Huế Trong Tôi

Thứ bảy - 14/12/2013 19:22

-

-
Tôi sinh ra ở Huế nhưng vì công việc nên ba tôi đưa gia đình vào Đà Nẵng sinh sống. Sau khi đậu tú tài toàn phần, tôi ra Huế học Sư phạm...Chỉ vỏn vẹn 4 năm đại học và những lần về Huế thăm bà con họ hàng hay công việc. Chỉ chừng đó thôi nhưng lúc nào trong tim tôi vẫn thấy gắn bó sâu sắc với Huế.
Huế Trong Tôi
 
Tôi sinh ra ở Huế nhưng vì công việc nên ba tôi đưa gia đình vào Đà Nẵng sinh sống. Sau khi đậu tú tài toàn phần, tôi ra Huế học Sư phạm. Bốn năm học ở Huế, tôi cũng có vài lần đi thăm các lăng tẩm, đồi Thiên An, điện Hòn Chén và vài ngôi chùa như Thiên Mụ, Diệu Viên, Từ Hiếu, Từ Đàm. Nói chung kiến thức của tôi về Huế không nhiều.Tôi cũng không sống lâu ở Huế. Chỉ vỏn vẹn 4 năm đại học và những lần về Huế thăm bà con họ hàng hay công việc. Chỉ chừng đó thôi nhưng lúc nào trong tim tôi vẫn thấy gắn bó sâu sắc với Huế. Tôi không hiểu tại sao nhưng bất cứ điều gì có liên quan đến Huế tôi cũng đều thấy thật gần gũi thân thương.
 

Khi còn học trung học, tôi đọc nhiều truyện của nhà văn Nhã Ca, Nguyễn thị Hoàng và Túy Hồng vì họ là những tác giả nữ người Huế. Tôi thích những tên mà Nhã Ca đặt cho các nhân vật của bà. Những Đông Nghi, Tỷ Muội, Mi Ki, Tâm Túy, Phượng Hồng, Sơn Trà, Thuyền Nguyệt, Phù Dung, Đỗ Quyên, Đông Sương, Cẩm Lệ…nghe rất chi là Huế. Trong văn và thơ của bà, từ ngôn từ cho đến không gian đều đậm đà chất Huế. Những từ địa phương như “răng ri mô rứa ni nớ hí hè ” nghe rất quen thuộc và rất trìu mến.Tôi còn nhớ lúc đó tôi thuộc bài thơ Chi Lạ Rứa của bà Nguyễn Thị Hoàng, một bài thơ toàn bộ đều mang ngôn ngữ địa phương Trị Thiên. Cũng chính vì những âm hưởng địa phương này mà sau này khi tôi đi dạy học tại một ngôi trường ở miền Nam, tôi hỏi các em học sinh có hiểu bài không, một em đã trả lời rằng: “Cô nói tiếng Việt mà em tưởng cô nói tiếng Anh”…Thật là dở khóc dở cười….

Tôi yêu những bài thơ viết về Huế và ca ngợi Huế. Tôi còn nhớ có một lần lớp chúng tôi rủ nhau lên thăm chùa Diệu Viên, ngôi chùa sư nữ đầu tiên tại Huế. Chùa tọa lạc trên triền núi Ngũ Phong, thuộc xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cách trung tâm thành phố khoảng 5km. Lúc đó có vài học sinh nữ mặc áo dài trắng cũng đi thăm cảnh chùa như chúng tôi. Một người bạn trong nhóm buông lời trêu ghẹo bằng cách đọc một câu thơ trong bài Đây Thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử: “... Áo em trắng quá nhìn không ra”…Thế là có tiếng đáp trả lại liền: “Đây không phải là Vĩ Dạ”. Người ta thường khen tiếng Huế nghe nhẹ nhàng và ngọt ngào lắm. Hôm đó tiếng Huế của em cũng nhẹ nhàng thật nhưng mà chúng tôi chẳng thấy ngọt chút nào, hình như là chua lè thì phải. Anh bạn của chúng tôi bèn quê một cục, cứng miệng không nói thêm được gì. Vậy đó, đừng nghĩ người ta nhỏ hơn rồi ăn hiếp. Đừng nghĩ con gái Huế dịu dàng e lệ không dám đáp trả. Đừng nghĩ chỉ một mình anh thuộc thơ rồi ba hoa chích chòe nhé. Cả nhóm chúng tôi lúc đó được một dịp cười hả hê khoái chí.

Bây giờ Huế chính thức có 27 đơn vị hành chính. Những địa phương nổi tiếng như Vĩ Dạ, An Cựu, Kim Long, Trường An, An Hòa, Tây Lộc …đều có gắn bó với một điều gì đó làm người ta không thể quên được. Ví dụ Vĩ Dạ nổi tiếng với những mảnh vườn xum xuê hoa trái và thi sĩ Hàn Mặc Tử sáng tạo ra những vần thơ bất hủ để lại cho chúng ta qua bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ. Chính bài thơ này tôi đã dạy hai con tôi đọc khi chúng vừa biết nói. Cứ mỗi lần có khách đến nhà chơi, hai con tôi lại có dịp biểu diễn đọc diễn cảm mấy câu “Lâu quá không về thăm thôn Vĩ…” Vĩ Dạ còn nổi tiếng với Cồn Hến, được xem là “đảo ẩm thực Huế" với những quán cơm hến, chè bắp cồn... và là một trong các địa điểm du lịch của Huế. Kim Long là vùng đất sản sinh ra nhiều người con gái đẹp và giai thoại vua Thành Thái ngày xuân cải trang thành người dân liều mình men theo sông Hương lên Kim Long tìm chọn quý phi để sau đó trong dân gian lưu truyền hai câu thơ “Kim Long có gái mỹ miều. Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi”. Trường An thì có đàn Nam Giao là đàn tế duy nhất còn tồn tại trong số nhiều đàn tế cổ ở Huế. An Cựu là cái nôi của gạo Gie, là một loại gạo có hạt thuôn dài, nhỏ, màu trắng ngà như ngọc, khi nấu hạt cơm không vỡ, cơm chín có mùi thơm nức. Gạo Gie đã đi vào lịch sử với chất lượng hảo hạng vì được tiến cung hàng năm và hai câu ca dao vẫn còn đây: “Tôm rằn lột vỏ, bỏ đuôi. Gạo Gie An Cựu để nuôi mẹ già”. An Cựu còn có một dòng sông có thể đổi nguồn theo mùa mưa nắng nên chúng ta mới có câu: “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo. Sông An Cựu nắng đục mưa trong”....

Tôi cũng yêu những bài hát miêu tả Huế. Tôi thích giọng ca của Quang Linh, Vân Khánh. Tôi yêu những bài hát về Huế của nhạc sĩ Anh Bằng. Ông viết trong bài Huế Xưa: …”Tôi có người em Sông Hương Núi Ngự, của lũy tre Thôn Vỹ hiền từ, của kinh thành cổ xưa thật xưa... Buổi trưa em che nón lá, cá Sông Hương liếc nhìn ngẩn ngơ, lũ chim quyên ngất ngây từ xa”... Toàn những hình ảnh đặc trưng của Huế và cái đẹp dịu dàng duyên dáng của cô gái Huế trong chiếc nón bài thơ đã làm xao xuyến không đành lòng bước đi không chỉ của những anh học trò trong Quảng ra thi mà còn làm cá dưới dòng Hương giang thơ mộng cũng phải ngẩn ngơ và chim quyên cũng phải ngất ngây ngây ngất. Hoặc trong Huế Đã Xa Rồi, nhạc sĩ đi tìm Huế qua những ca từ đẹp như thơ : …”Tôi vẫn đi tìm Huế của tôi. Ngàn Thu áo tím ở bên trời. Vẫn nghe ray rứt bờ môi lạnh. Để khóc từng đêm Huế mô rồi”... Huế ở mô rồi Huế ơi? Tôi cũng đang hỏi Huế và tự hỏi mình câu ấy đây. Huế với những con đường vào Thành Nội rợp bóng cây, với hồ Tịnh Tâm và hoa sen trắng, với chiếc cầu Trường Tiền có những nhịp cong cong như chiếc lược ngà mà nhà thơ Nguyễn Bính đã ví von, chiếc cầu có sáu vài mười hai nhịp soi bóng xuống dòng sông Hương nổi tiếng và thấp thoáng đâu đó là vài chiếc thuyền trên sông dưới chân chiếc cầu được xem là biểu tượng của đất Thần Kinh. Tôi cũng yêu nhạc Trịnh Công Sơn, một phần vì những ca từ trữ tình thắm thiết và những điệu Bolero nhẹ nhàng của ông, nhưng trong tận cùng sâu thẳm của lòng tôi vẫn là vì ông là người Huế. 

Khi nói đến màu tím người ta hay nói màu tím Huế. Sau này khi đọc lịch sử trường Đồng Khánh tôi mới biết vào những năm đầu tiên của Trường, nữ sinh của Trường mặc đồng phục màu tím nên trường được gọi là Trường Áo Tím. Cố họa sĩ Phạm Đăng Trí đã từng nói: “Đối với màu tím, phụ nữ Huế quan niệm đó là một sắc trang nhã. Trông không buồn mà chỉ như mỉm cười. Không quá nồng nàn như bông lài mà thoang thoảng như hương lan thanh đạm và tế nhị. Vì vậy, đàn bà con gái thường mặc màu tím… Tím là sắc lạnh, là sắc thuộc âm, nằm dưới cùng trong quang phổ, phát ra bước sóng ngắn và sức sáng nhẹ nhàng…Nhưng tím Huế cũng có gam màu riêng của mình. Tím Huế không phải là màu hoa lục bình trong Nam hay tím hoa cà ngoài Bắc, cũng không giống màu tím đậm của nước quả mồng tơi như nhiều người lầm tưởng. Với người Cố đô, tím Huế không ngả qua đen, không tía qua đỏ mà chỉ đủ đậm như màu mực học trò trên giấy trắng.” Tôi cũng yêu màu tím Huế như phần lớn người con gái Huế. Tôi mặc áo dài màu tím nhiều lần đến nỗi một học sinh cũ khi gặp lại tôi sau gần 20 năm đã nói:“ Không biết vì sao khi nhìn thấy cô em lại nhớ đến tà áo dài tím Huế cô thường mặc khi lên bục giảng”. Nhớ những ngày còn học trung học, tôi đã từng lấy giấy nhuộm màu mực tím học trò và dùng ngòi bút lá tre chấm bằng nước màu vẽ kẽ những dòng nhạc và ca từ của những bản nhạc hay những bài thơ ưa thích. Dĩ nhiên màu vẽ này phải là màu trắng mới làm nổi bật trên giấy tím. Sau đó tôi kẹp những bài hát hay bài thơ này vào phía sau bìa quyển tập học trò. Bên ngoài là bìa bọc tập bằng ni lông. Hồi đó chúng tôi chưa có bao tay để mang khi làm công việc như bây giờ. Do đó tay tôi lúc nào cũng bẩn màu mực tím do thường xuyên nhuộm giấy màu tím. Ngày ấy nay còn đâu? Giờ nghĩ lại mới thấy những ngày ấy thật dễ thương và thật vô tư. 

Tôi rất thích các món ăn của Huế. Dù bây giờ đã sống xa quá xa Huế nhưng hương vị các món ăn Huế vẫn không thể nào quên được. Nào là bún Huế, cơm hến, nem lụi, tôm chua, vả trộn, bánh canh Nam Phổ… Còn nói đến bánh thì chao ôi thật là nhiều loại: bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh khoái, bánh ít, bánh ướt…Chè thì có chè bắp Cồn Hến, chè bột lọc thịt quay, chè hạt sen, chè nhãn bọc hạt sen, chè khoai tía, chè đậu ngự, chè đậu ván, chè đậu quyên, chè thập cẩm…Một đặc sản nữa của Huế mà khi nào ai đi Huế cũng mua về làm quà, đó là kẹo mè xửng Huế. Kẹo được làm thành những miếng hình vuông và bên ngoài được phủ một lớp mè, nên được gọi là mè xửng. Một người bạn cũng xa quê như tôi đã than là ở nơi anh sống không có nhiều món ăn Huế. Thi thoảng cũng tìm được món bánh bèo nhưng than ôi, bánh không mỏng như bánh đúng kiểu của Huế, chỉ toàn là bột…

Còn quá nhiều điều về Huế tôi không thể nói hết và tôi cũng không biết hết. Thật sự tôi không đủ tài năng và ngôn từ để diễn đạt hết nỗi lòng mình. Tôi không phải nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ hay họa sĩ. Chỉ là một bà già lưu lạc xứ người và luôn có cảm giác thật quen thuộc thân thương khi chợt nghe tiếng ai đó nói bằng giọng rặt Huế ở nơi đất khách quê người. Tất cả bây giờ đã trở thành ký ức, nhưng tất cả vẫn là những hoài niệm gợi thương gợi nhớ của những người con Huế, nhất là những người con xa quê hương và lòng lúc nào cũng còn đó một nỗi đau nhói vô hình khi nghĩ về một nơi chốn mà mình đã bỏ lại sau lưng…

Thân Hạnh, viết tặng những người con xứ Huế tha phương.

 
Đây Thôn Vĩ Dạ- Tác giả: Hàn Mặc Tử

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến Sông Trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà?


CHI LẠ RỨA- Tác giả: Nguyễn Thị Hoàng.

Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc
Nhìn chi tui - đồ cỏ mọn hoa hèn
Ngó chi tui - đồ đom đóm trong đêm
Cho thêm tủi bên ni bờ cô tịch

Tui ao ước có bao giờ tuyệt đích
Tui van xin răng mà cứ làm ngơ
Rồi ngó tui, chi lạ rứa: hững hờ
Ghép yêu mến, vô duyên và trơ trẽn

Tui đã tắt nỗi ngại ngùng bẽn lẽn
Bởi vì răng? Ai biết được người hè!
Nhưng mà chiều đã rủ bóng lê thê
Ni với nớ có khi mô mà gần gũi

Chi lạ rứa! Răng cứ làm tui tủi
Tàn nhẫn chi với một đứa thương đau
Cảm tình câm nên không sắc không màu
Và vạn thuở chẳng nên tình luyến ái

Chi lạ rứa? Người cứ làm tui ngại
Biết sông sâu hay cạn giữa tình đời
Bên ni bờ vẫn trong trắng chơi vơi
Mà bên nớ trầm ngâm mô có kể

Tui không muốn khóc chi những giọt lệ
Đọng làn mi ấp ủ mối tâm tình
Bên ni bờ hoa thắm hết tươi xinh
Mà bên nớ huy hoàng và lộng lẫy

Muốn lên thuyền mặc sóng cuồng xô đẩy
Nhưng thân đau nên chẳng dám đánh liều
Đau chi mô! Có lẽ hận cô liêu...
Mà chi lạ rứa hè? Ai hiểu nổi!

Tui không điên, cũng không hề bối rối
Ngó làm chi cho tủi nhục đau thương
Tui biết tui là hoa dại bên đường
Không màu sắc, chi lạ rứa hè, người hí

Tui cũng muốn có một người tri kỷ
Nhưng đường đời như rứa đó, biết mần răng?
Tui muốn kêu, muốn gọi, muốn thưa rằng
Chờ tui với! A, cười chi lạ rứa?

Tui không buồn, răng mắt mờ lệ ứa!
Bởi vì răng tui có hiểu chi mô
Vì lòng tui là mặt nước sông hồ
Chi lạ rứa, bên ni bờ tui khóc...

Tác giả: Thân Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập679
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm677
  • Hôm nay129,785
  • Tháng hiện tại945,474
  • Tổng lượt truy cập58,231,343
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây