Cựu Chủng Sinh Huếhttp://www.cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ bảy - 04/02/2023 07:55
Chúng ta biết rằng, vợ chồng sống với nhau không phải như hai vị khách lạc đường gặp nhau trong quán trọ, nhưng họ tự nguyện đến với nhau và cam kết trở thành bạn đời, bạn đường, bạn tình, bạn tri kỷ của nhau…
Ông bà ta thường nói “Vợ chồng như đũa có đôi”, điều đó có nghĩa là một khi đôi bạn đã cam kết sống đời hôn nhân gia đình thì không thể sống tách rời nhau, như một cây đũa này không thể thiếu cây đũa kia. Một đôi đũa mà chỉ có một cây thì thật là vô dụng! Kinh thánh còn chỉ rõ thế này: “Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19,6). Lời Chúa trong Tân Ước nhắc lại ơn gọi hôn nhân đã được khẳng định rõ trong Cựu Ước, đó là “Người ta sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (St 2,24).
Đức thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, trong Tông Huấn về những bổn phận của gia đình Ki-tô hữu cũng đã viết: “Nhờ tính cách bí tích của hôn nhân, đôi bạn được liên kết với nhau một cách chặt chẽ không thể tháo gỡ được. Khi người này thuộc về người kia, họ thực sự biểu lộ tương quan giữa Đức Ki-tô với Hội thánh của Ngài, qua dấu chỉ bí tích...” (số 13)
Có thể nói, đời sống hôn nhân vợ chồng giữa một người nam và một người nữ đã thể hiện sâu sắc ý nghĩa triết lý hiện sinh “Sống-là-sống-với” (Mitsein). Một khi “xuất giá tòng phu” thì người phụ nữ theo chồng như “thuyền theo lái, gái theo chồng”. Đôi bạn từ giã gia đình để về sống-với-nhau trong một gia đình, một tổ ấm, một ngôi nhà. Họ sống với nhau không phải như bức tượng đặt cạnh nhau, vô tri vô giác, nhưng là hai con người bằng xương bằng thịt, có hồn có xác hòa quyện với nhau, như Lời Chúa đã khẳng định: “Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19,6).
Ở đây chúng ta nhấn mạnh khía cạnh sống-với-nhau để thấy rằng trong đời sống hôn nhân cả hai bạn nam và nữ đều phải gắn bó với nhau một cách đặc biệt như ca dao VN đã diễn tả:
“Đạo nào bằng đạo phu thê/ Tay ấp, má kề, sinh tử có nhau”; “Thương nhau tạc một chữ tình/ Trăm năm thề quyết bạn mình có nhau”; “Thương nhau gặp khúc sông vơi/ Khó khăn, gian hiểm chẳng rời thủy chung”; “Mưa rơi gió tạt vô thành/ Đôi ta chồng vợ, ai dỗ dành đừng xiêu”…
Chúng ta biết rằng, vợ chồng sống với nhau không phải như hai vị khách lạc đường gặp nhau trong quán trọ, nhưng họ tự nguyện đến với nhau và cam kết trở thành bạn đời, bạn đường, bạn tình, bạn tri kỷ của nhau… Và cuộc gặp gỡ duyên phận này không chỉ nhất thời, tạm bợ mà là lâu dài, bền vững. Bên cạnh những cuộc hôn nhân “ngắn ngày” như ta thấy hiện nay không hiếm, thì cũng có những cuộc hôn nhân “dài hơi” nhờ bền bỉ chịu đựng mọi sóng gió cuộc đời, nhờ thực hành những bí quyết thực tế và hiệu quả mà bất kỳ ai cũng có thể thực hiện được. Dưới đây, tôi xin giới thiệu với các bạn 7 điều vợ chồng nên thực hiện thường xuyên để hôn nhân hạnh phúc, đó là:
Trong bài viết tựa “Một cuộc hôn nhân hạnh phúc vợ chồng phải duy trì mấy điều này” trên trang Gia đình & Xã hội, tác giả Phương Nghi đã đề cập đến tầm quan trọng và cần thiết của việc kết nối thường xuyên giữa hai vợ chồng, tác giả viết như sau: “Việc duy trì liên kết với nhau bằng những cuộc trò chuyện giúp vợ chồng xóa mờ khoảng cách, trở nên bao dung và thông cảm cho người mình yêu hơn. Họ tạo được một thói quen bên nhau trong các hoạt động hàng ngày như một hình thức giao tiếp, bằng cách đó, họ không bỏ lỡ các công việc hàng ngày của nhau và cảm thấy tự hào vì những thành tích bạn đời có được”.[1]
Quả vậy, chúng ta biết rằng, trong đời sống hôn nhân, giao tiếp hằng ngày đóng vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ gắn kết đôi bạn lại, mà còn giúp cả hai hiểu nhau hơn, đồng cảm với nhau hơn. Một ngày các vợ chồng bạn phải ở xa nhau ít nhất cũng tám giờ do công việc làm ăn, có biết bao chuyện xảy ra xung quanh cả hai người. Do đó, rất cần kể cho nhau nghe mọi chuyện, chia sẻ với nhau những gì xảy ra trong ngày. Không thể coi một đôi vợ chồng là hạnh phúc nếu mỗi ngày họ không nói chuyện với nhau được 30 phút.
Vậy, điều cốt yếu là đôi bạn phải tìm cơ hội để giao tiếp với nhau, không để giữa hai người có khoảng lặng quá lớn chẳng hạn như hai người làm việc riêng, mạnh ai người đó quan tâm đến công việc của mình thôi và không hề nói chuyện với nhau. Trong khi đó, giao tiếp hằng ngày với nhau là yếu tố tạo nên hạnh phúc gia đình.
Cuộc sống hôn nhân sẽ trở thành cơn ác mộng nếu suốt ngày cả hai vợ chồng không nói chuyện với nhau hoặc cảm thấy không có gì để nói. Đó thực chất là dấu hiệu cho thấy hôn nhân của đôi bạn đang có vấn đề nghiêm trọng và cần có giải pháp chấn chỉnh ngay.
Có lẽ đối với số đông tín hữu chúng ta việc hai vợ chồng đọc kinh, cầu nguyện chung với nhau trong một thời khắc, vào một hoàn cảnh nào đó trong ngày là một điều không dễ thực hiện chút nào! Chúng ta sẽ đưa ra nhiều khó khăn, trở ngại, chẳng hạn như không có thời gian, không có thói quen, không thấy cần thiết, bị vướng mắc bởi những công việc cá nhân và gia đình hay đã cầu nguyện riêng tư rồi vv… Tuy nhiên, nếu chúng ta thực tâm muốn và biết sắp xếp thời gian thì việc đạo đức này không khó thực hiện.
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô là người luôn cổ võ việc vợ chồng và con cái đọc kinh tối chung với nhau trong gia đình. Trong Tông huấn Niềm vui Tình yêu (Amoris Laetitia), ngài đã viết: “Gia đình cầu nguyện là cách đặc biệt để phát biểu và củng cố đức tin phục sinh. Nên dành ít phút mỗi ngày đến với nhau trước nhan Thiên Chúa để thổ lộ với Người các âu lo của ta, để cầu xin cho các nhu cầu của gia đình ta, để cầu nguyện cho một ai đó đang gặp khó khăn, để xin giúp biết cách biểu lộ yêu thương, để cảm tạ Người đã ban sự sống và các ơn phúc của nó, để xin Đức Mẹ che chở ta dưới tà áo hiền mẫu của ngài. Với ít lời lẽ đơn sơ, giờ phút cầu nguyện này có thể đem lại ơn phúc mênh mông cho các gia đình của chúng ta.” (Số 318)
Thực vậy, việc vợ chồng cầu nguyện chung với nhau hằng ngày chẳng những đem lại những ơn phúc thiêng liêng mà còn nguồn sức mạnh giúp cho họ gia tăng tình yêu thương nhau mỗi ngày, giúp họ nhận ra sự hiện diện của Chúa giữa họ để tạ ơn, chúc tụng, cầu xin, giúp họ vượt qua mọi khó khăn trở ngại trong cuộc sống nữa.
Thực vậy, “Giờ kinh tối phải trở nên giờ vợ chồng con cái cùng nhau cầu nguyện, như một cuộc hẹn, vào một khoảnh khắc qui định – dù xa hay ở gần bên nhau, để tâm hồn cùng nâng lên cao dâng những lời kinh chúc tụng, ngợi khen sau một ngày chiêm ngắm bao kỳ công, ân huệ Chúa đã làm. Dành ra thời gian để tạ lỗi với Chúa, để xin lỗi nhau. Đó là cách thức cùng nhau hướng lên Cha trên trời, trong nếp sống thường nhật. Điều quan trọng là thực lòng sẵn sàng để sắp xếp tìm được giây phút cùng nhau đến gần bên Chúa”.[2]
Có một nghịch lý này là đôi bạn mặc dầu sống với nhau mãn đời, ra vào trông thấy nhau vì ở cùng nhà, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, nhưng nhiều khi chẳng hề quan tâm đến nhau chút nào. Họ sống dửng dưng, vô cảm, lạnh lùng như hai người khách lạ. Người ta cho rằng tình trạng “đóng băng” này giữa hai vợ chồng sẽ dần dần trở nên mối nguy cơ khiến cho cuộc hôn nhân tan vỡ.
Tác giả Vy Trang, trong bài viết “7 quy tắc vàng giúp hôn nhân bền vững” trên trang vnexpress.net ngày 3-2-2021 đã bàn luận về sự quan tâm của đôi bạn với nhau, trong đó sự lãng mạn là điều cần thiết trong hôn nhân. Tác giả này viết: “Gần đây, trên trang mạng Weibo (Trung Quốc), câu chuyện của một người đàn ông ở Thượng Hải đã làm cảm động nhiều người. Chuyện kể là: Một ngày khi đang trong nhà vệ sinh, tôi phát hiện bông rửa mặt của vợ bị rách, tôi đã ra chợ mua một cái mới. Về nhà tôi vứt cái cũ đi, thay thế cái mới vào, nhưng không nói cho cô ấy biết. Chỉ một chuyện nhỏ như vậy cũng khiến vợ tôi cảm động mấy hôm liền. Tôi nói rằng việc đó quá nhỏ, tôi có thể cho cô ấy những thứ đắt gấp trăm gấp ngàn lần cái bông rửa mặt đó. Nhưng cô ấy chỉ nói: Có những thứ mà đàn ông các anh không thể hiểu được. Cô ấy có kỳ lạ không?”
Bài báo viết tiếp, “Bên dưới phần bình luận, không có ai bình phẩm người vợ kỳ lạ hay không, họ chỉ tỏ ra ghen tị với cô vì được chồng mua cho chiếc bông rửa mặt. Nhiều người nghĩ rằng, đã là vợ chồng thì cần gì sự cầu kỳ, lãng mạn. Họ không mấy quan tâm và cố gắng tạo ra sự lãng mạn, mặc nhiên để cuộc sống vợ chồng trôi đi trong lối sống đơn điệu, tẻ nhạt, khiến cho tình yêu có nguy cơ lụi tàn. Vì vậy, hãy ôm nhau trước khi đi chơi, sau khi đi làm về. Hãy mua một bó hoa nhỏ trang trí phòng, mua cho vợ chiếc bánh ngọt mà cô ấy yêu thích... Chú ý đến từng chi tiết nhỏ của cuộc sống, hôn nhân sẽ thăng hoa hơn rất nhiều”.[3]
Nhiều lúc chúng ta phân vân không biết phải quan tâm, chăm sóc nhau như thế nào cho thích hợp. Thực ra, chuyện này cũng đơn giản thôi, vấn đề là chúng ta có thực sự quan tâm hay không, hay cứ để cho những tháng ngày vô tâm trôi qua. Trong cuốn “Những quy tắc trong đời sống vợ chồng” do Alpha Books biên soạn tác giả có đề cập đến một nguyên tắc sơ đẳng, đó là vợ chồng hãy thường xuyên chăm sóc, quan tâm đến nhau.
Tác giả này viết: “Hãy thể hiện tình yêu của bạn dành cho bạn đời bằng cách quan tâm đến họ về mọi mặt. Ở đây xin nói đến những cử chỉ quan tâm, chăm sóc hằng ngày. Nó rất đơn giản, nhỏ bé nhưng đóng vai trò to lớn trong cuộc sống hôn nhân. Sự quan tâm không chỉ thể hiện qua lời nói, mà phần nhiều thể hiện qua hành động…”
Tiếp đó, tác giả bài viết đã dẫn ra một số ví dụ cụ thể như sau: “Khi nói chuyện, ta hãy chăm chú lắng nghe bạn đời. Khi bạn mình có tâm trạng buồn gì đó, không vui, thì ta hãy tiếp cận và chia sẻ với họ, giúp họ giải khuây và vui vẻ trở lại. Đôi khi bạn nữ dành thời gian nấu một bữa thật ngon, hợp khẩu vị để đãi chồng. Khi một trong hai bạn ngã bệnh, người còn lại hãy chăm sóc tích cực, tận tình. Vào dịp lễ nào đó, đôi bạn có thể dành cho nhau một món quà kỷ niệm ý nghĩa và đầy bất ngờ. Có muôn vàn cách thể hiện sự quan tâm đến nhau. Vấn đề là chỉ cần mỗi người tỏ ra một chút tinh tế. Chúng ta biết rằng, trong đời sống vợ chồng hằng ngày, sự quan tâm đến nhau như chất keo sơn giúp gắn kết hai người bền chặt hơn, đồng thời cũng làm cho cả hai luôn cảm nhận được tình yêu chân thực của nhau”.[4]
Các chuyên gia cho rằng, một trong các thói quen giúp duy trì hôn nhân bền vững đó là cùng chia sẻ công việc chung trong nhà. Nếu một ai đó là người không chia sẻ trách nhiệm trong một mối quan hệ thì đã đến lúc ta phải loại bỏ suy nghĩ này. Hôn nhân tự nó mang đến nhiều trách nhiệm. Do đó, dồn gánh nặng cho nửa kia sẽ khiến hôn nhân trở nên tồi tệ hơn. Điều này mang lại khổ đau cho hôn nhân vì làm cho nửa kia cảm thấy không được quan tâm.
Nhiều bạn trẻ sau một thời gian ngắn kết hôn tỏ ra khá thất vọng vì vợ hay chồng không biết chia sẻ trách nhiệm chung gia đình. Người ta lấy lý do bận công việc làm ăn, bận giao tiếp ngoài xã hội nên không còn sức lực, thời gian lo việc nhà nữa. Thông thường thì người vợ phải gánh hết những nhiệm vụ trong gia đình, với danh nghĩa là “nội tướng”. Điều đó xét ra thiệt thòi cho nữ giới. Ông bà ta thường nói, “Đàn ông xây nhà,/ đàn bà xây tổ ấm”. Điều đó không có nghĩa là trong gia đình có một sự phân công một cách cứng ngắc, cố định, mà đây chỉ hiểu là ai cũng có nhiệm vụ xây dựng, gánh vác việc chung trong gia đình, theo kiểu “Kẻ thì xay lúa, người thì bồng em”. Vợ chồng vì thế hãy tạo điều kiện để có thể làm việc với nhau để chu toàn trách nhiệm chung.
Có người đã nói: “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung với nhau là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm” (James Thurber). Trong gia đình dường như lúc nào cũng có nhiều vấn đề phải giải quyết và đối phó, nếu hai bạn cùng hiệp lực, đồng tâm nhất trí nắm tay nhau thực hiện thì việc gì cũng xong. “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”. Sự thành công của hôn nhân không do tài năng của một người mà chính là do sự đồng tâm hiệp ý của cả hai người.
Trở lại bài viết “7 quy tắc vàng giúp hôn nhân bền vững” trên trang vnexpress.net, tác giả Vy trang đã chia sẻ về vấn đề vợ chồng cùng nhau làm việc nhà, tác giả này đã viết:
“Việc nhà thường được coi là vấn đề nhỏ và dường như ai cũng ngầm hiểu nó là trách nhiệm của phụ nữ. Chỉ mất 10 phút để rửa chén bát, thay tã, nửa giờ để dọn dẹp hay kiểm tra bài tập cho con. Nhưng nhiệm vụ được coi là ‘dăm phút đã xong’ này có thể làm tiêu tan hạnh phúc của nhiều gia đình hiện đại. Đạo diễn nổi tiếng từng 3 lần đoạt giải Oscar Lý An từng nói, một người đàn ông thực sự tốt không giúp vợ làm việc nhà. Bởi việc nhà nên được chia sẻ, không nên tồn tại hai chữ ‘giúp đỡ’ trong đó. Theo vị đạo diễn này, để có được mối quan hệ gia đình tốt, đừng so bì ai làm nhiều hơn, ai làm ít hơn. Nó không giống như quan hệ chủ tớ, rằng trách nhiệm của người vợ là phải chăm sóc con cái, rửa bát và nấu ăn. Chia sẻ việc nhà với vợ là việc người chồng nên làm để giữ lửa gia đình. Một cuộc hôn nhân lâu dài không chỉ dựa trên tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau mà còn có sự tham gia của cả vợ và chồng vào việc nhà”.[5]
Một chuyên gia về hôn nhân gia đình đã quả quyết rằng muốn hôn nhân bền vững và hạnh phúc thì đôi bạn cần tuân thủ một nguyên tắc nghiêm ngặt đó là mọi việc quan trọng trong gia đình cả hai vợ chồng đều phải bàn bạc, nêu ra ý kiến của mình để có quyết định thống nhất. Người ta cho rằng đã đến lúc không còn thời kỳ mà người chồng luôn là người quyết định mọi việc lớn nhỏ trong nhà mà không có sự tham gia ý kiến của người vợ.
Ở trên ta đã nói đến sự cần thiết hai vợ chồng phải cùng chia sẻ công việc nhà, thì đến đây ta sẽ nhấn mạnh về việc đôi bạn phải cùng nhau quyết định những việc quan trọng trong gia đình. Sự bàn bạc chung, hội ý chung, bàn tính chung sẽ là cơ hội tránh được tính gia trưởng của người chồng và là dịp để chứng tỏ đôi bạn tôn trọng nhau, quan tâm vai trò của nhau cách cụ thể.
Một văn hào Pháp đã nói, “Yêu nhau không là ngồi đó nhìn nhau, mà cùng nhau hướng về một lý tưởng” (Antoine de St Exupéry). Vợ chồng phải ngồi lại với nhau, cùng nhau xây dựng một mục tiêu chung cho cuộc sống hôn nhân và cho gia đình mình. Một gia đình mà trong đó “Ông nói gà, bà nói vịt”, hay “Trống đánh xuôi kèn thổi ngược” thì đó là biểu hiện của sự phân hóa, chia rẽ, bất đồng.
Hai người phải dành thời gian để thảo luận, có thể là tranh luận, về những mục tiêu phải theo đuổi. Chẳng hạn, trong vấn đề giáo dục con cái, trong việc quản lý và sử dụng tài chánh, trong việc giải quyết những nhu cầu vật chất, tinh thần trong gia đình vv… Trong gia đình dường như lúc nào cũng có nhiều vấn đề phải giải quyết và đối phó, nếu hai bạn cùng hiệp lực, đồng tâm nhất trí nắm tay nhau thực hiện thì việc gì cũng xong. “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn” hay “Một cây làm chẳng nên non / ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.
Một danh nhân đã nói, “Cãi lộn chiếm phần lớn đời sống hôn nhân, phần còn lại không có gì đặc sắc” (Thornoton Wilder). Quả thực, sự hòa hợp trong đời sống vợ chồng là món quà quý giá nhất mà tình yêu chân thực có thể ban tặng cho đôi bạn. Ông bà ta đã nói: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Nhưng nếu không đạt được sự hòa hợp, hòa thuận cần thiết thì cuộc hôn nhân xem ra bất hạnh và có nguy cơ đổ vỡ.
Có người đã nhận định, “Đám cưới nào cũng hạnh phúc cả, chỉ có cuộc sống chung sau đó là có nhiều rắc rối” (Raymond Hull). Đúng vậy. Rắc rối thường xảy ra nhất có lẽ là sự bất đồng tâm lý và cách ứng xử giữa hai người. Có những bất đồng nho nhỏ về chuyện cơm ăn, áo mặc hằng ngày. Nhưng cũng có những bất đồng nặng nề liên quan những vấn đề lớn trong gia đình như chọn chỗ ở, thay đổi nghề nghiệp, giáo dục con cái, việc chi tiêu trong gia đình, việc dựng vợ gả chồng cho con cái vv…
Tuy nhiên, trước những bất đồng, xung khắc, mâu thuẫn nào đó trong đời sống vợ chồng, nếu đôi bạn biết tìm ra những cách thức giải quyết cơ bản nhất thì tất cả những rắc rối sẽ dần được hóa giải. Trên hết, vẫn là dựa vào tình yêu mà hai người đã đoan hứa dành cho nhau ngày kết hôn. Chính tình yêu là chìa khóa giúp giải quyết mọi vướng mắc của cuộc sống lứa đôi, như ca dao có câu: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, / Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.
Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II trong Tông huấn về những bổn phận gia đình Ki-tô hữu (FC) đã nhấn mạnh: “Chỉ có một tinh thần hi sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau. Không gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình.” (số 21)
Vấn đề tình dục trong đời sống vợ chồng luôn là một “ẩn số” của từng cặp vợ chồng. Dù là trẻ hay già, dù là nam hay nữ, dù ở nông thôn hay thành thị, dù là bình dân hay trí thức, ai ai cũng phải trải qua những khủng hoảng lớn nhỏ trong đời sống tình dục vợ chồng. Theo các nhà nghiên cứu về tâm sinh lý vợ chồng thì nếu hai vợ chồng duy trì được sự hòa hợp thường xuyên trong đời sống tình dục thì họ sẽ hạnh phúc và đó sẽ là yếu tố thuận lợi góp phần cho sự thành công của hôn nhân. Ngược lại, những trục trặc liên quan vấn đề tình dục cứ tái diễn đều đều thì đó sẽ có thể là nguyên nhân chính gây mâu thuẫn, đổ vỡ trong hôn nhân.
Chúng ta biết rằng, tình yêu và nhu cầu tình dục gắn liền nhau. Tình yêu giúp cho tình dục mặn nồng, và tình dục giúp cho tình yêu thăng hoa, tươi mới. Bất kỳ sự mất-hòa-hợp nào cũng phải trả giá, vì khi “vợ chồng không cùng nhịp và khi ‘chuyện ấy’ không hoà hợp sẽ trở thành một trong những nguyên nhân khiến tình cảm vợ chồng ngày càng rạn nứt”. Sự không hòa hợp trong đời sống tình dục vợ chồng có thể xảy ra trong các trường hợp sau:
Sự nhàm chán đơn điệu kéo dài liên tục qua nhiều năm tháng khiến vợ chồng cảm thấy “nhạt nhẽo” chuyện chăn gối. Lúc đó, người ta thường tìm đến “nhân vật thứ ba” như để bù đắp và thỏa mãn những nhu cầu tình cảm, tình dục. Đó là trường hợp “Ông ăn chả”, “Bà ăn nem” hay “Chán cơm thèm phở”... Nói nôm na đó là tình trạng ngoại tình. Một thống kê cho biết, có khoảng 60% đàn ông và khoảng 40% phụ nữ ngoại tình ít nhất 1 lần. Ngoại tình thầm kín, ngoại tình công khai, ngoại tình ngắn hạn, ngoại tình dài hạn vv...
Sự mất hòa điệu trong sinh hoạt vợ chồng có thể xảy ra khi hai người không đáp ứng nhu cầu sinh lý của nhau. Đa số phụ nữ cảm thấy thiệt thòi trong vấn đề này. Trong gia đình họ là những người dành nhiều thời gian, công sức cho chồng con, cộng với những lo lắng về công ăn việc làm, về tiền bạc, về cuộc sống khiến cho họ mất đi nhiều hứng thú trong chuyện chăn gối. Từ đó, mối quan hệ vợ chồng cũng trở nên lạnh nhạt, vô ý nghĩa.
Tuy nhiên, không phải lúc nào sự ham muốn tình dục cũng ở cao điểm và đòi hỏi đôi bạn phải thỏa mãn nhau. Đến một lúc nào đó vấn đề tình dục không còn quan trọng bằng những biểu lộ tình yêu đơn sơ chân thành và những cơ hội chia sẻ tình cảm một cách cụ thể.
Tác giả Richard Templar trong cuốn “Những quy tắc trong tình yêu” khi bàn về vấn đề đôi bạn nên dành thời gian cho sự lãng mạn đã chia sẻ như sau: “Ngoài những lần đi chơi cùng nhau bên ngoài, đôi bạn còn có rất nhiều cách để thể hiện sự lãng mạn tại chính ngôi nhà thân yêu của mình. Cách đơn giản nhất và ít tốn kém nhất là trao cho nhau những lời ngọt ngào, âu yếm và cùng nắm tay nhau, tựa vào nhau trên chiếc sofa êm ái, hay cùng ăn tối trong khu vườn hoặc trên ban-công ngôi nhà hạnh phúc của mình. Hãy nấu một bữa ăn ngon, không cần phải trang trí cầu kỳ, trải chiếc khăn bàn sạch thơm, bày ra những chiếc ly đẹp nhất và cùng thưởng thức một bữa tối đơn giản nhưng thật lãng mạn.” Tác giả R. Templar viết tiếp: “Có những không gian dành cho sự lãng mạn mà không nhất thiết liên quan đến tình dục, cũng như lãng mạn là một cách hấp dẫn nhau. Có thể đôi bạn sẽ có khoảng thời gian rất vui vẻ bên nhau…”[6]
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong Tông huấn “Niềm vui của Tình yêu/ Amoris laetitia” đã nhấn mạnh: “Cuộc gặp gỡ khiến làm nguôi ngoai nỗi cô đơn của con người này làm nẩy sinh sự sống mới và tạo lập ra một gia đình. Điều có ý nghĩa là Ađam, người cũng là người đàn ông của mọi thời và mọi nơi, cùng với vợ mình, đã khởi sự một gia đình mới. Chúa Giêsu nói tới điều ấy khi trích dẫn câu của Sách Sáng Thế: “người đàn ông sẽ kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thân xác” (Mt 19:5; xem St 2:24). Các hạn từ “kết hợp” hay “bám xiết lấy” như trong nguyên bản Hípri, nói tới sự hòa hợp sâu sắc, một sự gần gũi cả thể lý lẫn nội tâm, đến nỗi nó cũng đã được dùng để mô tả sự kết hợp của ta với Thiên Chúa: “Linh hồn tôi bám xiết lấy Ngài” (Tv 63:9). Sự kết hợp vợ chồng, do đó, không những chỉ được gợi lên trong chiều kích tính dục và thể xác của nó, mà cả trong việc tự ý hiến thân trong yêu thương nữa. Kết quả của sự kết hợp này là hai người “trở nên một thân xác”, cả trong thể lý lẫn trong việc kết hợp trái tim và cuộc sống của họ, và, sau cùng, trong đứa con, người sẽ chia sẻ “thân xác” của cả hai cha mẹ không chỉ về phương diện di truyền mà cả về phương diện tâm linh nữa.”(Số 13) ./. -------------------------------------