Lớp Phú Xuân 1953 họp mặt 2015. Phần 2

Chủ nhật - 30/08/2015 20:18

-

-
Lạy Chúa, Lớp Phú Xuân 1953 chúng con xin cảm tạ ơn Chúa đã cho chúng con mấy ngày quây quần bên nhau đầy tình thương thân thiết. Chuyện gặp gỡ lại nhau đây, chúng con không cho là một chuyện tình cờ ...
Lớp Phú Xuân 1953 họp mặt 2015. Phần 2

 
1b (2b): Ghế nào ngồi êm nhất?
 
Đó là vào Tết Mậu Thân 1968. Nhắc lại cái Tết kinh hoàng này thì ai cũng rùng mình, còn lạnh tóc gáy phải là anh em ở Huế, Quảng Trị. Nhìn lại cái Tết này, chúng ta còn dễ dàng nhìn thấy cái lỏng lẽo của chính quyền Miền Nam lúc bấy giờ qua một chuyện mà ít ai nhắc đến và không biết có mấy người biết đến. Chuyện Tình báo Mĩ và Tình báo Việt Nam thì với tôi quá xa vời, vì tôi thời Nhà binh chỉ nằm trong Ngành Quân Vận là ngành không trực tiếp chiến đấu. Nhưng câu chuyện tình báo này thì chẳng riêng gì tôi biết mà người Qui Nhơn dù Nhà binh hoặc Nhà dân không ai không biết, không nhiều thì ít. Đêm trước đêm ba mươi Tết. Đã ba mươi Tết thì dĩ nhiên là túi như đêm ba mươi. Nói thì nói vậy, thành phố không đêm nào tối như đêm ba mươi cả vì đèn điện sáng choáng, Tây giăng dây thép họa địa đồ nước Nam. Dây thép có thể là dây điện thoại hoặc điện tín Té-lè-gờ-ram (télégramme) hoặc cũng có thể là dây điện để đốt ngọn đèn chúc ngược mà cháy.
 
An ninh Quân đội Qui Nhơn theo tin Tình báo bắt được toàn bộ ban tham mưu chiến dịch tấn công Qui Nhơn vào giữa chiều trước đêm Trừ tịch Tết Mậu Thân 1968. Đại úy Quyền, Trưởng Ty An Ninh Quân đội Qui Nhơn bắt giữ Bí thư Xã Qui Nhơn bí danh là Biên Cương và năm sáu người cầm đầu nữa đang hội họp chuẩn bị tấn công tại một ngôi nhà trên Ấp Huyền Trân, một ấp ít người ở nằm ngay đầu con đường đi vào Hải cảng Quân đội quen gọi là DeLong Pier. Lúc đó Ông Quyền còn là Đại úy, chỉ được truy phong Thiếu tá sau khi Qui Nhơn bị đánh chiếm, Cộng sản bắt ông theo và giết chết. Đại Tá Trịnh Tiếu An ninh Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 2 tại Bà Gi cũng tham gia vào việc khai thác tin tức chiến lược từ Biên Cương. Quân đoàn II và Chính quyền Trung Ương đã được biết trước tin tức về cuộc tấn công ít nhất 6 giờ trước Giao thừa. Sáu giờ trong một cuộc chiến là cả thế kỉ trong thời kì băng hà. Vậy mà trên dưới chẳng ai có một phản ứng nào cho đáng phản ứng, để bao nhiêu ngàn người phải chết tức tưởi tại Huế và Quảng Trị!
 
Anh Thới nhà ta nằm trong danh sách những người bị tóm cổ khi Việt Cộng chiếm Trí Bưu, quê hương của anh, cho dẫu chính thức anh là người Hạnh Hoa. Việt Cộng bắt mấy chục người đàn ông dẫn đi, đi khơi khơi, chẳng thèm trói buộc gì cả. Cũng may cho Thới là họ đã không nhận ra Thới là thành phần đại ác ôn, (tiếng Tàu này của họ, không phải của tôi đâu, đừng trách tôi sau trước không thông, như chuyện không nên dùng tiếng Tàu khi không cần thiết đã nói trong đoạn trước). Chẳng ai phản ứng đấu tranh gì vì có lẽ lúc đó hồn vía đã lên mây, c.. g… teo cả lại rồi. Tôi mạnh miệng nói vậy vì Thới cho biết đối phương dẫn đi chỉ có ba người. Trời đã chiều thật sâu. Đến một bãi đất, ba người Việt Cộng nói thật hay để mọi người “an tâm” cho chúng trói tay lại! (Chà, ước gì tôi đủ can đảm để nghe bọn họ nói thế nào mà mọi người nghe theo ngon lành đến thế!) Lúc đó, quân Việt Nam Cộng hòa pháo kích, đạn nổ tung bùng nên đến nhóm Việt Cộng cũng mất hồn mất vía. Thới nói:
 
“Té ra cái thằng chỉ huy có đạo. Mình thấy hắn quay mặt đi len lén làm Dấu.”
 
May cho cái thằng chỉ huy đó. Giáo chủ của hắn mà thấy hắn thì hắn tiêu đời rồi vì hắn đang làm tôi hai chủ. Giáo chủ thì không thấy nhưng Chúa thì thấy rõ; hắn mà không quay ngựa trở đầu thì phạm ngay cái tội làm tôi hai chủ mà Chúa đã lên án từ lâu rồi.
 
Sau khi hết pháo kích, nhóm Việt Cộng bắt mọi người ngồi xuống, rồi lại nói ngon nói ngọt để cả ba dẫn đi từng toán mười người một, không nghe Thới nói là chúng bảo dẫn đi đâu làm gì. Toán thứ nhất đi, hồi sau ba người đó trở lại, dĩ nhiên là không có mười người chúng đã dẫn đi. Im lặng, không tiếng súng. Dế, côn trùng cũng im re vì tiếng sột soạt đáng ngờ. Mười người tiếp ra đi. Ba người đó trở lại. Mười người nữa ra đi. Ba người đó trở lại…. Thới bắt đầu chột dạ, (không phải chột bụng đâu nghe). Anh tự hỏi, tại sao mười người có đi mà không có về? Đi đâu, làm gì, mà mau lẹ vậy? Còn phải hỏi, chỉ có chỗ đi chết mới im phăng phắc như thế, còn cho về thì tung hê la lối om sòm rồi. Mà chết im re như thế có nghĩa bị đập bị đâm bị búa gì đó chứ không phải bị bắn, vì bắn thì phải có tiếng súng nổ. Biết nguy rồi, Thới nói nhỏ với đứa cháu họ cũng đang bị trói ngồi gần. Hai chú cháu lợi dụng đêm tối lò mò cởi trói cho nhau. Lợi dụng lúc ba người chúng đi đã xa, cả hai đâm đầu chạy. Thới nói:
 
“Vùng này mình rành lắm, gần ngôi trường mình học hồi nhỏ nên hóc hẽm xó xinh nào mình cũng biết cả.”
 
Hai chú cháu lao đầu chạy trong đêm tối cho đến khi gặp cái giếng mà Thới biết rành rành là cái giếng trong đó nước chỉ xắp xắp đến nửa ngực. Đất Hứa đây rồi. Hai chú cháu tuột vội xuống giếng. Tỏm. Tỏm. Nước tung tóe vang lên làm cả hai giật thót người. Nguy rồi, tụi nó mà nghe tiếng nước ào ào là biết ngay có người, xả xuống một băng là hồn du thủy phủ (lại nói tiếng Tàu, nghĩa là hồn đi chơi xuống lâu đài dưới nước!) May quá, chẳng động tĩnh gì cả. Đêm tối, ếch ngồi đáy giếng nhòm lên chỉ chộ cái khum khum trời trên đầu lớn hơn cái mâm cơm, với mấy ngôi ngôi sao đang cười chọc mấy con ếch dưới đáy giếng. Nước lạnh, ngồi thụp cho đến lỗ mũi để còn có cái mà thở. Phải chi nước đầy hơn chút, đủ cao để có thể đứng thẳng người. Thế là hai chú cháu sử dụng đúng thế Hàm mô công (thế võ này của Âu Dương Phong trong Võ Lâm Ngũ Bá, ai muốn học thì tìm họ Âu mà học, còn tên gọi thì là Tàu 100% nên tôi để vậy, không phải tại tôi sính tiếng Tàu). Thế võ của Thới như rì nì, hai tay giang ra chống lên thành giếng hai bên, hai đầu gối khuỵu xuống thế nào để chiều cao của nước chấm dưới lỗ mũi. Nước mà trên lỗ mũi thì chắc Thới ta tiêu đời, thành cá chứ không còn là ếch nữa. Thân thì lạnh. Tay thì đau. Chân thì mỏi. Còn cái … bàn tọa thì ê quá chừng. Quí vị cứ thử tập thế võ đó chừng năm mười phút xem sao. Thế mà chú cháu nhà Thới chịu trận như vậy cho đến tối hôm sau, nghĩa là đâu đó hai mươi bốn giờ. Chao ôi, hai mươi bốn giờ cứu mạng mà chẳng được chút hân hoan nào như hai mươi bốn giờ phép cả. Bốn giờ đi dài thêm bốn giờ về, Thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi, Ta cho nhau…. Thới nhà ta chẳng có ai để cho mà cũng chẳng còn gì để cho. Giờ đó mà có em nào thương cho thì cũng chỉ quì lạy nài xin rên rĩ “cơm thôi, cơm thôi!” Đột nhiên, chừng giữa trưa,Thới nghĩ:
 
“Phải chi có cái chi cắm lên vách giếng rồi ngồi lên thì ĐÃ biết chừng mô hỉ!”
 
Vách giếng vốn xây bằng gạch lâu ngày nay đã có đường nứt. Luyện Hàm mô công đã hơn nửa ngày, chỉ mong cho trời mau tối không phải để nhìn trăng sao mơ mộng mà để hi vọng có thể trèo lên mặt đất tìm đường chạy trốn. Bên trên coi chừng im ắng lắm rồi, nhưng ai biết mô mà mò. Mới thò cái trốốc lên nó tróc cho một cú thì đời coi như là đã khi Chúa thương gọi con về (nhưng lạy Chúa, con sợ lắm!) Phải tìm cách ngồi thôi. Nhưng có ghế có đẳng chi mô mà ngồi. Thới ta nghĩ ra một kế. Anh sẽ sàng lần tay lần chân tuột xuống đáy. Dân cớm cộc như Thới thì phải lắm mưu lắm kế. Đứa cháu nghĩ khác, tưởng Thới tuột xuống đáy để đứng một tí cho đỡ mỏi. Anh cháu nói một mình, “Không được đâu chú ơi, ló nửa người lên là không an toàn cò súng rồi.” Nhưng, không phải Thới tuột xuống cho đỡ mỏi mà lặn luôn xuống đáy giếng. Đứa cháu thấy chú Thới lần lần mò mò gì dưới đáy, thầm nghĩ chẳng lẽ giờ này mà chú lại đang ngậm ngãi tìm vàng? Cũng chẳng phải rứa . Thới trồi lên, tay cầm một cái que còn chắc, dài chừng gang tay, tròn chừng ngón tay trỏ. Để chi rứa hè? Đứa cháu thầm hỏi, “Chú ni kì quá, giờ phút hai phần chết nửa phần sống này mà còn lượm que lượm quéo lên để làm gì, chẳng lẽ để đánh thẻ?
 
Chẳng nói chẳng rằng, Thới chọc chọc cái que mới lượm được lên thành giếng lần lần mò mò cho đến khi tìm được một chỗ có thể cắm chặt hơn nửa cái que vào. Lỗ cắm que đó cao ngang chỗ có cái ở giữa hai cái hai bên để ngồi. Thới đặt tay lên nhún nhún thử cái que đo chừng độ chắc chắn của nó, rồi xê xê cái … đít ngồi lên phần que nhô ra đó. Thới cười hề hề:
 
“Các cụ biết không? Chưa có cái ghế nào trên trần đời này êm ái và khỏe khoắn cho bằng ngồi trên cái que chút xíu đó.”
 
Mọi người cười xòa:
 
“Bộ êm hơn ngai vua sao?”
 
“Tui có ngồi ngai vua hồi mô mô mà biết ra răng. Nhưng ngai vua chắc cũng thua thôi vì … sướng quá!”
 
“Thế có sướng hơn cái ghế do kĩ sư Nhật chế tạo 100% tại Mĩ có vô vàn chức năng sáng trưa chiều tối, giá mười hai ngàn đôla hạ giá còn tám ngàn, có chuyên gia lắp ra đến tận nhà bất cứ nơi đâu trên nước Mĩ không?”
 
Anh nào đó nói tiếp:
 
“À, cái ghế mà một cô quảng cáo đang nói tiếng Việt lại chọọc vào mấy tiếng Anh, ‘ông xã tui ngồi xong he said  it was the first time his back not hurting anymore’ không?”
 
Xin mở ngoặc, tôi viết trọ trẹ lại mấy tiếng Anh quảng cáo cho cái ghế đó, tạm dịch là “ông xã tôi ngồi xong hắn (ấy là tôi dịch nguyên văn) nói đó là lần đầu tiên cái lưng của hắn không còn đau nữa,” xin tha lỗi cho tôi!
 
Thới cười hề hề rồi nhắc lại quả quyết:
 
“Chắc chắn, chắc chắn. Cái que đó là cái ghế êm ái nhất, sung sướng nhất trong đời tui cho đến bây chừ.
 
Ai đó nói:
 
“Cái nớ êm như rứa thì để cậu kiếm mà ngồi đi, mình ngồi sôpha đau đít hơn cái ghế của cậu một chút cũng được!”

 
***
 
Barbecue ở nhà tôi qua rất mau vì không ai nhậu cả, chỉ có Đức Ông Hàm, Đề, và tôi lai rai người một lon một chai gì đó. Đức Ông Hàm và anh em quay về nhà Thới nghỉ ngơi đôi chút. Tôi lái xe tôi đến nhà Thới để lát nữa chia làm hai phe. Phe họ thì đưa nhau đi ăn cơm tại nhà một người quen mời đến để mừng hai vợ chồng cưới nhau được mười sáu (16) năm. Nghe có lạ không? Người quen này là quen thực sự với nhiều anh em chúng tôi, trừ anh em nào không quen (nói rứa mà cũng nói được!). Người con của Ông Lành mời chúng tôi đến, mà Ông Lành gốc Trí Bưu, có lúc là học sinh Trường Thánh Tâm Quảng Trị, học sau tôi một hai lớp gì đó. Còn phe mình thì đưa Ủy lên Phi trường rồi đưa Mệ Đề về nhà Mệ để Mệ hỏi xem Mệ của Mệ có đi ăn cơm ké với tụi này không. Mệ của Mệ đi shopping với các cháu chưa về nên phe tôi chạy đến chỗ ăn ké. Hóa ra, mừng mười sáu năm đám cưới chỉ là cái cớ để đậy cái cớ chính là trình làng nhà mới trong một khu rừng. Nhà kiểu cọ, lối xưa, đẹp kiểu xưa. Rừng thật rậm mát, nhiều cây cao bóng mát. Cảnh đẹp như sơn như thủy (lại xổ Nho!), nói cho đúng sơn thì không có nhưng có  cái hồ con con phía trước. Đi vô khúc khuỷu quanh co làm nhớ tới bài thơ Bước tới đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, hoặc bài thơ của vị nào đó viết Đường vô xứ Nghệ loanh quanh, Non xanh nước biếc như tranh họa đồ. Cảnh nhà thật đẹp, nhưng trên đường về có người lo nhà này mùa đông khó đi lại. Mấy người này kì, lo bò trắng răng. Chẳng lẽ người ta mua nhà được lại không nghĩ ra được những chuyện tầm phào đó sao? Thôi thì cũng đành vậy, chỉ là chuyện bên lề bàn thêm cho vui cửa vui nhà, thêm mắm muối  cho vui ngày hội ngộ. Ở nơi ăn cơm khách, chúng tôi gặp lại nhiều anh em Trí Bưu, Hạnh Hoa, và cách riêng Linh mục Anthony bạn của gia đình chủ nhà, gốc đâu đó bên Châu Phi tôi quên mất tên nước. Xin thú thật tôi có cái bệnh khó nhớ được cái gì gọi là tên, tên người tên chỗ gì cũng vậy, (lạ thật, sao tôi nhớ được tên Cha Anthony, có lẽ tại trùng tên người một bạn tôi quen đã lâu).
 
Cám ơn gia đình người quen đã cho bữa ăn ngon và những giờ vui để buổi họp mặt được thêm phần long trọng. Chúng tôi chia tay, hẹn gặp lại vào hôm sau vào lúc 8 giờ sáng để dâng Thánh Lễ tại Nhà Dòng. Chỉ vắng một mình Ủy.

 

Nhà mới: Đăng, Lành, ĐÔ Hàm
 
(1) Ngày 17 tháng 8:
 
Hôm nay là ngày phụ trội, nói theo kiểu tiếng Việt lúc ni thì là ngày khuyến mãi, (mãi đây là tiếng Tàu, còn nói là mại, nghĩa là bán, không phải tiếng Ta mãi mãi nghĩa là luôn luôn đâu). Cái này dịch ra tiếng Anh là gì thì đành chịu, vì dịch on sale thì không đúng tinh thần của từ ngữ on sale này. Chuyện này xin để bàn lúc khác, hoặc xin đọc lời bàn trong bộ truyện dài ba tập Cỏ May của người viết này đã đăng nhiều năm trên Tạp chí Thời Báo Bắc Mĩ trước đây, trong mấy năm từ 2011 đến 2014 sao đó. Nói là phụ trội vì không có trong chương trình đã hoạch định.
 


ĐÔ Hàm giảng
Thế nhưng, cái ngày họp mặt phụ trội này là vẫn có nhiều ý nghĩa. Thế mới biết câu nhất trác nhất ẩm giai do tiền định của cụ Khổng là hay thiệt. Tha cho tôi cái tội sính Nho mà tôi đang bài bác. Lí do là vì trích dẫn của người ta thì đành phải nói tiếng của người ta. Nghĩa là như ri nì, mỗi cái ăn cái uống đều đã được định trước cả rồi. Số là  hôm nay các Nữ tu thuộc Nhà Dòng đều đã về lại gần đủ, chỉ thiếu Chị Bề trên và hai chị nữa. Sr. Chiến đi riêng với Đức Ông Hàm để xin dâng Thánh Lễ sáng thứ hai này vì ngày thứ hai đều là ngày nghỉ của các Cha Sở bên Mĩ thuộc khu vực này nên chẳng Nhà Thờ nào có Thánh Lễ cho giáo dân cả.  (Xin mở ngoặc, lúc viết  câu này, tôi đã  định viết là đi đêm nhưng giật thót mình vội sửa lại đi riêng kẻo không lại gây hiểu lầm mà cho dẫu lấy hết nước sông Hoàng Hà bên Tàu cũng không đủ để rửa sạch. Cái ý nước sông Hoàng Hà này là trích từ điển tích văn chương Tàu đó!) Còn một người đi riêng với Đức Ông nữa, đó là Chị Oanh. Chị Oanh xin Đức Ông dâng Thánh Lễ 49 ngày cầu cho linh hồn anh Oanh, Gioan Baotixita.
 
Vì là Thánh Lễ phụ trội nên tôi đã bảo các Nữ tu Phaolô lo chuyện hát xướng và đọc Bài đọc. Thánh Lễ ngày thường, nhưng vẫn trang trọng và uy nghiêm, quả đúng tên gọi Thánh Lễ là vô giá. Sáng nay, trong giờ dạy hai Nữ tu, tôi đã đưa vào một chút sự khác biệt giữa Phụng  vụ  Thánh  Lễ  của  chúng  ta và của Giáo hội Tin Lành. Thánh Lễ của chúng ta, cho dẫu khi Đức Đáng kính Hồng Y Nguyễn Văn Thuận dâng Lễ trong tù, một mình với chỉ một giọt rượu trong lòng bàn tay, vẫn trang trọng chẳng khác gì Thánh Lễ Đại trào Đức Thánh Cha dâng tại Công trường Thánh Phêrô trước hàng trăm ngàn hàng triệu người dự Lễ. Tại sao? Vì chúng ta tin có Chúa hiện diện trong Thánh Lễ. Ngược lại, Phụng vụ của các anh em Tin lành chỉ là một buổi diễn giảng Kinh thánh có ca nhạc phụ họa, sôi động, rộn ràng, háo hức, kích thích nhưng không có lắng đọng chiều sâu. Chúng tôi lại một lần nữa âm thầm cầu nguyện cho các Cha Bề trên, các Cha Giáo, các Cựu Chủng sinh còn sống hoặc qua đời, cách riêng cho anh Oanh, cho anh em đã mất hoặc còn sống thuộc Lớp Phú Xuân 1953 chúng tôi. Sao mà cho dẫu xa cách, chúng tôi lại cảm thấy gần  nhau đến thế? Tôi như thấy lại ngày còn ngồi chung phòng học, chung lớp học, chung bàn ăn, quì chung trong Nhà Nguyện, đi dạo chung trên một sân, ngủ chung trong một Nhà Ngủ. Bản thân tôi đã trải qua nhiều cái sống chung như thế trong cuộc đời lớn nhỏ, chung Nhà Trọ đi học, chung Lớp tại nhiều Trường, chung Trung đội Đại đội Quân trường Thủ Đức, chung Trại Gia binh thuộc Đơn vị, chung hết Trại Tù này sang Trại Tù khác. Thế tại sao chẳng có cái chung nào ghi lại nhiều dấu ấn như cái chung ở Chủng viện?



Nhà Dòng St. Paul 
 
Sau Thánh Lễ, Chị Oanh đãi chúng tôi và Nhà Dòng ăn sáng. Chị không nói gì với tôi về việc này mà chỉ nói với Sr. Chiến để Sr. Chiến bảo lại tôi. Tôi nghĩ vì hôm Chúa nhật Chị đã đề nghị Sr. Chiến bảo tôi việc ăn sáng như thế này nhưng tôi gạt đi vì không muốn để chị phải tốn kém và mất công mất sức. Chị Oanh vốn là một bà nội trợ giỏi. Hôm nay chị cho cả nhà ăn cháo đại bổ kiểu Tàu, với đủ thứ trong đó. Tôi nếm thử thấy có cả thịt gà, nấm đông cô, một vài thứ hải sản hình như là bong bóng cá, hải sâm, và nhiều thứ vân vân nữa, bổ dưỡng hết sức hết chỗ nói. Chà, ăn kiểu này mà độc thân như tôi thì kẹt quá chừng là kẹt. À quên, còn Đức Ông Hàm nữa chơ, khổ lắm đó Đức Ông ơi! Đức Ông tu luyện ngàn năm đã thành Tiên thành Phật nên chẳng lấy chi làm điều, nhưng thân tôi đây thì bụi trần tục đang bám đầy, gội mấy cạo mấy cũng không sạch. Thế nhưng câu chuyện sau bữa ăn mới thực sự là hấp dẫn đó, trân trọng kính thưa liệt quí vị.
 
Bữa ăn chia hai phe, một phe khách và Sr. Chiến ngồi ở bàn quan khách. (Vậy mà cũng nói, quan khách không ngồi bàn quan khách thì đâu còn là quan khách!) Các Nữ tu còn lại ngồi bàn riêng bên trong một chút. Nhưng ăn xong thì sắt cầm hòa hợp. (Ý, lại phải dẫn giải, tiếng Tàu ôi là tiếng Tàu. Sắt Đàn Sắt là cái đàn của Tàu, tổ tiên của Đàn Tranh bây giờ, xin đừng hiểu lầm là cục sắt. Cầm Đàn Cầm tức Đàn Nguyệt, cũng xin đừng hiều lầm là cầm nhầm. Sắt Cầm hòa hợp là hai tiếng đàn đó hòa lại với nhau, hay không hay thì tôi không biết, xin thú thật.) Anh em chúng tôi đi vào bàn trong ngồi trò chuyện với các Nữ tu, ngoại trừ mấy chị phải rửa chén. Hôm nay anh em chúng tôi thật quá đã. Mấy lần trước, ăn xong, chúng tôi tự rửa chén, vì muốn có ai rửa giúp cũng không được vì các Nữ tu đều vắng nhà, còn Chị Đề thì tay bị gãy chưa lành hẵn. Trò chuyện rôm rã lắm, và ai đó đã lại mở trúng đài Thuốc Cây Nhà Lá Vườn. Xin nhắc lại, mấy ngày trước Chị Đề đã cho bài thuốc chùm rễ hoa dại Bồ Công Anh nấu lên uống, ai không con uống vô hôm trước hôm sau con ra liền liền. Bạn trẻ nào chưa con xin cứ thử chưa, kết quả thế nào xin cho biết, bảo đảm sẽ quảng bá rộng rãi. Cần rễ Bồ Công Anh thì bảo tôi, tôi gửi cho một thúng. Không nghe chị Đề nói là mấy cô chưa chồng uống thuốc này liệu có con liền ngay không. Chắc tại uống rễ Bồ Công Anh vậy nên bên Mĩ này có nhiều đứa con mà chính người mẹ cũng không xác định được ai là cha của đứa bé. Tôi nói thật, không phịa ra đâu.



Các Nữ tu múc cháo
 
Lần này tôi chỉ ghi lại hai bài thuốc kì diệu. Bài một, anh Liệu nhắc đi nhắc lại là chưa ai phổ biến ngoại trừ anh. Đó là, ai đau bụng tiêu chảy, khỏi thuốc men gì cả, chỉ cần gọt một trái thơm (dứa, khóm), cắt thành lát chấm muối ớt ăn là hết ngay.
 
“Thế muối tiêu có được không?”
 
Liệu trả lời:
 
“Không được, phải là ớt vì trong ớt có chất … thuốc trị bệnh.”
 
Không nhớ anh ấy có nói đó là vị thuốc gì.
 
“Thế còn muối?”
 
“Muối cũng là một chất thuốc trị bệnh.”
 
Muối thì đã hẵn. Ai có chút hiểu biết về Hóa học đều biết Muối có hai chất chính là Sodium Chloride, cả hai đều có tính sát trùng. Trong Ớt có chất Capsaicin (N-vanillyl-8-methyl-alpha-nonenamide) có thể có tác dụng trong việc điều trị Ung thư Ruột già (búa lớn gọi là Đại tràng đó), và có thể làm co lại các thớ thịt lại, (đó là lí do tại sao ớt vào mắt thì mắt nhắm lại, vào bao tử thì bao tử co lại giảm bớt co bóp nghĩa là giảm bớt tiêu sức co bóp tống ra). Liệu nói tiếp:
 
“Thơm có chất Tanin nên trị được tiêu chảy.”
 
Tanin có vị chát, có nhiều trong vỏ trái Măng Cụt, vỏ cây Bằng Lăng, lá Ổi, là các thứ cây nhà lá vườn đúng là có thể  tạm làm co bao tử lại tránh khỏi tiêu chảy khi không có sẵn thuốc. Tôi nói thế vì cho dẫu các thứ đó làm hết tiêu chảy nhưng lại có thể có các tác dụng phụ không lường trước được, ví như vỏ cây Bằng Lăng mà dùng nhiều quá thì … hết đi … luôn, đến tức bụng mà chết! Nhưng Liệu cho biết môn thuốc Khóm Muối Ớt này là môn thuốc tài tình nhất và … ngon nhất dùng trị tiêu chảy. Nghe cũng … ngon!
 
Món thuốc thứ hai thì Liệu nói là công hiệu cho đến nỗi có lần nửa đêm một người vô danh nào đó đã điện thoại từ Hà Nội qua Mĩ gọi hỏi cách trị liệu chứng mắc xương. Người đó biết anh do đọc được tên tuổi anh trên tập Thơ Thuốc của mà Liệu đã phổ biến rộng rãi không mất tiền. Anh nói:
 
“Vậy mà các cụ biết không, có người đã mạo danh mình in lại cuốn đó để bán lấy tiền, 15 đô-la Mĩ một cuốn.”
 


Liệu, ĐÔ Hàm 
Có Nữ tu nào đó hỏi:
 
“Nhưng thuốc đó trị cái gì?”
 
“Trị mắc xương trong cổ họng. nào lỡ mắc xương cá, hoặc con cháu mắc xương, làm thế này bảo đảm hết liền.”
 
“Làm sao?”
 
“Đi ngay lại bếp lửa, bếp than, bếp củi, bếp điện gì cũng đều được cả. Cầm theo một cái li múc gần đầy nước lạnh. Đặt li nước gần bếp lửa đang cháy. Bốc một năm muối bỏ vào lửa đang cháy để lửa đốt muối bốc hơi lên. Khi lửa đang đốt muối, hít đều và mạnh để hơi muối vào phổi. Muối hết nổ, uống hết li nước đã để cạnh bếp lửa. Xương ra liền liền.”
 
Nhao nhao:
 
“Vậy thì làm sao mà xương ra? Tại sao?”
 
“Tui cũng chẳng biết là tại sao. Đó là cái mẹo, khó giải thích.”
 
“Thế có ai hóc xương ra được chưa?”
 
“Có chứ, cái người từ Hà Nội gọi qua hỏi cách đó đã gọi lại cho biết áp dụng cho con cháu gì đó và hết hóc xương liền tại chỗ. Người ta cám ơn quá trời!”
 
Tôi góp ý:
 
“Chuyện tôi sắp nói thì khoa học. Dùng một chút bằng sa ngậm và nuốt nước từ từ, xương cá sẽ mềm ra và nuốt được. Nhổ bằng sa ra ngay và súc miệng súc cổ cho kĩ.”
 
“Thật không?”
 
“Rất thật. Ai không tin, mua một tí bằng sa, bỏ một xương cá và bằng sa vào một cái đĩa, nhỏ lên chút nước và đợi xem. Xương cá sẽ mủm ra thấy rõ, để lâu xương tan luôn.”
 
“Vậy thì nguy hiểm, có thể hại xương cổ.”
 
“Thì đã chắc. Do đó, thấy yên là nhổ ra ngay. Có mòn chút xương còn hơn chẳng biết phải làm sao để lấy xương ra.”
 
Chuyện vui nào rồi cũng hết chuyện, giờ ngày vui nào rồi cũng hết giờ hết ngày. Chúng tôi cám ơn Chị Oanh, cám ơn các Nữ tu, chuẩn bị ra về. Đức Ông và anh em về lại nhà Thới chuẩn bị cơm trưa tại nhà Thới. Tôi xin phép chở Liệu đi mua mấy loại hạt giống hoa để Liệu về Texas trồng, rồi chở Liệu cùng đi với tôi để tôi gặp Bác sĩ của tôi. Chẳng là cả mười ngày trước ngày Hội ngộ, tôi bị chứng Vertigo phải nằm dài, may mà ngồi dậy được mấy ngày trước ngày gặp nhau. Vertigo là loại bệnh gây chóng mặt chỉ nằm, không ngồi dậy được, nguyên do có thể do chất cặn bám trên trống tai trong báo động sai cho não vị trí thực sự của cơ thể tôi. Thêm vào đó, mấy hôm nay tôi phải chống gậy vì gót chân bị sưng do Rheumatism, ta dịch là Phong thấp. Cái bệnh sưng đau này tôi bị đã ba bốn năm nay. Bác sĩ chuyên khoa cho tôi biết có đến 150 loại bệnh gọi chung là Rheumatism này, 98% dễ chữa. Tôi không may rơi vào trong số 2% số người mắc bệnh khó chữa, khó định cho ra đúng bệnh. Mấy lần trước, bị sưng đau, Bác sĩ cho thuốc uống mấy ngày là hết ngay. Lần này ông ấy muốn thử nghiệm cho tôi một loại thoại khác xem thuốc có  thích hợp và có tác động tốt hơn cho tôi nên đã để dây dưa kéo dài đã hơn tháng. Bác sĩ Gia đình điều chỉnh thuốc, tôi hết Vertigo. Bác sị chuyên khoa điều chỉnh thuốc, bỏ loại thuốc này, cho loại thuốc khác. Tôi bớt sưng gót gần như trông thấy, gần như ngay lập tức! Mừng quá. Thêm vào đó, các loại thuốc bỏ đi của cả hai ông ấy lần này trả lại cho tôi cảm giác biết đói bụng, biết ăn ngon miệng mà tôi đã mất đi cả mấy năm trước đó khi dùng các loại thuốc vừa bị loại bỏ đi.
 
Liệu và tôi quay lại nhà Thới. Đức Ông Hàm và Thới đã “hầu bàn” sẵn. Cơm nhà, không còn cơm tiệm như mấy hôm nay. Cá kho do Con Dâu của Thới đem qua, cải Bắc Thảo của Thới do Đức Ông Hàm luộc, thịt gà kho do “Bà Sui” của Thới đem qua. Cơm do Đức Ông Hàm nấu, dĩ nhiên gạo là của Thới! Chà, sau mấy ngày ăn “bậy,” hôm nay ăn cơm nhà ngon quá là ngon! Đức Ông Hàm và tôi ăn mỗi người đến ba bốn khứa cá. Lâu quá tôi mới được ăn cá kho kiểu Quảng Trị, không biết là cá gì, nghe chừng như Cá Thu mà lại nghe chừng không phải. Trong bữa cơm Đức Ông Hàm kể chuyện tiếu lâm như ri, ai có tai thì nghe. Có một tên Trung Úy yêu con gái một người con nhà gia giáo; người cha không quá dễ cũng không quá nghiêm. Sau một thời gian, đơn vị anh chàng có tổ chức Dạ hội Dạ tiệc chi đó. Anh ta đến nhà bố cô gái lễ phép thưa bố cô ta:
 
“Dạ, thưa bác, cháu đến xin phép bác cho cháu đưa (gọi đại tên là Hồng đi) cô Hồng vào đơn vị cháu dự Dạ hội.”
 
Ông cụ hừ nhẹ:
 
“Dạ với gấm. Đi đêm đi hôm là tui không đồng ý rồi đó. Con gái con lứa, dại một phút, hư một đời.”

Chà, con gái ông cụ thời đó chứ con gái thời này, nhất là thời này bên Mĩ, mà nghe bố nói vậy là đỏ mặt gắt lại ngay, nhất là khi cô gái đã trưởng thành, đã là cô giáo như cô con gái trong chuyện, đâu phải con nít con nôi gì nữa. (Nói nhỏ, hai từ nít nôi này đã được đưa vào từ điển của Mĩ, viết là nitnoid đó. Muốn tìm phải dùng các Từ điển Edition mới. Ghê chưa? Nitnoid được định nghĩa là điều gi, chuyện gì tầm phào, chẳng có gì quan trọng cho lắm). Các cô bé mới mười lăm mười sáu tuổi ngày nay ở xứ này, cái tuổi anh chị em mình ngày xưa còn ngồi đánh thẻ, nếu cha mẹ không cho đi chơi với con trai thường gắt lại cha mẹ:
 
Don’t tell me what to do all the times. I’m old enough to know what I can do what I can’t.”
 
Lại xin lỗi, tại mấy o con cấy nớ nói rứa nên tôi phải viết lại như thế. Xin dịch, “Đừng lúc nào cũng bảo con phải làm gì. Con đủ lớn để biết những gì có thể làm những gì không.” Tiếng Anh dùng chỉ nguyên một từ I nên tôi dịch là con cho hợp đạo lí người Việt miềng, chứ thực tâm nó xưng là tui, tôi, tao hay con này thì tôi không thể biết. Cứ thử thay từ con bằng từ con này vào, nghe hay đáo để. “Đừng lúc nào cũng bảo con này phải làm gì. Con này đủ lớn để ….
 
Anh Trung Úy lễ phép thưa:
 
“Dạ, thưa bác, con xin hứa chẳng có chuyện gì xẩy ra. Hai chân con đưa cô nhà đi, hai chân con sẽ đưa cô ấy về bình an vô sự.”
 
Ông bố lại hừ lên một tiếng, nhìn con gái mình, rồi nguýt anh chàng Trung Úy:
 
“Ờ, thì cậu nói vậy tui nghe vậy. Cậu nói hai cái chân của cậu đem con tui đi về bình an thì tui tin lắm, tin lắm. Nhưng, còn cái chân thứ ba của cậu, sao tui không nghe cậu nói gì đến nó cả?”
 
Tức một cái là Đức Ông Hàm chẳng cho biết rõ cái chân thứ ba đó có làm chi nên tội không và số phận hai đứa nớ ra răng.
 
Ngày vui qua mau. Ngay vui mong ngóng lại qua càng mau hơn. Mới đó mà thoắt cái đã hết bốn ngày, hai ngày chính và hai ngày phụ trội. Anh em chúng tôi chỉ có mấy người nhưng sao mà thấy đông thế vì chúng tôi nhìn không phải chỉ thấy nhau mà thấy hết, thấy ráo trọi, thấy Cha Bề trên Tịch, Đức Cha Bề trên Hiền, Cha Bề trên Đẩu, Cha Giáo Tường, Cha Giáo Triệu, Cha Giáo Mẫn, Cha Giáo Phước, Cha Giáo Phượng, Thầy trước Cha sau Cầu, Cha Phát, Cha Bề trên Tôn, Đức Hồng y Bề trên Thuận, Cha Giáo Le Phare, Cha Giáo Oxarango (có thễ tôi viết sai tên các đấng này), kể cả các cha không dính đến Chủng viện như Cha Thọ Harmonium, Cha Bính, Đức Cha Urrutia, Cha Huệ, Cha Lộc, Cha Thích, Cha Tuệ, và các cha đời xửa đời xưa. Tôi nhớ lại chuyện Cha Ngọc (Con nhớ đúng tên Cha không Cha?) lúc nào ăn chuối tráng miệng cũng cắt làm đôi, ăn nửa trái, chừa lại nửa trái trên đĩa sạch. Hỏi Ngài, Ngài cho biết:
 
“Mần ri thì mấy đứa giúp mới có chuối ăn. Chúng nó đâu dám ăn cả trái chuối còn trên nãi. Nửa trái còn sạch trên đĩa thì chẳng ai cấm chúng ăn cả.”
 
Một Cha Tây khác tôi không thể nhớ tên, ở nhà thì sao không biết nhưng đến Chủng viện hoặc nhà Cha Huệ thì trước khi ăn phải có hai miếng mỡ heo (nhắc lại, mỡ, toàn mỡ) chiên vàng bốn mặt. Ngài cầm dao cắt từng miếng ăn ngon ăn lành, ăn cho kì hết mới bắt đầu dùng đến bữa chính. Vậy mà tôi nhớ rõ bụng Ngài không to, thân hình Ngài không mập, dáng đi Ngài gẫy gọn mạnh mẽ. Sao Ngài không bị cao Cholesterone nhỉ? Ngài có bị chết vì Stroke không?
 
Ôi kì lạ làm sao cái trí nhớ một khi đi sâu vào trong vòng thân ái. Cái trí nhớ kì quặc chỉ muốn nhớ lấy chuyện vui, chuyện cười bể bụng, chuyện cười chảy nước mắt, chuyện thương, chuyện trìu mến, chuyện muốn ôm lấy nhau, chuyện gắn tình thân ái chặt lại với nhau trong khi đã quên đi hết, quên đi tuốt tuồn tuột chuyện buồn, chuyện làm phiền lòng nhau, chuyện gay cấn với nhau, chuyện gây xích  mích cho nhau, chuyện tau mà chộ hắn tau chém chết cha hắn liền.
 
Dùng dằng cho mấy rồi cũng phải đến lúc chia tay. Đã đến lúc anh em chúng tôi chia tay nhau. Thới phải đi ngay về Detroit coi vợ, quên, tôi nói lộn, coi cháu cho các con đi làm. Tôi đưa Đức Ông Hàm và Liệu ra Phi trường. Trước khi thực sự chia tay, Đức Ông Hàm “báo cáo”:
 
“Báo cáo chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ, bảy người quyên góp được bốn trăm năm mươi đô-la đưa cho mình để tùy ý giúp vào việc từ thiện.”
 
Ngộ chưa, qui định chỉ năm mưoi đô-la một người một năm, thế mà bảy bạn (kể cả Hồ không đến được) đã góp đến bốn trăm rưỡi, nghĩa là có bạn đã “cho” thêm chắc để “mua” lấy Nước Trời. Nói qui định là nói cho vui thôi, thực sự đây chỉ là tự nguyện để gọi là góp một chút vào việc phục vụ. Bạn nào Lớp Phú Xuân 53 muốn góp tay để Đức Ông Hàm đầu tư xây nhà Trên Trời thì một năm tối thiểu năm mươi đô-la, gửi vể cho Đức Ông Hàm hoặc cho mình để mình chuyển lại. Việc từ thiện này Đức Ông Hàm không cần phải báo cáo là đã cho ai, đã làm gì, cũng chẳng phải cho biết ai đã đóng góp bao nhiêu, vô danh vô tánh (lại tiếng Tàu!)
 
Trước khi chia tay, chúng tôi nhắc lại việc Ủy đã nhận lời đón tiếp chúng tôi vào dịp hội ngộ năm tới 2016 tại nhà ỦyDallas, Texas, dự trù vào khoảng tháng năm tháng sáu để trốn nắng Texas. Có người hỏi:
 
“Liệu có trùng với Đại hội không?”
 
Đức Ông Hàm và tôi nhìn nhau đồng tình. Đức Ông nói:
 
“Đại hội là chuyện của Trung ương, cho đến nay chưa nghe động tĩnh gì cả. Còn chuyện tụi mình là chuyện Địa phương, toàn quyền quyết định.”
 
Anh em cười vang. Cười là đồng ý, kiểu cha mẹ ngày xưa hỏi con gái, “Mi có ưng lấy thằng nớ khôông?O con cấy riệu chẳng nói chẳng rằng, cười cười nửa miệng chạy vội vào nhà trong nghe mấy đứa em chọc quê, “Ơ hơ, chị sắp lấy giôông!”
 
Tôi drop-off Đức Ông và Liệu ở lối vào Phi trường rồi ngay để kịp soạn bài đi dạy sáng thứ Ba. Đã nghỉ thứ Sáu và thứ Hai rồi, (dạy chùa nên không bí nhiều bó buộc, cũng may), yên tâm là hai đấng sẽ về nhà bình yên vì có Chúa ở cùng, (không có không được mô, vì Thánh Lễ nào cũng chúc qua chúc lại, Chúa ở cùng anh chị em.—Và ờ cùng “Đức Ông” kia mà).
 
Thế nhưng, vào chừng 6 giờ rưỡi tối, điện thoại tôi reo, số quen:
 
Hello.”
 
“Hàm đây, mình bị delayed, lẽ ra bốn giờ về tới mà mãi giờ này 6 rưỡi mới đến nhà.”
 
Delayed nghĩa là máy bay hoãn bay lại vì lí do kĩ thuật, an ninh, hoặc thời tiết gì đó. Grand Rapids trời yên như bàn thạch, thế mà Chicago thì đang mưa to gió lớn, máy bay không thể bay an toàn được nên hoãn lại đợi cho qua cơn mê (Một mai qua cơn mê, Xa cuộc đời bênh bồng, Anh về lại bên em). Tội nghiệp chưa, từ Grand Rapids lái xe đi Chicago chỉ mất ba giờ, vậy mà Đức Ông đi máy bay mất đến cũng hơn ba giờ! Thôi thì trời cho sao nhờ vậy. Nằm đợi ngủ, coi tin tức trong ngày Đài CNN rồi Đài Fox. Chừng 9 giờ rưỡi khuya, điện thoại lại reo, cũng số quen:
 
Hello.”
 
“Liệu đây Thuần ơi. Mình bị delayed phải ngủ qua đêm tại Phi trường Minnesota.”
 
Tiểu bang Minnesota nằm về hướng Tây Bắc của Michigan, cách 8 giờ lái xe. Lại thêm một anh bạn phải chờ qua cơn mê vì vùng Minnesota cũng đang mưa to gió lớn. Nói vài câu an ủi rồi ngủ, chờ ngay mai. Ngay mai đến. Đang dạy thì điện thoại lại reo, lại số quen:
 
Hello.”
 
“Đề đây, Thuần ơi. Vợ chồng mình bị delayed ở Detroit, mãi khuya mới về được tới nhà.”
 
Lại thêm hai người nữa chờ qua cơn mê. Detroit thuộc Michigan, cách Grand Rapids, cách 3 giớ lái xe về hướng Nam. Thôi thì cười cầu hòa, nói an ủi:
 
“Tội nghiệp chưa. Thôi thì Chúa cho về an toàn là tạ ơn Chúa rồi.”
 
Lạy Chúa,
Lớp Phú Xuân 1953 chúng con xin cảm tạ ơn Chúa đã cho chúng con mấy ngày quây quần bên nhau đầy tình thương thân thiết. Chuyện gặp gỡ lại nhau đây, chúng con không cho là một chuyện tình cờ cũng không phải chuyện do con người lo toan mà là chuyện Chúa đã sắp đặt vì mọi sự đều nằm trong Thánh Ý Chúa; một sợi tóc rơi xuống cũng không ngoài Thánh Ý Chúa Quan phòng. Chúng con có kêu gọi có nỗ lực cũng chỉ là công cụ Chúa dùng để góp chút công sức góp vào công trình sáng tạo mà Chúa muốn chúng con phải tiếp tục góp sức góp tay. Xin Chúa cho chúng con lại được gặp nhau vào năm tới 2016. Deo gratias. Amen.
 
Riêng với các bạn PX53:
 
ĐÔ Hàm và anh em tất cả mong ước gặp lại tất cả anh em chúng mình rất nhiều, không biết là bao nhiêu mong ước để có thể nói ra cho hết ý. Xin anh em liên lạc với chúng tôi trong những ngày gần đây và sau này. Nếu không muốn gặp mặt, xin chỉ cần email hoặc điện thoại chia sẻ vui buồn cho nhau cũng đủ rồi. Mong thay! Mong thay!

Tác giả: Trần Hữu Thuần PX53

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập571
  • Hôm nay74,208
  • Tháng hiện tại894,867
  • Tổng lượt truy cập56,996,504
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây