Có thể nói, TP.HCM - Sài Gòn là mảnh đất sinh ra, nuôi dưỡng, lan tỏa sự tử tế, hào sảng, nghĩa tình... nên không chỉ có "người trong một nước" mà cả người nước ngoài cũng đang góp phần. Điều đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được là bỏ rác đúng nơi quy định.
Hành vi tài xế sửng cồ với khách nước ngoài khi bị nhắc nhở vì xả rác mấy ngày qua không chỉ xấu xí mà còn nhức nhối về ý thức quá tệ của vấn nạn xả rác bừa bãi.
Anh Masa, người Nhật Bản nhặt rác trên bờ kênh Nhiêu Lộc (quận 1, TP.HCM)
- Ảnh: THÁI HOÀNG
Càng buồn hơn khi người ta nhắc việc đúng, thay vì tiếp thu, xin lỗi và sửa chữa, đằng này lại gây sự, muốn ăn thua đủ. Hơn 20 năm lập nghiệp ở TP.HCM, đã nhiều lần tôi bắt gặp hình ảnh đẹp của người nước ngoài.
Nhìn người soi lại chính mình
Tôi thấy du khách nước ngoài dừng đúng vạch chứ không cố lấn chen lên phần đường dành cho người đi bộ khi đèn đỏ. Nhiều lần bắt gặp người nước ngoài tự giác xếp hàng, tôi còn từng gặp một thầy giáo Tây ở ngôi trường quốc tế tại quận 2 (nay là TP Thủ Đức) xung phong phân luồng giao thông tại một ngã ba ở xa lộ Hà Nội (nay là Võ Nguyên Giáp) vào giờ cao điểm buổi sáng.
Nhiều năm trước, tôi nhiều lần thấy một chàng trai nước ngoài thường nhặt rác trên bờ kênh Nhiêu Lộc vào sáng thứ ba hằng tuần trên đường Hoàng Sa đoạn qua phường Tân Định, quận 1 (TP.HCM). Vì gặp nhiều lần nên tôi đã ghé vào bắt chuyện. Anh là người Nhật Bản, tên Masa, làm nghiên cứu thị trường, đã sinh sống và làm việc ở Việt Nam nhiều năm.
Khi hỏi vì sao anh lại làm việc này, Masa cười bảo rất thích làm những việc tốt đẹp vì cộng đồng. Anh nghĩ việc nhặt rác của mình đang góp phần làm sạch đẹp môi trường nên mỗi sáng thứ ba đều dành ít thời gian để làm việc này. Tôi cảm ơn anh vì hành động ấy. Còn anh Masa lại nói cuộc trò chuyện với tôi như lời động viên để anh tiếp tục công việc này.
Sau lần đó tôi có thêm động lực mỗi khi nghĩ về những việc tốt đẹp vì cộng đồng. Tôi còn gặp anh vài lần nữa, xin phép chụp hình làm kỷ niệm. Và tôi mang câu chuyện ấy lồng ghép vào bài học chia sẻ cùng học trò như cách truyền cảm hứng cho các em.
Có thể nói, TP.HCM - Sài Gòn là mảnh đất sinh ra, nuôi dưỡng, lan tỏa sự tử tế, hào sảng, nghĩa tình... nên không chỉ có "người trong một nước" mà cả người nước ngoài cũng đang góp phần. Điều đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được là bỏ rác đúng nơi quy định.
Khâm phục ứng xử của người nước ngoài thiết nghĩ chúng ta sẽ càng mắc cỡ với kiểu phản ứng của anh tài xế kia. Ngưỡng mộ lối sống văn minh của người nước ngoài ở TP này cũng là dịp để mỗi chúng ta tự soi lại bản thân.
Thói quen của lối sống ích kỷ
Nhà tôi ở khu vực cầu chữ Y (quận 8, TP.HCM). Mỗi ngày đi làm tôi đều thấy người dân sống ven kênh vô tư vứt rác, túi ni lông xuống đó. Đôi lần một vài người bạn nước ngoài của tôi ghé thăm, họ cứ đứng nhìn khi đi ngang qua khúc kênh ấy. Họ nói tình trạng này thật khủng khiếp và tỏ ý muốn giúp sức cải tạo môi trường ở đó. Không thể có lý giải nào cho thói quen vứt rác bừa bãi ngoài biểu hiện của lối sống ích kỷ, thiếu ý thức cộng đồng, chỉ biết nghĩ đến quyền lợi cá nhân.
Tôi từng sống ở Singapore và biết cảnh sát môi trường mặc thường phục đi tuần các khu công cộng. Ai xả rác, gạt tàn thuốc không đúng nơi quy định sẽ bị phạt ngay 50 đô la Singapore. Họ làm liên tục, nghiêm túc nên người dân không dám xả rác bừa bãi, tăng ý thức bảo vệ môi trường.
Còn bạn tôi định cư ở Hong Kong cho biết luật pháp quy định hành vi xả rác nơi công cộng là phạm tội và bị phạt 600 đô la Hong Kong. Thậm chí, họ còn áp dụng khoa học truy tìm ADN từ mẩu rác của người vứt, phân tích, phác thảo chân dung rồi dán khắp nơi thông báo về hành vi xả rác của người đó khi chưa bắt phạt tại trận. Lâu dần, người dân tuyệt đối không vứt rác bừa bãi dù có camera giám sát hay không.
Những cách làm ấy hẳn cho chúng ta kinh nghiệm. Áp dụng chế tài nghiêm khắc hơn mới mong giảm tình trạng này. Việc giám sát bằng camera để truy xuất và xử phạt nghiêm ít nhiều sẽ tác động sâu đến nhận thức, khiến người ta chùn tay trước khi vứt rác bừa bãi.
THÁI HOÀNG