Tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah (Ảnh: Wikipedia)
Vào 1 giờ chiều ngày 8/10 (theo giờ Thụy Điển, tức 6 giờ tối cùng ngày tại Việt Nam), giải thưởng danh giá Nobel Văn học đã gọi tên tiểu thuyết gia người Tanzania - ông Abdulrazak Gurnah (sinh năm 1948).
Ông Abdulrazak Gurnah sáng tác bằng tiếng Anh và đã sinh sống tại Anh từ thập niên 1960. Các tác phẩm của ông Abdulrazak Gurnah vốn đã nhận được một số giải thưởng danh giá trong văn đàn Anh. Một số tác phẩm nổi bật của ông có thể kể tới các cuốn "Paradise" (1994), "By the Sea" (2001), "Desertion" (2005).
Viện hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn học cho ông Abdulrazak Gurnah vì "cách khắc họa không thỏa hiệp và giàu lòng trắc ẩn trước số phận của những người di cư giữa hố sâu ngăn cách của văn hóa và địa lý".
Trong sự nghiệp của mình, ông Abdulrazak Gurnah đã xuất bản 10 cuốn tiểu thuyết và một số tập truyện ngắn. Chủ đề về những người di cư luôn xuyên suốt trong các tác phẩm của ông.
Cho tới nay, cách Viện hàn lâm Thụy Điển lựa chọn ra người thắng giải Nobel Văn học vẫn là
một bí mật được giữ kín (Ảnh: The Guardian)
Định kỳ mỗi tháng 2 hàng năm, các thành viên của Viện sẽ xem xét khoảng 200 ứng viên sáng giá, họ sẽ cùng nhau tạo nên một danh sách rút gọn vào tháng 5, và rồi lựa chọn ra 5 tác giả "tinh tuyển", để bầu chọn tìm ra chủ nhân giải thưởng Nobel Văn học.
Người giành giải sau cùng là tác giả tiệm cận gần nhất với tiêu chí của nhà khoa học Alfred Nobel dành cho giải Nobel Văn học, đó là sáng tạo ra "những tác phẩm xuất sắc nhất đi theo hướng lý tưởng".
Điều đáng chú ý của giải Nobel Văn học, đó là giải này chỉ trao cho những nhà văn - nhà thơ còn đang sống. Giải tôn vinh cả sự nghiệp sáng tác của tác giả, không tôn vinh riêng một tác phẩm cụ thể nào.
Phần thưởng dành cho mỗi nhà văn - nhà thơ nhận được giải Nobel Văn học là một chiếc huy chương mạ vàng, một tấm bằng chứng nhận được vẽ tay và thiết kế "độc nhất vô nhị", dành riêng cho người nhận, cùng với đó là khoản tiền mặt từ 8 triệu đến 10 triệu cua-ron Thụy Điển (tương đương 20 - 25 tỷ đồng).
Năm 2016, giải thưởng Nobel Văn học đã được trao cho nam ca sĩ - nhạc sĩ người Mỹ - ông Bob Dylan. Động thái trao giải này đã tạo nên một cuộc tranh luận lớn trong văn đàn thế giới, khi lần đầu tiên trong lịch sử 115 năm trao giải Nobel Văn học, có một ca sĩ - nhạc sĩ được nhận giải vì… "những ý thơ trong lời nhạc".
Đến năm 2017, giải thưởng được trao cho nhà văn gốc Nhật Kazuo Ishiguro. Một số tác phẩm của Kazuo Ishiguro mà độc giả Việt Nam đã biết tới, có thể kể ra những đầu sách như "Người khổng lồ ngủ quên", "Mãi đừng xa tôi", "Dạ khúc: Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông"…
Năm 2018, vì vướng phải một sự vụ lùm xùm bê bối nên giải thưởng Nobel Văn học đã không trao, vì vậy, đến năm 2019, hai cái tên đã cùng được xướng lên: Nobel Văn học 2018 được trao cho nhà văn người Ba Lan Olga Tokarczuk, Nobel Văn học 2019 trao cho nhà văn người Áo Peter Handke.
Năm 2020, giải thưởng được trao cho nữ nhà văn - nhà thơ người Mỹ Louise Glück (77 tuổi) "vì giọng thơ không thể nhầm lẫn của bà, cùng với vẻ đẹp chân phương trong ý thơ đã khiến cho sự tồn tại của những cá thể bỗng chứa đựng vẻ đẹp của cả vạn vật".
Bích Ngọc (Theo Nobel Prize)
https://dantri.com.vn/van-hoa/tieu-thuyet-gia-abdulrazak-gurnah-doat-giai-nobel-van-hoc-2021-20211007181904212.htm