Tình già.

Thứ sáu - 18/05/2012 12:04

-

-
Ông buồn bã nhấc chổi ra quét sân. Sáng nay, dễ ông đã quét được đến chục lần. Đó có khi chỉ là cái cớ, cái chính là ông đang mong ngóng xe máy của thằng con, nó đã hứa là cuối tuần vợ chồng nó được nghỉ, sẽ cho bà “về phép”.
Tình già
 
Ông buồn bã nhấc chổi ra quét sân. Sáng nay, dễ ông đã quét được đến chục lần. Đó có khi chỉ là cái cớ, cái chính là ông đang mong ngóng xe máy của thằng con, nó đã hứa là cuối tuần vợ chồng nó được nghỉ, sẽ cho bà “về phép”.
 
Quái, thế nào mà mãi không thấy bóng dáng bà ấy đâu thế nhỉ! Ông cứ sốt ruột ra ngóng vào trông, thở dài thườn thượt, thấp thỏm nhao ra nhìn ngó rồi lại thất vọng đi vào...
 
Ngày con dâu đẻ ông bà mừng húm. Ôi chà, thế là lên chức rồi, niềm vui đông con, đông cháu nhé! Thi thoảng rảnh, thu xếp được việc nhà, họ lại vượt bao đường đất đến đó thăm nom cháu nội.
 
Ngày con dâu bắt đầu đi làm, cũng thuê người giúp việc nhưng rồi họ không chuyên tâm lắm, thành ra con dâu cứ đấp đoảng việc ở cơ quan, đành cho chị giúp việc nghỉ. Trong thời gian chờ tìm người mới, cậu con trai liền cầu cứu mẹ, năn nỉ đưa bà nội đến trông cháu. Bà hơi ngần ngừ khi để ông ở nhà vò võ một mình, còn ông, trong tim đã nhói đau và lo lắng như đang bị “nẫng” mất điều gì đó quan trọng hơn cả tính mạng mình. Nhưng ông vẫn giữ vẻ điềm tĩnh, đặt quyết định lên bà. Bà áy náy, thôi đành “thương con thì non mọi việc”, bà quày quả sắp đồ sang ở giúp đỡ thằng con trai. Nó đã có lời, nỡ lòng nào mà lại không đi.

 
 
Cẩn thận dặn dò ông kỹ lưỡng việc nhà. Xúc động đến nghẹn lòng ông vẫn cố giơ tay lên trấn an bà. Một cuộc xa nhau lâu nhất từ trước đến giờ. Bao năm ông bà sống hoà thuận, đầm ấm, vui vẻ bên nhau, con cái thì cứ trưởng thành rồi đi và lập nghiệp ở những nơi xa mà chúng thích…
 
Bà tạm biệt còn không quên hài hước: "Ông ở nhà đừng có mà lẩm bẩm: Nó có vợ thì mình mất con, mà nó có con thì mình mất vợ nhé!". Ông nở nụ cười méo mó chào bà. Bà đọc được trong ánh mắt đó nỗi buồn ghê gớm, như đang long lanh, ngấn nước...
 
Ông bà lấy nhau vậy là đã hơn ba mươi năm. Lần kỉ niệm ba mươi năm cũng chính là ngày cưới cậu con trai, còn cô con gái lớn lấy chồng xa đã lâu rồi, giờ chỉ còn hai bóng già lặng lẽ. Người dân xóm phố hàng ngày thấy hai ông bà đi bộ tập thể dục, đồng phục là đôi mũ đỏ che sương, không lẫn được với ai. Họ thân ái gọi: Đôi uyên ương mũ đỏ.
 
Sáng ra bà nấu ăn, ông ung dung xem chương trình thời sự. Món sáng bà nấu quanh đi quẩn lại đơn giản chỉ là cơm, mì gạo rồi cháo... đâu có gì đặc biệt, ấy thế mà ông đâm “nghiện”, giờ có cho ra quán ngon ông cũng không tài nào nuốt nổi.
 
Sau đó, tranh thủ trời buổi sớm mát mẻ, họ cùng dắt nhau ra làm vườn. Ông cuốc đất, bà trồng rau, nhặt cỏ... Ở xóm phố này như thế là “địa chủ” lắm rồi, có đất mà trồng trọt, vất vả một chút nhưng được ăn rau an toàn, vệ sinh. Trong giọt mồ hôi của bà, ông nhìn thấy rõ niềm vui lấp lánh nơi khóe môi. Hạnh phúc tuổi già đôi khi chỉ giản dị vậy. Họ vui vầy bên những con vật nuôi quý người cùng những hàng cây xanh mát và vườn rau nhỏ xinh đủ dùng mỗi ngày. Mấy đứa con về thấy thế cũng an tâm.

 
 
Buổi sáng sau hôm bà vắng nhà, ông vẫn dậy sớm theo thói quen, quanh quẩn mãi song chẳng buồn nhấc chân ra khỏi nhà đi dạo bộ tập thể dục như mọi lần, sợ gặp mọi người họ thắc mắc, hỏi thăm lại chạm vào nỗi buồn, cô đơn của mình.
 
Ông chán nản vào bật TV lên thì toàn những chương trình nhạt thếch, liền lê bước sang nhà hàng xóm nhờ mua thức ăn. Lục đục mãi ông mới nấu xong, nhai trệu trạo, nếu không vì lũ chó, mèo, gà... thì ông đã ra quán cố nuốt cái đám cơm kia cho xong bữa, đỡ vất vả bôi ra chả bõ dính nồi. 
 
Tối không còn những thời khắc ngồi với nhau xem TV và bàn luận rôm rả, ông cũng chán nhìn cái vô tuyến lắm rồi, ông lại đi ngủ sớm. Một ngày thật dài làm sao.
 
Hai tuần lê thê trôi qua, thì ông nhận được điện thoại của con, nghe đâu chúng nó đang xúc tiến tìm người giúp việc mới, "tha" cho bà về với ông. Nghe như bà cũng bứt rứt vì nhớ và lo cho ông lắm rồi. Tuần này bà sẽ được nghỉ, tranh thủ cuối tuần. Chao ôi, ông sung sướng hệt như ngày bà ấy e lệ gật đầu đồng ý lấy ông vậy. Kể từ lúc đó ông cứ đi ra đi vô, cười tủm tỉm. Lên kế hoạch thu dọn nhà cửa đón bà về. Đám bát ông vụng về làm vỡ, cùng cái chảo rán cá cháy ông vẫn để ở góc nhà, chờ bà về sẽ nhìn thấy sự lọ mọ, nhếch nhác của ông mà thương xót. Nay ông sẽ thu sạch sẽ, gọn ghẽ để đón bà về trong căn nhà đầy ắp tình thương này. 
 
À, hình như đoá tường vi trước sân đang nở rộ, đây là loài hoa bà thích nhất mà ông đã cất công đi xin về trồng, hay là hái vào cắm cho tươi tắn căn phòng nhỉ? Mà thôi, để tiện thể đi chợ ông sẽ mua mấy bông cẩm chướng kiêu kỳ, cùng thạch thảo điệu đà mà có lần bà khen ấy, về cũng được, để đoá tường vi đó trên cây cho tươi... Ông nghĩ bụng rồi thực hiện luôn và bắt đầu đếm từng ngày một. 
 
Để rồi cuối tuần đến, ông háo hức chờ mong từ sáng sớm, quét sân đến mấy bận. Ông hồi hộp, mặt ông buồn xo, lẩm bẩm: “Này bà nó ơi, sao mãi chưa về thế?”. Rồi bỗng nghe đâu đây tiếng động cơ gần xa, đúng xe máy của thằng con ông rồi.

Tác giả: Thiều San Ly

Nguồn tin: Báo Dân Trí.

 Tags: mong ngóng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập1,050
  • Hôm nay162,974
  • Tháng hiện tại2,081,003
  • Tổng lượt truy cập59,366,872
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây