Thương Huế trong mưa

Thứ bảy - 28/07/2012 20:22

-

-
Bức thư là một chất keo có vị mặn của nước mắt của thương yêu, giúp cho họ quên đi cái e dè “dút dát” muôn thuở của gái Huế, mạnh dạn hẳn lên, mang những đứa con tinh thần của mình ra trưng bày, để chia sẻ với khách yêu tranh và cũng cùng với hậu ý đáp lời bức thư của Linh mục Giáo xứ Diêm Tụ với tất cả nhũng gì họ có thể thu được.
Thương Huế trong mưa

 
Không phải ngẫu nhiên mà bốn nữ họa sĩ Đoàn Vi Hương, Hoàng Hoài Mi, Đan Nhã và Lê Thúy Vinh tập họp nhau tạo nên chủ đề “Thương Huế Trong Mưa” để trưng bày những bức tranh gói ghém những tình cảm thương yêu nồng thắm của họ vào ngày 2/01/09 tại nhật báo Việt Báo vùng Little Sàigon.
 
Họ là con dân xứ Huế với tấm lòng thiết tha yêu Huế, luôn luôn nghĩ về Huế và muốn làm một điều gì thiết thực cho Huế. Và, bức thư của một vị Linh Mục của Giáo xứ Diêm Tụ, một vùng xa xôi hẻo lánh của xứ Huế, gửi đến các họa sĩ này mong mỏi họ rộng mở cõi lòng, tìm cách giúp đỡ các cụ già ốm đau không cơm ăn thuốc uống, các em nhỏ tật nguyền cần từng cuốn vở cây viết.
 
Bức thư là một chất keo có vị mặn của nước mắt của thương yêu, giúp cho họ quên đi cái e dè “dút dát” muôn thuở của gái Huế, mạnh dạn hẳn lên, mang những  đứa con tinh thần của mình ra trưng bày, để chia sẻ với khách yêu tranh và cũng cùng với hậu ý đáp lời bức thư của Linh mục Giáo xứ Diêm Tụ với tất cả nhũng gì họ có thể thu được.

 

SEN 1 (tranh sơn dầu của Ðoàn Vi Hương)
 
Bốn nữ họa sĩ này, nhỏ nhất ở tuổi đôi mươi, lớn nhất khoảng bốn mươi ngoài, tất cả đều không lấy nghề vẽ để sinh sống, nhưng hầu như họ, sau giờ cho công việc sinh kế là họ lao vào với màu sắc, khung bố và cọ, dao vẽ. Họ say sưa thả hồn vào cõi riêng của mình.
 
Một Đoàn Vi Hương với màu tím Huế vừa mơ màng vừa quyến rũ. Những bức tranh Sen của Đoàn Vi Hương là thí dụ điển hình về những nét đơn sơ nhưng khá mượt mà của nữ họa sĩ này.
 
Lá và hoa sen ở đây không ước lệ, không hiện thực, nó có thể có màu sắc khác biệt, hình dáng khác biệt, biểu lộ một tâm thức muốn khám phá thật sâu vào bên trong cái không thể ướt của lá, cái tổ ong của gương sen đầy bí mật.

Qua đến Lê Thúy Vinh, niềm đam mê nghệ thuật về hội họa nổi bật lên người nghệ sĩ với những âm sắc còn rặc xứ Huế. Lê Thúy Vinh đã cố gắng vượt những trở ngại cơm áo đời thường để có thể theo học bốn năm về hội họa tại trường đại học Fullerton. Nét vẽ của cô luôn luôn xông vào quá khứ. Chiến tranh Việt Nam còn hiện diện trong tâm thức người nữ nghệ sĩ này. Những thiếu nữ đầu quấn khăn tang, thẩn thờ đi qua cầu trong một bối cảnh tang tóc của chiến tranh được Lê Thúy Vinh thể hiện bằng những màu sắc thật ảm đạm và một bố cục chặt chẽ khiến người xem có một cảm xúc thật mạnh trong sự chua xót cho thân phận người đàn bà trong chiến tranh. Người xem cũng thấy được ước vọng hòa bình của Lê Thúy Vinh luôn luôn đi kèm theo sự thù ghét chiến tranh trong tranh của cô.

 

THIẾU NỮ VÀ CHIM (tranh sơn dầu của Lê Thúy Vinh)
 
Nguyễn Hoàng Đan Nhã là người họa sĩ trẻ nhất, nhưng tranh cô không có vẻ gì là trẻ nhất trong bốn nữ họa sĩ này cả. Những hình ảnh chân quê mộc mạc, những cây hoa uốn éo như những hoa  văn gợi ta nhớ hình ảnh của một miền quê thanh bình. Thiên nhiên luôn luôn tượng trưng cho sự hiếu hòa, bao bọc, che chở cho con người. Yêu thiên nhiên, yêu quê hương là đặc tính trong tranh của Đan Nhã.

 

QUÊ NGOẠI (tranh Ðan Nhã)

Xứ Huế có một đặc điểm thật nên thơ và thú vị, đó là tên của các cô con gái. Tên nào cũng đẹp cũng mang nhiều ý nghĩa. Chúng ta vừa làm quen với những cái tên như một bài thơ: Đoàn Vi Hương, Lê Thúy Vinh, Nguyễn Hoàng Đan Nhã rồi bây giờ đến Hoàng Hoài Mi. Huế đã sản sinh những cái tên rất Huế như vậy thì hỏi làm sao họ không yêu Huế, yêu luôn những ngày mưa tuôn dầm dề trong một bầu trời xám ngắt ảm đạm và thấp như muốn đè sập cả cái xứ buồn thiu này.
 
Thương Huế Trong Mưa đã trở thành đề tài cho các nữ họa sĩ này biến những bàn tay cầm cọ, lấm lem màu sắc thành những bàn tay yêu thương vỗ về những gì cơ cực của Huế, mong mỏi thanh bình, hạnh phúc đến với quê hương của họ.
 

Bức tranh BỐN MÙA của Hoàng Hoài Mi
 
Mi nói lên được tâm trạng của tác giả nói riêng cũng như tâm trạng của nhóm họa sĩ bốn người.  Hình ảnh người thiếu nữ tóc xõa bềnh bồng để thể hiện lúc giao mùa và cũng như để len sâu vào Thu Phân, Hạ Chí, Xuân Phân, Đông Chí, tức là vương mắc chia xẻ với bốn mùa gợi cho người xem nỗi lòng mang mang với đất trời mưa nắng. Con chim nho nhỏ chỉ sự thanh bình, tự do giữa thiên nhiên lồng lộng. Toàn cảnh bức họa đều toát lên sự vui tươi hạnh phúc, dẫu cho mùa đông kia cây cối trơ trụi lá, nhưng sự kết đoàn để bầy chim kia thiên di là nỗi niềm của những kẻ tìm đến nhau chia cho nhau “chút  ấm áp cuộc đời” (chữ của Trịnh Công Sơn). Hay mùa thu lá kia có vàng nhưng không phải là cái vàng vọt điêu linh, vàng mà không nát mà nguyên vẹn, nói lên một điều gì đó thật vững bền.

Nhìn chung những bức tranh của các nữ họa sĩ sắp đem ra triển lãm đều có tính chất tích cực, thương yêu nồng nàn. Tuy rằng họ chưa thực sự đi sâu vào hội họa, nhưng cái quý của họ là có một tấm lòng đam mê nghệ thuật và yêu thương đất nước và con người.
 
Viết tặng các cô xứ Huế.

Tác giả: Đặng Phú Phong

Nguồn tin: www.huevatoi.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập740
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm735
  • Hôm nay131,131
  • Tháng hiện tại1,043,395
  • Tổng lượt truy cập57,145,032
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây