2022: Coca-Cola bán mình cho đối tác nhượng quyền
Coca-Cola Việt Nam sẽ chính thức đổi chủ. (Ảnh: KTG).
Swire Pacific Limited (có trụ sở HongKong, Trung Quốc) vừa đạt được thỏa thuận dứt khoát để mua lại các công ty con của Coca-Cola tại Việt Nam và Campuchia. Đây là đối tác chuyển nhượng lâu năm của Coca-Cola, thương hiệu này đã nhượng quyền của Coca-Cola từ những năm 1960.
Với thương vụ 1,015 tỷ USD tiền mặt, Swire Pacific sẽ sở hữu và vận hành Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (có 3 cơ sở đóng chai) và Công ty TNHH nước giải khát Campuchia (có 1 cơ sở đóng chai). Dự kiến, thương vụ này sẽ hoàn thành trong 6 tháng.
Đây là khoản đầu tư đầu tiên của Swire Coca-Cola vào Đông Nam Á, mục tiêu nhằm mở rộng thị phần kinh doanh và trở thành công ty có đà phát triển ở lĩnh vực nước giải khát nhanh nhất tại khu vực này.
2016: Lazda bị Alibaba mua lại
Lazda bị Alibaba mua lại. (Đồ hoạ: EBrun).
Trước Coca-Cola, một "ông lớn" thương mại điện tử là Lazada cũng đã bị mua lại. Năm 2016, Alibaba thông báo rót 1 tỷ USD vào Lazada - nền tảng mua sắm online được coi là Amazon Đông Nam Á. Theo đó, họ sẽ bỏ ra 500 triệu USD mua cổ phiếu mới phát hành của Lazada, và thêm 500 triệu để mua lại cổ phần từ các cổ đông trong Lazada.
Trước đó, Lazada được Rocket Internet (Đức) thành lập năm 2012. Cũng như nhiều dự án khác của họ, Lazada không nhắm tới một thị trường đã được khai phá, mà tập trung vào Đông Nam Á - khu vực có rất nhiều quốc gia tiềm năng.
Sau khi về tay Alibaba, Lazada Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển mảng kinh doanh chính là thương mại điện tử. Tuy nhiên, hãng này đang gặp phải sự cạnh tranh lớn từ Shopee và các nền tảng khác.
Theo số liệu từ iPrice, trong quý I/2022, Lazada đang xếp ở vị trí thứ 4 với 16,97 triệu lượt truy cập mỗi tháng, xếp sau 2 website Thế Giới Di Động (54 triệu lượt truy cập/tháng) và Điện Máy Xanh (20,8 lượt truy cập/tháng). Quán quân bảng xếp hạng này vẫn là Shopee Việt Nam với 84,5 triệu lượt truy cập/tháng.
2016: Central Group mua lại BigC Việt Nam
Bên trong siêu thị Big C. (Ảnh: Thiên Trường).
Trong năm 2016, thương vụ M&A rầm rộ giữa Tập đoàn Central Group (Thái Lan) và Casino (Pháp) nhằm mua lại BigC Việt Nam cũng là một sự kiện gây nhiều chú ý.
Vào tháng 4/2016, Tập đoàn Central Group cho biết đã hoàn thành giao dịch mua lại hệ thống siêu thị Big C từ tập đoàn Casino của Pháp với giá 920 triệu euro (tương đương 1,05 tỷ USD). Việc bán Big C cho Central Group cũng nằm trong một phần kế hoạch của chuỗi bán lẻ thực phẩm Pháp nhằm cắt giảm bớt các khoản nợ đang ngày một tăng cao.
Sau đó, tập đoàn này cũng đã kê khai tổng số tiền thuế doanh nghiệp phải nộp cho thương vụ chuyển nhượng này là 1.914 tỷ đồng, thuế phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh là 120 tỷ đồng.
Đến năm 2021, 7 siêu thị Big C nằm trong các tòa nhà được đổi tên mới là Tops Market và 5 đại siêu thị Big C hoàn tất đổi tên thành GO!.
2014: Metro bị bán cho BJC
Một kệ hàng bên trong siêu thị Metro. (Ảnh: Thiên Trường).
Năm 2014, Metro tại Việt Nam chính thức chuyển giao gồm toàn bộ 19 cửa hàng bán buôn và các danh mục đầu tư bất động sản liên quan thuộc Metro Cash & Carry Việt Nam với giá trị 655 triệu euro (khoảng 879 triệu USD) cho BJC.
Thương vụ này đã gây rúng động thời điểm đó khi Metro Việt Nam được biết đến với thương hiệu bán sỉ đứng đầu thị trường khi sở hữu đến 19 trung tâm ở khắp các tỉnh thành. Bộ Tài chính cũng thông tin Metro đã nộp vào ngân sách 1.911 tỷ đồng (tương đương 10% giá trị chuyển nhượng) thuế chuyển nhượng cho thương vụ này.
Tuy nhiên đến nay, hoạt động của chuỗi bán buôn không mấy phát triển khi gặp cạnh tranh từ hàng loạt tên tuổi mới như BigC Thái Lan, Aeon Nhật Bản hay Winmart và Bách Hoá Xanh của Việt Nam.
Nguyễn Thắm