Cuộc thi đời người, như trò rủi may

Thứ năm - 11/07/2013 20:57

-

-
Các kì thi cứ tồn tại, cứ tốn kém, cứ gây tắc đường, cứ ép sĩ tử dồn sức ôn luyện trong cái nắng nóng của mùa hè nhiệt đới. Nó đã tồn tại đến mấy chục năm như một sự bất lực và sự "thiếu niềm tin" của cả hệ thống giáo dục quốc gia đối với chính công tác của mình.
Cuộc thi đời người, như trò rủi may
 
Các kì thi cứ tồn tại, cứ tốn kém, cứ gây tắc đường, cứ ép sĩ tử dồn sức ôn luyện trong cái nắng nóng của mùa hè nhiệt đới. Nó đã tồn tại đến mấy chục năm như một sự bất lực và sự "thiếu niềm tin" của cả hệ thống giáo dục quốc gia đối với chính công tác của mình.
 
12 năm gói trong vài giờ
 
Năm nào cũng vậy, cái oi nồng của mùa hè cũng chưa bằng sức nóng của kì thi đại học. Chuyện mùa thi đại học năm nào cũng tốn không ít giấy mực của giới truyền thông.
 
Có nhiều chuyện xúc động, thấm đẫm tình người như hành trình chàng trai đạp xe 300 km đi thi, đến chuyện mẹ con thí sinh xương thủy tinh xuống núi. Chuyện có nhà hảo tâm "mở cửa" đón thí sinh ở xa đến trọ miễn phí.
 
Nhưng cũng có những câu chuyện buồn, như ở Huế, có thí sinh năm nay vì đau nặng, nên được đưa ra phòng y tế chăm sóc. Lo lắng bỏ lỡ bài thi, em gắng gượng xin lên làm bài tiếp, nhưng rồi chịu không nổi cơn đau, em lại phải bỏ thi khi chỉ còn 10 phút là hết giờ.
 
Rồi chuyện mẹ đưa con đi thi bị lạc. Hay bố thí sinh mất sạch tiền, hoảng loạn đến mức phải nhập viện tâm thần.
 
Về phía nhà nước, công tác chuẩn bị thi cũng tốn không biết bao nhiêu nhân lực, vật lực. Năm nào cũng huy động hàng ngàn công an, cảnh sát bảo vệ. Chuyện bảo mật đề thi, vận chuyển  đề thậm chí được sử dụng cả máy bay, xe đông lạnh, rồi đội hộ tống, đề phòng... đề thi bị lọt ra ngoài, nghe li kì như... phim trinh thám.
 
Kì thi đại học đã từ lâu trở thành một ngưỡng cửa quyết định đến tương lai, sự nghiệp, toàn những thứ có thể thay đổi cả cuộc đời của các em.
 
Cũng đã có trường hợp các em không may mắn: khăn gói lặn lội lên thành phố thi, đến ngày thi bỗng lăn ra ốm. Ốm cũng chịu, lịch thi là của quốc gia rồi. Muốn có cơ hội thứ hai, lại phải đợi một năm nữa. Thì biết sao được, chỉ biết trách số phận đen đủi thôi.
 
Biết là không may, nhưng quả thực là bất công. Cả 12 năm trời đèn sách, học thêm học nếm đủ cả, đạo đức, hạnh kiểm lúc nào cũng tốt, vậy mà "đi toi" chỉ vì một cơn sốt. Mười hai năm cũng đến một phần mấy đời người được đem lên đánh giá "đại trà" bằng một kì thi một ngày rưỡi. Số phận, ước mơ của nhiều em, thậm chí của nhiều gia đình chăm chút cho con học hành bấy lâu với hy vọng thoát nghèo, được gói gọn trong chưa đầy chục tiếng đồng hồ làm bài thi.
 

Thí sinh làm thủ tục thi. Ảnh: Văn Chung
 
Sức ì và "bệnh" thiếu niềm tin
 
Sự tốn kém, mệt mỏi của kì thi đại học cũng đã được "đào xới" nhiều lần trong các cuộc thảo luận, hay trên các diễn đàn truyền thông. Nhưng kì thi ấy vẫn cứ tồn tại, cứ tốn kém, cứ gây tắc đường, cứ  ép sĩ tử nhoài người ôn luyện trong cái nắng nóng của mùa hè nhiệt đới.
 
Nó đã tồn tại  đến mấy chục năm như một sự bất lực, yếu kém của ngành giáo dục trong công tác đánh giá  học sinh. Hơn thế, nó thể hiện "bệnh" thiếu niềm tin của cả hệ thống giáo dục quốc gia đối với chính công tác của mình. Chúng tôi xin lạm bàn vài điều vô lý của kỳ thi đại học.
 
Thứ nhất: Việc sử dụng kiến thức hẹp đối với một số môn học để đánh giá năng lực thí sinh là thiếu khoa học. Trong chính hệ thống giáo dục Việt Nam, chúng ta thường xuyên phải nghe những khẩu hiệu như giáo dục toàn diện, tránh học lệch từ phía chính các cơ sở giáo dục. Chúng ta luôn giáo điều khi giảng dạy cho các em rằng có đức hơn có tài.
 
Tuy nhiên, quy trình tuyển các em vào trường lại không thể hiện những điều đó. Trên thực tế, người ta quan tâm đến việc một em học sinh có vượt qua được những câu hỏi hóc hiểm hơn là việc các em là con người thế nào, có thể đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng ra sao.
 
Bởi vậy trong hệ thống giáo dục  đó, mô hình phổ biến là rèn luyện học sinh ngay từ nhỏ để đối phó với thi cử  trên giấy, hơn là việc các em hiểu thế nào, ứng dụng ra sao. Bản thân tôi cũng từng một lần trải nghiệm với kiểu câu hỏi "ma trận" như vậy.
 
Trong quá trình chuẩn bị cho con ôn luyện tiếng Anh vào lớp 10 của một trường phổ thông trung học tại một trường chuyên hàng đầu Hà Nội,, tôi đã cho con nghiên cứu đề thi của năm trước. Và mặc dù đã học trong môi trường của một nước nói tiếng Anh đến 4 năm, với trình độ không thua kém các bạn bản xứ, nhiều câu cháu không biết trả lời thế nào. Chuyển câu hỏi cho một bạn Mỹ đang học cao học ngành ngôn ngữ, bạn cũng lúng túng và dù đưa ra câu trả lời, bạn vẫn "không chắc chắn lắm". Chỉ vậy thôi đã đủ biết câu hỏi hóc hiểm đến mức nào.
 
Sự "đánh đố" của các câu hỏi đó, không phản ánh đúng kiến thức của học sinh, nhưng lại tạo cơ hội cho các lò luyện thi lúc nào cũng đông sĩ tử. Phụ huynh truyền tai nhau, hỏi nhau trên các diễn đàn online để tìm  đến thầy cô có khả năng luyện thi tốt. Bởi họ biết, với những câu hỏi "xương" như vậy, có thông minh đến mấy mà không được biết trước câu trả lời cũng rất dễ "ngọng".
 
Phụ huynh đã không còn tin vào học chính khóa, hay đào tạo toàn diện. Với họ con đường ngắn nhất để vượt qua các kì thi đó chính là các lò luyện. Bởi vậy, có những thầy, cô giáo ở trường chuyên lớp chọn tại các thành phố lớn thường xuyên phải từ chối nhận học sinh, bởi lớp học thêm của họ đã quá tải. Và phương pháp dạy thêm "trúng đề" của họ đã được lan truyền trên nhiều diễn đàn online dành cho các phụ huynh.
 
Trong series các kì thi diễn ra suốt 12 năm ấy, có thể nói kì thi đại học là  bước quan trọng cuối cùng để học sinh có thể  yên tâm với một "tấm bằng" giúp mang lại một tương lai sự nghiệp. Vậy nên, để khỏi uổng phí nhiều năm trời đèn sách, các thí sinh và gia đình họ đều phải dồn hết sức cho kì thi này.
 
Thứ hai: Điều vô lý nữa là quá trình học tập 12 năm, hay chí ít là những năm cấp 3 lại không phải là một yếu tố xét tuyển được áp dụng với phần lớn học sinh. Đồ rằng chính ngành giáo dục cũng không tin các cơ sở của mình. Họ lo vàng thau lẫn lộn, lo chuyện chạy trường, chuyện giáo viên, nhà trường chạy theo thành tích mà "làm đẹp" sổ điểm trong giáo dục phổ thông sẽ tạo ra những cái đầu rỗng tuếch, với học bạ "rực rỡ" 9, 10.
 
Không quản được chuyện đó, thì  cứu cánh là một kì thi ở cấp quốc gia, nơi  "những cái vòi bạch tuộc" quen biết ở cấp địa phương sẽ không vươn tới được. Rồi đổ tiền, đổ của, tăng cường an ninh cho một kì thi đại học mà họ kì vọng sẽ ít nhiều thể hiện đúng lực học của học sinh.
 
Thứ ba: Kì thi đại học thể hiện một điểm, khoa học đánh giá trình độ học vấn, kiến thức, nhất là với vốn kiến thức tích lũy hơn 10 năm trời, phức tạp hơn việc mà ngành giáo dục có thể làm. Vậy nên, năm nào cũng thấy xì xèo, đề năm nay khó, đề năm kia dễ, ra đề quá xa vời kiến thức trong sách.
Đề khó thì e điểm thi toàn dưới trung bình. Đề dễ thì không thể giúp lọc học sinh giỏi và dốt. Bởi thế, mấy chục năm qua ngành giáo dục vẫn không biết làm cách nào để có được những kì thi vẹn nhiều đường.
 
Hãy nhìn cách người ta khảo thí trình độ tiếng Anh, hay trình độ làm toán, viết luận, đọc hiểu của kì thi SAT. Đây là những kì thi chuẩn  để đánh giá trình độ học sinh cấp 3 tại Mỹ.  Sau khi học về các kĩ năng thi, hầu hết các thí sinh nếu trình độ tiếng Anh không phát triển thì  dù có thi đi thi lại kết quả cũng không chênh nhau là mấy. Mức độ kiến thức của học sinh được bộc lộ theo số điểm rất rõ, dù không có điểm đỗ và điểm trượt.
 
Nhưng kể cả vậy, các kì  thi chuẩn như SAT cũng chỉ là một trong rất nhiều yếu tố để nhìn nhận, xét tuyển học sinh đầu vào. Một hồ sơ tốt, ngoài điểm SAT, là bao gồm cả thành tích trong quá trình học tập, hoạt động ngoại khóa, giúp đỡ cộng đồng, tham gia phong trào thể thao, âm nhạc, cho đến bài luận và kế hoạch học tập... Cho nên áp lực các em học sinh gặp phải đối với kì thi cũng giảm đi rất nhiều.
 
Hơn nữa, những kì thi chuẩn như  SAT được tổ chức nhiều lần một năm. Nếu vì lý do nào đó thí sinh bị lỡ lần này vẫn có cơ hội thi lần sau, mà không lo cánh cửa vào đại học sẽ khép lại đối với họ.
 
Giáo dục vốn được coi là một ngành "rành" về đánh giá. Bởi, sự tiến bộ, kiến thức thu được của các em học sinh, hay hiệu quả của các phương pháp giáo dục, cần được kiểm chứng bằng khoa học đánh giá.
 
Vậy nhưng, đến mấy chục năm nay, mặc cho những chê trách về phương thức đánh giá phiến diện, mặc cho bao gia đình, sĩ tử vất vả trong nóng bức, tốn kém đi lại, cả hệ thống giáo dục vẫn cứ "ì" ra, sử dụng cách thức lỗi thời, lạc hậu để "lọc" thí sinh đối với lần chuyển cấp quan trọng này.
 
Chung quy lại, "ì" cũng là vì bản thân những người làm giáo dục cũng thiếu niềm tin đối với phương pháp giáo dục, đối với giáo viên, đối với học sinh. Và cứ như vậy, bao năm qua, đến hẹn lại lên, sức nóng của kì thi đại học luôn khiến các đô thị thêm ngột ngạt.

Tác giả: Vũ Tiến Hồng

Nguồn tin: www.tuanvietnam.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập740
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm738
  • Hôm nay229,325
  • Tháng hiện tại1,770,681
  • Tổng lượt truy cập59,056,550
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây