Cuộc hội thảo do Bộ Phong thánh tổ chức ngày 03/10/2022. Nguồn hình: Vatican Media
Hội thảo được Bộ Phong thánh tổ chức đã khai mạc vào ngày 3/10/2022 tại Đại học Antonianum của Tòa Thánh ở Rôma. Cho đến ngày 6/10, các chuyên viên từ các lĩnh vực khác nhau sẽ thảo luận về định nghĩa hiện tại về các đức tín anh hùng và danh tiếng về sự thánh thiện ở kỷ nguyên kỹ thuật số. ĐHY Tổng trưởng Bộ Phong thánh tuyên bố: “Tôi không nghĩ rằng các thánh có những lượt “like” trên mạng xã hội”.
Cũng có các thánh nam và thánh nữ vào năm 2022, trong sự thiện hảo nảy sinh “từ những cử chỉ hòa bình dường như bề ngoài không thể thực hiện được”, khi người ta “bỏ đi một cuộc thảm sát, trong lời cầu nguyện, trong chứng tá âm thầm và đức ái, vốn làm thay đổi mọi thứ…”. Ngay cả giữa chiến tranh, vẫn có các thánh nam và thánh nữ “nói với người nam và người nữ của thời đại hôm nay rằng có một ơn cứu độ liên quan đến tất cả chúng ta và vấn đề không phải là chạy trốn về phía sau, nhưng là một cuộc chạy đua về phía trước hướng đến một chân trời Kitô giáo trùng khớp với chủ thuyết nhân văn mang lại hòa bình cho thế giới…”, Marco Tarquinio, giám đốc nhật báo Avvenire của HĐGM Ý, đã khẳng định như thế, khi phác thảo một định nghĩa về sự thánh thiện trong khuôn khổ cuộc hội thảo nghiên cứu “Sự thánh thiện ngày nay”, do Bộ Phong thánh tổ chức.
Sự thánh thiện hằng ngày và danh tiếng về sự thánh thiện vào kỷ nguyên kỹ thuật số
Cho đến ngày 6/10/2022, các thành viên của Bộ, của giới học thuật cũng như văn hóa và truyền thông cùng thảo luận về hai chủ đề chính do ĐHY Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, xác định. Chủ đề là “Tính anh hùng Kitô giáo giữa sự vĩnh hằng và hiện thực hóa”, và nó hệ tại biết xác định các đức tính được đòi hỏi cho “sự thánh thiện có thể phong thánh”, bằng cách ghi nhớ rằng thánh John Henry Newman đã viết rằng để trở nên hoàn thiện, “chúng ta không cần phải làm gì hơn là chu toàn bổn phận hằng ngày của chúng ta”, trong cuộc sống thường ngày của người Kitô hữu.
Chủ đề thứ hai là danh tiếng về sự thánh thiện vào kỷ nguyên kỹ thuật số. Đức Hồng y Tổng trưởng nhắc lại: việc ghi nhận một “fama sanctitatis” (danh tiếng về sự thánh thiện) “vững chắc và lan rộng” luôn là điều kiện căn bản để khởi sự một hồ sơ phong chân phước hay phong thánh. “Tuy nhiên, trong những thập niên vừa qua, có vẻ như việc kiểm tra sơ bộ này đã chuyển sang vị trí thứ hai: chẳng hạn, trong các hồ sơ (positiones), danh tiếng về sự thánh thiện (hay về sự tử đạo hay dâng hiến mạng sống mình) và danh tiếng về các dấu lạ giờ đây thường được lồng vào ở cuối phần trình bày”. Đó là lý do tại sao, vào ngày 31/5/2021, Bộ Phong thánh đã gởi một lá thư cho tất cả các Giám mục đề nghị “xác minh tính mạch lạc và tính xác thực của danh tiếng này, cũng như tính mẫu mực và thời sự của các ứng viên, cũng như “danh tiếng về các dấu lạ” nổi bật”. Do đó, chủ đề này có tính thời sự, đặc biệt hơn nữa vì kỷ nguyên kỹ thuật số đặt ra những thách thức mới mẻ và cấp bách. Vì, như ĐHY nói tiếp, “tôi không nghĩ rằng các thánh có những lượt “like” trên mạng xã hội”.
Sự thánh thiện, hoa trái của Chúa Thánh Thần
Bài tham luận đầu tiên của hội thảo này được dành cho Đức cha Bruno Forte và bàn về sự thánh thiện như hoa trái của Chúa Thánh Thần. Đức cha Forte, Tổng Giám mục của Chieti-Vasto ở Ý, đã nhấn mạnh làm thế nào Công đồng Vatican II, trong hiến chế Lumen Gentium, đã nói rõ rằng Chúa Thánh Thần đã được sai đến “để liên lỉ thánh hóa Giáo hội”, và do đó sự nên thánh là mục đích đầu tiên và là hoa trái của hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi trong Giáo hội”. Hoạt động của Chúa Thánh Thần trong thời gian gồm ba phương diện: chính ký ức sống động về Thiên Chúa “hiện thực hóa những điều kỳ diệu của sự trở lại” của Chúa Kitô; chính Ngài “biến đổi cái hôm nay của con người thành cái hôm nay của ân sủng cứu độ và thánh hóa”; sau cùng, “chính Ngài không ngừng liên kết cái hiện tại của thế giới với cái “chưa đến” của ngày sau hết, bằng cách ban cho chúng ta hưởng nếm trước sự thánh thiện vô tận của Thiên Chúa”. Nhờ hoạt động ba phương diện này của Chúa Thánh Thần, “nước sự sống tuôn chảy với một sự tươi mát luôn mới mẻ và cho phép con người đáp lại lời mời gọi nên thánh mà, theo kế hoạch của Đấng Tối Cao, được dành cho toàn thể thụ tạo nhân linh”. Như Công đồng chỉ rõ trong Hiến chế Gaudium et spes, Giáo hội phải luôn lắng nghe Chúa Thánh Thần, dấn thân phân định các dấu chỉ thời đại chứ không khép kín “trong một lâu đài của những xác tín dễ dãi”.
Đâu là những dấu chỉ thời đại? “Khát vọng công lý, tự do và hòa bình, sự hiện diện phổ quát của các tín hữu chứng tá cho Tin Mừng và tính triệt để của tình yêu, được thúc đẩy cho đến độ hiến dâng mạng sống trong sự liên đới với người yếu đuối nhất và phục vụ công lý đối với mọi người” là một vài dấu chỉ theo Đức cha Forte. Vì thế, trước tiên, chính trong việc thực thi đức ái mà cộng đoàn Kitô hữu chấp nhận thách thức của các dấu chỉ thời đại, thể hiện tình liên đới với con người cụ thể và phục vụ họ với mục đích thăng tiến toàn diện và do đó giải thoát họ khỏi tất cả những gì làm tổn thương đến phẩm giá làm con Thiên Chúa của họ.
Đức Cha kết luận: mục đích tối hậu của dân Thiên Chúa, điều “biến các Kitô hữu trở nên khách lạ và hành hương trên thế giới này, không phải là một ước mơ xa rời thực tại, nhưng là một sức mạnh kích thích sự dấn thân cho công lý, hòa bình và bảo vệ công trình tạo dựng trong thế giới hôm nay”. Đó là lý do tại sao các thánh “được thúc đẩy bởi hoạt động của Chúa Thánh Thần, tỏ ra khó chịu và gây âu lo trước con mắt thế gian”. Cho đến khi Chúa Kitô đến trong lần tái lâm sau hết, “Giáo hội vẫn là nơi ưu tiên của hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lịch sử, và vì thế là người Mẹ mà con cái của Thiên Chúa cần để được sống”.
Sự thánh thiện, một đức ái được sống cách trọn vẹn
Đó là những gì Đức cha Orazio Francesco Piazza, Giám mục của Sessa Aurunca, khẳng định. Trích dẫn Tông huấn “Gaudete et Exultate” của Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2018, ngài nêu rõ rằng “sự thánh thiện không gì hơn là đức ái được sống cách trọn vẹn” và đức ái luôn đi kèm với niềm vui, “con đường nên thánh, như một món quà và nhiệm vụ, là con đường duy nhất của niềm vui hoàn hảo”.
Đức Cha lưu ý, không phải là quá “tìm kiếm sự hoàn hảo bản thân, những bằng chứng phép lạ hay những công việc phi thường, nhưng đúng hơn là quà tặng của lòng thương xót và tình yêu được Thiên Chúa ban tặng cho loài người thông qua những con người đã tận tâm biến đổi đời sống của mình và của người khác với những dấu hiệu về phẩm giá hiếu thảo mà Thiên Chúa ban cho các thụ tạo của mình”. Đối với ngài, sự thánh thiện, đó luôn là lắng nghe hai tiếng nói: tiếng nói của tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với các thụ tạo của Ngài, và tiếng nói của con người, vốn thường trở nên một lời kêu cầu giữa những cấp bách của cuộc đời.
Ngài cung cấp những đường hướng để dấn thân trên “con đường sống toàn diện” vốn hình thành đức ái. Trước hết, có sự “kết hiệp mật thiết” với Thiên Chúa, tin tưởng vào ngài và phó thác cho Thiên Chúa. Rồi, có “sự khiêm tốn vui tươi”, hệ tại sống cách đơn sơ và sẵn sàng ứng trực trong sự kết hiệp với Chúa Kitô và anh chị em, và “tình huynh đệ ngôn sứ” như là phong cách hiệp thông và chia sẻ. Cuộc sống hôm nay cần đến các thánh “trong đó được biểu lộ sức mạnh của ân sủng của Thiên Chúa vốn vượt quá lôgíc của hoàn cảnh; những hình mẫu của một cuộc đời can đảm, kiên nhẫn, khiêm tốn và vui tươi, tin tưởng và men hy vọng cho con người và thế giới”.
Tý Linh (theo Vatican News)
http://xuanbichvietnam.net/trangchu/mot-cuoc-hoi-thao-de-hieu-ngay-nay-su-thanh-thien-la-gi/