Trong tinh thần này, chúng ta cùng nhìn lại đôi nét những chặng đường đã đi qua, và hướng đến những viễn cảnh cho con đường đại kết của các Giáo hội Kitô, cũng như chủ đề của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo năm 2021.
1. Khởi đầu Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo
Năm 1908, Mục Sư Paul Wattson đang coi sóc một nhà thờ Anh giáo ở Graymoor, New York, đưa ra sáng kiến cử hành một Tuần tám ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo với sự hỗ trợ của các Giám mục Anh giáo và Công giáo, trong đó có Đức Hồng Y William O’Connell của Boston. Tuần tám ngày này bắt đầu vào ngày 18 tháng Giêng, lúc bấy giờ là Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô ở Rôma, và kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại.
Năm sau, mục sư Wattson và toàn thể cộng đoàn Anh Giáo của ngài gia nhập Giáo hội Công Giáo, và vào năm tiếp theo, tức là năm 1910, cựu mục sư Wattson đã được thụ phong linh mục. Sáng kiến cử hành một tuần tám ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo lan tràn nhanh chóng. Vào năm 1916, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15 cổ vũ sáng kiến này trong toàn thể Giáo Hội và tuần tám ngày này chính thức mang tên Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất Kitô giáo.
2. Hai văn kiện làm nền tảng của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo
Năm 1964, Công Đồng Vatican II ban hành Sắc lệnh về Hiệp Nhất – Unitatis Redintegratio. Sắc Lệnh này ghi dấu một thời điểm quan trọng trong lịch sử Kitô giáo. Vì khi Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII loan báo triệu tập một Công đồng chung, ngài đã nhắm đến mục tiêu của việc hiệp nhất các Giáo hội Kitô giáo. Ðể đạt điều đó, ngày 05/06/1960 ngài thiếp lập Văn phòng Hiệp nhất các Kitô hữu. Một nguyên tắc căn bản để hướng đến sự hiệp nhất là: thống nhất trong những điều chính yếu, linh động trong những điều phụ thuộc, và bác ái trong mọi sự.
Ngày 30/5/1995, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành Thông điệp Ut Unum Sint - Xin cho họ nên một, gồm có ba chương với những tựa đề: Sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo vào công cuộc đại kết; các kết quả của tiến trình đối thoại; và đường còn xa lắm không? Thông điệp đã điểm lại những thành quả của tiến trình đối thoại, và phác họa những bước còn phải tiếp tục.
3. Thế nào là hiệp nhất Kitô giáo?
Trong buổi tiếp kiến ngày 10/11/2016 dành cho Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã minh định thế nào là hiệp nhất Kitô Giáo: Hiệp nhất không phải là kết quả những cố gắng của con người, nhưng là một hồng ân đến từ trên cao. Hiệp nhất là một hành trình được thực hiện khi đồng hành, nghĩa là khi chúng ta gặp gỡ nhau như anh chị em, cầu nguyện, cộng tác với nhau trong việc loan báo Tin Mừng và phục vụ những người khốn cùng. Hiệp nhất không phải là đồng nhất, nhưng là tôn trọng những khác biệt trong truyền thống đức tin của các Giáo hội khác nhau. Hiệp nhất không phải là gộp vào nhau, do đó cũng không chấp nhận sự chiêu dụ tín đồ của nhau, nhưng là cùng nhau làm chứng cho Tin Mừng của Đức Kitô và Nước Trời.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng: “Trước khi nhìn những điều chia cách của chúng ta, cũng cần nhận thức thiết yếu sự phong phú của những gì liên kết chúng ta, như Kinh Thánh, các bản tuyên xưng đức tin của các Công Đồng Chung đầu tiên. Làm như thế các tín hữu Kitô có thể nhìn nhận nhau là anh chị em cùng tin nơi Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất, dấn thân tìm kiếm cách thức vâng theo Lời của Chúa ngày hôm nay, Đấng muốn hiệp nhất tất cả chúng ta”.
4. Kỷ niệm 25 năm công bố Thông điệp “Ut unum sint”
Ngày 24/05/2020, nhân dịp kỷ niệm 25 năm Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố Thông điệp Ut unum sint, Đức Thánh Cha Phanxicô tái khẳng định ưu tiên của Giáo hội Công Giáo trong việc dấn thân để xây dựng sự hiệp thông trọn vẹn và hữu hình giữa các Kitô hữu. Ngài nhắc lại các bước đã được thực hiện, đặc biệt trong những thập kỷ gần đây, để “chữa lành các vết thương ngàn năm”. Đồng thời, ngài cũng nhắc đến những đóng góp lớn lao của Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô trong hành trình xuyên suốt 60 năm từ khi thành lập 1960-2020.
Nhớ đến ngày kỷ niệm này là một trong những giai đoạn quan trọng của hành trình đại kết. Đây cũng là cơ hội để công bố tạp chí Acta œcumenica, một sự trợ giúp cho những ai làm việc phục vụ sự hiệp nhất, luôn theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng trên hết là tài liệu Chỉ nam đại kết - Vademecum ecumenico dành cho các Giám mục, được Đức Giáo hoàng Phanxicô phê chuẩn và Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các Kitô hữu ban hành ngày 04.12.2020. Tài liệu nhấn mạnh trách nhiệm của các Giám mục Giáo phận trong việc thúc đẩy sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu trong phạm vi quyền hạn của các ngài và đưa ra những gợi ý thực hành về cách thức đạt được điều này. Đồng thời, giải quyết các câu hỏi như hôn nhân giữa một người Công giáo và một Kitô hữu không Công giáo, việc rước lễ và việc các cộng đồng Kitô giáo khác sử dụng tài sản của Giáo hội Công giáo. Văn kiện tạo thành “một lời mời gọi tiếp tục khám phá đối thoại như một phương thức của loan báo Tin Mừng”.
5. Các dự tính cho năm 2021
Bước vào năm 2021, do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các cuộc họp và sáng kiến có thể bị hoãn hoặc bị hủy. Tuy nhiên, Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới vẫn đưa ra các chương trình dự kiến để thực hiện trong tiến trình đại kết. Trong đó, một Hội nghị mang tên “Teaching ecumenism” được sắp xếp trong viễn tượng của các sáng kiến về tiếp nhận và đào tạo, sẽ là một trong những sự kiện được quan tâm nhất trong năm 2021.
Điều này gợi nhớ ở châu Âu, năm nay kỷ niệm 20 năm ngày ký kết Charta œcumenica 2001-2021. Một văn kiện tạo thành một nguồn quý giá cho hành trình đại kết hiện nay, với lời mời gọi các Kitô hữu tham gia làm chứng đức tin trong đời sống hàng ngày, bắt nguồn từ việc lắng nghe Kinh Thánh, là nền tảng đức tin và là mối dây chung nhất liên kết các Giáo hội Kitô. Và đối với nhiều người, vấn đề đón nhận các bước của con đường đại kết, không chỉ liên quan đến thần học, mà đôi khi có vẻ mệt mỏi và rời rạc, nhưng còn bằng việc các Kitô hữu đã và đang thực hiện theo chiếu hướng trở nên chứng tá chung của Lời Chúa.
6. Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu 2021
Chủ đề được chọn cho Tuần cầu nguyện năm 2021 được trích từ Tin Mừng Thánh Gioan: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy: anh em sẽ sinh nhiều hoa trái” (x. Ga 15,1-17). Cộng đoàn tu viện Grandchamp Thuỵ Sĩ được giao phó soạn các lời nguyện trong Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm nay. Cộng đoàn này được thành lập vào nửa đầu thế kỷ XX, gồm một số phụ nữ theo truyền thống Tin Lành cải cách của Thuỵ Sĩ nói tiếng Pháp, đã tái khám phá tầm quan trọng của sự thinh lặng trong việc lắng nghe Lời Chúa, đồng thời tiếp tục thực hành các cuộc tĩnh tâm để nuôi dưỡng đời sống đức tin, theo gương Chúa Kitô, lui về nơi thanh vắng để cầu nguyện. Theo trang web của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo, Cộng đoàn Grandchamp bao gồm 50 nữ tu, những người đã cống hiến “cho công việc hòa giải giữa các Kitô hữu, trong gia đình nhân loại và đối với mọi tạo vật”.
Qua chủ đề này, các tu sĩ muốn chia sẻ kinh nghiệm và sự khôn ngoan của đời sống chiêm niệm, lồng ghép vào tình yêu Chúa, và nói về hoa trái của lời cầu nguyện: hiệp thông sâu xa hơn với anh chị em trong Đức Kitô, và liên đới hơn nữa với toàn thể công trình sáng tạo. Cầu nguyện, đời sống cộng đoàn và lòng hiếu khách là ba trụ cột của tài liệu, được trình bày như một lời kêu gọi ở lại trong Đức Kitô để đến gần người khác hơn và vượt qua sự chia rẽ giữa các Kitô hữu. Chắc chắn nỗ lực hoà giải đòi hỏi nhiều hy sinh, nhưng luôn được hỗ trợ bởi lời cầu nguyện của Chúa Kitô, Đấng mong muốn chúng ta nên một, như Người ở với Chúa Cha.
Sau cùng, tài liệu nhắc lại rằng, với tư cách là các Kitô hữu, chúng ta cũng là những thụ tạo rên xiết chờ đợi được giải thoát. Do đó, ở lại trong Đức Kitô, chúng ta có thể nhận được sức mạnh và sự khôn ngoan để hành động chống lại bất công và áp bức, để nhìn nhận mình một cách trọn vẹn là anh chị em trong nhân loại, và trở thành kiến trúc sư của một lối sống mới trong sự tôn trọng và hiệp thông với tất cả thụ tạo. Cầu nguyện và làm việc để Chúa hiển trị là quy tắc sống mà các nữ tu của Grandchamp cùng nhau đọc mỗi ngày: điều này chứng tỏ rằng cầu nguyện và cuộc sống hàng ngày không phải là hai thực tại riêng biệt, nhưng được thực hiện cùng nhau.