Chữa bệnh ngoại tình

Thứ hai - 26/08/2013 20:53

-

-
Gọi ngoại tình là một căn bệnh xã hội, vì trải qua mọi thời đại, mọi nền văn minh, mọi nền văn hóa, trong mọi địa vị, vai trò và mọi nếp sống của con người, ở đâu chúng ta cũng thấy xuất hiện căn bệnh này.
Chữa bệnh ngoại tình
 
“Có chữa được bệnh ngoại tình không?” Một câu hỏi tuy đơn giản nhưng rất nhiều người muốn tìm hiểu, và muốn biết. Câu trả lời cũng rất đơn giản nhưng lại cũng rất khó để thành.
 
Lý do vì những người có bệnh đó có muốn chữa và muốn khỏi hay không. Và cũng còn tùy thuộc nhiều ở người nhà bệnh nhân có muốn bệnh nhân khỏi hay không nữa!

 
 
Dĩ nhiên, ngoại tình không phải là một căn bệnh theo y học như nhức đầu, xổ mũi, cảm cúm, tiêu chảy. Ngay cả những căn bệnh nan y như AIDS, phong cùi, hoặc ung thư. Nhưng ở nghĩa tâm lý thực dụng, ngoại tình cũng có thể được coi như một căn bệnh. Nó làm cho người bệnh nhân ăn không ngon, ngủ không yên. Nhiều trường hợp, do sự giằng co giữa lý trí và tình cảm khiến cho người đó trở thành bất ổn, nóng nẩy, bẳn gắt, đôi lúc trở nên vô cảm, lạnh lùng và độc ác. Nó có thể trở thành lý do đưa đến đổ vỡ gia đình, gây đau khổ và ảnh hưởng đến tương lai con cái. Phần mình, người ngoại tình sau một thời gian chạy theo những đam mê, cuồng nhiệt do bị cuốn hút bởi tình cảm, dục vọng sẽ sống trong tâm trạng chán ngán của tình đời, cái hờ hững, mong manh của tình cảm, và những nuối tiếc đầy ân hận về hành động của mình. Tóm lại, ngoại tình là một căn bệnh: căn bệnh xã hội, và hội chứng thiếu trưởng thành về tâm lý, tình cảm.
 
Gọi ngoại tình là một căn bệnh xã hội, vì trải qua mọi thời đại, mọi nền văn minh, mọi nền văn hóa, trong mọi địa vị, vai trò và mọi nếp sống của con người, ở đâu chúng ta cũng thấy xuất hiện căn bệnh này. Điều ngạc nhiên về căn bệnh này, là tuy nó ảnh hưởng trầm trọng đến hạnh phúc hôn nhân, phá vỡ nhiều gia đình, nhưng số người mắc bệnh này xem như ngày càng tăng, đặc biệt, trong thời đại của chúng ta với hiện tượng ly thân, ly dị và những hậu quả của nó liên quan đến việc sinh sản và giáo dục con cái.
 
Không chỉ trong lãnh vực văn hóa và xã hội, căn bệnh này cũng được coi như căn bệnh của tâm lý. Nó phát xuất từ một quan niệm, lối sống, và suy nghĩ thiếu trưởng thành về bản thân, về tình cảm, và về tình yêu. Một căn bệnh của những người sống theo tình cảm nhất thời, để mình bị chi phối, lôi cuốn bởi những thôi thúc của đam mê. Thống kê cho biết 80-85% khi được hỏi về sự chung thủy và trung thành của đời sống hôn nhân đã cho biết mình từng là nạn nhân của hành động ngoại tình của người phối ngẫu. Đây là một bằng chứng nói lên thái độ sống thiếu trưởng thành trong tương quan vợ chồng. Nó cũng cho thấy, phần đông những người ngoại tình thường có cái nhìn ấu trĩ, thiếu trưởng thành về tâm lý. Thí dụ, lấy nhau vì sắc đẹp, vì tiền, vì danh vọng, vì những hấp dẫn thu hút tình cảm, và tình dục. Bước vào đời sống hôn nhân với những chọn lựa như thế, chắc chắn sẽ không phải là một chọn lựa trưởng thành, nhất là sự chọn lựa của tình yêu.
 
Nếu vậy, ta có thể chữa được căn bệnh ngoại tình hay không?
 
Dĩ nhiên là được, nhưng điểm quan trọng là nạn nhân của người chồng, người vợ ngoại tình có sẵn lòng chấp nhận, tha thứ và tạo cơ hội quay trở về cho người ngoại tình hay không? Nhưng quan trọng hơn vẫn là người ngoại tình có muốn được chữa trị hay muốn được lành bệnh hay không?!
 
Vậy thái độ của những người thân như vợ, chồng và con cháu cần phải có thái độ cởi mở, tha thứ và rộng mở vòng tay để đón kẻ thống hối trở về. Đây là một trong những đòi hỏi khó khăn nhất, và hy sinh nhất của những người được coi là nạn nhân. Nhiều người có thể tha, nhưng không thể quên được những gì mà người chồng, người vợ hay người cha, người mẹ ngoại tình đã làm cho mình. Một vết thương tuy bề ngoài xem như đã lành da, nhưng bên trong vẫn đau đớn và âm ỷ rướm máu! Cũng có người tha thứ, nhưng tha thứ một cách niễm cưỡng. Sự tha thứ này làm va chạm tự ái, và tổn thương danh dự kẻ trở về. Thí dụ, những lời nói móc mỉa, chê bai, hoặc những cử chỉ thiếu trang nhã, kính trọng. Hậu quả của những hành động chấp nhận và tha thứ nửa vời này đã làm cho nhiều người tuy muốn quay trở về nhưng không dám, vì sợ rằng sẽ không biết chuyện gì sẽ xẩy ra cho họ sau khi đã trở về.
 
Tóm lại, đóng góp của người chồng hay người vợ nạn nhân cho việc quay trở lại của người tình, người chồng, người vợ không phải là nhỏ. Và cũng không dễ dàng chút nào. Sự tha thứ này cần được xây dựng trên tình yêu, và lòng thành tín. Dám hy sinh, chấp nhận, và tha thứ tất cả cho người trở về. Dám bỏ qua những quá khứ đen tối để cùng nhau hướng về một tương lai với một tấm lòng quảng đại, nâng đỡ, và tin tưởng. Chỉ có những hành động phát xuất từ con tim ấy mới bảo đảm cho sự trở về, cũng như mới mở cửa cho người trở về.
 
Nhưng quan trọng nhất vẫn là thái độ và ý chí quyết tâm quay trở về của kẻ ngoại tình. Vì ngoại tình là một căn bệnh xã hội và tâm lý, nên việc chữa trị phải căn cứ vào hai yếu tố căn bản này.
 
Để được chữa trị căn bệnh này về mặt xã hội, thì người ngoại tình phải biết nhận diện rõ ràng những yếu tố bên ngoài kia đang thu hút mình là gì? Ở dâu? Và trong những hoàn cảnh nào? Đối diện với sự thật là một trong những phương thuốc hữu hiệu trong trường hợp này. Không thể tự từ bỏ hoặc sửa sai nếu như ta không dám chấp nhận sự thật. Thí dụ, ta biết mình bị chi phối và hấp dẫn bởi cô thư ký trẻ đẹp và hấp dẫn. Ta bị chinh phục bởi cử chỉ hào hoa, lối nói chuyện thu hút của người bạn cùng sở. Hoặc bị bạn bè thường xuyên mời gọi, rủ rê tham dự những buổi tiệc tùng, xã giao, những sinh hoạt giải trí tại những vũ trường hoặc phòng trà, phòng tắm hơi… Muốn chấm dứt những mối liên hệ bất chính, muốn từ bỏ những hành động gian dối đối với vợ, đối với chồng mà lại không quan tâm đến những khía cạnh xã hội bên ngoài đang thu hút, mời gọi mình là một việc làm thiếu thực tế, thiếu tính toán, và thiếu quyết tâm. Cũng giống như muốn chữa bệnh mà không quan tâm đến nguyên do gây nên bệnh. 
 
Song song với những yếu tố xã hội là sự thiếu trưởng thành về tâm lý. Những người ngoại tình thường xuyên sống với ý nghĩ và hành động tự tôn, tự đại muốn chứng tỏ mình hơn người. Tự cho mình là đẹp, là hấp dẫn, là giỏi, là giầu có. Tự cho mình có khả năng chinh phục và làm cho người khác đi theo mình, nể phục mình. Với tâm trạng ấy, họ luôn sống với lối sống tự tạo và tự giải phóng mình. Cũng từ quan niệm và lối sống ấy, họ chơi trò bắt cá hai tay. Một mặt vẫn sống với vợ, với chồng, mặt khác lén lút tình cảm với người khác. Họ trở nên quá đáng khi tự biết hành động ngoại tình của mình có thể sẽ phá vỡ hạnh phúc chính gia đình mình, gia đình của người khác nhưng vẫn cứ lao về phía trước bất chấp hậu quả. Và hậu quả trước hết là làm sứt mẻ hạnh phúc của chính mình, hoặc có thể vì những mối tình ngang trái, bọt bèo ấy mà đành hy sinh gia đình, thanh danh và sự nghiệp của mình.
 
Kế tiếp là trở thành mục tiêu cho những màn trả thù, đánh ghen rất mất danh giá, và sỹ diện. Sau cùng là mất chồng, mất vợ, mất các con.
 
Như đã trình bày ở trên, trò chơi ái tình mang tên gọi “ngoại tình” là thuộc trò chơi trẻ con, trò chơi của những người thiếu ý thức trách nhiệm. Một trò chơi có thể gây ra ít nhiều hứng thú lúc ban đầu, nhưng hậu quả lại rất tai hại. Nếu như ta đã biết người nào đó nhất định vì mình mà dám bỏ vợ, bỏ chồng để theo. Hoặc nếu như một ai đó biết ta là người đã có vợ, có chồng mà cũng nhất định dành giật, sẵn sàng phá vỡ hạnh phúc gia đình mình thì tự thâm tâm họ là người không tốt. Và sống tốt với người không tốt là một điều rất khó. Đương nhiên có kết quả không tốt. Nếu vợ họ, chồng họ, con họ mà họ còn bỏ thì mình liệu có thể trở thành một trò chơi tạm bợ, nhất thời hay không?! Tuy nhiên, trong cơn cuồng say của tình cảm, của tình dục, và của đa mê, cộng thêm với suy luận thiếu trưởng thành, rất ít người đã nhận mình có những quyết định sai lầm để trở lại. Càng ít người muốn thành tâm trở lại. Một mặt vì mặc cảm tự ty, một mặt vì mặc cảm tự tôn. Và đây là cái khó khăn nhất của người muốn chừa hoặc muốn được khỏi bệnh ngoại tình. 
 
Sự chung thủy trong hôn nhân đem lại kết quả hạnh phúc lâu dài trong cuộc sống. Ngược lại, hành động bất trung có thể dẫn đến hàng năm buồn giận, hối hận, và đắng cay. Một cách thinh lặng và không thể nói ra, khi chúng ta ngủ cũng như khi chúng ta làm việc, khi chúng ta mạnh dạn hay khi chúng ta yếu đuối, và cả khi có những dấu hiệu báo trước về đổ vỡ có thể dẫn đến, ngoại tình vẫn xẩy ra trong mọi lãnh vực của cuộc sống, đe dọa sự chung thủy của hôn nhân. Tóm lại, để tránh khỏi những hậu quả sau này, tốt nhất lời khuyên của giới y khoa vẫn luôn là lời khuyên tốt cho cả sức khỏe tâm lý và tâm thần: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
 
Và để đề phòng bệnh ngoại tình, chúng ta cần phải lưu tâm đến những khía cạnh bên ngoài của xã hội. Những giao du bạn bè. Những trao đổi với người này, người khác, đặc biệt là những người khác phái thông qua những phương tiện của kỹ thuật, của điện tử như ipad, iphone, email, text, face book, và computer… Dĩ nhiên chúng ta nên biết điều này, có thể chồng ta, vợ ta, con ta không biết nhưng chính mình ta, ta biết. Vậy “Nếu muốn không ai biết, thì tốt nhất đừng làm việc ấy.” Sợ rằng sẽ có ngày chiếc kim trong tay áo sẽ lòi ra, và lúc đó tình trạng hôn nhân, hạnh phúc hôn nhân của mình sẽ gặp thử thách.
 
Trở lại con người tự nhiên, ta phải tự mình ý thức và làm chủ hành động của mình. Không nên hành động ngông cuồng, ấu trĩ để vì một người đàn ông hay đàn mà hy sinh hạnh phúc hôn nhân và hạnh phúc gia đình mà ta đang có trong tầm tay.
 
Bài viết đã được đăng trên Việt Tide.

Tác giả: Trần Mỹ Duyệt

Nguồn tin: www.giadinhnazareth.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập369
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm368
  • Hôm nay102,342
  • Tháng hiện tại1,037,382
  • Tổng lượt truy cập58,323,251
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây