Nhớ về Cha Phaolô Lê Văn Đẩu.

Thứ ba - 11/01/2011 20:34

Kỷ niệm.

Kỷ niệm.
Khi con ngồi viết mấy giòng nầy, học trò Việt Nam đang chuẩn bị những bó hoa tươi thắm để tỏ lòng tri ân những người cha thứ hai trong cuộc đời mỗi người vào ngày 20-11. Con cũng mua lẳng hoa, nhưng Cha, người thầy lớn, vị bề trên khả kính của con còn đâu nữa.

NHỚ VỀ CHA PHAOLÔ LÊ VĂN ĐẨU: LỄ GIỖ LẦN THỨ XIII (19/4/1996-19/4/2009)

Tác giả: Nguyễn Úy HT67,
Ngày đăng: 16/04/2009)

Suốt cuộc đời dấn thân phục vụ Hội Thánh trong sứ vụ linh mục, là kẻ hậu sanh và là học trò nhỏ bé của Cha, nhưng con đã sớm nhận ra rằng, trong khi đang mạnh khoẻ để lên đường cũng như khi đau đớn trên giường bệnh trong tuổi già, Cha Bề Trên luôn anh dũng để lập lại lời nói của thánh Phaolô: “Tôi biết tôi tin vào ai”.

Thưa Cha,

Khi con ngồi viết mấy giòng nầy, học trò Việt Nam đang chuẩn bị những bó hoa tươi thắm để tỏ lòng tri ân những người cha thứ hai trong cuộc đời mỗi người vào ngày 20-11. Con cũng mua lẳng hoa, nhưng Cha, người thầy lớn, vị bề trên khả kính của con còn đâu nữa. Con hầu như lãng quên Cha bao năm tháng qua, lòng xót xa hối hận ăn năn, con vội vàng thẳng tiến lên nghĩa trang Thiên Thai Huế để tỏ bày nỗi lòng. Tay run run  đặt đoá hoa nhỏ lên nấm mộ Cha, cúi đầu thắp nén nhang khẩn cầu, hình ảnh vô cùng thân quen của vị giám đốc TCV Hoan Thiện hiện lên từ tâm khảm. Con áy náy xin lỗi Cha và cúi đầu một lần nữa, tạ từ Cha ra về.

Cha qua đời vào ngày 19-4-1996 tại Nhà Chung Huế, hưởng thọ 84 tuổi.

Suốt cuộc đời dấn thân phục vụ Hội Thánh trong sứ vụ linh mục, là kẻ hậu sanh và là học trò nhỏ bé của Cha, nhưng con đã sớm nhận ra rằng, trong khi đang mạnh khoẻ để lên đường cũng như khi đau đớn trên giường bệnh trong tuổi già, Cha Bề Trên luôn anh dũng để lập lại lời nói của thánh Phaolô: “Tôi biết tôi tin vào ai”. Con có thể nói được rằng, trong khi thi hành chức vụ với nhiệm vụ quản xứ, khi lãnh nhận trách nhiệm Tổng Đại Diện giáo phận cũng như khi đón nhận thử thách qua công tác đào tạo linh mục cho giáo phận, Cha quá biết rõ con người, tâm tính và tình yêu của Chúa Kitô. Nhờ thế, Cha nhận diện ra Cha và các công việc của Cha. Cha có đủ tiêu chuẩn để hiểu biết người khác. Với cương vị giám đốc Chủng Viện, Cha phán đoán mà không chủ quan, Cha thương mến mà không thiên vị. Và như thế, Cha tránh được rất nhiều bất công, duy trì thăng bằng trong công cuộc lãnh đạo và xuất sắc đào tạo cho giáo phận những thợ gặt ưu tú trung kiên trong cánh đồng truyền giáo.

Trong khi nhiều linh mục đồng thời với Cha lần lượt được sai đi ra nước ngoài để mưu ích cho giáo phận trong việc thi cử học hành như Đức Ông Nguyễn Văn Lập, cha Ngô Văn Triệu, cha Cha Trần Thanh Giản, cha Trần Hữu Tôn...thì Cha Bề Trên của con hầu như chưa một lần xuất ngoại. Không có bằng cấp từ các đại học danh tiếng nước ngoài, nhưng Cha Bề Trên nổi tiếng là một linh mục có kiến thức uyên thâm về triết học, thần học và ngoại ngữ. Là một nhà giáo dục tầm cỡ, là một giáo sư nghiêm túc trong tác phong, là một vị quản xứ kỷ luật nề nếp, là vị Tổng Đại Diện có nhiều uy tín, là một linh mục có đầy đủ hoàn toàn tư cách đào tạo linh mục cho giáo phận. Tóm lại, Cha đã hớp hồn Đức Tống Giám Mục giáo phận, và ĐC đã giao phó cha Cha quá nhiều trọng trách trong giáo phận của ngài.

Và thế là toàn bộ cuộc sống 55 năm linh mục ở trần thế của Cha, Cha đã thi hành chức vụ của mình trong vâng phục và yêu mến. Nhờ Thánh Thần thúc đẩy, Cha đã bén rễ sâu trong đời sống thiêng liêng. Cha đã chu toàn chức vụ trong mối hiệp thông với giám mục và các linh mục khác trong giáo phận.

Trong 9 năm dài đăng đẳng với trách nhiệm quản xứ giáo xứ chính toà Phủ Cam. (1958 - 1967), vào ngày 20-5 năm 1967, cha nhận bài sai về thế chỗ cha bề trên Nguyễn Văn Thuận được Toà Thánh gọi làm giám mục Nha Trang. Vị linh mục 55 tuổi (Cha sinh ngày 1-1-1912) kiêm nhiệm thêm chức vụ Tổng Đại Diện giáo phận. Lúc bấy giờ con mới bắt đầu nhập học tại TCV với lớp đệ thất. Con đâu có biết rằng, Cha Bề Trên của con không du học nước ngoài mà từ năm 1942, Cha đã là giáo sư TCV An Ninh. Năm 1945 Cha là giáo sư ĐCV Phú Xuân. Sau đó, từ năm 1953-1958, Cha là giáo sư TCV Phú Xuân và từ năm 1955-1958, Cha là bề trên của TCV nầy. Với bề dày thâm niên trong công tác giáo dục như thế, không lạ gì giáo phận không để yên cho Cha được ngơi nghỉ, mà gánh nặng tiếp tục giao phó cha Cha. Đáng kính thay, Cha cúi đầu đón nhận với tấm lòng vâng phục khiêm cung... Ý định của Thiên Chúa đã lan tỏa mãnh liệt trong kiến thức chuyên môn của vị giám đốc quá giàu kinh nghiệm. Và trong 5 năm thi hành nhiệm vụ giám đốc TCV Hoan Thiện, Cha Bề Trên đã nghiêm khắc với bản thân để đào tạo các thừa sai của Chúa Kitô trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho giáo phận.

Cha Bề Trên tiếp tục đi theo đường hướng của vị tiền nhiệm để lại. Nhưng với bản tính nghiêm khắc, kỷ luật nề nếp của Cha, khó lòng có chú chủng sinh nào bê bối, bướng bỉnh như con đây, còn hiện diện được trong mái trường chủng viện suốt nhiệm kỳ của Cha. Cụm từ “bị về” có lẽ được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian cha cai quản chủng viện. Quả thật, Cha sàng hạt giống kỹ lưỡng như bác nông dân sàng gạo trong lúc được mùa! Càng được mùa, người ta càng tìm kiếm những hạt gạo no đầy thơm tho cất vào kho lẫm, hạt gạo xép mốc meo đáng ném ra ngoài cho chim trời dày xéo! Việc tu trì, theo Cha phải là những ước vọng sâu xa trong nỗ lực đạt đến Nước Chúa và động viên mọi năng lực cũng như phương tiện hữu hiệu để tiến đến lý tưởng mình đã chọn. Cha không chấp nhận chuyện ỡm ờ, qua loa chiếu lệ. Mặc dù chỉ là chú học trò trung học, tuổi 15, 16...nhưng Cha Bề Trên đã đúc thép uốn nắn, bằng những toan tính dũng cãm, để cho học trò đáp trả lời mời gọi của Chúa Kitô. Ngài đã tuyển chọn hạt giống và tách biệt nó giữa khối dân Chúa, mà tham gia vào chức vụ của Ngài, như là đầu của nhiệm thể. Đối với Cha, chủng sinh tuy phải sống và gia nhập giữa đời thường, nhưng không thể sống và hành động như đời thường.

Năm 1970, con bị về, có nghĩa Cha Bề Trên và ban giáo sư không chấp nhận kiểu  sống “như đời thường” của con. Tuổi ăn chưa no lo chưa tới, con bực Cha lắm, và từng tuyên bố sẽ không còn bao giờ đi trên con đường Đống Đa nữa! Nhưng khi lớn lên, con mới thấm thía rằng, chức vụ linh mục không cho phép lấy thế gian làm mực thước trong đời sống. Nhưng chính khi sống trong đời sống thế gian, người linh mục tương lai phải biết cách đi ngược dòng đời, ngược lại với ý thích cá nhân, tức là biết đoạn tuyệt với thế gian. Người linh mục tương lai phải biết đêm ngày lo tìm kiếm Chúa và phục vụ Chúa trong Hội Thánh. Rõ ràng, với những điều kiện tối hậu và khắt khe như thế, Cha bề Trên phải hy sinh loại chủng sinh “bệnh hoạn”  như con để duy trì sự an toàn thánh thiện của giáo phận.

Có thể nói rằng, toàn bộ đời sống của Cha bề Trên là chu toàn ý đinh của Chúa Kitô Linh Mục trong công việc được giao phó. Giáo phận và chủng viện là nơi Cha Bề Trên yên tâm kết hợp với Thiên Chúa.

Đội ngũ giáo sư được Cha Bề Trên mời cộng tác, hoàn toàn đồng ý với phương cách huấn luyện và giáo dục, có phần nào cứng rắn của Cha. Nổi bật nhất là cha giám luật Nguyễn Đình Cẩm, cha giáo Oxarango và Petitjean. Thế hệ chủng sinh của con lắm lúc thấy chán nản, và từ trong vô thức đã trở thành những tên “siêu quậy” từ hồi nào! Nhưng làm sao được khi còn là quản xứ giáo xứ chính toà, Cha Bề Trên đã lãnh đạo giáo xứ trong cung cách nghiêm khắc và kỷ luật. Trong nhiệm vụ giáo dục và lãnh đạo, Cha Bề Trên đã miệt mài trung thành với tôn chỉ và đường hường mà Cha đã chọn.

Ngày 8-6-1971, Cha thôi giữ chức vụ Tổng Đại Diện và bàn giao lại cho cha Simon Nguyễn Văn Lập, từ viện Đại Học Đà Lạt trở về quê. Và đến năm sau, vào ngày 20-8-1972 Cha ngậm ngùi giã từ TCV Hoan Thiện để vâng lời bề trên đi nhậm xứ. Cha Bề Trên của con lúc nầy đúng 60 tuổi.

Nhưng điều con ngạc nhiên và khâm phục ở Cha. Từ địa vị Tổng Đại Diện giáo phận, bề trên chủng viện, Cha Bề Trên chấp nhận làm quản xứ một giáo xứ quê nghèo nhỏ bé, xa thành phố, người dân lam lũ nhọc nhằn. Cha về Tân Mỹ và nhường nhiệm vụ giám đốc TCV lại cho cha giáo Nguyễn Như Thể.

Bị Cha cho về năm 1970, chỉ 2 năm sau, con lại trở thành con chiên của Cha. Khi đón Cha về nhận giáo xứ của mình, từ trong thâm tâm, con sung sướng và hãnh diện, Cha quản xứ chính là Cha Bề Trên của mình. Trong ngày đưa Cha về nhận xứ, cha TĐD Simon Nguyễn Văn Lập giới thiệu Cha với cộng đoàn:

Giáo xứ Tân Mỹ hãy vui mừng và cảm tạ Chúa, vì ĐTGM đã thương và ban cho anh chị em một linh mục danh tiếng của giáo phận: Cha Phaolô Lê Văn Đẩu. Như anh chị em đã yêu mến và trung thành với Chúa Giêsu là Đầu Hội Thánh, thì giờ đây, anh chị em cũng bày tỏ lòng trung thành, cộng tác và biết ơn với tân linh mục quản xứ của anh chị em. Vì mục đích cao cả của Ngài là được phục vụ anh chị em...”

Từ việc bực mình Cha và thề sẽ không còn đi trên đường Đống Đa nữa, giờ đây con phải đối diện một sự thật, từ đây, con sẽ làm con chiên của Cha và cộng tác với Cha như lời mời gọi của cha TĐD. Mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ nhỏ bé quê mùa lần lượt vào trình diện với Cha, và dĩ nhiên, con ngại ngùng lấp ló theo đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể đứng nghiêm trang nhìn Cha Bề Trên của mình. Chỉ sau 2 năm vắng bóng Cha, vẫn tiếng ho đặc biệt “ bhỏ, bhỏ...” mỗi sáng sớm, vẫn điếu thuốc Bastos xanh quen thuộc, vẫn chiếc áo dòng luôn luôn có hàng nút xéo bên vai, vẫn là chữ ký có cái đuôi ngoặc trở lui rất phong thái, nhưng con cảm thấy Cha già hơn nhiều. Mái tóc Cha đã bạc trắng, tiếng ho mỗi lúc mỗi nhiều, dáng đi có phần chậm lại...Không hiểu sao, con muốn nói lên lời xin lỗi Cha vì tội thề “không bao giờ đi trên đường Đống Đa”. Từ chiếc bàn dài nhà xứ, Cha nhận ra con ngay và hỏi thăm về chỗ học hành hiện nay. Cha thấy con có giọng hát tốt, đề nghị cứ mỗi chiều thứ 7, đi học ở thành phố về tập hát với ca đoàn. Và chỉ có chừng đó thôi. Nhẹ nhàng êm ái, Cha tha thứ lỗi lầm của con rồi.

Cha Bề Trên làm quản xứ một giáo xứ nghèo trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Tất cả thanh niên trong giáo xứ đều đi lính, làm công chức xa nhà, đi học ở thành phố... Cha Bề Trên chỉ còn lại một ít các cụ già và lớp nông dân. Thiếu nhân sự trầm trọng, vị quản xứ vang danh một thời đành phải tự mình nỗ lực phấn đấu không ngừng để làm cho dân chúng quê mùa trở thành của lễ tốt đẹp được Thánh Thần thúc đẩy thánh hoá. Lợi dụng vào kinh ngiệm dài năm trong việc lãnh đạo giáo phận, Cha đã tập hợp mọi thành phần dân chúng tại đây thành một của lễ thánh dâng lên Thiên Chúa!

Người Mỹ sinh sống quanh vùng Tân Mỹ biết danh Cha, nhiều lần cử phái đoàn đến thăm vị quản xứ thời danh để xin cộng tác. Chưa một lần nhận lời và với lối ngoại giao tài tình, Cha từ chối tấm lòng của họ và giới thiệu người Mỹ những nơi khác. Nhiều lần họ muốn mua thêm đất do giáo xứ quản lý với giá tiền cao, để nới rộng diện tích căn cứ sinh hoạt, cũng là nhã ý để Cha và giáo xứ có ngân sách dồi dào. Cha Bề Trên một mực từ chối và khẳng định: “Các ông muốn giúp đỡ gì cho giáo dân ở đây, với tư cách quản xứ, tôi xin cám ơn. Nhưng mời tôi cộng tác với các ông trong các lãnh vực ngoài chức năng của một linh mục, tôi không thể...” Người Mỹ đã bị khuất phục trước ý chí quyết liệt của Cha. Như vậy là quá rõ, Cha Bề Trên muốn băng bó vết thương xã hội bằng chính đời sống lành mạnh, sống giữa đời mà không đồng hoá với đời.

Vào tháng 3 năm 1975, qua nhiều biến động trên đất nước, Cha bề Trên âm thầm rời xa giáo xứ Tân Mỹ để tiếp tục cuộc hành trình phục vụ Hội Thánh tại giáo xứ Kim Long cho đến khi qua đời ngày 19-4-1996 tại Nhà Chung giáo phận Huế.

Kính  thưa Cha Bề Trên Phaolô Lê Văn Đẩu kính mến,

Đã 12 năm vắng bóng Cha tại giáo phận, đứa học trò ngỗ ngịch làm Cha buồn lòng năm 1967 khi xưa, xin cúi đầu lạy tạ xin lỗi Cha nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam, 20-11-2008.

Giáo phận Huế vô cùng ghi ơn Cha, bởi vì qua 65 năm trong thiên chức linh mục, Cha đã dâng hiến mọi nỗi khát khao và khiêm tốn tận tình phục vụ hiếu thảo Chúa Giêsu linh mục. Cha đã hoạt động trong Hội Thánh và giữa xã hội loài người trong mọi sứ mạng được giao phó, để thi hành ý định của Thiên Chúa. Cha đã sít sao theo sát con đường đi của Chúa Giêsu, vị linh mục duy nhất!

Và chúng con đây, học trò của Cha, thưa Cha Bề Trên đáng kính, nhờ lời cầu nguyện của Cha trên thiên đàng, chúng con đang giao tranh để cố giành sự sống, vẫn không hề bỏ nhau mà nhu cầu mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày cần có nhau. Mắt chúng con sáng lên khi ôm choàng được tinh hoa sự sống mà Cha đã gieo vào lòng chúng con. Lòng chúng con rộn ràng khi vốn liếng được hấp thụ trong ngôi nhà do Cha lãnh đạo, giờ nầy phát triển làm hành trang cho chúng con kiên vững bước đi giữa cảnh đời bão tố!

Và thưa Cha, con xin mượn lời của tiên tri Jêrêmia để làm thành áng hương dâng lên Cha nhân ngày tưởng nhớ đặc biệt nầy:

“... Lạy Giavê Thiên Chúa. Chúa đã quyến rũ con và con đã để cho mình bị Chúa quyến rũ.  Chúa đã làm chủ con, Chúa đã mạnh hơn con...”

Xin vĩnh biệt Cha với nhiều hối tiếc vô cùng. Xin Cha tha thứ và hẹn gặp Cha trên thiên đàng.

Nguyễn Úy HT67. (Trích Liên Lạc Gia đình Cựu Chủng Sinh Huế số 16) 

Tác giả: Nguyễn Úy HT67

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập102
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm100
  • Hôm nay29,793
  • Tháng hiện tại504,261
  • Tổng lượt truy cập67,529,108
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây