Trong suốt mùa hè năm 1992, Trịnh Hữu Châu (tên tiếng Anh là Eugene Huu-Chau Trinh) đã trở thành cái tên nổi bật được giới truyền thông Mỹ săn đón
Trên trang bìa của nhiều tờ báo và tạp chí lớn ở Mỹ thời gian đó xuất hiện gương mặt đậm nét Á châu của một người đàn ông tham gia vào chuyến bay STS-50 của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA). Trịnh Hữu Châu, lúc ấy 42 tuổi, đã trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ vào ngày 25/6/1992, và ở bên ngoài không gian 13 ngày 19 giờ 30 phút.
Trịnh Hữu Châu trong bộ đồng phục của NASA. Ảnh: Transportation History
Theo thông tin được đăng tải trên trang Transportation History thuộc Hiệp hội Quan chức Giao thông và Xa lộ Tiểu bang Mỹ (tiếng Anh: American Association of State Highway and Transportation Officials - AASHTO) thì Trịnh Hữu Châu sinh ngày 24/09/1950 tại Sài Gòn. Ông là con trai út của kỹ sư công chánh Trịnh Ngọc Sang. Năm 1953, lúc mới 3 tuổi, ông đã cùng gia đình sang Pháp định cư để rồi nơi đây trở thành mảnh đất nuôi nấng, giáo dục và tạo điều kiện để ông có cơ hội phát triển sự nghiệp sau này.
Trịnh Hữu Châu tốt nghiệp trung học phổ thông tại trường Lycee Michelet ở thủ đô Paris vào năm 1968 và sau đó sang Mỹ học tiếp lên đại học với tấm bằng tốt nghiệp ngành kỹ sư cơ khí và vật lý ứng dụng tại Đại học Columbia vài năm 1972. Liên tiếp 2 năm 1974 và 1975, ông hoàn thành chương trình thạc sĩ và bảo vệ thành công các luận án thạc sĩ khoa học và triết học, sau đó hoàn thành luôn chương trình tiến sĩ ngành vật lý ứng dụng vào năm 1977 tại Đại học Yale hàng đầu nước Mỹ và thế giới.
Trịnh Hữu Châu tiếp tục theo đuổi con đường học thuật bằng cách trở thành nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Đại học Yale niên khóa 1978-1979. Nơi đây được xem là bệ phóng cho sự nghiệp của ông khi sau đó ông được nhận vào làm việc tại phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực Jet Propulsion (JPL) trực thuộc sự quản lý của NASA trong vai trò của một nghiên cứu viên cao cấp.
Trịnh Hữu Châu đang làm việc trên Tàu con thoi Columbia. Ảnh: April 12 EU
Trong khoảng thời gian kéo dài hơn 2 thập kỷ, ông dành toàn bộ kiến thức, lòng đam mê và tâm huyết của mình cho công việc nghiên cứu tại JPL, tập trung vào các mảng chuyên môn như động lực học chất lỏng, khoa học vật liệu cơ bản và công nghệ bay.
Những nỗ lực của ông đã được NASA chú ý để đến năm 1983 đã quyết định chọn ông để tham gia chương trình huấn luyện thành chuyên viên sức đẩy làm việc cho phòng thí nghiệm không gian 3 (Spacelab 3) và trở thành người dự khuyết cho tiến sĩ nổi tiếng Taylor Wang trong các chuyến bay lên quỹ đạo.
Theo nguyên tắc, chuyên viên dự khuyết sẽ được tham dự cùng phi hành đoàn bay vào quỹ đạo trong trường hợp ông tiến sĩ Taylor Wang không thể đi được. Thời gian đầu, Trịnh Hữu Châu được giao nhiệm vụ trực trạm kiểm soát không gian tại Trung tâm Không gian Johnson (JSC) ở Houston, giữ liên lạc với tiến sĩ Wang. Trong trường hợp xảy ra sự cố (thường liên quan đến các module động lực), ông sẽ là người đưa ra các hướng dẫn khắc phục.
Tháng 8/1990, Trinh Hữu Châu được đưa vào danh sách những thành viên nghiên cứu sức đẩy tại phòng thí nghiệm vi trọng lực của tàu con thoi. Tháng 6/1992, sau 2 năm hoàn thành chương trình huấn luyện đầy khắt khe của NASA, ông có mặt trong chuyến bay của tàu con thoi Columbia STS-50 bay lên không gian. Như vậy, Trịnh Hữu Châu đã trở thành người Việt thứ hai, và là người Mỹ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ, sau chuyến bay của anh hùng Phạm Tuân 12 năm trước đó (1980). Ông ở ngoài vũ trụ 13 ngày 19 giờ 30 phút - hành trình dài nhất trong toàn bộ sứ mệnh chinh phục vũ trụ của NASA thời bấy giờ.
Trịnh Hữu Châu (thứ hai từ bên phải) trong đội hình STS-50, ngày 24/1/1992. Ảnh: Wikipedia
“Chúng tôi đã bay vòng quanh thế giới... bay nhiều lần ngang vùng Đông Nam Á. Tuy phần lớn thời gian vùng này bị mây che phủ, song tôi nhớ đã ba lần chúng tôi bay bên trên Việt Nam. Những lúc ấy làm tôi nghĩ đến sợi dây liên hệ của mình, đến đất nước quê hương, nơi mình đã sinh ra...”, ông Trịnh Hữu Châu phát biểu trong một cuộc hội thảo được tổ chức ở Mỹ.
"Đó là Việt Nam! Tôi đã nhìn thấy quê hương tôi. Nó mới hiền hòa làm sao".
Sau chuyến bay lịch sử của mình, con đường sự nghiệp của Trịnh Hữu Châu tiếp tục phát triển với vị trí giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Khoa học Vật lý có văn phòng tại trụ sở chính của NASA. Ông đã lãnh đạo đội ngũ chuyên gia tập trung vào tác động của trọng lực và sự phát triển của các công nghệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con người khám phá thêm về hệ mặt trời.
Những thành tích và cống hiến của Trịnh Hữu Châu đã được NASA ghi nhận bằng việc trao tặng cho ông huy chương phi hành gia, huy chương thành tựu khoa học đặc biệt, giải thưởng Ngọn đuốc vàng dành cho người Mỹ gốc Mỹ gốc Việt, cùng nhiều giải thưởng và bằng phát minh quan trọng khác.
Trịnh Hữu Châu khá tín tiếng về đời sống cá nhân của mình. Ít ai biết gì thêm về cuộc sống của ông ngoài thông tin về việc ông kết hôn với người phụ nữ gốc Việt tên là Yvette Fabry. Trên website của NASA cũng có vài dòng giới thiệu về sở thích của ông như: sửa sang nhà cửa, nghe nhạc, chụp ảnh, xem kịch, chơi tennis, bơi lội, bóng chuyền, bóng đá, và leo núi.
Trịnh Hữu Châu được NASA vinh danh bằng nhiều giải thưởng lớn cho quá trình
làm việc và cống hiến của mình
Một số gương mặt người Mỹ gốc Việt tạo được dấu ấn nghề nghiệp tại NASA:
Jonathan Lee (Điền Lê) sinh năm 1959, là nhà vật lý bán dẫn và kỹ sư vật liệu kết cấu. Làm việc cho NASA từ 1989, ông là người phát minh ra hợp kim nhôm - silion - là loại vật liệu có độ chịu lực cao nhưng lại rất nhẹ và giá thành thấp phục vụ cho nhiều công trình đặc thù của NASA.
Bùi Trí Trọng sinh 1965 tại Sài Gòn là Tiến sĩ hàng không và không gian tại Đại học Stanford. Ông làm việc cho Trung tâm nghiên cứu Glenn của NASA từ năm 1997 với vị trí ban đầu là kỹ sư hàng không. Sau đó, ông làm việc cho Trung tâm nghiên cứu Bay Dryden, một nơi chuyên nghiên cứu và thử nghiệm các loại tên lửa của NASA.
Bruce Vu (Thanh Vũ) là Tiến sĩ ngành kỹ sư hàng không thuộc Đại học bang Mississippi năm 1999. Ông làm việc cho Trung tâm Marshall của NASA từ năm 1988 với nhiệm vụ chính là chế tạo các hệ thống giả lập trên máy tính để nghiên cứu động học chất lỏng - là những chuyển động của khí và chất lỏng có thể tác động đến các phương tiện lưu giữ, lắp ráp và phóng phi thuyền con thoi. Sau đó, ông chuyển sang làm việc tại Trung tâm Không gian Kennedy của NASA ở tiểu bang Florida nghiên cứu cách ứng dụng công nghệ nano để chế tạo những máy tính có kích thước siêu nhỏ.
Giáo sư - tiến sĩ toán học Nguyễn Xuân Vinh là người Việt Nam đầu tiên và cũng là người đầu tiên ở Đại học Colorado được cấp bằng tiến sĩ khoa học không gian vào năm 1962 với công trình tính toán quỹ đạo tối ưu cho phi thuyền. Những lý thuyết của ông đã góp phần quan trọng đưa các phi thuyền Apollo của NASA lên mặt trăng và trở về thành công.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Tiến làm việc tại JPL của NASA. Ông là người được NASA trao tặng Huy chương ngoại hạng vì những đóng góp trong chương trình đưa trạm thăm dò Galileo lên thám hiểm sao Mộc, hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt trời. Trạm thăm dò này phóng ngày 19/10/1989, và sau khi di chuyển 6 năm trên chặng đường dài 4 tỉ kilômét, ngày 7/12/1995 đã đến bầu khí quyển sao Mộc, đo nhiệt độ, áp suất, thành phần khí quyển sao Mộc và truyền kết quả về Trái Ðất.
Nguyễn Thuận