Giáo Hội Công giáo với vấn đề Nhân Phẩm và Nhân Quyền

Thứ năm - 14/06/2012 20:32

-

-
Nội dung bài này là những điều tôi đã được học qua những lớp tập huấn về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo (GHXHCG) do Uỷ ban Công Lý & Hoà Bình Việt Nam và Ban CL&HB Giáo phận Huế tổ chức.
Giáo Hội Công giáo với vấn đề Nhân Phẩm và Nhân Quyền
 
Lời người viết: Nội dung bài này là những điều tôi đã được học qua những lớp tập huấn về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo (GHXHCG) do Uỷ ban Công Lý & Hoà Bình Việt Nam và Ban CL&HB Giáo phận Huế tổ chức. Tôi viết ra theo cách nghĩ của tôi, và việc này không ngoài lòng mong muốn góp phần phổ biến GHXHCG đến với mọi anh chị em tín hữu. Kính xin các Đấng, Bậc cao minh lượng thứ.
 
Phẩm giá con người (Nhân phẩm)
 
Đọc đoạn 1 Sáng thế, người Công giáo chúng ta xác tin rằng Thiên Chúa tạo dựng nên trời đất, muôn loài. Con người là một trong những loài được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26), và được Thiên Chúa giao quyền thống trị mặt đất (St 1,28).
 
Điều này, từ thời Giáo Hội Sơ khai, trong thư gởi tín hữu Cô-lô-xê, Thánh Phaolô đã nhắc các tín hữu khi viết, “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo” (Cl 1,15) và trong thư gởi tín hữu Do Thái, (có thể là) ông A-pô-lô cũng đã viết, “Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa …” (Dt 1,3)
 
Đến Công đồng Vatican II, Giáo Hội đã giải thích thêm “Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, có khả năng nhận biết và yêu mến Người như Đấng Tạo hoá, được Người uỷ thác quản trị mọi tạo vật trên trái đất” (Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 12).
 
Và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tin Mừng Sự Sống, số 36, tái khẳng định, “Con người – Hình ảnh Thiên Chúa chiếu sáng và biểu lộ tất cả vẻ sung mãn khi Con Thiên Chúa mặc lấy thân xác con người”
 
Như vậy, xét dưới khía cạnh nhân vị, con người chiếm địa vị cao nhất trong các loài được Thiên Chúa tạo nên trên trần gian và trong vũ trụ này, vì thế, con người có một phẩm giá vô song mà Giáo Hội có trách vụ đề cao, và đấu tranh bảo vệ.
 

Nhiều đối tượng đang lợi dụng sức lao động trẻ em
Ảnh minh hoạ – Báo CA Tp.HCM, ngày 1/ 6/ 2012
 
nhưng, đáng tiếc!
 
Một thời gian quá dài trong Lịch sử Giáo Hội, “… có nhũng lúc Giáo Hội không những đã không hăng say bảo vệ phẩm giá con người, mà còn chủ trương sử dụng bạo lực hay những hình thức cưỡng chế phi nhân bản. Đăc biệt, vào cuối thế kỷ XVIII, khi những bản tuyên ngôn lịch sử về quyền sống, quyền bình đẳng, quyền tự do, tự quyết, … ra đời, thì hàng giáo phẩm hình như đã quay lưng lại với tiến trình tranh đấu cho nhân quyền này.” [1]
 
Dĩ nhiên, có nhiều lý do, nhưng một trong những lý do chính là “thái độ quá khích của một số chủ trương cổ võ một thứ nhân quyền hoàn toàn chỉ dựa trên giá trị tự nhiên của lý trí và nhất quyết loại trừ tất cả mọi qui chiếu vào Thiên Chúa” [1].
 
Trong Tông thư “Quod Aliquantum”, ngày 10-3-1791, ĐGH Piô VI đã gọi các quyền tự do mới là “những quyền kỳ quái”, và trong Thông điệp “Quanta cura”, ngày 8-12-1864, Đức Piô IX, đã phê phán 80 quan điểm mang tính chất triết học – chính trị – tôn giáo lúc bấy giờ là những “dịch bệnh” nguy hiểm của thời đại [1].
 
Trước những thay đổi sâu rộng về kinh tế, xã hội, chính trị, …, ngày 7-9-1955, Đức Piô XII, đã tuyên bố “Giáo Hội … xem, tình trạng thống nhất của dân tộc trong tôn giáo chân chính và sự đồng tâm hiệp lực giữa tôn giáo và Nhà nước là lý tưởng….”. Nhiều người cho rằng, lời tuyên bố của Ngài khai mở cho một tiến trình đối thoại với thời đại và chấp nhận nguyên tắc dân chủ, đa nguyên” [1].
 
Nhưng phải đến, Đức Gioan XXIII, khi đề cao Tuyên Ngôn quốc tế Nhân Quyền, (10-12-1948), Ngài chính thức công nhận quan niệm về quyền con người dựa trên nhân phẩm (Thông điệp “Hoà bình trên thế giới”, 1963)
 
Trong gần 2 thế kỷ, hậu quả của “điều đáng tiếc” này đã làm Đức Gioan Phaolô II đau buồn đến mức Ngài đã  khẩn thiết cầu xin: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của mọi người, trong một vài giai đoạn lịch sử, đôi lúc người Kitô hữu đã sống không bao dung và không trung thành với giới luật yêu thương lớn lao, vì thế đã làm hoen ố khuôn mặt Giáo Hội, hiền thê của Đức Kitô. Xin tỏ lòng thương xót đối với những người con tội lỗi của Đức Kitô và xin thương đón nhận quyết tâm của chúng con nhằm kiếm tìm và cổ võ chân lý trong thái độ dịu dàng của đức ái, với niềm xác tín rằng chân lý chỉ có thể chiến thắng bằng chính chân lý mà thôi”. (Đấng Cứu Chuộc Loài Người, số 14)

Từ đây, như ĐGH Bênêdictô XVI khẳng định “Giáo Hội luôn mang trong mình sứ vụ phục vụ chân lý và phục vụ con người để kiến tạo “một xã hội xứng hợp với con người, với phẩm giá và với ơn gọi của chính con người” (Tình Yêu trong Sự Thật, số 9).
 
Về việc bảo vệ phẩm giá con người
 
Giáo Hội Công Giáo cho rằng:
 
1. Xúc phạm đến phẩm giá con người là xúc phạm đến Thiên Chúa.
 
-  mọi xúc phạm đến phẩm giá con người là xúc phạm đến Đấng sáng tạo nên con người  vì nguồn gốc và vận mệnh của con người được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa và được cứu độ bằng máu châu báu của Đức Kitô (“Người Tín Hữu Giáo Dân”, số 37, ĐGH Gioan Phaolô II).
 
- và “… những gì xúc phạm đến nhân phẩm, … là xúc phạm nặng nề đến danh dự của Đấng Tạo Hoá” (Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 27).
 
2. Mọi sinh hoạt xã hội lấy con người làm gốc và vì con người.
 
- “Theo yếu tính, con người không phải là một đối tượng hay một yếu tố thụ động trong đời sống xã hội; trái lại, con người phải là chủ nhân, là nền tảng, là cứu cánh” của xã hội  (Đức Giáo Hoàng Piô XII) [1].
 
- “Con người phải chiếm vị thế trung tâm trong tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội và kinh tế, trong phạm vi quốc gia, cũng như trong tương quan rộng lớn trên bình diện thế giới và liên lục địa” (Lao Động Con Người, số 7, ĐGH Gioan Phaolô II).
 
Trong thông điệp “Bốn Mươi Năm”, 15-5-1931, Đức Piô XI đã gọi mời, tất cả mọi tổ chức và cơ cấu xã hội phải nhằm phục vụ con người. Điều này, năm 1941, trong “Sứ điệp Giáng sinh”, nhân kỉ niệm 50 năm Thông điệp Tân Sự, số 15, Đức Piô XII giải thích thêm “Xã hội không có mục đích tự tại, xã hội chỉ là phương tiện phục vụ con người”.
 
Sau này, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, trong “Hoà Bình Trên Thế giới”, số 5, nhắc lại, “… phục vụ con người là mục đích của xã hội”.
 
3. Phát triển toàn diện là hướng tới sự thăng tiến con người.
 
Con người là chủ thể của mọi sinh hoạt xã hội. Nhà nước, các đảng phái chính trị, cơ cấu tổ chức cũng như các hoạt động xã hội khác phải tạo ra những phương tiện và điều kiện thích hợp để giúp con người đạt tới sự phát triển toàn diện – “ nghĩa là hướng tới sự thăng tiến mỗi người và mọi người” (ĐGH Phao-lô VI, Phát Triển Các Dân tộc, số 20).
 

Ảnh trong bài “Thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ: Việt Nam và Ghana – ngôi sao sáng”,
Ảnh minh hoạ – baohoabinh.com.vn, ngày 16/9/2010.
 
Nhân quyền
 
Chính việc tôn trọng và bảo vệ phẩm giá con người đặt ra vấn đề nhân quyền. Nhân quyền, hay quyền con người là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào.
 
Ở Việt Nam, nhân quyền được hiểu là những quyền mà người dân được hưởng trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp. Điều đó giải thích tại sao ở Việt Nam người dân không có được một quyền nào đó như người dân ở các nước khác trên thế giới.
 
Với Giáo Hội Công giáo, nhân quyền là những quyền mà con người được hưởng để sống đúng với phẩm giá con người – con Thiên Chúa.
 
Từ thời Cựu Ước, Giáo Hội đã thừa nhận một số quyền của con người, chẳng hạn, Quyền sở hữu chung ruộng đất ( Lv 25,23-25), quyền được phân chia ruộng đất để sinh kế (Ds 26, 52-56 và Gs 1,13-16), quyền được trả công xứng đáng (Gr 22,11). … những quyền con người được Giáo Hội tiếp tục cập nhật.
 
Trên nền tảng Kinh Thánh, các huấn giáo của Giáo Hội đã có, ĐGH Piô XII, trong Sứ điệp Truyền Thanh Giáng Sinh, 1942, số 21 và sau này, lặp lại những điểm quan trong trong Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền, 1948, ĐGH Gioan XXIII, trong Thông điệp Hoà Bình Trên Thế Giới, 1963, số 11, và ĐGH Gioan Phaolô II trong Thông điệp Đệ Bách Chu Niên (Centesimus Annus), 1991, số 155, liệt kê các quyền con người gồm [2] :
 
            – Quyền được sống.
            – Quyền được sống trong một gia đình hợp nhất và trong môi trường luân lý.
            – Quyền được phát huy trí thông minh, được tự do tìm kiếm và hiểu biết sự thật.
            – Quyền được chia sẻ công ăn việc làm.
            – Quyền được lấy từ việc lao động những phương thế để trợ giúp bản thân và những người lệ thuộc vào mình (Quyền được hưởng các loại trợ cấp).
            – Quyền được tự do lập gia đình, quyền có con và dạy dỗ con.
            – Quyền tự do tôn giáo (Quyền được sống trong chân lý đức tin của mình và phù hợp với phẩm giá siêu việt của con người).
 
Kết luận
 
Giáo Hội Công giáo xác tín: Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa nên mỗi người đều có nhân phẩm; và tuyên bố rằng đấu tranh để mỗi người tồn tại, phát triển phù hợp với nhân phẩm của mình là sứ vụ của Giáo Hội được uỷ thác từ Thiên Chúa.
 
Tuy nhiên, Giáo Hội cũng phải thừa nhận rằng, nhiều nơi trên thế giới, các quyền con người chưa được thừa nhận hoặc bị vi phạm. Đấu tranh để bảo vệ phẩm giá con người là việc phức tạp, khó khăn.
 
Tín thác vào Thiên Chúa, Giáo Hội cộng tác với các quốc gia, các tổ chức, các tôn giáo khác, … để tìm cách xác lập và bồi dưỡng nhân quyền cho toàn thể gia đình nhân loại. Công việc này chỉ có thể hoàn thành nhờ sự giúp đỡ của Thiên Chúa và Thần Khí của Thiên Chúa và trong sự đoàn kết với mọi người.

———————————————
[1] GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP, ‘Một Cái Nhìn Về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo”, NXB Phương Đông, 2010, tr 134-139.
[2] Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng, “Nguyên tắc thứ nhất của Học thuyết Xã hội Công giáo”, Tài liệu Khoá Tập huấn và Hội thảo về GHXHCG và Con Người, tại Huế, tháng 2-2012.
 

Tác giả: Tôma Hoàng Kim Khánh

Nguồn tin: conglyvahoabinh.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập520
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm518
  • Hôm nay118,748
  • Tháng hiện tại924,003
  • Tổng lượt truy cập58,209,872
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây