Hồng ân trên biển cả.

Thứ ba - 11/01/2011 20:49

Biển cả.

Biển cả.
Chiều hôm ấy, biển trở nên động dữ dội. Mưa rơi thật to. Từng cơn sóng lớn đến, đưa chiếc ghe nhỏ bé lên xuống như muốn nhận chìm nó. Mọi người đã chui lên mặt ghe kể cả bọn thanh niên đang tát nước.

Hồng ân trên biển cả.

Tác giả: Nguyễn Đức Minh Tâm Gia đình AN45
Ngày đăng: 10/05/2009)

Chiều hôm ấy, biển trở nên động dữ dội. Mưa rơi thật to. Từng cơn sóng lớn đến, đưa chiếc ghe nhỏ bé lên xuống như muốn nhận chìm nó. Mọi người đã chui lên mặt ghe kể cả bọn thanh niên đang tát nước. Không còn ai ở dưới khoang nữa, để mặc cho nước biển tràn vào. Vẻ khiếp đảm, sợ hãi, chờ cái chết đến xuất hiện trên mặt mọi người. Ai cũng khóc lóc, kêu van, cầu nguyện theo tôn giáo riêng mình, tạo nên một cảnh thê lương, não nùng trong cơn gào thét của biển cả. Ba em tôi và tôi đều khóc và đã bắt đầu đọc Kính mừng Maria đầy ơn phúc . . .

Tôi cố đi vượt biển không biết bao nhiêu lần. Ba má tôi muốn anh em chúng tôi trốn ra nước ngoài để có tương lai tươi sáng. Ở Việt Nam, vì lí lịch, nên không được học hành, không bằng cấp, không nghề nghiệp vững chắc, không có tương lai. Dù biết rằng đi vượt biển bằng ghe là mạo hiểm, có thể bị bắt bỏ tù, có thể bị hải tặc cướp, hoặc có thể bị chết vùi thân giữa biển cả.

 Tôi hai lần bị bắt vì vượt biển. Lần bị bắt thứ nhất ở Phan Thiết, ở tù bốn năm, đi với em gái Phương Thủy. Lần thứ hai bị bắt ở Cần Thơ, ở tù ba tháng, nhờ khai tuổi nhỏ, đi với em trai Bình An.

Những lần khác, bị bể thì ít, bị gạt thì nhiều. Lần cuối cùng, tôi ra đi với ba đứa em, ngoài hai đứa trên, còn có em gái út Hương Thủy. Ba tôi nói số nó hên, đem theo, tôi sẽ lọt! Bữa trưa hôm ấy chỉ là một bữa cơm bình thường. Không có món gì thịnh soạn cho buổi tiễn đưa. Mọi người nói chuyện dường như không vui vẻ, tự nhiên như thường lệ. Tôi thấy nét lo âu hiện trên gương mặt ba má và anh em tôi. Không biết chuyến đi này có trót lọt không. Ðang ăn cơm, học trò Phấn đạp xe tới tặng tôi một bi-đong nước trước khi lên đường. (Bình biđong này tôi dùng đựng nước uống dưới ghe, trên tàu Hi Lạp, rồi ở trại tị nạn Thái Lan và Phi luật Tân mãi đến trước khi qua Mỹ). Thường chuyện vượt biên tôi giữ kín lắm, không cho người ngoài biết. Nhưng vì cô ấy nói mấy lần trước thầy dấu em nên thầy đi không được, nên lần nầy tôi cho cô biết.

Ăn xong, bốn anh em chúng tôi rời nhà. Ðón xe đò đến bắc Cần Thơ, rồi đi xe lam vào thành phố Cần Thơ. Ở nhà người quen cho tới chập choạng tối thì được đưa đến một bến đò gần một chiếc cầu nhỏ.

Chúng tôi lên một chiếc xuồng ba lá cùng với vài người nữa. Chèo trên sông khoảng nửa tiếng đồng hồ, xuồng cập vào một chiếc ghe khác lớn hơn. Khi chun vào khoang ghe, tôi cảm thấy đã có đông người rồi vì nghe rộn tiếng xì xào nói chuyện và tiếng trẻ con khóc. Nhiều chiếc xuồng nhỏ vẫn tiếp tục đổ thêm người vô ghe. Cuối cùng, tôi cảm thấy sát chung quanh tôi chật cứng người. Trời tối thui, tôi không thấy rõ để đoán khoảng bao nhiêu người. Không khí thật ngột ngạt, chật chội .

Tôi chỉ mong đây chỉ là một ghe nhỏ dùng để đưa người ra một chiếc ghe lớn khác. Nhưng không! Ðây chính là chiếc ghe định mệnh, chỉ dài mười một mét, rộng bốn mét, đưa chúng tôi, sáu mươi chín người, kể cả đàn bà và trẻ em, vượt biển trốn khỏi Việt Nam .

Ghe chạy trên sông khoảng một ngày. Dừng lại vài lần, mỗi lần nghỉ vài giờ, dường như câu giờ để đến cửa biển vào lúc hoàng hôn xuống. Ðây là lúc hồi hộp và lo sợ nhất vì có đồn công an biên phòng.

Mọi người được bảo nằm rạp xuống và giữ im lặng. Vậy mà thỉnh thoảng lại có tiếng trẻ con trong ghe khóc ré lên làm mọi người đứng tim. Tôi vẫn còn đau vụ vượt biên bị bắt lần hai vì tiếng khóc trẻ con. May mắn thay, ghe qua khỏi cửa biển không bị phát hiện. Sóng biển nhấp nhô chỉ mới đưa chiếc ghe lên xuống vài lần là đã có nhiều người nôn mửa.

Chúng tôi đang lay hoay lo cho những người bị say sóng thì nghe có tiếng la lên: “Tất cả nằm xuống! Coi chừng bị bắn! Có tàu công an biên phòng đang đuổi theo!” Chiếc ghe mở hết tốc độ chạy. Mọi người hoang mang lo sợ. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, có tiếng người nói vọng xuống khoang ghe: “Tụi nó bỏ cuộc rồi!” Mọi người thở phào nhẹ nhỏm. Tôi ngủ thiếp đi hồi nào không hay sau gần hai ngày mệt mỏi mất ngủ. Chiếc ghe vẫn tiếp tục chạy nhấp nhô trên sóng biển. Tôi giật mình thức dậy vì có tiếng nói ồn ào chung quanh. Tiếng máy ghe im hẳn. Mọi người xôn xao. Bây giờ trời đã sáng. Tôi nhìn chung quanh thấy người ngồi người nằm san sát nhau trong khoang ghe chật cứng như cá mòi xếp trong hộp. Ai cũng mệt mỏi, thất thần. Mặt mũi ợ dính đầy bụi khói đen từ máy ghe. Hai thanh niên đang lay hoay sửa máy.

Sau một đêm chạy hết tốc lực, vừa ra được hải phận quốc tế, ghe bị bể hộp số. Nhiều người chui ra khỏi khoang ghe lên tầng trên cho thoáng, tôi cũng chui theo.

Biển lúc này tương đối yên lặng. Ðiều ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là cảnh biển xanh thật bao la. Chung quanh tôi là một màu xanh chạy dài bất tận đến cuối chân trời. Nhìn cảnh hùng vĩ bao la biển trời, nhìn lại chiếc ghe mong manh đang lênh đênh trên biển cả với sáu bảy chục người mệt mỏi, âu lo, tôi cảm thấy thân phận con người thật nhỏ bé, yếu đuối, không là gì cả !

Máy ghe không sửa được. Mọi người hoang mang, lo sợ. Chúng tôi bắt đầu tìm áo trắng xé ra làm cờ treo trên cột ghe, gom áo quần, giầy dép đốt lên, tìm gương, kiếng, kim loại phản chiếu ánh nắng mặt trời để làm dấu hiệu cầu cứu tàu bè qua lại.

Từ sáng đến chiều tối, tôi đếm tổng cộng đến mười tám chiếc tàu đi ngang qua. Nhỏ có, lớn có, xa có, gần có. Có chiếc tàu lớn chạy ngang gần chiếc ghe đến nỗi tôi có thể đọc được chữ trên thành tàu, đó là chiếc tàu HAMLET. Nhưng không có tàu nào dừng lại cứu vớt chúng tôi. Có lẽ họ không thấy ghe chúng tôi vì nó nhỏ quá. Có lẽ họ thấy nhưng lơ đi vì không muốn gánh trách nhiệm, vì các trại tị nạn đã đóng cửa, vì nước họ cấm . . .

Màn đêm bao phủ biển cả. Chung quanh ghe tối như mực. Ánh sao trên trời không đủ soi sáng mặt biển. Tôi chỉ nghe tiếng sóng vỗ rào rạt vào mạn ghe. Chúng tôi vẫn tiếp tục đốt lửa, cầu nguyện và hi vọng. Cảnh đêm đen tĩnh mịch trên biển cả thật ghê rợn. Bỗng có người la lên có điểm sáng từ xa. Ðiểm sáng ấy cứ lớn dần. Ba bốn điểm sáng khác xuất hiện rồi cũng lớn dần. Cuối cùng chung quanh ghe chúng tôi là đoàn ghe đánh cá Thái Lan gồm khoảng năm sáu chiếc lớn hơn ghe tôi rất nhiều, trong số có một chiếc rất lớn với đèn điện sáng trưng.

Sau vài phút nói chuyện bằng cách đưa tay ra dấu cho họ biết ghe chúng tôi bị hư máy trên đường chạy trốn từ Việt Nam , thì như một trận mưa nào là sữa hộp, nước trái cây hộp, bánh kẹo, thức ăn được ném vào ghe chúng tôi từ các ghe Thái Lan. Hai thủy thủ Thái nhảy xuống biển, lội qua ghe chúng tôi, mang theo một can dầu, một tấm bạt nilong thật lớn tặng chúng tôi. Họ cố gắng sửa máy ghe, nhưng không sửa được. Sau đó, chiếc ghe lớn nhất quăng dây thừng qua, cột ghe chúng tôi và kéo đi suốt đêm.

Trời hững sáng, đoàn tàu Thái Lan dừng lại. Họ giật giật sợi dây thừng ra hiệu cho chúng tôi tháo dây ra. Chúng tôi không chịu, ra dấu xin họ kéo ghe chúng tôi vào đất liền. Họ trả lời họ sẽ bị ở tù bằng cách tréo hai tay lại hình chữ X. Không còn kiên nhẫn đợi chúng tôi tháo sợi dây thừng, họ dùng dao chặt đứt sợi dây. Một câu tiếng Thái thật lớn vọng lại từ ghe họ. Không biết sao tự nhiên tôi hiểu là “Cầu Trời phù hộ cho các bạn.” Rồi họ bỏ đi.

Tôi không trách họ vì đã bỏ đi nhưng lại thầm cám ơn họ. Nhờ ghe họ kéo đi một đêm dài, nếu không có lẽ ghe chúng tôi đã bị trôi dạt vào Việt Nam lại rồi. Biết đâu chừng tôi lại bị bắt một lần nữa, ở một trại tù Phú quốc hay Cà Mau nào đó, rồi má tôi và em gái tôi Thanh Thủy lại cực khổ đi thăm nuôi tôi nữa? Hơn nữa, nhờ thức ăn họ cho, mấy ngày lênh đênh trên biển cả, chúng tôi không bị đói khát. Ðặc biệt nhờ tấm bạt họ cho, một số người chúng tôi che đỡ mưa gió khi cơn bão tới.

Tôi cảm tạ Thiên Chúa đã thương và cho ghe tôi gặp đoàn ghe đánh cá Thái Lan tốt bụng. Nếu găp bọn hải tặc, không biết giờ này tôi ra sao? Khi đến trại tị nạn Thái Lan và Phi Luật Tân, tôi được các nhân chứng sống kể lại cảnh cướp bóc, hãm hiếp, giết chết thuyền nhân Việt Nam trên biển bởi bọn hải tặc Thái Lan. Giờ này tôi vẫn còn cảm thấy kinh hoàng!

Sóng biển và mưa gió trở nên mãnh liệt hơn. Nước biển tràn vào khoang ghe nhiều hơn. Bọn thanh niên mệt mỏi thay nhau tát nước một cách tuyệt vọng. Từng đợt sóng lớn đến đưa chiếc ghe lên thật cao và xuống thật thấp như muốn nhận chìm nó. Mưa to và sóng lớn làm ai cũng ướt như chuột lột. Nhiều người chun vào và cùng nằm dưới tấm bạt tránh mưa gió. Số khác ngồi co ro với chiếc áo khoác trên mình. Nỗi sợ hãi hiện rõ trên mặt mọi người. Tiếng khóc lóc, đọc kinh, cầu nguyện càng to hơn. Ai cũng đang chờ đợi cái chết đến. Tôi nhìn ba đứa em thật tội nghiệp, nằm dưới tấm bạt đang đọc kinh và khóc. Tôi cũng khóc theo.

Tôi nghĩ đến ba má và anh em tôi ở Việt Nam đang mong tin chúng tôi và luôn cầu nguyện cho chúng tôi từng giây từng phút. Chẳng lẽ cả bốn anh em chúng tôi cùng chết một lúc bây giờ sao? Tôi cầu xin Ðức Mẹ Maria cứu sống anh em chúng tôi và mọi người.

Kinh Kính mừng Maria được nức nở đọc lớn lên liên tục bởi nhiều người hòa lẫn với tiếng gào thét của biển cả với lòng tin tưởng mãnh liệt Ðức Mẹ sẽ nhận lời. Ðang trong lúc tuyệt vọng nhất, như có phép lạ, tôi nghe tiếng la: “Có tàu đến!” Rồi tôi nghe tiếng còi hụ. Vui mừng không thể tả được! Tôi tung tấm bạt ra, nhảy dựng dậy và thấy sừng sững trước mắt tôi một con tàu rất lớn như trái núi đang tiến gần đến chiếc ghe. Nhiều người nghiêng ngã đứng dậy quơ tay reo mừng trong khi chiếc ghe đang vật vã với sóng biển.

Thủy thủ đứng đầy trên bon tàu cũng vui vẻ vẫy tay. Người thì thẩy thang dây, người thì hạ thang treo xuống chiếc ghe để chúng tôi trèo lên. Có vài thủy thủ, kể cả phó thuyền trưởng sốt sắng chạy xuống tận cuối thang treo giúp phụ nữ, trẻ con và những người đuối sức lên tàu.

Khi người cuối cùng lên tàu, tôi nhìn lại chiếc ghe, chỉ vài con sóng, nó đang chìm dần vào trong lòng biển.

Ðó là chiếc tàu hàng Hi Lạp Saronikos trên đường từ Nhật đến Thái Lan đã nhìn thấy chiếc ghe đang ngụp lặn trong sóng biển, động lòng thương và đã đến cứu vớt chúng tôi.

Hình chụp em gái của tác giả lúc được cứu đưa lên tàu.

Tất cả mọi người trên tàu Hi Lạp thật tốt, từ vị thuyền trưởng đến anh thợ máy. Vừa lên tàu, chúng tôi được phát áo quần và vật dụng cá nhân. Tắm rửa, thay áo quần sạch sẽ xong, chúng tôi được đãi một bữa ăn ngon và lạ miệng. Sau khi ăn xong, chúng tôi lấy lại sức, thấy người khỏe ra. Ai cũng muốn chuyện trò với các thủy thủ. Chỉ có thuyền trưởng và thuyền phó là người Hi Lạp, còn thủy thủ là người các nước khác như Phi Luật Tân, Thái Lan, Ma rốc, Ai Cập, Colombia ... Họ đều nói được tiếng Anh, nên mọi người hiểu nhau ngay.

Chúng tôi được biết tàu đang chở hàng đến Thái Lan nên chúng tôi cũng được đưa đến đó. Thấy chúng tôi hoang mang vì các trại tị nạn ở Thái Lan đã đóng cửa. Vị thuyền phó nói nếu không có nước nào nhận, tàu ông sẽ chở chúng tôi thẳng về Hy Lạp định cư luôn. Chúng tôi vui vẻ lên ngay. Trong khi đang nói chuyện vui vẻ, tôi thay mặt các bạn Việt Nam cám ơn thuyền trưởng đã cứu vớt chúng tôi. Nếu không, giờ này chúng tôi đã vùi thây dưới lòng biển.

Nhưng ông ta trả lời rằng đừng cám ơn ông mà hãy cám ơn Thượng Ðế vì chính Ngài đã cho tàu ông thấy chiếc ghe chúng tôi và đã bảo ông đến cứu. Tôi cảm động nhìn vị thuyền trưởng khả ái. Hai dòng nước mắt chảy dài trên má tôi hồi nào không hay.

Hồi ký tháng 8/1988

Nguyễn Ðức Minh Tâm, Gia đình AN45

Viết xong ngày 15 tháng 8 năm 2008 

Tác giả: Nguyễn Ðức Minh Tâm, Gia đình AN45

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập86
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm82
  • Hôm nay29,894
  • Tháng hiện tại504,362
  • Tổng lượt truy cập67,529,209
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây