Nhớ Ba...

Chủ nhật - 27/05/2012 06:34

-

-
Hồng ân Thiên Chúa bao la, Muôn đời con sẽ ngợi ca danh Ngài... Tôi không biết mình thuộc bài thánh ca đó từ khi nào, nhưng tôi biết chắc là từ khi còn rất nhỏ và do Ba dạy.
Nhớ Ba *...
 
"Hồng ân Thiên Chúa bao la, Muôn đời con sẽ ngợi ca danh Ngài..."
 
Tôi không biết mình thuộc bài thánh ca đó từ khi nào, nhưng tôi biết chắc là từ khi còn rất nhỏ và do Ba dạy.
 
Đó là bài thánh ca ruột của Ba. Mỗi khi trong gia đình có điều gì vui, dù lớn dù nhỏ, như vừa sinh được một đứa con, rồi lễ rửa tội, vỡ lòng, thêm sức, sinh nhật, bổn mạng..., là chúng tôi lại có dịp hát lên trước bàn thờ gia đình. Mà Ba Mạ lại có đến 11 đứa con (8 trai, 3 gái). Và theo đà lớn lên, lại có những dịp đứa này đứa nọ lãnh thưởng, lên lớp, thi đậu... khiến tần suất xuất hiện của bài thánh ca trong gia đình ngày một nhiều hơn, hay hơn và vang to hơn. Như vào năm 1971, học sinh thi tú tài rụng như sung, tỳ lệ đậu chỉ mười mấy phần trăm, riêng gia đình tôi cả ba anh em đi thi đều đậu: tôi và anh Duy tú tài toàn, chú Bảo tú tài bán. Khỏi phải nói chúng tôi đã hát rống lên như thế nào trong niềm hân hoan của cả nhà, khuôn mặt của Ba Mạ tràn đầy niềm vui. Thiên Chúa đã thương ban phát quá nhiều hồng ân cho gia đình tôi.
 
Nhưng tôi biết, niềm mong mỏi lớn nhất của Ba là được hát lên bài thánh ca đó trong dịp con mình chịu chức Linh Mục. Năm đứa con trai đầu lớn lên được chừng 10 tuổi đều nối tiếp nhau bước chân vào Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện Huế. Tôi và anh Duy cùng tu học một lớp, và giấc mơ hai đứa con cùng bước lên bàn thánh chịu chức Linh Mục trong tiếng hát tạ ơn hồng ân Thiên Chúa luôn cháy bỏng trong lòng Ba.
 
Rồi thời thế đột ngột đổi thay. Sau tháng 3 năm 1975, Ba đi học tập cải tạo, cả nhà lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn về cả tinh thần lẫn vật chất. Anh Duy ra khỏi Đại Chủng Viện, Bảo đang học năm thứ ba luật, Phong dự bị y khoa đều phải bỏ ngang. Ninh, Tâm nghỉ học. Cả bầy con, đứa lớn nhất 22 tuổi, nhỏ nhất 5 tuổi, vốn chỉ quen với sách vở, trở thành những nông dân thực thụ làm thuê kiếm sống. Năm 1977, Mạ dắt díu bầy con lẳng lặng rời bỏ Quảng Thuận đi vào xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, một nơi khỉ ho cò gáy, không một ai quen biết. Và như để tăng thêm phần khốn khó, một trận lụt chưa từng có tiếp liền theo đó nhấn chìm căn nhà lá mới dựng và 20 công ruộng vừa cấy, xóa hết vốn liếng ít ỏi cuối cùng.
 
Và điều tệ hại nhất đã đến một cách lạnh lùng: Mạ chết. Chết trong nghèo khó, xa cách chồng con và trong nỗi lo lắng về tương lai mù mịt của gia đình. Ba giờ sáng, chiếc xe ba gác máy chở Tịnh ôm xác Mạ ngồi ghế trước, tôi ngồi phía sau, từ trong bệnh viện chạy ra giữa Sài Gòn vắng lặng. Ông tài xế hỏi: "Đi đâu?" Tôi đáp: "Bác cứ chạy đi". Thực tình tôi cũng chưa biết chở Mạ về đâu.
 
Tôi không biết tâm trạng của Ba thế nào trong trại cải tạo khi biết tin Mạ chết. Tôi nghĩ thầm, chắc Ba đã nhận thấy hồng ân Thiên Chúa cũng có giới hạn, và tiêu chuẩn Ngài dành cho gia đình mình đã cạn kiệt.
 
Vợ chồng Bảo Gẫm có đứa con trai đầu lòng. Từ trong trại cải tạo, Ba nhắn ra đặt tên cháu là Hồng Ân. Nhìn Hồng Ân gầy ốm, còi cọc, tôi nghĩ cháu, cũng như những đứa con của tôi sau này, và ngay cả Tâm, Tịnh, Niệm, Tuyền, Hoan, Minh, những đứa em lớn lên giữa vùng quê Đồng Tháp, và cả tôi nữa, rồi cũng sẽ như phần lớn những người dân quanh đây: nghèo khó, ít học, cắm cúi với ruộng đất, lấy rượu làm niềm vui. Tên Hồng Ân nghe thật mỉa mai.
 
Rồi tới ngày Ba trở về sau 5 năm bị giam giữ. Gầy gò, ốm yếu. Tôi thờ ơ nhìn Ba kinh nguyện sớm chiều. Ba quy tụ một số giáo dân quanh vùng (trong đó có cô gái sau này là vợ tôi), cùng nhau suy gẫm phúc âm, gây dựng Legio Mariae, tổ chức thăm viếng, giúp đỡ nhau... Ba lại tiếp tục công việc tông đồ sốt sắng y như hồi còn ở Hạnh Hoa hoặc Quảng Thuận, y như mọi chuyện vẫn suông sẻ giữa gia đình và Chúa.
 
Một ngày kia lúc đang đào đất mướn giữa ruộng, tôi chợt nghe văng vẳng tiếng hát:
 
Hồng ân Thiên Chúa bao la, Muôn đời con sẽ ngợi ca danh Ngài...
 
Ba đang tập bài hát ruột của mình trong nhà thờ họ đạo, một nhà thờ không có cha xứ, không cửa không vách, đổ nát vì chiến tranh và lụt lội.
 
Qua bao nhiêu dòng đời dưới thế, Qua bao nhiêu thế hệ dương gian,Tung hô chân lý cao quang, Miệng con theo với cung đàn hoan ca...
 
Thú thực, tôi thấy tức cười. Nhìn Ba gầy gò ốm yếu, giọng đã khàn khàn, nhìn các bác, các chị già có trẻ có, áo quần sờn rách, hát sai nốt sai nhịp, nhìn lại mình mồ hôi mồ kê, lấm lem bùn đất, tôi thấy lời ca và hoàn cảnh thực tại không ăn nhập vào nhau chút nào.
 
Tôi cứ đứng bên hông nhà thờ nhìn vào thật lâu. Nhìn kỹ vào đôi mắt Ba rực sáng niềm tin. Nhìn vào những khuôn mặt giáo dân nhăn nheo, đen đúa mở to miệng hát lời tụng ca hết sức thành kính. Tôi nhận ra Ba và những người kia đang rất hạnh phúc. Họ đã vượt thoát lên khỏi hoàn cảnh ngặt nghèo để nhận ra những giá trị mà Thiên Chúa đã ban cho mình, những giá trị mà tiền tài, danh vọng không sánh được. Tôi bỗng cảm thấy một luồng sức mạnh tràn vào khắp người.
 
Một thời gian ngắn sau đó Ba chết. Ba đã kịp dạy cho tôi những bài học sống. Hồng ân Thiên Chúa ban cho không chỉ đến một phía từ trên trời ban xuống, mà còn tự hoàn cảnh sống của mỗi người, không chỉ đến từ những thành tựu, những niềm vui, mà còn đến từ những thất bại, xui rủi, bệnh tật và cả chết chóc. Hồng ân Thiên Chúa thật bao la.
 
Từ đó đến nay đã 25 năm. Tôi không muốn nhắc lại khoảng thời gian đó. Chỉ biết rằng chú bé Hồng Ân còi cọc năm nào nay đã đường hoàng đứng trên bục giảng Đại Học Bách Khoa. Cách đây mấy năm, nhìn bóng dáng nhỏ bé nhưng đầy tự tin của Hồng Ân chen vai trong dòng người vào phòng cách ly ở sân bay để qua Nhật học thạc sĩ, tôi không khỏi rơi nước mắt khi nghĩ tới những nỗ lực của cháu.
 
Những ngày đầu năm 2008, anh em họp nhau tại nhà Bảo Gẫm, Quảng Thuận để dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa nhân đám giỗ lần thứ 25 của Ba. Tiếc là không có mặt Hồng Ân, cháu đang bận làm luận án tiến sĩ ở Thái Lan.
 
1/1/2008
Nguyễn Vinh Sơn
 
-------------------------------
Chú thích của BBT:

* Ba: Ông Giuse Nguyễn Văn Nghiêm, một Cựu Chủng Sinh Huế, cũng là thân sinh của các CCS Huế: Nguyễn Duy Sinh, Nguyễn Vinh Sơn, Nguyễn Bảo Lộc, Nguyễn An Phong, Nguyễn Gioan Ninh… Ông Giuse Nguyễn Văn Nghiêm (thường được gọi cách kính trọng là Thầy Nghiêm, mất ngày 25-5-1983) có công lớn trong việc cộng tác với Cha Giuse Đỗ Bá Ái khai khẩn, xây dựng nên vùng đất Quảng Thuận (Ninh Thuận) hiện nay.

Tác giả: Nguyễn Vinh Sơn HT63

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập944
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm943
  • Hôm nay162,974
  • Tháng hiện tại2,147,518
  • Tổng lượt truy cập59,433,387
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây