Mộ tổ tiền khai canh họ Phan của làng - Ảnh: T.LỘC
Làng cũng cự lại, vua bực, "đẩy" về dải cát ven biển cách xa kinh thành gắn cho cái tên: Cự Lại.
Đó là cách giải thích "tếu táo" về tên gọi làng Cự Lại, thuộc xã Phú Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhưng, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh khẳng định ba làng này không liên quan với nhau, và Cự Lại có nguyên do đặc biệt của nó.
Tên nghe thất kinh mà làng êm ấm
Từ cầu Thuận An theo quốc lộ 49 đi men dải cát giữa biển và đầm phá về phía nam chừng sáu cây số là đến làng xưa Cự Lại. Điểm đầu làng rất dễ nhận ra, bởi "tiếp đón" là dãy lăng mộ nguy nga, chen chúc, vây phủ lên cả ngọn đồi cát cao kéo dài suốt mấy trăm mét.
Tôi đứng ngẩn ngơ trước những khu lăng khảm sành sứ dày đặc, một người đàn ông trong làng đang chăn trâu gần đó bảo: "Lăng mộ làng tui có nghĩa lý chi mô so với An Bằng. Nhưng cũng có cái ở đây xây tốn bạc tỉ đó!".
Ông chăn trâu có thể khiêm tốn nhưng phần nào cũng có lý khi so sánh với "thành phố lăng" cách đó 20 cây số của làng An Bằng vốn mang "tầm quốc tế". Nhưng trông thật kỹ từng khu, nghệ thuật khảm nạm sành sứ có lẽ đã đạt trình độ thượng thừa, tuyệt đẹp khó bề kém cạnh bất cứ kiến trúc cung đình có khảm nạm nào.
Đồ sộ và tuyệt đẹp hơn cả là hệ thống nhà thờ họ và đình, miếu nằm khắp nơi trong làng, rất xứng đáng dành thời gian khám phá, chiêm ngưỡng.
Với nhiều nhà nghiên cứu, làng Cự Lại quý giá nhất vẫn là hệ thống giếng cổ dưới vuông trên tròn vô cùng độc đáo. Ông Trần Văn Kiệt, người làng, kể những giếng đó từ xa xưa lắm, hồi chưa có nước máy chúng gần như là "trung tâm" sinh hoạt của làng.
Nay, người ta ít dùng, và trở thành những di tích cổ xưa quý giá. Ông Kiệt tỏ vẻ tiếc nuối về cái giếng xóm Chùa nước trong mát tuyệt vời đã bị lấp đi...
Có người cho giếng cổ Cự Lại mang biểu tượng âm dương, trời tròn đất vuông rồi lắm kiểu giảng giải... Nhưng ý kiến thuyết phục hơn cả chính là sự kế thừa rồi phát triển tiếp nối. Khi những lưu dân người Việt đến đây chọn đất lập làng, những giếng vuông truyền thống của người tiền trú Champa đã có sẵn, có thể phần nào hư hỏng do đất cát bồi lấp.
Thế rồi, truyền thống gạch đá xếp theo hình tròn nghìn năm của người Việt cứ thế đặt lên những phiến đá xếp vuông phía dưới, tiếp dùng những mạch nước tốt đã được chọn lựa kỹ càng.
Cụ Phan Thiệp, 92 tuổi, trưởng làng Cự Lại, cho biết nhiều thế kỷ trước, ngài Phan Đại Lang từ Bắc vào Huế, chọn dải đất bên kia đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, vị trí làng Quảng Xuyên (xã Phú Xuân, cùng huyện Phú Vang ngày nay) lập nghiệp.
Để tiện cho nghề đi biển vốn có, ngài đã đưa con cháu vượt phá sang đất ven biển lập ấp và trở thành tổ khai canh của làng. Lăng mộ ngài hiện nằm giữa làng, được xây dựng rất bề thế.
Cụ Thiệp nói: "Mà chú thấy tên làng Cự Lại tui có đặc biệt không? Đi mô nghe hai tiếng Cự Lại là người ta thất kinh rồi". "Thế người làng dữ lắm hay sao để người ta thất kinh vậy thưa cụ?" - tôi hỏi.
Cụ nói ngay: "Không, người làng tui hiền lắm. Làng tui có bằng khen của tỉnh là làng không tệ nạn xã hội, không gây gổ, không xã hội đen, không ma túy chi hết, êm lắm (được công nhận Làng văn hóa Cự Lại - PV). Cái tiếng Cự Lại là từ hồi xưa hắn rứa đó".
Cự Lại sầm uất trên tuyến đường duyên hải của Thừa Thiên Huế - Ảnh: T.L
Ba làng chẳng "dây mơ rễ má"
Cụ trưởng làng cho biết Trài là tên gốc của làng, sau đó mới gọi Cự Lại. "Khi ngài tổ đưa con cháu qua đất ven biển đây lập làng Trài. Sau có vụ kiện, cự lại chi đó rồi thắng, từ đó gọi là làng Cự Lại. Còn chống cự chuyện chi thì ngày nay không biết, có người truyền lại mới biết chứ không có người truyền lại thì mần răng mà nhớ nổi" - cụ nói.
Ông Nguyễn Minh Hải, chủ tịch UBND xã Phú Hải, kể lại chuyện xưa: "Nghe mấy cụ xưa kể thời vua chúa cho thả diều. Con diều rớt xuống làng mô thì phải thế này thế kia. Diều rớt xuống làng tui, làng đứng lên đấu tranh trước những đòi hỏi nên gọi là làng Cự Lại".
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh cho rằng chuyện thế đất xây dựng kinh thành với tên Thế Lại (phường Phú Hiệp, TP Huế), Lại Thế (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) rồi đến Cự Lại quả thật "hoàn toàn tào lao" vì ba làng này "không có liên quan gì đến nhau".
Tên làng Thế Lại nghĩa là "đời đời nhớ ơn" vốn có từ lúc lập làng dưới thời Trần, chứ không phải do thế đất mà mang tên. Theo lịch sử nhà Nguyễn, khi xây dựng kinh thành, triều đình đã lấy phần đất thuộc tám làng, trong đó có làng Thế Lại. Vị trí phía đông bắc kinh thành của Thế Lại hiện nay chứng tỏ triều đình chỉ lấy một phần đất của làng.
Theo ông Vinh, làng này thành lập năm 1380, tổ khai canh là Hồ Long, người được vua Trần ban chức đại tri châu của Châu Hóa đương thời. Chính khu đất trong thành Hóa Châu được triều đình "đền" cho làng Thế Lại và mộ phần tổ khai canh đang nằm ở đó. Theo ông, "người khai canh Hồ Long xứng đáng là một thành hoàng đầu tiên của Thừa Thiên Huế".
Còn làng Lại Thế thành lập năm 1471, dưới thời Lê Thánh Tông, tên gọi cũng có nghĩa "muôn đời được nhờ ơn", và cũng không hề liên quan đến việc thế đất nào cả. Theo diễn giải của ông Vinh, khi đến mở đất lập làng, người xưa thường hướng đến khái niệm ghi khắc ơn sâu của trời đất, tổ tiên. Cùng với Lại Thế, ở Thừa Thiên Huế còn một số làng như Lại Ân, Triêm Ân (xã Phú Mậu, cùng huyện Phú Vang)... cũng nằm trong mạch nghĩa ấy.
Làng Cự Lại được thành lập nửa cuối thế kỷ 16, thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Tra trong tư liệu, nhất là sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ 19 (thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra), nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh xác định nguồn gốc từ làng Cự Lại, thuộc tổng Vạn Phần, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, trấn Nghệ An xưa. Làng ở ven biển Nghệ An cũng có tên Nôm là làng Trài, cái tên theo chân vị tổ khai canh Phan Đại Lang vào duyên hải Thừa Thiên Huế mở đất sau này.
Như vậy, cả ba làng đúng là không có mối liên quan, nhất là thời điểm thành lập: làng Thế Lại thời Trần nửa cuối thế kỷ 14, làng Lại Thế thời Lê nửa cuối thế kỷ 15, còn làng Cự Lại thì thời đầu chúa Nguyễn nửa cuối thế kỷ 16.
Và tên chữ Cự Lại do đâu mà có? Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh giải thích: tên Trài khi khai chữ (Hán) thì thấy không hay. Đương thời còn tồn tại phụ âm kép cl, làng Trài thường được gọi Clài, về sau có thể biến âm và được người ta viết thành tên chữ Cự Lại.
Làng Cự Lại nổi tiếng với nghề biển truyền thống từ lâu đời. Sản phẩm nổi tiếng nhất của làng chính là nước mắm cá, nước mắm ruốc, ruốc, mắm dưa, các loại mắm cá biển lẫn đầm phá. Trong đó, nước mắm làng Trài của làng được OCOP công nhận 3 sao.
THÁI LỘC
Nguồn: https://tuoitre.vn/giai-mat-nhung-dia-danh-ky-la-ky-2-cu-lai-ma-hien-kho-20210218110808462.htm