Chàng trai nghèo từ Phú Yên đến NASA

Thứ hai - 15/03/2021 10:27
Bằng nghị lực, chàng trai Phú Yên Lê Ngọc Trẫm quyết tâm theo đuổi đam mê vật lý thiên văn để trở thành một trong số ít người Việt Nam đang làm việc tại NASA.
Lê Ngọc Trẫm (SN 1990, quê xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) là một trong số ít người Việt được nhận làm nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc) tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). Trẫm nói mình may mắn bởi có rất nhiều người tài giỏi hơn, nhưng bằng nỗ lực chàng trai nghèo quê Phú Yên làm được việc ít ai có thể làm được.

Yêu thích khoa học từ bé

Trẫm sinh ra trong gia đình không mấy khá giả, ba mẹ lại ly hôn khi Trẫm mới 5 tuổi, em gái 2 tháng tuổi. Trẫm ở với ba. Mẹ đưa em gái về tá túc nhà ngoại.

Học lớp 2, Trẫm về nhà bà ngoại ở cùng với mẹ và em gái. Mẹ đi làm xa, hai anh em ở với bà ngoại. Bà vẫn hay nói: “Bần nông thì chỉ có cách duy nhất là phải học mới thoát nghèo được”. Nhớ lời bà, nhìn mẹ tần tảo làm đủ việc không quản xa gần, ngày đêm, Trẫm quyết tập học tập chăm chỉ để có cuộc sống tốt hơn trong tương lai.

Suốt những năm học phổ thông, Trẫm luôn nổi bật với thành tích học tập. Em ham học hỏi, nhất là những kiến thức về thiên văn, địa lý và nuôi quyết tâm thành người có học vị, ít nhất là thạc sĩ như người cậu thần tượng của mình.

Hết cấp 3, Trẫm chọn ngành sư phạm Vật lý của Đại học Quy Nhơn vì muốn giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình. 4 năm đại học, Trẫm luôn là sinh viên giỏi, hai lần được nhà trường chọn tham gia cuộc thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc, giành được một huy chương bạc và 1 giải khuyến khích. Không chỉ học giỏi, Trẫm còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và phong trào Đoàn - Hội.

Năm 2012, tốt nghiệp Đại học, Trẫm về quê, làm giáo viên trường THPT và lên kế hoạch học tiếp thạc sĩ. Cô giáo, TS Nguyễn Thị Minh Phương khuyên Trẫn nên theo học cao học ngành Vật lý thiên văn tại khoa Vũ trụ và ứng dụng, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).

Nhưng học phí của trường khi ấy là cả vấn đề với cậu học trò nghèo Phú Yên. "Không hiểu vì sao em thấy rất thú vị và bị cuốn hút khi đọc thông tin về trường, có cái gì thôi thúc em phải vào trường học. Thậm chí khi đó em còn chưa mường tượng rõ ràng về nghề đó sẽ thế nào. Em chỉ biết Vật lý thiên văn là một hướng của Vật lý", Trẫm nói.
 
-
Lê Ngọc Trẫm là một trong số ít người Việt Nam đang làm việc tại NASA. (Ảnh: NVCC)

Thế là từ sinh viên chọn sư phạm vì "được miễn học phí", Trẫm không ngần ngại nộp hồ sơ vào trường có mức học phí cao. "Mẹ nói sẽ hỗ trợ em hết sức, còn em tự tin bản thân sẽ cố gắng học thật tốt để giành học bổng, không mất tiền học phí", Trẫm chia sẻ đó là quyết định đúng đắn, bởi khi vào học em thấy mức học phí cũng xứng đáng với những gì em được học tại trường.

Nhưng rào cản lớn nhất khi đó với Trẫm là tiếng Anh. Anh trở lại quê, vừa tiếp tục đi dạy, vừa học tiếng Anh. Ba tháng sau anh ra Hà Nội phỏng vấn, đạt kết quả tốt, bắt đầu hành trình học cao học.

Nhờ thành tích học tập xuất sắc, những suất học bổng tại USTH giúp nam sinh không phải đóng học phí mà còn giúp anh có thêm chút sinh hoạt cùng với tiến của gia đình chu cấp. Khó khăn nên Trẫm biết trân trọng giá trị của đồng tiền.

Chinh phục NASA

Học cao học tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trẫm có cơ hội được học với nhiều giáo sư hàng đầu về vũ trụ - thiên văn học của Pháp sang giảng dạy. Sang năm 2 cao học Trẫm đạt học bổng và được thầy giáo giúp đỡ chọn đề tài, sang Pháp làm luận văn thạc sĩ tại Đại học Paris 7.

Học hết cao học, có chút ít kinh nghiệm nghiên cứu tại Pháp, Trẫm tiếp tục theo học bậc tiến sĩ tại Đại học sư phạm Paris (École Normale Supérieure de Paris), Đài quan sát Thiên văn Paris (Observatoire de Paris).

Đây là thời kỳ Trẫm thường xuyên rơi trạng thái căng thẳng, chán nản, có lúc không biết mình đang làm gì. Trẫm nhận ra muốn làm khoa học thì phải "lì", kiên trì vượt qua khó khăn mới đạt được mục tiêu.

Năm 2018, Trẫm bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Pháp và sau đó nhận được lời mời sang hợp tác với giáo sư Hoàng Chí Thiêm tại viện Thiên văn và Khoa học không gian Hàn Quốc (KASI). Kết quả đề tài được đăng trên tạp chí Nature Astronomy, một trong những tạp chí khoa học lớn nhất trong lĩnh vực thiên văn học và vật lý thiên văn.

Khi đang làm việc trong phòng thí nghiệm của Đại học sư phạm Paris (École Normale Supérieure de Paris), Trẫm được gặp TS. William T. Reach, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học SOFIA tại Trung tâm nghiên cứu AMES của NASA sang công tác.

Nhận thấy hướng nghiên cứu về môi trường liên sao của Trẫm khá tương đồng với công việc ở SOFIA, TS. William T. Reach giao cho Trẫm một số công việc để kiểm tra kiến thức.
 
le ngoc tram 1
Kết quả mà Trẫm đạt được nhờ ý chí và nỗ lực hơn người. (Ảnh: NVCC).

Một thời gian sau, thầy đồng ý để Trẫm tham gia vào vòng phỏng vấn với hội đồng các giáo sư của NASA. Nền tảng kiến thức vững, vốn ngoại ngữ thông thạo, và sự tự tin giúp Trẫm vượt qua thử thách khó khăn, được nhận vào làm nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc) tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). Khỏi nói Trẫm đã vui thế nào.

Chương trình SOFIA (Stratospheric Observatory for Infrared Astronomy) là một “đài quan sát thiên văn” hồng ngoại hoạt động ở tầng bình lưu, bao gồm một kính thiên văn hồng ngoại đường kính 2.5m được lắp đặt trên một máy bay BOEING 747SP (phiên bản đặc biệt).

Đây là chương trình hợp tác giữa Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Trung tâm hàng không vũ trụ Đức (DLR). Máy bay hoạt động ở tầng bình lưu, khám phá những hiện tượng bí ẩn của vũ trụ mà các đài quan sát hồng ngoại trên bề mặt Trái đất bị hạn chế.

Công việc của Trẫm là đo đạc và xử lý, phân tích số liệu của SOFIA sau đó áp dụng các mô hình vật lý để nghiên cứu tính chất vật lý và hoá học trong quá trình hình thành và tiến hoá của ngôi sao, và hiện tại Trẫm và cộng sự đang nghiên cứu về ảnh hưởng của từ trường đến quá trình đó.

Làm việc tại NASA, ban đầu có chút tự ti về ngoại ngữ và kiến thức vì chỉ mới ra trường nhưng Trẫm dần tự tin hơn trong công việc và hoà nhập vào văn hoá làm việc tại đây. Anh tự đặt ra một hệ quy chiếu cho riêng mình. Nếu người Mỹ làm 8 tiếng một ngày, thì Trẫm cố gắng làm 9-10 tiếng, và cả cuối tuần.

Sau một năm, anh được chấp nhận để nghiên cứu độc lập và phát triển hướng nghiên cứu của mình (SOFIA postdoc fellow). Trẫm được đánh giá điểm khá cao và theo người quản lý thì chưa thấy ai được điểm như anh.

Hiện tại, Trẫm cùng giáo sư Hoàng Chí Thiêm (Hàn Quốc), phó giáo sư Phạm Ngọc Điệp (trung tâm vũ trụ Việt Nam) và các giảng viên khoa không gian và ứng dụng (đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, USTH) tạo ra một mạng lưới nghiên cứu để làm việc cùng nhau trong lĩnh vực vật lý thiên văn và kết nối vào mạng lưới lớn hơn của quốc tế.

Mạng lưới ban đầu đã thu hút các bạn sinh viên cũng như nghiên cứu viên Việt Nam trong nước và nước ngoài (Pháp, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc) tham gia. .

Năm nay, do ảnh hưởng của COVID-19 chàng trai trẻ không được về quê đón Tết Nguyên đán. Dù vậy Trẫm rất vui vì đã xây được ngôi nhà mới cho mẹ. Mười mấy năm qua, mẹ anh chưa có ngôi nhà của riêng mình.
KHÔI MINH
Nguồn: https://vtc.vn/chang-trai-ngheo-tu-phu-yen-den-nasa-ar595305.html?fbclid=IwAR3NOqgCkfTkZsOpI7PjlDo0-eiDjuVxRHwaciWU5pBQ1MneQbL71E4Grtg

Tác giả: Khôi Minh

Nguồn tin: VTC News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay29,530
  • Tháng hiện tại218,472
  • Tổng lượt truy cập68,184,011
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây