Nhớ về trường cao đẳng.

Thứ tư - 13/11/2013 09:42

-

-
Trường Thiên Hựu mà dân Huế chúng tôi biến thành trường Cao Đẳng là một ước vọng sâu xa của cha mẹ… Mẹ tôi thường bảo: con ráng học giỏi mai mốt mạ cho vô trường Cao Đẳng. Lời nói nầy có một thần lực ghê gớm kiến tôi nhiều phen sẵn sàng đi vào đường ngay nẻo chánh, đôi lúc cũng được ít ngày.
NHỚ VỀ TRƯỜNG CAO ĐẲNG
Đôi ba kỷ niệm về Thiên Hựu, dịp 80 năm ngày thành lập trường (1933-2013)
 
Thuở nhỏ, để động viên thằng con muôn năm lười biếng, mẹ tôi thường bảo: con ráng học giỏi mai mốt mạ cho vô trường Cao Đẳng. Lời nói nầy có một thần lực ghê gớm kiến tôi nhiều phen sẵn sàng đi vào đường ngay nẻo chánh, đôi lúc cũng được ít ngày.
 
Trường Thiên Hựu mà dân Huế chúng tôi biến thành trường Cao Đẳng là một ước vọng sâu xa của cha mẹ, đồng thời cũng là một hấp dẫn khôn cùng đối với đám con nít chúng tôi trong thập niên 50 thời ấy.

 
 
Tôi đang học ở trường tiểu học Việt Hương, chỉ cách Thiên Hựu một cái kiệt nhỏ. Thiên Hựu hấp dẫn chúng tôi bằng 3 dãy nhà đồ sộ hình chữ U, một sân đá banh đầy đủ tiêu chuẩn và đôi ba sân bóng rỗ tráng xi măng hẵn hòi. Nhưng cái hấp dẫn nhất là những đêm chiếu bóng tại sân cờ. Thuở ấy, ngoài các phim thương mại được chiếu tại các rạp Tân Tân, Châu Tinh bên phố , chúng tôi thường được coi phim chùa ở 3 nơi, mỗi nơi đều có một nhóm phim đặc biệt cho riêng mình. Đoàn chiếu bóng lưu động Công dân vụ thì đóng cọc tại sân đình An Cựu với nội dung tương đối nghèo nàn như phim cổ động hoặc tuyên truyền. Tại sân nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế thì các cha nghiêng về phim hài, đặc biệt là phim Charlot hoặc là Don Camillo. Món ăn chính của Thiên Hựu là phim cao bồi và cũng là món phim được lũ trẻ chúng tôi ưa chuộng nhất vì là phim tô màu lộng lẫy lại đánh đấm rồi bắn súng hoài không hết đạn. Coi phim đã thích rồi mà còn được dịp lần đầu tiên thấy một ông cố, không mặc áo dòng mà chỉ đánh suông một cái áo thun và một cái quần sọt đang phụ trách chiếu phim. Mấy năm sau, tôi lại găp ngài như là cha giáo và ngài vẫn tiếp tục chiếu phim cho lũ trẻ nghèo nàn nhưng khát khao văn hóa. Đó là cha Oxarango.
 
Hết tiểu học, tôi không vào Thiên Hựu như lời mẹ hứa, nhưng gia nhập Tiểu chủng viện Phú Xuân. Mãi 4 năm sau, tôi mới trở lại Thiên Hựu và ở lại đây thêm 4 năm nữa.
 
Năm chúng tôi về Thiên Hựu ,vì đông hơn số lượng dự trù nên anh em chủng sinh chúng tôi được ngủ tại thính đường ngay dưới nhà nguyện. Đám học sinh bán nột trú thì chiếm trọn cái sân khấu, trải chiếu ngủ trưa thẳng cẳng, không chút thắc mắc khiếu nại nào cả. Dĩ nhiên trong niên học đó, tất cả mọi sinh hoat văn hóa đều phải bãi bỏ vì phòng khánh tiết đã được trưng dụng cho việc khác rồi.
 
May mà có cha Oxarango với những buổi chiếu phim tuyệt vời. Không những thế, ngài có phát minh ra một máy chiếu phim tự động có một không hai vào lúc ấy. Vào thời ấy, tuần báo Paris Match, song song với việc phát hành báo giấy, còn phồ biến trên phim dương bản những hình ảnh đáng nhớ nhất xảy ra trên toàn thế giới (nhờ phim nầy mà lần đầu tiên chúng tôi thấy vợ ông Kút sếp, chẳng hạn). Máy chiếu phim và màn ảnh được đặt trong phòng thí nghiệm của cha. Chúng tôi chỉ cần mở cánh cửa sổ ra là contact được bật, phim đươc chiếu bất cứ giờ nào trong ngày.
 
Đã nói về cha Oxarango thì cũng luôn dịp nói về các cha giáo khác.
 
Cha Lefas là một bậc thầy vĩ đại của trường Thiên Hựu qua nhiều thế hệ. Cuộc đời truyền giáo của ngài gắn liền mật thiết với trường và đám học trò của ngài thì đông đảo mênh mông chi xiết. Ngài dạy Pháp văn, Anh văn, Sử địa cho nhiều lớp, nhưng có một cách dọn bài dạy có một không hai trên thế giới. Ví dụ để nói về thế chiến thứ nhất, ngài vẫn giữ bài dọn của những năm 40 chẳng hạn, rồi một khi có những thông tin mới, ngài viết thêm trên một mẫu giấy rời, xong dán  vào cuối bài soạn cũ. Khi chúng tôi trở thành hoc trò ngài vào thập niên 60 thì bài giảng của ngài đã là một kỷ vật, bởi qua bao năm tháng, mực xanh đã phai màu, giấy trắng đã vàng úa, nhưng bài giảng của ngài vẫn được cập nhật thường xuyên. Nhắc lại chuyện nầy khi có dịp gặp lại ngài tại Paris, ngài hóm hỉnh nói : « on n’a pas mieux invente à l’époque » (hồi ấy không có sáng kiến nào hơn).
 
Ngược với cha Lefas lúc nào cũng tràn giờ qua các giáo sư khác, cha Duval, giáo sư toán là môt mẫu mực nghiêm túc. Trống đánh tan giờ thì nửa câu ngài cũng dứt, nhưng trước  đó, tất cả những gì ngài dự liệu thì đã là hoàn tất. Trong 4 năm học với ngài, năm nào cũng vậy, chương trình của cả năm được ngài chấm dứt vào dịp lễ Giáng Sinh, mấy tháng còn lại cho đến cuối năm chỉ là để ôn lại. Tôi dốt Toán đến hạng cùng cực. Bắt đầu ngài cũng cố gắng đủ mọi phen, nhưng cuối cùng ngài cũng đầu hàng. Lâu lâu ngài cũng gọi tôi lên bảng, đặt đôi ba câu hỏi mà ngài biết trước là không có câu trả lời. Sau đó, ngài ngẫng đầu nhìn trần nhà rồi phán: « à votre place !» (về chỗ !) . Ở lớp tôi còn có thằng Phi là cùng chung số phận.
 
Khi lớn lên, có dip nhắc lại chuyện cũ, ngài chỉ nhỏ nhẹ nói: toán lá một môn học rất hay, chỉ tiếc là con không thích. Nói vậy nhưng không có toán thì cũng có thể thành công trên đời.
 
Cha Duval ngoài ra còn có tài sửa đồng hồ. Các học sinh Thiên Hựu qua các thời đại, hễ đồng hồ trục trặc là a lê hốp trực chỉ phòng cha Duval, người thợ đồng hồ có thể chữa bá bệnh.
 
Cha Petitjean dạy Pháp văn và Sử địa. Trong đời học sinh, tôi chưa bao giờ có một giáo sư nào tận tụy và yêu mến bộ môn mình dạy bằng ngài. Mỗi một biến cố lịch sử nào đều được trình giảng bằng một pa-nô lớn trên đó có đủ hình ành liên quan với sự kiện mà sách giáo khoa không đủ chỗ để đăng tải. Đối với tôi là một thằng lười biếng, môn Sử Địa đã trở thành một thứ « passion » cho đến bây giờ. Ngoài ra Cha Petitjean còn là một nhiếp ảnh gia có thực tài. Năm 1983, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường được tổ chức tại Paris, buổi chiếu slide của cha Petitjean về Huế và Thiên Hựu làm nhiều anh em rơi lệ (nên nhớ vào thời điểm ấy, chưa có liên lạc được nhiều như bây giờ).
 
Vì là chủng sinh, ngoài các giờ học thông thường khác, chúng tôi còn có đeo thêm mỗi tuần 4, 5 giờ tiếng Latinh nữa. Cha Trông là một trong mấy giáo sư dạy cổ ngữ nầy. Cha Trông lúc đó mới du học về, nhưng ngài sống đơn sơ thanh bần, miệng lúc nào cũng dính một điếu thuốc cẩm lệ. Tôi nhớ ngài nhiều vì cách ngài phê các bài tập của chúng tôi. Ngài phê bằng tiếng Việt với một ngôn phong rất đặc biệt, ví dụ như: u mê, ngu si, về mà giữ bò còn hơn v.v… Anh em chúng tôi chỉ cười trừ mà không ai oán hận gì. Tôi lại rất quí mến ngài vì ngài là người đầu tiên làm tôi thích tiếng Latinh (bây giờ vẫn còn thích mới chết chứ). Sau nầy khi lớn lên thì chính cha Trông lại thích tôi… kể chuyện tiếu lâm cho ngài cười. Hễ mỗi lần tôi nghé thăm tại phòng ngài ở trường Thiên Hựu thì câu đầu tiên của ngài là: có chuyện chi hay không hè? Câu thứ 2: khoan cái đã, để cha qua kêu cha Trinh (cha Trinh là bạn thân của ngài). Sau nầy tôi nghe một người bạn nói lại rằng theo ý cha Trông thằng Đồng kể chuyện tiếu lâm hay nhất. Tôi chưa bao giờ được lãnh thưởng, thôi thì cứ coi đây là một phần thưởng độc nhất trong cuội đời học sinh của mình vậy.
 
Giám đốc trường thời ấy là cha Trần Hữu Tôn. Trái với bề ngoài rất nghiêm nghị, trái tim ngài đầy tràn tình thương đối với đám học sinh của ngài. Bệnh xá của trường là một căn phòng rộng bên cạnh phòng ăn của các giáo sư. Mỗi ngày trước khi ăn tối, cha giám đốc đều ghé qua thăm các bệnh nhân thật hay giả của ngài. Phải nói phần nhiều trong chúng tôi đều mang bệnh giả để trốn đôi ba ngày học mà mình không thích. Cha giám đốc biết tỏng chuyện nầy nhưng ngài cũng giả bộ làm lơ mà thăm hỏi từng đứa rất tận tình. Trong đám nội trú thời ấy tôi khá thân với Bích, dân Quảng Trị sau tôi một lớp. Tên nầy da thịt trắng trẻo như con gái nhưng nghịch ngợm thì bằng 12 đứa con trai. Hôm ấy, tôi và Bích nghỉ bệnh cùng ngày. Không có chuyện gì làm, hai đứa bày đủ thứ trò chơi và cuối cùng là trận chiến vô tiền khoáng hậu với gối mền là vũ khí… mà quên hẳn giờ thăm của cha giám đốc. Khi ngài gõ cửa thì hai đứa chỉ kịp chun vô mền… giả bệnh. Tôi thì không sao, nhưng Bích vì mặt trắng thành mặt đỏ và mồ hôi ẩm ướt dầm dề vì trận chiến chưa dứt. Không on đơ gì cả, cha Tôn triệu bà Valentine phụ trách infirmerie để chở Bích ra bệnh viện
cấp cứu. Hai đưa tôi chịu trận đâu dám hé môi. Vài giờ sau Bích rời bệnh viện ra về thơ thới hân hoan còn cha giám đốc thì thở dài nhẹ nhỏm và cho 2 đứa nghỉ thêm ít ngày nữa để… dưỡng bệnh.
 
Mấy tháng đầu tiên nhập lớp quatrième quả là rất vất vả đối với anh em chủng sinh chúng tôi vì từ chương trình Việt qua chương trình Pháp. Tôi rất cảm kích vì đám học trò cũ không bao giờ tỏ ra khinh thị chúng tôi, nhưng còn giúp đỡ là đằng khác. Bạn bè lớp tôi phần nhiều thuộc con nhà học thức và khá giả vì học phí trường tương đối cao. Tôi nhớ có Trường (con dược sĩ Hân), Hiển (con bác sĩ Quyến), San (con thầu khoán Cước), Chánh (con bà hiệu trưởng Đồng Khánh), Hóa (con thầy Thông, hiệu trưởng Mê Linh), Kiệt (con thầy hiệu trưởng trường Bồ Đề). Ngoài ra còn có Quốc Anh, Thạch Anh (tên Anh mà người nhỏ xíu), Nhẫn, Trân (rất bảnh trai), Phi (dốt toán như tôi). Trong số đó tôi có 2 người bạn thân là Tâm và Lương.
 
Tâm và tôi quen nhau từ trước khi nhập chủng viện,cùng lớp với tôi nhưng ít năm sau anh rời chủng viện rồi chúng tôi găp lại nhau tại Thiên Hựu. Tâm (em trai của cha Gioang, lúc đó là tổng giám thị trường Thiên Hựu và cha Lợi) thông minh lại rất chăm học. Giờ ra chơi hai đứa chúng tôi ưa nói chuyện với nhau. Sau tú tài, Tâm vào y khoa, nhưng vì tuổi tác bị động viên sau tết Mậu Thân. Năm 1969, tôi với tư cách là chủng sinh thực tập tại Đông Hà, ngẫu nhiên gặp lại thiếu úy Tâm lúc cậu ta đến thăm thầy cũ là cha Etcharren lúc ấy là cha sở Đông Hà.
 
Đến đây tôi phải mở một dấu ngoặc lớn để nói về cha Etcharren, một trong những người thầy của chúng tôi thuở ấy tại Thiên Hựu, sau đó ngài trở thành giáo sư TCV Hoan Thiện. Ngoài cha mẹ tôi ra, tôi thực sự coi cha là người giáo dục, theo dõi và khuyến khích tôi trên đường đời. Cho dẫu bây giờ chúng tôi ít gặp nhau, nhưng cha Etcharren vẫn mãi mãi là người cha tận tình. Cũng như các giáo sư khác, các cha giáo Thiên Hựu có một mối thân tình với các học sinh của mình bất luận lương giáo hay giàu nghèo. Vì có dịp ở với cha Etcharren một chuỗi ngày khá dài, tôi chứng giám nhiểu cuộc viếng thăm của các học trò cũ.
 
Tôi còn nhớ năm ấy ở Đông Hà, có một học sinh cũ, tên là Hải, đóng quân tại Lăng Cô, dưới chân đèo Hải Vân. Vậy mà không có một dip nghỉ phép nào mà Hải không ra Đông Hà thăm cha, khi thì 1, 2 ngày, khi thì suốt cả thời gian nghỉ phép. Phải nói thêm là Hải không phải là người công giáo. Tâm bạn tôi cũng đến thăm cha Etcharren như là thầy cũ. Gặp được tôi ở đó, Tâm càng có lý do để trở lại nhiểu lần. Hai đứa tôi đều thuộc loại ít nói, nên Tâm thường chúi đầu vào tủ sách của tôi, còn tôi thì được hưởng thuốc lá quân tiếp vụ do Tâm cung cấp vì anh chàng không biết hút thuốc. Ít lâu sau, Tâm tử trận. Về Gia Hội đi đám tang, tôi nhớ chưa bao giờ khóc nhiều như ngày ấy.
 
Người bạn khác của tôi là Lương, Ngô Trung Lương, con ông trưởng ga Đà Nẵng. Lương dịu dàng, ăn nói nhẹ nhàng như thiếu nữ. Lương hiền lành cho đến nỗi chúng tôi chọc phá hằng ngày mà không bao gìờ giận. Số là thuở ấy cứ mỗi sáng lúc gần 10 giờ con tàu xuyên Việt từ Đà Nẳng đến ga Huế. Gần 1 cây số trước khi đến ga thì tài xế kéo còi. Cũng đúng là lúc tàu chạy gần trường nhất. Như được lệnh, đám trẻ chúng tôi nổi lên làm ồn. Dĩ nhiên là giáo sư hiện diện phải lên tiếng: qu’est-ce que c’est?(chuyện chi rứa?). Thế là cả lớp đồng giọng rống lên: RIEN (dạ thưa không có gì). Đọc theo giọng Huế là Riểng. Thế là Ngô Trung Lương nhà ta đỏ mặt cúi đầu. Ông già của Lương, trưởng ga Đà Nẳng tên là Ngô văn Riểng! Vậy là suốt mấy niên học, Lương không bao giờ tố cáo chúng tôi về chuyên nầy cả.
 
Tôi gặp lại Ngô Trung Lương tại Đà Lạt lúc tôi còn tu học tại GHHV, còn Lương thì là sinh viên tại trường…Võ Bị. Người bạn dáng dấp con gái ngày xưa đã trở nên dày dạn phong sương, rất đổi hiên ngang trong bộ lễ phục của sinh viên sĩ quan. Lương thỉnh thoảng đến đón tôi đi uống cà phê Tùng nối tiếp một tình bạn lâu dài. Sau nầy mỗi người một ngả, tôi không bao giờ gặp lại Lương nữa.
 
Tôi viết đôi dòng rời rạc về một ngôi trường cũ đã mang đến cho tôi biết bao hạnh phúc. Viết để nhớ ơn các thầy, viết để nhớ các bạn bè thuở ấy. Trong hành trình của cuộc đời trần thế, Thiên Hựu là một trong những cái mốc để từ đó mình có thể định hướng cho đời mình.
 
Paris, đầu thu 2013
Lê Công Đồng PX58

Tác giả: Lê Công Đồng PX58

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập765
  • Hôm nay118,454
  • Tháng hiện tại1,030,718
  • Tổng lượt truy cập57,132,355
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây