Những lần trở về.

Thứ bảy - 04/12/2010 20:46

Quê hương.

Quê hương.
Mỗi lần trở về nhà là một lần tim con đau nhói, đón nhận nhiều hạnh phúc, niềm ủi an, nhưng cũng chứng kiến lắm chuyện buồn. Nhưng con vẫn mơ ngày về. Vì mẹ là tất cả đời con, là con tim và là xương thịt. Làm sao cắt lá lìa cành? Sao đành tách cành xa cây?

NHỮNG LẦN TRỞ VỀ.

Nguyễn Cả PX61.

(Tác giả: Nguyễn Cả PX61, Colorado - Ngày đăng: 09/04/2009).

Tôi muốn trở về cùng cha tôi và thưa với người rằng: Lạy cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha…. Nhiều lần trong cuộc đời, tôi đã quay trở về nhà. Nhưng chưa bao giờ tôi thật sự trở về trọn vẹn. Ngoại trừ hình hài, hầu như tôi chưa một lần đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha và sống xứng đáng là một người con trung hiếu của gia đình, cách riêng là một người con tốt lành, hữu ích cho Giáo hội và quê hương.(1)

Một buổi chiều trước Tết Mậu Thân vài tháng, tôi đột ngột trở về nhà. Thấy tôi xách vali với khuôn mặt buồn sợ sệt, mẹ tôi biết ngay là chuyện không lành nên ngập ngừng hỏi:

-   Tại sao con về nhà?

-   Con xin lỗi cha mẹ là con… không tu nữa. Tôi nhỏ nhẹ và ấp úng trả lời.

-   Con nói gì vậy?

-   Mẹ ạ, con cảm thấy không xứng đáng …nên xin về.

Mẹ tôi lặng thinh, sắc mặt biến đổi từ ngạc nhiên qua thất vọng. Rồi xót xa, mẹ tôi âm thầm ngồi khóc. Từng giọt nước mắt của mẹ chỉ riêng người con ngoan hiền lau sạch. Buồn thay, tôi chưa bao giờ có thể lau khô những giọt nước mắt của mẹ.

Cha tôi nghiêm nghị nhìn và không nói. Vì cha tôi không phê phán một lời nên suốt đời tôi ân hận về lầm lỗi của mình. Không phải vì tiếc nuối những ngày tu trì và học hành rèn luyện ở Phú Xuân rồi Hoan Thiện. Nhưng vì tôi đã phạm tội đến trời và đến cha. Tôi mang mặc cảm là người phản bội. Phản bội tình yêu thương, hy vọng của gia đình và bà con.

Nhiều lần nhiều người hỏi tôi lý do về. Tôi không xứng đáng. Thật ra vì tôi tự ái là đã không được chọn làm Thiếu Trưởng Thiếu Đoàn Hoan Thiện. Như lời Kinh Cầu Khiêm Nhường của Đức HY Raphael Merry del Val: Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát con khỏi lòng ham ước được tôn vinh, khỏi lòng ham ước được ưu đãi hơn người, khỏi lòng ham ước được tín nhiệm…

Bây giờ cho đến mai sau, tôi cảm tưởng địa ngục có nhiều tầng. Địa ngục của giáo dân chắc chắn nhẹ nhàng và dễ chịu hơn địa ngục của hàng linh mục! Thà rằng tôi xuống hỏa ngục một mình, hơn là làm gương mù gương xấu cho bổn đạo con chiên một mai kia khi được bước lên Bàn Thánh. Trách nhiệm quá nặng nề cho một đôi vai gầy, yếu ớt và tội lỗi. Nên tôi bằng lòng về quyết định của mình. Nguyện xin ân sủng của Chúa luôn đổ tràn đầy cho anh em và tôi dám xin hưởng phần thừa thải còn lại.

Theo vận nước nổi trôi, tôi vào quân đội. Tin tức sôi động từ các chiến trường làm cha mẹ tôi đi đứng không yên. Đêm mất ngủ. Ngày quên ăn. Em trai tôi mất tích 12 ngày đêm ở dãy Trường Sơn. Là một cấp chỉ huy nhỏ bé của mùa hè đỏ lửa, nếu như tôi và vợ con tôi vẫn còn nguyên vẹn hình hài là chuyện lạ lùng. Tôi làm người ở lại, tử thủ. Vợ con tôi theo đoàn người di tản qua dòng suối máu. Cuối cùng, chúng tôi lại được trở về nhà, đem về bình yên cháu đích tôn cho cha mẹ là em bé An Lộc.

Như người cha nhân hậu, cha mẹ tôi dang rộng vòng tay yêu thương, vui mừng tiếp đón con cháu trở về. Nhưng vẫn im lặng. Chưa bao giờ cha mẹ tôi lên tiếng phê bình, khiển trách tôi điều gì. Nước từ trên cao bao giờ cũng chảy xuống. Có cách nào để nước chảy ngược lên không?

Ngày chia tay, mẹ tôi rưng rưng dòng lệ. Lời mẹ nghẹn ngào như đứt ruột gan:

-   Cha mẹ luôn mong con trở về. Nhưng rồi lại phải tiễn đưa chúng con đi.

Đó là lần tôi vỗ cánh bay đi biền biệt. Phương trời nào? Làm gì? Cuộc sống ra sao? Biền biệt vì những người thân yêu suốt thời gian dài không tin tức về tôi. Chắc chắn cha mẹ tôi luôn chấp tay nguyện cầu, lo âu và dõi trông từng bước chân của tôi trên vạn nẻo đường đời, nhất là trong hoàn cảnh đổi thay, khó khăn của đất nước.

Lá rụng bao giờ cũng về cội. Sau nhiều năm đi học tập trung, tôi lại trở về nhà. Tiều tụy, trắng tay, nhưng hành trang đức tin dồi dào, vững mạnh. Những năm tháng đi học là chuỗi ngày đọc kinh lần hạt, ăn năn và sám hối. Tôi may mắn được trở về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi tôi được sinh ra và lớn lên bên dòng sông Hương, phá Tam Giang. Thời gian này, thánh đường là mái ấm gia đình tuyệt vời. Hạnh phúc vô cùng với sáng lễ chiều kinh.

Mỗi lần nhìn lên thánh giá, tôi không bao giờ quên rằng: Lúc vừa 3 tuổi, cha tôi đã đóng chiếc quan tài để chuẩn bị chôn cất tôi. Nhưng mẹ của một linh mục ở nhà bên cạnh yêu cầu cha tôi lên nhà thờ khấn xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Sau lời nguyện thầm kín, chén nước lạnh hòa chút gỗ cạo nơi chân Thánh Giá bỗng trở nên đỏ và cha tôi đem về nhà cho tôi uống. Tôi tỉnh dậy, kêu đói và lành bệnh. Mẹ tôi không tin vào sự thật lạ lùng.

Chúa Giêsu đã nói với Nicôđêmô: Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không được sinh ra bởi Nước và Thánh Linh (Ga 3, 5). Vì vậy, lương tâm tôi luôn dằn vặt: Vô phúc thay cho tôi, khi tôi không đi rao giảng Tin Mừng. Tuổi tác chồng chất theo thời gian, tôi chưa là gì cho cha mẹ, cho gia đình và xã hội. Tu thân, tề gia không là việc đơn giản. Nhiệm vụ của tôi chưa hoàn thành như nén bạc Chúa trao ban đang còn giấu chôn trong túi áo.

Một buổi chiều, trong căn nhà đơn sơ nghèo nàn, tôi ngồi úp mặt trên bàn. Mẹ tôi đến thăm.

-   Có chuyện gì mà buồn vậy?

-   Sáng nay con làm hư hại mấy rỗ cá thu, rơi xuống sông.

Mẹ tôi sửng sốt và chờ đợi, lắng nghe tôi kể về câu chuyện rủi ro.

Đoạn đường 12 cây số từ quê tôi lên thành phố phải đi qua một chiếc cầu. Thông thường anh em đạp xích lô phải nhảy xuống xe và đẩy chiếc xích lô nặng trĩu hàng hóa lên con dốc cao.

Khoảng 5 giờ sáng hôm đó, tranh thủ thời gian, tôi cố gắng đạp hết sức mình để vượt qua con dốc, cũng là một kinh nghiệm thương đau. Chiếc xích lô bị trượt dốc và lăn xuống vực thẳm. Các rỗ cá tươi của người buôn bán tung túe trên mặt đường và bờ sông… Ngày đó tôi trở thành nhạc sĩ bất đắc dĩ:

Tôi không sinh ra để đạp xích lô,

Nhưng tôi hôm nay lại đạp xích lô.

…….

Khi mặt trời lên cao, mồ hôi đổ xuống,

Lúc gió chiều thổi ngược, chân ta phải đạp nhanh.

Bánh xe luôn quay cuồng, như ôm trọn thêm tình thương…

Một lần mẹ tôi tâm sự: nhìn con thở hổn hển trên chiếc xích lô, mẹ chảy nước mắt.

Tôi liều lĩnh là người đầu tiên của tỉnh Bình Trị Thiên mạnh dạn nộp đơn xin đi Mỹ định cư theo diện H.O. Như trong Cựu Ước, Giuse đã được bán sang Ai Cập, nên tôi chấp nhận làm thân viễn xứ, không phải riêng cho mình.

Linh mục Vincent Travers đã viết trong Đồng Hành Với Chúa: Sự nghịch lý lớn lao ở trong Thánh Kinh là: ai có đôi mắt thì bị mù, còn ai mù thì có thể thấy.

Những năm tháng sinh sống tại quê nhà, tôi không cảm nghiệm cao vời tình bạn bè, bà con lối xóm. Tôi không hiểu sâu sắc tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ và gia đình. Tôi không thắm thiết nét đẹp tình tự quê hương, mái trường xưa, con đường làng.

Bao day diết ray rứt từng đêm khuya, ngày tháng trống vắng khi thèm thuồng nhìn lại từng gương mặt thân quen, từng mảnh ruộng đồng, dòng sông, chiếc cầu. căn nhà, tà áo, một áng mây trôi, một cơn gió thoảng…

Tôi muốn khóc khi biết ai thất học, vì các em tôi thiếu thốn văn hóa. Tôi đớn đau lúc gặp bệnh nhân, vì cha tôi đã nhiều năm quằn quại trên giường bệnh. Tôi mến thương ông già bà lão, vì đó là hình ảnh của cuối cuộc đời tôi. Tôi cầu mong ai ai cũng có công ăn việc làm, vì bà con tôi đang thất nghiệp. Tôi nguyện chúc mọi người luôn được an bình hạnh phúc, vì bản thân tôi kinh nghiệm thăng trầm. Ước mơ thật nhiều và qua lớn lao mà vòng tay ôm của tôi vô cùng bé nhỏ, hoàn toàn bất lực. Tôi yêu thương tha nhân, vì “We are one body, one body in Christ”.[1]

Có người phê bình là tôi mau nước mắt. Nhưng con tim có bao giờ cằn cỗi và già nua. Lâu lắm rồi con dâu tôi đã nhỏ lệ tuôn tràn trong một bữa ăn gia đình: khi con vừa mở mắt chào đời 3 ngày, cha con đã vào bệnh viện thăm con, rồi từ dạo đó con mồ côi cha. Con thiếu tình phụ tử. Nay con thương yêu và xem cha như là cha ruột của con. Gần đây, thằng con trai độc thân đã nghẹn ngào riêng với tôi: khi con biết thương yêu cha mẹ thì đã muộn màng. Nước mắt giúp con tim mở rộng và làm tươi mới cuộc đời. Nước mắt làm vơi đi nỗi muộn phiền và dạy mình trưởng thành hơn.

Như trong cuộc đời của Giuđa, tôi không biết gì về số phận của chiếc túi đựng tiền.

Chiếc túi đựng tiền và sợi dây thừng đã giết chết Giuđa. Tôi biết nhiều về cha mẹ nhưng không biết những gì có thể tốt đẹp nơi tôi, làm cho cha mẹ vui lòng. Tôi cố gắng tất cả những gì có thể để chu toàn bổn phận của một người con. Tôi không muốn tính tham lam ích kỷ của tôi giết chết cha mẹ tôi.

Vậy là cha tôi đã được đoàn tụ. Ngày mẹ tôi một mình qua sau, cũng là ngày cha tôi chuẩn bị lên bàn mỗ. Đêm Noel tha hương của mẹ tôi trong bệnh viện. Khách và những người quen thân, bạn bè từ quê nhà xa xăm có dịp đến thăm, ở lại rồi ra đi. Cha mẹ mừng vui hội ngộ rồi lại khóc đưa tiễn.

Quê hương như một sợi dây vô hình ràng buộc, không thể tách rời với nỗi lòng của cha mẹ. Cuối cùng cha mẹ và chúng con cũng đã trở về nhà.

Ngày tôi về lại quê hương với chiếc quan tài là một ngày thật buồn, vô cùng ảm đạm. Tôi cúi đầu chịu tội với các em, các cháu tôi. Chúa thương gọi cha về. Cha tôi đã ra đi và mong muốn yên nghỉ nghìn thu bên cạnh tổ tiên ông bà cha mẹ. Suốt cuộc đời, tôi là người con bất lực. Mảnh vụn hạnh phúc mong manh và cuộc đời ngắn ngủi có một điều gì đó cao siêu mầu nhiệm hơn, giúp tôi đứng vững với đức tin và hy vọng.

Mẹ không muốn xa rời cha. Mẹ không muốn thêm một lần giã từ con cháu. Mẹ là quê hương nên quê hương là mẹ. Mẹ đã vĩnh viễn trở về nhà.

Mẹ ơi,

Gần 4 năm rồi con xa mẹ. Hầu như đêm ngày nào con cũng mơ tưởng về mẹ. Trong giấc ngủ chập chờn, khi ăn uống vui chơi, lúc miệt mài làm việc… Các cháu lên 4 lên 5 nhiều lần hỏi tôi là ông bà cố đâu rồi? Khi nào qua lại đây? Tại sao ở lại VN? Các cháu còn qua nhỏ, nên chưa thể thấu hiểu ý nghĩa và nhân cách của tình phụ tử, tình mẫu tử hay tình hoài hương.

Mỗi lần trở về nhà là một lần tim con đau nhói, đón nhận nhiều hạnh phúc, niềm ủi an, nhưng cũng chứng kiến lắm chuyện buồn. Nhưng con vẫn mơ ngày về. Vì mẹ là tất cả đời con, là con tim và là xương thịt. Làm sao cắt lá lìa cành? Sao đành tách cành xa cây?

Hôm tết, một nữ tu lớn tuổi thư cho con: O về thăm mẹ. Một mắt mẹ mù lòa, mắt kia hầu như không còn thầy gì cả. Chút tiền bạc cháu gởi về, mẹ không giữ làm của riêng, mà chia hết cho tất cả con cháu. Lòng mẹ bao giờ cũng bao la. Mắt mẹ mù lòa nhưng lòng mẹ luôn trong sáng.

Cha mẹ và quê hương ơi, xin mở rộng vòng tay tha thứ, yêu thương và đón nhận con, vì con là đứa con hoang đàng trên đường trở về.

Nguyễn Cả PX61, Colorado

Tháng 3-2009

------------------------------------------------

[1] Bài hát chính thức của Đại Hội Giới Trẻ Thế giới tháng 8-1993 tổ chức tại Denver, Colorado.
 

Tác giả: Nguyễn Cả PX61

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập219
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm212
  • Hôm nay24,420
  • Tháng hiện tại269,828
  • Tổng lượt truy cập67,294,675
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây