngủ trưa. Lênh của Ông Cố thì không thể châm chước được. Vì thế chỉ con các trốn ngủ trưa hay đợi Ông Cố vắng nhà, Ngài với chú Tuyên và bạn bè mới có dịp đùa nghịch thỏa thích. Có một lần, giờ nghỉ trưa, Bà Nội bắt gặp Ngài đang đong đưa trên cành hái trái cây. Bà hoảng hồn la cháu: "Thuận, xuống mau lên. Thằng cha mi (cha con) mà thấy được, ông lỡ tay đánh trúng chỗ hiểm là chết đó. Nghe không?". Thế là Ngài vội vàng tụt xuống chạy vào nhà, giả bộ đang nằm ngủ vì sợ Ông Cố thức giấc.
 
Năm lên 13 tuổi, Ngài xin phép cha mẹ đi tu. Ngài được Bà Cố (Mẹ) khuyến khích nhưng Ông Cố lại không tin tưởng chút nào. "Ở nhà Mệ (Bà Nội) và mạ nó (Bà Cố) nuông chìu nó quá. Cái chi (gì) ngon cũng dành cho nó... Ở chủng viện ăn uống cực khổ làm răng (sao) mà nó chịu nổi. Chắc được 3 ngày là nó cuốn gói về nhà". Ông Cố nhất định không cho phép. Nhưng cuối cùng, nể lời Bà Cố giải thích, Ông Cố để Ngài đi tu.
 
Đầu năm học 1941, Chú Thuận khăn gói tựu trường ở Chủng Viện An Ninh, ngoài Cửa Tùng, thuộc tỉnh Quảng Trị. Chú biết rõ những lời Ông Cố nhận xét không sai chút nào, nên càng quyết tâm tập luyện hơn. Cuộc sống ở chủng viện chắc chắn không bằng ở gia đình. Chú cố gắng thích ứng với hoàn cảnh mới. Đồ ăn thức uống đạm bạc không làm chú nản lòng. Luật lệ, giờ giấc gò bó không làm chú nản chí. Trái lại, chú thấy bầu không khí chủng viện êm đềm thoải mái vì được các cha giáo sư thương yêu nâng đỡ, và có nhiều bạn bè để đùa vui, nghịch phá. Mỗi lần về nghỉ hè ở gia đình, chú Thuận lại thuật cho Mẹ những cam khổ trong cuộc sống ở chủng viện, vì Mẹ luôn thông cảm và khuyến khích chú tiếp tục tiến tới. Và cũng chính Mẹ là người luôn nói lại cho Bà Nội và Ông Cố về cuộc sống của chú Thuận theo một cách thức khác, để hai người này thấy đứa con, đứa cháu đích tôn của mình vẫn sống sung sướng, thoải mái trong chủng viện.
 
Vào mùa hè năm 1945, vì hoàn cảnh sôi động của chiến tranh, tất cả các chú phải ở lại chủng viện thay vì về gia đình nghỉ hè như thường lệ. Và để các chú vơi đi nỗi buồn nhớ nhà, ban giám đốc tổ chức những buổi văn nghệ lửa trại và kêu gọi mọi người đóng góp. Chú Thuận có dịp thi thố tài năng. Với máu văn nghệ, óc hài hước và tài bắt chước giọng nói, điệu bộ của người khác, chú làm cho mọi người cười lăn lóc.
 
Chú Thuận vừa làm đạo diễn vừa đóng vai chính của vở kịch "Chiếc Radio Tân Thời". Ngồi trong một tấm màn phủ kím có hình thù vuông vức như một chiếc Radio, chú Thuận bắt chước giọng nói của các cha giáo sư và những người thân quen mỗi khi radio được mở ra và thay đổi băng tần. Ngài bắt đầu:
 
"Kính thưa quý vị thính giả, đây là đài phát thanh Chủng Viện An Ninh. Phóng viên chúng tôi xin trực tiếp tường thuật đến quý vị buổi nguyện gẫm đặc biệt của cha giáo sư Trần Hữu Tôn". Và chú Thuận bắt đầu giả giọng của Cha Tôn, một giọng nói thật trầm, chậm rãi, nhừa nhựa, kéo dài ở chữ cuối.
 
"Chúa ở trong con
Con ở trong Chúa
Như cá ở trong nước
Như sắt ở trong lò
..."
 
Chữ "lò" được cha Tôn kéo dài với cung điệu đặc biệt, và hình ảnh ngài dùng "sắt ở trong lò" để diễn tả sự liên kết với Chúa lại càng đặc biệt hơn nữa. Vì thế, mỗi lần cha Tôn gẫm đến phần này, tất cả các chú đều thấy tỉnh táo hẳn và lí nhí đọc theo "như sắt ở trong lò...". Cũng đã có nhiều chú cố gắng tập lại giọng nói đó, nhưng chưa có ai bắt chước được 100%. Nay bất ngờ nghe chú Thuận nhái lại giống hệt giọng nói của cha Tôn từ đầu đến cuối, tất cả chủng viện vỗ tay cười vang.
 
Đợi cho tiếng cười và tiếng vỗ tay vơi dần, giọng nói bình thường của chú Thuận lại tiếp tục: "Sau đây, phóng viên chúng tôi xin phỏng vấn Cố Cả (Cadière), cựu bề trên Chủng Viên An Ninh, về tin hành lang ngài có thể được chọn làm Giám Mục".
 
- Kính thưa Cố, chúng con nghe tin Cố có thể được chọn làm Giám Mục trong tương lai. Xin cho chúng con biết là Cố nghĩ gì về tin đó.
 
Chú Thuận giả giọng Cố Cả để trả lời, một giọng nói thật cao và nhấn mạnh từng tiếng.
 
- Cha không làm Giám Mục được đâu vì tính cha nóng lắm.
 
Thế là tiếng vỗ tay, tiếng cười lại vang lên phá tan bầu không khí tịch mịch của đêm tối.
 
Chú Thuận còn độc diễn vai "Ông Câu Nhĩ Hạ" làm cho tất cả mọi người trong chủng viện được một trận cười vỡ lở. (Ông Câu: Chủ tịch hội đồng giáo xứ) Nhĩ Hạ là một làng quê ở ngoài Cửa Tùng. Tiếng nói của người dân làng Nhĩ Hạ có nhiều danh từ địa phương và giọng nói cũng nặng hơn, nên người ở ngoài những vùng khác khó có thể hiểu được. Vừa thấy Ngài bước ra, mặc áo thụng khăn đóng, cái dù đen móc ở tay, đi chân đất bước thấp bước ca, mọi người đã cười ầm lên. Lần này chú Thuận giả giọng Ông Câu làng Nhĩ hạ tường thuật trận đánh cho cha xứ làng bên cạnh nghe.
 
"Dạ thừa cha. Túi hồm qua Việt Minh với Tây đành nhau dự quá. Tròng đồn, tây vác súng mít-ta-dét vời lại cai-pha nạp ra. Còn ợ ngoài thì Việt Minh nạp a-nát vô. Khiếp lắm! Nộ tùm lum. Nhà con ngái mà còn sợ". Đúng là giọng nói của ông Câu làng Nhĩ Hạ. Cả chủng viện cười vang (nạp: bắn; mít-ta-dét: mitraillette, súng tiểu liên; cai-pha: súng carbine; a-nat: grenade, lựu đạn; ngái: ở xa).
 
Chú Thuận còn bắt chước giọng nói và điệu bộ của nhiều người khác nữa. Và người nào chú cũng đóng lại thật giống khiên cho Cha Bề Trên Tịch cười chảy nước mắt: "Chú Thuận ơi! Thôi chú đừng có làm nữa kẻo cha chết vì bể bụng đây".
 
Trích CHA TÔI 1
Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền

Tác giả: Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền HT63

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập620
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm617
  • Hôm nay126,662
  • Tháng hiện tại931,917
  • Tổng lượt truy cập58,217,786
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây