Thượng Hội Đồng, phúc trình phần thứ nhất của các Nhóm A và B nói tiếng Anh

Chủ nhật - 18/10/2015 05:29

-

-
Chúng tôi nói tới sinh khí của nhiều gia đình đang làm chứng cho vẻ đẹp của đời sống gia đình họ và gợi hứng cho người khác biết dấn thân cho cuộc sống gia đình. Ấy thế nhưng chúng tôi cũng nói tới nhiều ảo tưởng trong thế giới đương thời của ta...
Thượng Hội Đồng, phúc trình phần thứ nhất của các Nhóm A và B nói tiếng Anh
 
I. Nhóm A nói tiếng Anh
 
Điều hợp viên: Đức Hồng Y George PELL
Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Joseph Edward KURTZ
 
Trong Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, chúng tôi tìm được nguồn hy vọng cho gia đình trong thời hiện đại. Niềm tin tưởng này vào Người phải là lời đầu tiên và là lời cuối cùng của Thượng Hội Đồng. Với con mắt bám chặt vào Chúa Giêsu, chúng tôi đã bắt đầu.
 
Sứ điệp của Thượng Hội Đồng phải công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô một cách rõ ràng và lôi cuốn. Bởi thế, chúng tôi xin giới thiệu lời lẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi một cách sống động các gia đình tại tối canh thức ngày Thứ Bẩy trong Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới ở Philadelphia với lời mời như sau: “Tình yêu của Thiên Chúa cao cả đến nỗi Người bắt đầu cùng nhân loại, cùng dân của Người tiến bước cho tới lúc thích đáng, Người mới biểu lộ tình yêu lớn nhất của Người là chính Con của Người. Và Người đã sai Con của Người tới đâu, tới một lâu đài? Một đô thị? Không. Người sai Con của Người tới một gia đình. Thiên Chúa sai Con của Người tới giữa lòng một gia đình. Và Người có thể làm thế, vì đây là một gia đình thực sự có một trái tim mở rộng!”

Chúng tôi thảo luận về một phương pháp luận thích đáng, một phương pháp luận cần phải tham chiếu Thánh Kinh và Thánh Truyền trong suốt bản văn này khi ta đọc các dấu chỉ của thời đại dưới sự soi sáng của Tin Mừng.
 
Chúng tôi hết sức quan tâm tới cách mô tả quá ư ảm đạm đối với khung cảnh đương thời. Cần phải chú ý nhiều hơn tới việc dành suy tư thần học cho các cặp vợ chồng và các gia đình trung thành, thương yêu nhau; họ là những người sống thực một chứng tá chân chính đối với ơn phúc gia đình. Triển khai lời lẽ để giải thích “Tin Mừng liên quan tới gia đình”, chúng tôi tìm cách ít nói tới “khủng hoảng” và nói nhiều tới “ánh sáng và bóng tối”.
 
Chúng tôi nói tới sinh khí của nhiều gia đình đang làm chứng cho vẻ đẹp của đời sống gia đình họ và gợi hứng cho người khác biết dấn thân cho cuộc sống gia đình. Ấy thế nhưng chúng tôi cũng nói tới nhiều ảo tưởng trong thế giới đương thời của ta, những ảo tưởng, buồn thay, đang dẫn tới sự cô lập hóa triệt để. Do đó, chúng tôi cũng nói tới các cuộc chiến đấu và các thách đố, vốn là thành phần của bóng tối. Quan trọng xiết bao việc phải nhìn nhận và nâng đỡ các gia đình này và đem sức mạnh tới cho chứng tá sống thực của họ.
 
Một quan tâm khác là tư duy quá lấy Âu Châu hay Tây Phương làm trung tâm trong lối dùng từ ngữ hiện thời. Đúng hơn, chúng ta được mời gọi sử dụng một cung giọng văn hóa có tính hoàn cầu, biết cởi mở đối với sự phong phú và các trải nghiệm đích thực của các gia đình ngày nay, tại các quốc gia và các lục địa khác nhau.
 
Cần phải thật chú ý tới các gia đình di dân, bằng cách kêu gọi lòng đại lượng đặc biệt của các cộng đồng đức tin và các chính phủ để chào đón các ơn phúc là các gia đình này.
 
Chúng tôi cũng nhấn mạnh việc phải chú ý tới những người khuyết tật, có nhu cầu đặc biệt và các gia đình của họ. Đặc biệt phải quan tâm là việc săn sóc những trường hợp có cả hồng phúc lẫn lao đao. Sự phong phú của phần này có thể được dùng như một điển hình hữu ích để bàn tới các chủ đề khác của bản văn.
 
Cũng đáng được đặc biệt nhắc đến là vai trò của chính sách công nhằm cổ vũ đời sống gia đình theo cung cách thực sự tôn trọng quyền tự nhiên của các gia đình trong việc đưa ra các quyết định sao đó để phát huy ích chung.
 
Nói tóm lại, dù các thách đố có quá hiển nhiên, thì ta cũng vẫn phải đề cao các diểm mạnh và các hạt giống đổi mới vốn đã đang hiện diện để các gia đình trở nên các tác nhân tích cực của Tin Mừng Chúa Giêsu.
 
Ý thức rằng ơn thánh của Chúa Kitô sẽ được tiếp nối trong phạm vi tài liệu vốn dành cho ơn gọi và sứ mệnh của gia đình này, chúng tôi khẩn khoản yêu cầu các đại biểu Thượng Hội Đồng công bố niềm hy vọng đã được Chúa Giêsu mang đến như là lời đầu tiên và là lời sau hết của Thượng Hội Đồng này. Niềm tin tưởng của chúng tôi ở nơi Chúa Kitô.
 
II. Nhóm B nói tiếng Anh
 
Điều hợp viên: Đức Hồng Y Vincent Gerard NICHOLS
Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Diarmuid MARTIN
 
Nhóm chúng tôi nhìn nhận rằng mục đích của phần I không phải chỉ để lặp lại cuộc phân tích của Thượng Hội Đồng năm ngoái. Tuy nhiên, người ta cảm thấy rằng việc phân tích các khó khăn mà gia đình đang đương đầu quá tiêu cực.
 
Chúng tôi xem xét những gì đã xuất hiện trong suy tư của Giáo Hội trong năm qua cũng như những gì chính chúng tôi trải nghiệm tại các Giáo Hội địa phương của chúng tôi. Chúng tôi cố gắng xem xét dưới ánh sang đức tin việc hàng triệu gia đình đã thực sự cố gắng ra sao để thể hiện điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là “giấc mơ của Thiên Chúa đối với tạo thế thân yêu của Người”.
 
Hàng ngày, chúng tôi được mục kích các gia đình cố gắng biến giấc mơ của Thiên Chúa thành giấc mơ của họ; cố gắng tìm hạnh phúc bằng cách chia sẻ hành trình yêu thương của họ và thấy tình yêu của họ được thể hiện nơi con cái họ cưu mang và hướng dẫn chúng, nhất là những đứa con thiếu niên của họ bước vào mầu nhiệm tình yêu hôn nhân.
 
Nhóm chúng tôi nhấn mạnh điều này: đại gia đình thường là phương tiện nhờ đó những người đàn ông đàn bà được đồng hành qua suốt mọi giai đoạn của đời sống. Tình yêu và sự nâng đỡ được biết bao gia đình ban đi và được tiếp nhận trong biết bao gia đình trong hành trình đời sống là biểu thức của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho dân lữ hành của Người.
 
Bất chấp các thách đố mà gia đình đang phải đương đầu trong mọi nền văn hóa, các gia đình, với sự trợ giúp của ơn thánh Thiên Chúa, vẫn tìm được trong chính họ sức mạnh để thực thi ơn gọi yêu thương, củng cố các mối dây xã hội, chăm sóc xã hội rộng lớn hơn, nhất là những người yếu thế nhất. Nhóm chúng tôi cảm thấy rằng Thượng Hội Đồng nên nói lên sự đánh giá cao của mình đối với các gia đình như thế.
 
Vị thế của phần một là lắng nghe và quan sát tình huống thực sự của các gia đình. Tuy nhiên, nhóm chúng tôi cảm thấy một cách mạnh mẽ rằng đối với Kitô hữu, một phân tích như thế nên luôn phải nhìn qua con mắt đức tin chứ không đơn giản chỉ là một phân tích xã hội học. Nhiều tham chiếu Thánh Kinh hơn sẽ giúp ta hiểu bản chất giấc mơ của Thiên Chúa mà các gia đình được mời gọi để biến thành của riêng và để hiểu ra rằng trong các khó khăn của đời sống, họ có thể đặt tin tưởng của họ nơi một Thiên Chúa không làm thất vọng cũng không bỏ rơi ai.
 
Chúng tôi nhận thấy rằng song song với các thách đố văn hóa xã hội mà các gia đình đang đương đầu, ta cũng nên công khai nhìn nhận rằng sự trợ giúp mục vụ mà các gia đình nhận được từ Giáo Hội trên hành trình đức tin của họ hiện không được thỏa đáng.
 
Việc phân tích tình huống gia đình nên nhìn nhận điều này: làm thế nào, các gia đình, nhờ sự trợ giúp của ơn thánh, dù không hề hoàn hảo, dù đang sống trong một thế giới bất toàn, vẫn có thể thể hiện được ơn gọi của họ, cho dù họ có thể sai phạm trên hành trình của mình. Là thành viên của nhóm, chúng tôi cùng chung một suy nghĩ, mỗi người chúng tôi, về kinh nghiệm của chính gia đình mình. Điều xuất hiện (từ suy nghĩ đó) không hề là tiêu mẫu của một “gia đình lý tưởng”, mà đúng hơn là một cắt dán các gia đình khác nhau về bối cảnh xã hội, sắc tộc và tôn giáo. Giữa nhiều khó khăn, các gia đình chúng tôi vẫn ban cho chúng tôi hồng phúc tình yêu và hồng phúc đức tin; trong gia đình của mình, chúng tôi khám phá được cảm thức tự trọng và cống hiến. Nhiều gia đình chúng tôi thuộc các tuyên tín hay tôn giáo khác nhau, nhưng trong tất cả các tuyên tín và tôn giáo này, chúng tôi học được khả năng cầu nguyện và suy tư về việc gia đình chủ yếu ra sao đối với việc lưu truyền đức tin trong nhiều tình huống khác nhau.
 
Việc phân tích dựa trên ánh sáng đức tin không hề là một phân tích tránh né việc giáp mặt với thực tại. Nếu có điều gì đó, thì chỉ có thể là vì nó tập chú vào các vấn đề như đẩy con người ra bên lề xã hội, một việc dễ dàng không hiện diện trong tư duy nền văn hóa đương thịnh tại rất nhiều xã hội mà thôi. Một sự phân tích dựa trên ánh sáng đức tin chỉ có thể dẫn tới sự biện phân sâu sắc hơn cảnh các gia đình đã phải chịu sự đẩy qua bên lề và các hình thức nghèo đói ra sao mà thôi; các hình thức này vượt quá cả sự nghèo đói về kinh tế để bao trùm luôn cảnh cùng cực về xã hội, văn hóa và tâm linh nữa.
 
Một sự biện phân như thế phải giúp ta nhận diện các nhóm người trong thế giới này đang thấy mình rơi vào tình huống tương tự như tình huống của Chúa Giêsu và cha mẹ Người là “không có chỗ trong quán trọ” cho họ.
 
Chúng tôi nhận định rằng trong số các nhóm đang trải nghiệm sự loại trừ như trên, ta không nên quên các gia đình hiện đang bị kỳ thị hay bị đẩy qua bên lề chỉ vì niềm tin của họ vào Chúa Giêsu Kitô.
 
Ngôn ngữ Thánh Kinh có thể gần gũi hơn với các thực tại của kinh nghiệm hàng ngày nơi các gia đình và có thể trở thành cây cầu nối đức tin và đời sống. Nhóm chúng tôi cảm thấy rằng ngôn ngữ của bản tường trình cuối cùng phải là một ngôn ngữ đơn giản hơn, dễ tới tai các gia đình, và chứng tỏ được rằng các nghị phụ trong bản tường trình cuối cùng của Thượng Hội Đồng đã lắng nghe và nghe thấy sự đóng góp và các nhận định của họ đối với diễn trình của Thượng Hội Đồng.
 
Các tình huống trong đó các gia đình cố gắng sống ơn gọi của họ thì rất đa dạng. Ta sẽ không thể tóm lược tất cả các tình huống này trong một văn kiện duy nhất được. Mỗi Giáo Hội địa phương nên cố gắng nhận diện các tình huống đặc thù trong đó gia đình bị xã hội của họ đẩy qua bên lề.
 
Chính sách xã hội cần phải ưu tiên quan tâm tới các hậu quả của nó đối với các gia đình. Một chính sách xã hội tốt phải bắt đầu chỉ rõ các khu ngoại vi về xã hội của mỗi cộng đồng nằm ở đâu, hơn là chỉ đơn giản phân tích về kinh tế. Một biện phân như thế về thực tại hắt hủi loại trừ cũng nên là một đặc điểm nổi bật của việc chăm sóc mục vụ đối với các gia đình.
 
Các vấn đề xã hội như nhà cửa không thỏa đáng, thất nghiệp, di cư, lạm dụng ma túy, phí tổn dưỡng dục con cái, tất cả đều có gia đình là nạn nhân hàng đầu.
 
Nhìn vào các thách đố đang đặt ra cho một số nhóm đặc thù, nhóm chúng tôi đề nghị viết lại các đoạn từ 17 tới 30 dưới tựa đề Gia Đình Trên Hành Trình Đời Sống.
 
Giới trẻ đang sống trong một nền văn hóa quá bị tính dục hóa. Họ cần được giáo dục một nền văn hóa biết tự hiến, làm căn bản cho việc tự dâng hiến tình yêu vợ chồng sau này.
 
Giới trẻ cần khai triển được khả năng sống hòa hợp với cảm xúc và tâm tư, tìm kiếm một cảm tính chín chắn, các liên hệ chín chắn với người khác. Đây có thể là một phản cực đối với tính vị kỷ và việc tự cô lập, là những điều thường dẫn giới trẻ tới chỗ thiếu ý nghĩa trong đời sống và thậm chí tới tuyệt vọng, tự làm hại mình và tự sát.
 
Đại lượng và hy vọng là gốc rễ của nền văn hóa sự sống. Sự sống trong lòng mẹ bị đe dọa bởi thực hành phá thai và sát nhi rất phổ biến ngày nay. Nền văn hóa sự sống cũng phải bảo bọc người già cả và những ai có nhu cầu đặc biệt, là các đối tượng mà sự nâng đỡ duy nhất chỉ nhờ đại gia đình mà có. Nhiều gia đình làm chứng cho viễn kiến tươi mát về sự sống này, một viễn kiến chỉ xuất hiện khi một trong các thành viên của gia đình có các nhu cầu đặc biệt như thế.
 
Kinh nghiệm trong nhóm chúng tôi là kinh nghiệm của các mục tử có cùng xác tín vững vàng này: tương lai Giáo Hội và tương lai xã hội lệ thuộc gia đình. Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng chính trị và chính sách có thể mưu toan thay đổi cơ cấu, nhưng một mình chính trị không thể thay đổi được cõi lòng con người.
 
Việc nhân bản hóa xã hội và tương lai ta sẽ tùy thuộc việc làm thế nào, trong tư cách một cộng đồng, ta thể hiện được giấc mơ của Thiên Chúa đối với tạo thế thân yêu của Người. Ta chỉ có thể tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho ta các gia đình Kitô hữu, các gia đình mà nhờ tình yêu và sự tự hiến của họ, dù bất toàn, vẩn mở lòng ta ra đón nhận tình yêu chữa lành của Thiên Chúa đã được mạc khải nơi Chúa Giêsu Kitô.
 
Chúng ta mang một món mợ lớn đối với các gia đình trên, những gia đình, bằng nhiều cách mênh mông vĩ đại, đã nâng đỡ và thách thức thừa tác vụ mục tử của ta.

Tác giả: Vũ Văn An

Nguồn tin: vietcatholic.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập1,105
  • Hôm nay184,622
  • Tháng hiện tại1,515,650
  • Tổng lượt truy cập58,801,519
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây