Những ngộ nhận về hôn nhân Kitô giáo

Thứ sáu - 27/07/2012 04:47

-

-
Buổi hội thảo cuối cùng về đề tài hôn nhân gia đình do nhóm tìm hiểu Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn tổ chức đã diễn ra ngày 24/3/2012, gồm hai phần: phần đầu tại Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn với nội dung “NHỮNG NGỘ NHẬN VỀ HÔN NHÂN KITÔ GIÁO”, do LM Gioan Bùi Thái Sơn, đại diện tư pháp tòa TGM Sài Gòn trình bày.
Những ngộ nhận về hôn nhân Kitô giáo
 
Buổi hội thảo cuối cùng về đề tài hôn nhân gia đình do nhóm tìm hiểu Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn tổ chức đã diễn ra ngày 24/3/2012, gồm hai phần: phần đầu tại Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn với nội dung “NHỮNG NGỘ NHẬN VỀ HÔN NHÂN KITÔ GIÁO”, do LM Gioan Bùi Thái Sơn, đại diện tư pháp tòa TGM Sài Gòn trình bày. Phần thứ hai là Thánh Lễ bế mạc khóa hội thảo và học hỏi về hôn nhân gia đình kéo dài bốn tuần qua. Thánh Lễ được hiệp dâng tại Hội trường Giêrađô, phòng mục vụ Dòng Chúa Cứu Thế SG, do Cha Vinh Sơn, Giám Tỉnh DCCT chủ tế.
 
Khởi động phần thứ nhất, Cha Gioan giới thiệu sơ lược về các yếu tố hình thành nên bộ Giáo Luật Công Giáo. Giáo Luật Công Giáo gồm hai nội dung chính là Thiên Luật và Giáo Luật thuần túy.
 
Thiên Luật lại chia làm Thiên Luật mạc khải Thiên Luật tự nhiên.
 
Thiên Luật mạc khải: Thiên luật mạc khải là lệnh truyền của Chúa Giêsu, vĩnh viễn không đổi theo thời gian, và không thể dùng lý trí con người để giải thích.
 
Ví dụ Chúa Giê-su truyền: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt. 28,19). Lời truyền ấy bất di bất dịch, được Giáo Hội thực hiện hai ngàn năm qua và sau này Giáo Hội cũng sẽ không sửa đổi. Con người không thể dùng lý trí để giải thích vì sao Chúa lại truyền như vậy.
 
Thiên Luật tự nhiên: Được hiểu như ánh sáng chân lý mà Thiên Chúa khắc ghi trong lương tâm con người, giúp con người nhận ra điều xấu, điều tốt: đó là công bằng, bác ái, hiếu thảo với cha mẹ…, những điều này nằm sẳn trong lương tâm con người. Thiên luật tự nhiên chứa đựng chính yếu trong mười điều răn. Trong luật của xã hội trần thế,  “những điều khoản nhân quyền nào mà được Giáo Hội công nhận, hầu như đều là Thiên luật tự nhiên”, (trích lời Cha Gioan). Thiên luật tự nhiên cũng bất di bất dịch không đổi, nhưng có thể dùng lý trí và lương tâm để giải thích tốt hơn, phù hợp hơn với hoàn cảnh phát triển của xã hội và Giáo Hội.
 
Ví dụ về vấn đề thảo kính cha mẹ, mỗi giai đoạn xã hội khác nhau, con cái có cách thể lòng hiếu kính khác nhau sao cho phù hợp.
 
Giáo luật thuần túy: Là những điều luật do Giáo Hội ban hành, đi từ chính nhu cầu của cộng đoàn hay của chính người giáo dân. Thí dụ để hình thành một điều khoản trong luật này cho cấp giáo phận, Đức Giám Mục giáo phận cần lắng nghe ý kiến cũng như cần có sự đồng thuận của Linh Mục Đoàn. Nên ở khía cạnh nào đó, Giáo Luật thuần túy còn có ý nghĩa nhắc nhở các đấng bậc bề trên nên lắng nghe tiếng nói tập thể, nhất là tiếng nói của những người có liên đới trách nhiệm trước khi quyết định vấn đề. Khi nhu cầu không còn nữa thì những điều khoản của Giáo luật thuần túy sẽ được sửa đổi hay hủy bỏ.
 
Khi hiểu biết về các yếu tố hình thành nên Giáo Luật, mỗi người sẽ có căn cứ để nhận định luật nào không thể thay đổi hay giải thích, luật nào có thể giải thích được bằng lý trí và lương tâm con người, luật nào có thể sửa đổi. Và đặc biệt, khi hiểu rõ vấn đề này, mỗi người cũng sẽ thấy rằng, sẽ rất hiệu quả khi vận dụng Thiên Luật tự nhiên như một phương thế để giải thích hay loan báo Tin Mừng với người ngoài Công Giáo, vì nó phù hợp với chân lý và lương tâm của con người. Còn Thiên Luật mạc khải hay Giáo Luật thuần túy phải gắn với đức tin và Giáo Hội mới hiểu được.
 
Hôn nhân vĩnh viễn của người Công Giáo
 
Hôn nhân vĩnh viễn là lệnh truyền của chính Chúa Giê-su lập ra trong Kinh Thánh. Trong Tin Mừng Thánh Mac-cô, chương 10, từ câu 2 đến câu 12, Chúa Giê-su đã nói rõ về vấn đề ly di. “ Ai rẫy vợ mà đi cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình, và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”, ( Mc 10, 11-12). Và Ngài tuyên bố:“ Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”, ( Mc 10,9). Nên hôn nhân bất khả phân ly là lệnh truyền trực tiếp của Chúa Giê-su – là Thiên Luật mạc khải.
 
Cũng trong trình thuật này, Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu ghi lại câu trả lời của Chúa Giê-su nói với người Pha-ri-sêu: “Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ,… Vì thế người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt… Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu”, ( Mt19,4-8).
“Câu này cho thấy ý Chúa Giê-su muốn nói: hôn nhân vĩnh viễn là ý muốn của Thiên Chúa ngay từ thuở ban đầu, từ thời Adam cho mãi về sau. Do đó Giáo Hội cũng xếp Hôn nhân bất khả phân ly là Thiên Luật tự nhiên.” ( trích lời Cha Gioan)
 
 Nghĩa là những người thành tâm thiện chí khác, người không Công Giáo đều biết và nhận thấy điều ấy hợp luân lý. Vậy, luật hôn nhân vĩnh viễn áp dụng cho mọi người, cả người Công Giáo lẫn người không Công Giáo. Đối với Giáo Hội Công Giáo, hôn nhân của người ngoài Công Giáo vẫn được coi là bất khả phân ly.
 
Về vấn đề này, không ít Ki-tô hữu đã có những hiểu lầm, ngộ nhận trong hôn nhân Công Giáo, nên phạm tội mà không biết. Các Ki-tô hữu thường tưởng rằng hôn nhân vĩnh viễn chỉ có hiệu lực đối với người Công Giáo, vì bị ràng buộc bởi phép hôn phối, còn người ngoài Công Giáo khi kết hôn không lập bí tích hôn phối, không đến nhà thờ làm Lễ nên xem như “không tính” lần kết hôn này. Do đó, một số người đã kết hôn với người ngoài Công Giáo đang có gia đình (chẳng hạn như Việt Kiều ở nước ngoài về cưới thêm vợ), hoặc là kết hôn với người đã ly dị. Cả hai trường hợp này đều phạm tội. Có những trường hợp hai bên quen biết, ưng thuận lấy nhau trước, rồi người không Công Giáo kia mới về nhà đòi ly dị vợ/ chồng của mình. Trường hợp này, vị Ki-tô hữu kia vừa phạm lệnh truyền của Chúa Giê-su, vừa phạm điều răn thứ chín là “lấy vợ, chồng người”. Những  trường hợp như trên, Cha Gioan đã gặp không ít trong quá trình thụ lý các vụ án đạo (vì Ngài là Chánh án của hai Tòa Sơ Thẩm và Phúc Thẩm của Tổng Giáo phận Sài Gòn).
 
Một câu hỏi được đặt ra: nhưng thực tế, có rất nhiều người không Công Giáo đã kết hôn theo tòa đời, sau đó ly dị, rồi đi học Đạo, rửa tội và kết hôn với người Công Giáo, có làm lễ và cử hành bí tích hôn phối hẳn hoi ở nhà thờ, các trường hợp này căn cứ vào đâu mà Giáo Hội cho phép làm như thế?
 
Thưa, đó là dựa vào Đặc Ân Phaolô.
 
Vậy, Đặc Ân Phaolô là gì?
 
Đặc Ân Phaolô được Giáo Hội áp dụng dựa trên lời xác quyết của Thánh Phao Lô trong thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô : “Nếu người ngoại Đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có Đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc…”, (1 Cr 7, 15)
 
Cha Gioan giải thích thêm:
 
- Một người tân tòng đã có vợ/chồng ngoại Đạo (nghĩa là người vợ/ chồng kia không theo Công Giáo và hôn ước của họ không có bí tích hôn phối). Nếu người vơ/chồng ngoại Đạo này không muốn tiếp tục đời sống vợ chồng với người tân tòng, và cũng không muốn theo Đạo Thiên Chúa, thì người tân tòng không bị ràng buộc hôn nhân nữa, được tự do và được phép tái hôn trong Giáo Hội.
 
Cần chú ý hai điểm khi áp dụng Đặc Ân Phao Lô:
 
* Người tân tòng không có mưu toan trong việc nhập đạo, chẳng hạn mưu toan rẫy vợ/chồng mình để cưới người có đạo Công Giáo.
 
* Khi người tân tòng tái hôn, vị  Linh Mục chủ sự phải hỏi người vợ/chồng cũ của người tân tòng hai câu hỏi: 1- anh/chị có muốn rửa tội không? 2-  anh/chị có muốn tiếp tục sống đời sống vợ chồng với người này nữa hay không? nếu người vợ/chồng cũ trả lời một trong hai câu là “có muốn” và được xác định đúng như vậy, thì người tân tòng này buộc phải quay về sống với vợ/chồng cũ.
 
Để hiểu rõ hơn về Đặc Ân Phao Lô, xin nêu lại hai ví dụ có thật mà Cha Gioan đã gặp trong quá trình xử án:
 
Một phụ nữ Công Giáo yêu một anh ngoài Công Giáo đã có gia đình và có hai con, hai người đến gặp một vị Linh Mục xin được làm phép cưới. Vị Linh Mục yêu cầu anh này về ly di vợ, đi học Đạo, rửa tội rồi làm phép cưới cho họ.
 
Đây là một trường hợp sai phạm trầm trọng của cả 3 người: Vị Linh Mục hướng dẫn và làm việc sai trái hoàn toàn, vì đã không xét đến tính “hôn nhân bất khả phân ly” của gia đình người ngoài Công Giáo. Người phụ nữ đã phạm điều răn thứ 9 “muốn vợ chồng người”; Còn người đàn ông tân tòng này chủ tâm bỏ vợ, đó là một tội ác. Xét về đạo làm người, anh ta lỗi đức công bằng, đức yêu thương và thiếu trách nhiệm với vợ con. Do đó trường hợp này không thể áp dụng Đặc Ân Phao Lô. Sau một thời gian lấy nhau, hai người này đã bỏ nhau nên không có khiếu kiện gì sau đó.
 
Câu chuyện thứ hai: hai vợ chồng người ngoài Công giáo lấy nhau, chung sống một thời gian ngắn rồi bỏ nhau khá lâu, vì người vợ cho rằng mình bị gia đình ép lấy anh ta. Sau đó người vợ vào chùa đi tu. Mười mấy năm sau, người chồng theo Đạo Công Giáo và muốn cưới vợ người Công Giáo. Vì trách nhiệm phải tìm hiểu, linh mục chánh xứ xin gặp để hỏi ý kiến xem nữ tu sĩ này có muốn quay về chung sống với người chồng cũ không. Cô này trả lời không vì đã xuất gia đi tu. Nhưng khi linh mục nói anh này sẽ cưới vợ người Công Giáo thì cô lại bảo muốn tiếp tục chung sống với anh này. Các vị có liên đới trách nhiệm trong Giáo Hội xét thấy: rõ ràng xét về hoàn cảnh,  người vợ cũ này không còn muốn chung sống đời sống vợ chồng với anh này, mà chỉ muốn ngăn cản, phá rối anh này lấy người vợ Công Giáo. Câu trả lời của cô không thật lòng. Do đó, Cha xứ tuyên bố người tân tòng này được phép cưới vợ Công Giáo theo luật Giáo Hội. Đặc Ân Phao Lô được áp dụng trong trường hợp này.
 
Hôn nhân bất thành:
 
Theo lời truyền của Chúa Giê-su thì hôn nhân bất khả phân ly. Nhưng việc xử hôn nhân bất thành trong Giáo Hội vẫn có từ đầu, từ thế kỷ thứ tư, thứ năm, khi Giáo Hội hoạt động công khai ở đế quốc Rô-ma. Ở Giáo Phận Sài Gòn, từ đầu thành lập cũng đã có một số vụ  xử hôn nhân bất thành. Thường thì hôn nhân bất thành rơi vào hai trường hợp dưới đây:
 
a/ Có thủ tục công bố người phối ngẫu đã chết: có giấy chứng tử của nhà nước, hay của Giáo Hội. Trong trường hợp không xác nhận được người phối ngẫu đã chết hay chưa, do mất tích hay xa cách lâu không gặp lại, thì Giáo Hội có thủ tục cho phép suy luận là đã chết.
 
Ví dụ: một anh điên loạn, bác sĩ chẩn đoán vài tháng sau sẽ chết. Sau đó anh ta mất tích đến nay đã 18 năm ; hay trường hợp một người đi vượt biên hai mươi mấy năm không có liên lạc với gia đình, địa phương. Hai trường hợp trên Giáo Hội cho phép suy luận là hai người này đã chết, hôn nhân của họ bị tiêu hủy để người vợ có thể tái hôn trong Giáo Hội.
 
b/ Có các chứng cứ kết luận bị ép hôn: Khi một người bị ép hôn thì lời thề trong bí tích hôn phối xem như không thành.
 
Tuy nhiên, việc xác minh một người có bị ép hôn hay không là một vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi các vị có trách nhiệm liên đới trong Giáo Hội phải điều tra kỹ lưỡng và phải tinh tế trong việc xác minh chứng cứ. Có trường hợp bị vu khống, có trường hợp cả hai vợ chồng đều muốn ly dị nên cùng xác nhận dối là bị ép hôn. Trường hợp như vậy phải điều tra hoàn cảnh kết hôn và lời chứng của người thân.
 
Bên cạnh hai trường hợp trên, cũng có trường hợp hôn nhân bất thành nếu có chứng cứ rằng lúc kết hôn, một trong hai người có vấn đề tâm lý, tâm thần hay phân tâm, thiếu trưởng thành về mặt giao tiếp xã hội.
 
Ở nước ngoài, vấn đề tiêu hôn xử dễ dàng hơn do tòa án Công Giáo nước ngoài có nhiều nhân sự và có đầy đủ các phương tiện y khoa để xác minh về tâm thần học. Yếu tố tâm thần và bạo hành gia đình là một trong những lý do để xử tiêu hôn nhiều nhất ở nước ngoài. Vì đối với văn hóa phương Tây, người có bạo hành trong gia đình thì được cho là chắc chắn có vấn đề tâm thần!
 
*****
Thật là một buổi chia sẻ mang lại nhiều thông tin bổ ích. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn đọc gần xa giảm bớt những ngộ nhận, hiểu lầm trong hôn nhân Công Giáo. Trong giới hạn thời gian của một buổi trò chuyện ngắn, mà đã thấy phơi bày bao nhiêu là bất cập! Hỏi liệu còn bao nhiêu điều nữa mà người Giáo dân còn mù tăm, nhập nhằng, khuất tất?!!!
 
Một thao thức được đặt ra: nếu hiểu biết Giáo Luật, Kitô hữu sẽ sống có trách nhiệm hơn, tránh những trường hợp hiểu lầm, ngộ nhận đáng tiếc, cũng như biết cách bảo vệ những quyền lợi của mình. Tuy nhiên, dường như Giáo dân Việt Nam biết Giáo Luật quá ít!
 
Nên chăng, Giáo Hội nên có những phương cách phổ biến Giáo luật rộng rãi, bình dân, dễ đón nhận, dễ tiếp thu, để mọi tầng lớp Giáo hữu đều có thể học hỏi, dạy bảo con cái sống tốt. Điều này càng quan trọng đặc biệt đối với giới trẻ, khi mà họ chuẩn bị bước vào đời sống gia đình. Nên chăng, cũng cần phổ biến cho các bạn trẻ hiểu những ngộ nhận, hiểu lầm thường gặp trong hôn nhân Công Giáo qua các lớp giáo lý?
 
Sau khi kết thúc buổi nói chuyện tại tòa Tổng Giám Mục, mọi người vội vã tập trung về nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, vì Cha bề trên Giám Tỉnh DCCT đang đợi mọi người đến để dâng Thánh Lễ, đúc kết một chặng đường đã đi qua và nghĩ về những việc phía trước đang chờ đợi…
 
Hôn nhân là chuyện cả đời. Gia đình là chiếc nôi định hình nhân cách mỗi con người, là nền tảng để cấu thành xã hội. Lớn lao và trọng đại biết bao nhiêu! Xin hãy trân trọng hôn nhân và nâng niu gia đình -  Dẫu biết bao sóng gió và cạm bẫy bủa vây!!! Lạy Cha! Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Xin tẩy rửa tội lỗi chúng con bằng máu cực trọng của Chúa Giêsu, và ban Thánh Thần để chúng con đủ sức. Xin Mẹ Hằng Cứu Giúp nâng bước chúng con!
 
Để kết lại bài viết, xin mượn một lời thoại trong bộ phim tâm lý xã hội Việt Nam “Dù gió có thổi” -  một bộ phim luôn có cách giải quyết những mâu thuẫn, xung đột gia đình rất nhân bản, rất tình người – mà Cha Giám Tỉnh đã chia sẻ:
 
Trong gia đình, không có lý lẽ, không có đúng sai, chỉ có TÌNH YÊU THƯƠNG”.

Tác giả: Mẩu Bút Chì

Nguồn tin: conglyvahoabinh.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập375
  • Hôm nay60,968
  • Tháng hiện tại1,199,979
  • Tổng lượt truy cập58,485,848
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây