Cựu Chủng Sinh Huếhttp://www.cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ bảy - 14/05/2022 05:00
Hội nghị quốc tế về thần học luân lý, được tổ chức nhân kỷ niệm 5 năm Amoris Laetitia, diễn ra ở Rôma từ 11-14/5/2022. Trong buổi tiếp kiến các tham dự viên, sáng 13/5, Đức Thánh Cha mời gọi Giáo hội tiếp tục phát triển một nền thần học luân lý “có thể hiểu được” và gần với những thách thức thực sự mà ngày nay các đôi vợ chồng và gia đình gặp phải.
Sáu năm sau khi công bố Tông huấn Amoris Laetitia, làm thế nào định hướng các thực hành mục vụ của Giáo hội theo một động lực truyền giáo và hiệp hành hơn? Hội nghị quốc tế về thần học luân lý, đang diễn ra ở Rôma cho đến ngày 14/5/2022, phải đào sâu những gợi ý và những soi sáng do Amoris Laetitia khởi xướng trong những năm gần đây. Được tổ chức bởi Phân khoa thần học của Đại học giáo hoàng Grêgôriô và Học viện thần học Gioan-Phaolô II, nó là cơ hội cho các nhà nghiên cứu và thần học gia luân lý suy tư về chỗ đứng của hôn nhân và gia đình trong thần học ngày nay.
Gia đình, nguồn cảm hứng và thách thức đối với thần học luân lý
Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định, chính ở trung tâm của hôn nhân và gia đình mà các vợ chồng và con cái được mời gọi sống mầu nhiệm Chúa Kitô, trong sự cụ thể của đời sống hằng ngày. Như thế, hôn nhân và gia đình hình thành nên một “Giáo hội tại gia” mà linh đạo của nó rất phong phú và trong đó thần học luân lý phải có thể kín múc.
Tuy nhiên, đời sống gia đình, vốn tham gia vào sự biến đổi của một Giáo hội truyền giáo, ngày nay đang bị thử thách hơn bao giờ hết, đang trải qua “một cuộc khủng hoảng văn hóa sâu xa, như tất cả các cộng đồng và tất cả các mối liên hệ xã hội”, Đức Thánh Cha nhìn nhận. Nhiều gia đình cũng phải chịu cảnh thiếu việc làm, thiếu nhà ở đàng hoàng hay thiếu đất để sinh sống trong bình an, vào một thời kỳ của những thay đổi quan trọng và nhanh chóng. “Những khó khăn này tác động đến đời sống gia đình, sinh ra các vấn đề về tương quan”, và tạo nên nhiều “hoàn cảnh khó khăn và những gia đình bị tổn thương”.
Những biến đổi sâu xa này phải thúc đẩy thần học luân lý đáp ứng những thách thức của thời đại chúng ta, đặc biệt nói một ngôn ngữ có thể hiểu được đối với thế giới, Đức Thánh Cha yêu cầu. Nó phải giúp Giáo hội và các Kitô hữu “vượt lên những nghịch cảnh và tương phản” và thúc đẩy “một sức sáng tạo mới để diễn tả trong những thách thức hôm nay những giá trị làm nên chúng ta với tư cách là một dân trong xã hội của chúng ta và trong Giáo hội, dân Thiên Chúa”.
Cần một “cuộc đối thoại thần học”
Đối với thần học luân lý, ngày nay vấn đề là phải thực sự quan tâm đến “những vết thương của nhân loại”, để cho phép gia đình đóng một vai trò quyết định về “sự hoán cải mục vụ” của Giáo hội.
Về phương diện này, Đức Thánh Cha lưu ý tầm quan trọng của tính xuyên ngành và của việc đối thoại giữa thần học, các khoa học nhân văn và triết học về những thách đố này. Quả thế, “việc đặt cạnh nhau hay so sánh các lối tiếp cận thần học khác nhau mà thôi thì không đủ, nhưng còn phải giúp chúng đối thoại để chúng tìm hiểu nhau, theo cách giao hưởng và hợp xướng, nhằm phục vụ cho một mục tiêu to lớn duy nhất, có thể được tóm tắt bằng câu hỏi này: ngày nay, trong niềm vui và sự vất vả của tình yêu vợ chồng, hiếu thảo và huynh đệ, làm thế nào các gia đình Kitô hữu có thể làm chứng cho tin mừng của Phúc Âm của Chúa Giêsu-Kitô?”
Suy nghĩ lại nền thần học luân lý từ gia đình
Một Giáo hội hiệp hành hơn, như Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn, được xây dựng trong việc lắng nghe nhau của những người tạo nên Giáo hội. Như thế, Đức Thánh Cha hỏi: “làm thế nào có thể nói về gia đình mà không chất vấn các gia đình, lắng nghe những niềm vui và hy vọng của họ, những đau buồn và lo âu của họ?” Lựa chọn lắng nghe và đối thoại với các gia đình hôm nay ngụ ý vượt quá một ý tưởng trừu tượng về sự thật, tách rời khỏi kinh nghiệm của con người, của các nền văn hóa, các tôn giáo.
Do đó, các chứng tá, xuất phát từ các gia đình và hôn nhân Kitô giáo, phải được lắng nghe và xem xét cách nghiêm túc trong lãnh vực thần học luân lý, vì có thể tạo nên một “kairos” (thời cơ) cho thần học luân lý, và cho phép suy nghĩ lại các phạm trù giải thích của kinh nghiệm luân lý.
Vì thế, Đức Thánh Cha mời gọi các nhà tư tưởng và các thần học gia Kitô giáo suy nghĩ lại các phạm trù của thần học luân lý, trong mối liên hệ hỗ tương của chúng: đặc biệt mối tương quan giữa ân sủng và tự do, bản chất và văn hóa, và mối tương quan giữa lương tâm, sự thiện, các nhân đức. Đức Thánh Cha nói bằng cách quy chiếu đến Amoris Laetitia: “Bằng cách này, chúng ta sẽ giúp đỡ các gia đình tái khám phá ý nghĩa của tình yêu, một từ mà ngày nay “thường xuyên tỏ ra bị làm méo mó”: bởi vì tình yêu “không phải chỉ là một tình cảm”, nhưng là sự chọn lựa trong đó mỗi người quyết định “làm điều thiện”“.
Đức Thánh Cha kết luận: “Vì thế, tôi mời gọi anh chị em, các thần học gia luân lý, tiếp tục công việc nghiêm túc và quý báu của mình trong sự trung tín một cách sáng tạo với Tin Mừng và kinh nghiệm của người nam và người nữ của thời đại chúng ta, cách riêng kinh nghiệm sống động của các tín hữu”.Tý Linh (theo Vatican News)