Chiếc bình nứt
Ngày xưa, ở ngôi làng nọ của Ấn Độ, có anh chàng gánh nước bằng hai chiếc bình, một chiếc bị nứt, còn chiếc kia thì nguyên vẹn.
Khi gánh nước, anh treo mỗi chiếc bình vào một đầu đòn gánh. Chiếc bình nguyên vẹn không bao giờ để rơi một giọt nước nào trên đường về. Còn chiếc bình nứt thì dẫu có đổ đầy đi chăng nữa, khi về đến nhà cũng chỉ còn lại một nửa.
Chiếc bình tốt luôn tỏ vẻ hãnh diện, tự hào về sự hoàn hảo của mình. Còn chiếc bình nứt lúc nào cũng thấy vô cùng xấu hổ, luôn mang trong mình cảm giác thất bại.
Một ngày nọ, ở bên bờ sông, chiếc bình nứt đau khổ nói với người gánh nước: “Ông chủ ơi, con cảm thấy rất xấu hổ và có lỗi với ông”.
Người gánh nước hỏi: “Tại sao con lại nghĩ như vậy? Con xấu hổ vì điều gì chứ?”.
Chiếc bình nứt bèn trả lời: “Suốt hai năm qua, vì vết nứt bên hông mà con chỉ đem về được một nửa bình nước, nhọc công phí sức của ông mà thôi”.
Người gánh nước bình thản đáp: “Hôm nay, trên đường về nhà, con hãy nhìn sang hai bên vệ đường nhé”.
Khi người gánh nước quẩy bình trên vai về nhà, chiếc bình nứt đã nhìn thấy những bông hoa tươi đẹp dưới ánh nắng mặt trời ấm áp. “Những bông hoa thật đẹp”, chiếc bình nứt nhủ thầm, tự cảm thấy vui hơn một chút.
Nhưng khi về đến nhà, nó lại vô cùng xấu hổ vì thấy một nửa bình nước đã bị rò rỉ dọc đường.
Người gánh nước liền nói với nó: “Con có nhìn thấy những bông hoa bên vệ đường không? Và con có nhận thấy những bông hoa chỉ nở ở bên đường phía con không? Thật ra, ta đã sớm biết về vết nứt của con, nên đã chủ tâm gieo một số hạt hoa ở vệ đường phía bên con. Mỗi ngày khi ta gánh nước về nhà, con đã tưới tắm cho chúng bằng những giọt nước rơi ra từ chỗ rò rỉ của con mà con không hề hay biết. Suốt 2 năm qua, trong nhà ta không bao giờ thiếu những bông hoa đẹp cắm trên bàn. Nếu như không phải vì vết nứt của con thì ta cũng chẳng thể có được những bông hoa đẹp để trang trí trong nhà mình”.
***
Vậy đấy, việc trên đời chẳng bao giờ là hoàn mĩ.
Người trong đời cũng nào có hoàn hảo được đâu?
Nhưng đôi khi nhược điểm lúc này lại trở thành ưu điểm lúc kia.
Đôi khi, nỗi đau mà bạn phải chịu lại trở thành sức mạnh truyền cảm hứng.
Vậy nên, chớ gặp việc đau buồn mà nản chí, chớ gặp cảnh đau thương mà tự hủy hoại chính mình.
Bởi mỗi việc đến với ta trong đời đều là nhân duyên, an bài tốt nhất.