Người Việt làm ít, kêu ca nhiều!

Chủ nhật - 20/07/2014 10:58

-

-
Năng suất của lao động Việt Nam thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần. Ngay cả so với các nước ở ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.
Người Việt làm ít, kêu ca nhiều!
 
Năng suất của lao động Việt Nam thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần. Ngay cả so với các nước ở ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.
 
Khi so sánh quỹ thời gian làm việc giữa nhân viên các công ty nước ngoài tại TP.HCM với người lao động ở các công ty trong nước, “phe” nhân viên công ty nước ngoài đã không ngần ngại thốt lên: “Người Việt mình sướng quá!”.
 
Lúc nào cũng… ngồi quán
 
Trở về Việt Nam sau hơn 14 năm học tập và làm việc tại Tokyo (Nhật), anh Đỗ Văn Bảo, đang làm việc cho Công ty Maeda - (Nhật), có công ty con tại TP.HCM không khỏi ngạc nhiên khi thấy sáng nào khu vực gần nơi làm việc của mình cũng có rất đông nhân viên mặc đồng phục của các công ty Việt Nam túm tụm uống cà phê đến hơn 8 giờ mới đủng đỉnh vào văn phòng.
 
“Ở Nhật không có cảnh tượng này. Từ 6 giờ sáng, các phương tiện vận tải hành khách công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm đã chật cứng người đi làm. Ai cũng rất vội vàng, khẩn trương. Đến nơi làm việc họ mới tranh thủ uống cà phê pha sẵn rồi bắt tay vào công việc. Còn ở TP.HCM hầu như lúc nào cũng bắt gặp cảnh người lao động ngồi quán cà phê hàng tiếng đồng hồ. Có khi mới 9-10 giờ sáng đã thấy nhiều người kéo nhau vào quán nhậu”, anh Bảo nói, giọng vẫn chưa hết ngạc nhiên dù anh đã làm việc tại TP.HCM được hơn ba tháng.
 
“Để phân biệt sự khác nhau về thời gian làm việc ở các công ty Nhật với Việt Nam chỉ cần đến tầng 19, tòa nhà VC ở quận 1 vào lúc chiều tối sẽ rõ”, anh S. - một kỹ sư đang làm việc cho một công ty xây dựng của Nhật, trả lời khi chúng tôi nhờ anh so sánh về quỹ thời gian làm việc giữa người lao động cho các công ty của Nhật với các công ty Việt Nam. Đúng như anh S. nói, khoảng 18 giờ, chúng tôi có mặt thì thấy văn phòng công ty anh vẫn sáng đèn, còn nhiều người làm việc. “Ở đây văn phòng nào mở cửa muộn, đóng cửa sớm là của công ty Việt Nam. Còn ngược lại là văn phòng của công ty Nhật. Tôi quan sát nhiều năm rồi và thấy điều này luôn đúng” - anh S. dí dỏm.
 
Anh S. tâm sự: “Trước đây mình từng làm cho một công ty xây dựng lớn của Việt Nam. Có lần sếp giao việc phải làm trong hai tuần nhưng hai ngày mình đã làm xong. Thế nhưng khi nộp báo cáo thì bị sếp mắng sao làm nhanh quá, phải làm chầm chậm để theo nhịp với anh em trong công ty…”.
 

Hầu như lúc nào cũng có thể bắt gặp cảnh người lao động Việt Nam ngồi quán cà phê vào mỗi buổi sáng.
 
Làm ít, kêu ca nhiều
 
“Người Việt mình làm thì ít mà kêu ca thì nhiều”, nhiều giám đốc công ty Việt Nam đã nói như thế khi so sánh quỹ thời gian, hiệu suất công việc giữa người lao động Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á hoặc với Nhật, Hàn Quốc.
 
“Cũng là kỹ sư xây dựng nhưng ở công ty Nhật họ làm việc gấp 4-5 lần kỹ sư của mình. Nhiều kỹ sư ở công ty tôi sáng cà phê cà pháo đến gần 9 giờ mới vào. Chiều mới 4-5 giờ họ đã trốn về đi nhậu. Mình siết thời gian thì họ so bì, kêu ca lương thấp nên chỉ làm thế thôi. Công ty của bạn bè tôi cũng vậy. Hình như đây là tình trạng chung của người lao động Việt Nam mình” - ông H., Giám đốc một công ty xây dựng ở Gò Vấp, than thở.
 
Nhiều người Việt đang làm cho công ty Nhật cũng cho biết bạn bè của họ làm ở các công ty Việt Nam thường hay so sánh về chuyện thu nhập giữa họ với những người làm cho công ty nước ngoài nhưng lại không so sánh về quỹ thời gian dành cho công việc.
 
“Nhiều người hay lấy lý do lương thấp nên làm việc ít. Trong khi đó, ban giám đốc công ty thì lại bảo do nhân viên làm ít nên trả lương thấp là lẽ đương nhiên. Cứ thế, người lao động thì đổ thừa lãnh đạo công ty, còn lãnh đạo công ty lại đổ do người lao động” - chị H. đang làm việc cho một công ty nước ngoài có văn phòng tại TP.HCM nói.
 
Theo tìm hiểu, trong lĩnh vực xây dựng, lương của kỹ sư làm cho công ty Nhật tại TP.HCM thường cao hơn kỹ sư làm cho công ty Việt Nam gấp 4-5 lần. Anh N., một kỹ sư người Việt đang làm cho nhà thầu Nhật về lĩnh vực hạ tầng giao thông, cho biết lương hiện tại của anh khoảng 30 triệu đồng/tháng, gấp năm lần so với lúc anh làm cho công ty Việt Nam cùng lĩnh vực. Song nếu so sánh về quỹ thời gian làm việc anh lại thấy mình thiệt thòi: “Nhiều người làm cho công ty Việt Nam lương 5-7 triệu đồng/tháng nhưng thật ra mỗi ngày họ chỉ dành cho công việc vài ba giờ là cùng. Còn làm cho công ty Nhật, ngày nào cũng phải làm hơn tám tiếng. Vậy ai sướng hơn ai?”.
 
Anh Nguyễn Văn Sổng, cũng làm việc cho công ty Nhật, bày tỏ: “Người Việt Nam mình hay đổ thừa chiến tranh, thiên tai bão lụt nên đất nước mới chậm phát triển. Vậy nước Nhật thì sao? Họ bị thiệt hại từ chiến tranh, từ thiên tai còn khủng khiếp hơn chúng ta rất nhiều. Vậy sao họ vẫn phát triển vượt bậc? Tôi nghĩ, sự khác nhau cơ bản là người Nhật họ dành thời gian cho công việc rất nhiều, còn người Việt mình thì thời gian dành công việc quá ít”.
 
Trung Thanh
http://plo.vn/xa-hoi/nguoi-viet-lam-it-keu-ca-nhieu-482378.html

“Người Việt làm ít” - một góc nhìn khác
 
“Năng suất lao động của người Việt Nam quá thấp so với các nước trong khu vực có nguyên nhân từ văn hóa. Nó có nguồn gốc sâu xa từ hai tính cách đặc trưng của văn hóa Việt: Tính ưa hài hòa và tính cộng đồng...”
 
Đó là nhận định của GS-TS Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng thuộc Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, về những câu chuyện mà Pháp Luật TP.HCM đã đề cập trong bài viết “Người Việt làm ít, kêu ca nhiều”.
 
Xuất phát từ đặc trưng văn hóa
 
Phóng viênÔng có thể phân tích rõ hơn mối quan hệ nhân quả về nhận định trên?
 
GS-TS Trần Ngọc Thêm: Năng suất lao động của người Việt thấp có nguồn gốc sâu xa từ hai tính cách đặc trưng của văn hóa Việt: Đó là tính ưa hài hòa và tính cộng đồng.
 
Tính ưa hài hòa của người Việt dẫn đến tư tưởng trung bình, làm vừa vừa, không muốn làm gì hơn, quá. Chúng được đúc kết qua những câu tục ngữ như: “Lắm thóc nhọc xay” hay “Trèo cao té đau”. Người Việt Nam Bộ còn nói rõ hơn qua triết lý “Cầu sung vừa đủ xài” thể hiện trong mâm ngũ quả.
 
Còn tính cộng đồng xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, do phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên cần tập trung nhiều người. Chính để củng cố tính cộng đồng mà người Việt có thói quen thích tụ tập. Phụ nữ thì tụ tập để buôn chuyện, nam giới thì tụ tập để nhậu nhẹt… Nếu như một ngày cần làm tám tiếng thì họ chỉ làm khoảng sáu tiếng thôi, thời gian còn lại thì tụ tập…
 
. Cũng là người Việt nhưng những người làm việc cho các công ty nước ngoài thì lại khác. Họ làm việc rất siêng năng, hiệu quả công việc cũng rất cao?
 
Đúng thế, xét về bản chất, không phải người Việt mình tệ mà ngược lại, người Việt mình hoàn toàn có thể siêng năng, lại vốn rất thông minh, linh hoạt. Nhiều người làm việc ở trong nước thì bình thường nhưng khi làm cho công ty nước ngoài hoặc ra làm việc ở nước ngoài thì đã thành những con người kiệt xuất. Nguyên nhân là do họ được làm việc trong một môi trường khác, với cách quản lý khác khiến những tiềm năng của họ có điều kiện phát huy.
 
Tụ tập tán chuyện, một trong những đặc trưng của văn hóa cộng đồng người Việt. Ảnh: VT
 
Việc người lao động Việt Nam hay kêu ca, so bì thì cũng không có gì mới lạ. Do tính cộng đồng, cào bằng nên người Việt rất hay so sánh. Thêm vào đó, do cách quản lý tùy tiện, thiếu khách quan, công bằng khiến người dân mất lòng tin vào người quản lý. Trong khuôn khổ các hợp tác xã nông nghiệp thời bao cấp, người lao động Việt Nam đã có câu ca dao: “Mỗi người làm việc bằng hai/ Để cho cán bộ mua đài, mua xe/ Mỗi người làm việc bằng ba/ Để cho cán bộ xây nhà, lát sân…”.
 
Dân tin thì họ mới nỗ lực
 
. Vậy là nguyên nhân chưa hẳn do bản thân người lao động Việt Nam mà còn là do cách quản lý, cách sử dụng lao động? Ông lý giải vấn đề này dưới góc nhìn văn hóa như thế nào?
 
+ Tính cộng đồng của người Việt đã làm nảy sinh ra tính háo danh. Xưa người Việt đi học chủ yếu với mục đích để làm quan. Đến giờ tình trạng này vẫn phổ biến: Học để thăng quan tiến chức. Chính vì có mục đích như vậy nên nhiều người tìm cách đi đường vòng, học giả bằng thật, chạy chọt mảnh bằng để có địa vị, có địa vị thì vừa có danh vừa có tiền nhiều. Những người với mục đích sống như vậy thì không thể là những người làm việc tốt, tạo ra năng suất tốt. Do đó, khi họ làm quản lý thì thường không được người lao động tin tưởng vào sự công bằng, khách quan. Hậu quả là người lao động làm việc cầm chừng, không muốn phấn đấu, nỗ lực...
 
. Vậy theo ông có giải pháp nào để người Việt làm việc nhiều hơn, năng suất cao hơn?
 
Theo tôi vấn đề này phải giải quyết một cách đồng bộ cả nhận thức lẫn hành động, cả từ dưới lên và từ trên xuống, trong đó bắt đầu phải từ khâu quản lý. Anh phải quản lý làm sao để lấy lại niềm tin của người lao động rằng có sự công bằng, rằng người làm tốt sẽ được hưởng những quyền lợi vật chất (lương bổng) và tinh thần (được khen, được bảo vệ khi bị đồng nghiệp ghen ghét...) tương ứng thì họ mới phấn đấu.
 
Để thay đổi nhận thức của người dân trước hết phải thay đổi nhận thức, thay đổi tư tưởng từ những cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Trên phải làm sao cho dân tin thì họ mới nỗ lực hết mình.
 
Cuối cùng, phải làm sao đánh thức ý thức cá nhân của mỗi người. Cá nhân ở đây không phải là chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, không phải chỉ vì quyền lợi cá nhân. Cá nhân ở đây là trách nhiệm cá nhân, bản lĩnh cá nhân. Người phương Tây có ý thức cá nhân rất cao, cái cá nhân đó tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh, cá nhân vì sự tiến bộ chung của xã hội. Nói một cách khác là cá nhân có quyền hưởng lợi nhưng hưởng lợi một cách chính đáng, hợp lý chứ không phải hưởng lợi theo kiểu tham ô, tham nhũng.
 
. Xin cảm ơn ông.
 
TRUNG THANH thực hiện
Nguồn tin: http://plo.vn/xa-hoi/nguoi-viet-lam-it-mot-goc-nhin-khac-482935.html

Tác giả: Theo PLO

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập637
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm629
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại973,140
  • Tổng lượt truy cập57,074,777
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây