- Tác giả bài viết: Bà Tiến sĩ Flaminia Giovannelli, nguyên Thứ trưởng Thánh Bộ Dịch vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn diện.
- Lê Văn Hùng HT69 chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Pháp của Hélène Ginabat trên Zenit:
***
“Phanxicô, con còn giàu lắm, con có tình yêu của Đức Kitô trong trái tim con, hãy yêu họ như Đức Giêsu đã yêu con”: Đức Hồng y Phanxicô Xaviê đã kể lại bằng cách nào ngài đã nghe được tiếng gọi trong tâm hồn để yêu kẻ thù và tha thứ cho họ như vậy.
Trên tờ L’Osservatore Romano bằng tiếng Ý phát hành ngày 17/4/2021, bà Flaminia Giovannelli, nguyên Thứ trưởng Thánh Bộ Dịch vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện đã có bài viết tôn vinh vị hồng y người Việt với tiêu đề: “Đời sống kiến tạo của Đấng Đáng kính Đức HY Văn Thuận thể hiện qua việc cống hiến cho tha nhân. Ngài tiếp cận giây phút hiện tại bằng cách lấp đầy nó bằng tình yêu.”
Đức Hồng y Văn Thuận đã lắng nghe lời mời gọi tình yêu này, điều đó càng ấn tượng hơn khi xảy ra vào “một đêm tuyệt vọng”, “trước bức tường thù nghịch không thể lay chuyển của các quản ngục của ngài”.
Ngày hôm sau, như chính người cựu tù nhân của nhà tù cộng sản Việt Nam đã kể lại, “ngài bắt đầu yêu thương họ”, và “thuyết phục họ tin rằng ngài vẫn yêu thương họ cả khi họ quyết định giết ngài”.
Nếu ngài đã biết yêu kẻ thù, thì Đức Hồng y cũng yêu thương các bạn bè và các cộng sự không hề kém, nữ tác giả khẳng định rằng “những người ngài quan tâm trước hết, là những người đã kề vai sát cánh với ngài khi ngài được gọi về Rôma với tư cách là phó chủ tịch, rồi chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình.
Để minh chứng cho sự “giản dị”, “dịu dàng”, và “tình cảm, hay đúng hơn là tình yêu” của ngài, nữ tác giả nhấn mạnh việc “Đức Hồng y đặt trên bàn giấy một bó các bông hoa bằng vải, chính xác bằng số lượng các cộng sự viên của ngài, để họ luôn hiện diện trong tâm trí và lời cầu nguyện của ngài”.
Ngày 22/10/2010, 8 năm sau ngày ngài qua đời, giai đoạn cấp giáo phận án phong chân phước cho vị Hồng y bị lưu đày tại Rôma đã được mở ra tại điện Latêranô. Và vào năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong Thánh công bố một sắc lệnh về đặc tính “anh hùng” của các nhân đức nhân bản và Kitô giáo của ngài.
Dưới đây là bản dịch từ tiếng Ý bài viết của Bà Flaminia Giovannelli:
Bà Flaminia Giovannelli
*
* *
Đời sống kiến tạo của Đấng Đáng kính Đức HY Văn Thuận
thể hiện qua việc cống hiến cho tha nhân.
Ngài tiếp cận giây phút hiện tại bằng cách lấp đầy nó bằng tình yêu.
Lòng trung thành với ngai tòa Phêrô là nét tiêu biểu trong nhân cách của Đấng Đáng kính Đức HY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Một trong nhiều chi tiết đã chiếu sáng cuộc đời ngài, một cuộc đời được đánh dấu bởi những đau khổ lớn lao mà ngài đã đương đầu với niềm hy vọng, sức mạnh và óc hài hước, đó là chi tiết mà tờ L’Osservatore Romano đề cập. Quả thế, ngài đã trải qua 13 năm tù, trong đó có 9 năm bị biệt giam, có lần ngài đã kể lại, trong một lần bị biệt giam trong tù thì có một “nữ cảnh sát” mang đến cho ngài một con cá nhỏ để ăn trưa, được gói trong 2 trang của tờ L’Osservatore Romano. Đức Hồng y coi việc này là sự quan phòng, nên cẩn thận lau chùi và giữ kỹ hai trang báo này để đọc đi đọc lại nhiều lần.
Chúng ta có thể hình dung được ngài sung sướng biết bao khi thấy một bài viết mới được đăng trên tờ báo này đề cập đến cuộc đời trần thế của ngài, vào dịp lẽ ra là sinh nhật lần thứ 93 nhưng nay lại là sinh nhật thứ 19 của ngài trên thiên quốc. Phải thừa nhận rằng sự gắn bó của ngài với ngai tòa Phêrô trước đây và nay vẫn còn mang tính hỗ tương, vì quả thực là Đức Giáo hoàng danh dự đã tôn vinh ngài trong Thông điệp Spe salvi, Đức Giáo hoàng Phanxicô thì đã đề cao sự thánh thiện của ngài làm mẫu gương trong Tông huấn Gaudete et exsultate, trong khi Thánh Gioan-Phaolô II đã mời ngài giảng linh thao vào năm khởi đầu thiên niên kỷ mới.
Mùa Phục sinh chúng ta đang sống chắc chắn là thời gian thích hợp nhất để tưởng nhớ đến chứng nhân đức tin vĩ đại này. Đúng thế, nếu cuộc đời ngài là một mùa Chay thì có thể nói rằng ngài đã sống cuộc đời đó theo lời huấn dụ của Chúa, không phải với dáng ủ rủ và vẻ mặt sầu não (Mt 6, 16), hay với “một cái đầu tang chế”, mà trái lại, với khuôn mặt vui vẻ, luôn hướng về niềm hy vọng, nghĩa là với niềm xác tín về sự phục sinh.
Các khía cạnh về nhân cách của vị Hồng y người Việt Nam thật phong phú và các biến cố cuộc đời của ngài thì quá nhiều và quan trọng vượt quá khuôn khổ của một bài viết, nên tốt hơn hết là tập trung vào cái mà ngài đại diện, cụ thể là một biểu tượng các quyền con người hết sức độc đáo. Hết sức độc đáo bởi lẽ ngài đã thực hiện cuộc đấu tranh của ngài để nhân quyền được tôn trọng bằng những phương tiện khác thường đối với cuộc chiến này, bằng sự đơn sơ đến độ mỉa mai và nhất là bằng tình yêu. Và không thể phủ nhận rằng các nhân quyền của ngài đã bị chà đạp trên mọi phương diện.
Thời gian ngài được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, trước khi làm chủ tịch vài năm sau đó, các nhân chứng về giai đoạn cuối cùng này của cuộc đời ngài đã có thể cảm nghiệm được sự đơn sơ, dịu dàng và tình cảm của ngài, hay đúng hơn là tình yêu của ngài. Sau khi có tin ngài được bổ nhiệm tại Rôma, người ta háo hức chờ đợi Đức cha Văn Thuận bởi vì cuộc đời ngài quá nổi tiếng, và cũng bởi vì Đức HY Etchegaray, lúc bấy giờ đang là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa Bình, là người đã tham gia vào các cuộc đàm phán thương lượng cuối cùng đưa đến việc trả tự do cho ngài.
Người ta có thể dễ dàng hình dung sự ngạc nhiên bất ngờ khi ngài ung dung tự giới thiệu mình cách đơn giản là “Giám mục Phanxicô Xaviê”, một thói quen mà ngài vẫn giữ ngay cả khi ngài là hồng y. Sau khi đến Rôma vào năm 1994, ngài vẫn tiếp tục ở khá lâu trong một cộng đoàn nữ tu Việt Nam. Từ đó, ngài đến văn phòng làm việc của mình tại Điện Thánh Calistô trên một chiếc Vespa 50 do thư ký ngài lái, người mà ngài đã bí mật truyền chức linh mục, đó là cha Phaolô, hay đúng hơn là Đức Ông Phaolô Hiền: (Đức Ông Hiền viết) không thể không ngạc nhiên và không bật cười khi chứng kiến ngài cởi mũ bảo hiễm và bước xuống khỏi phương tiện giao thông khá độc đáo này trong tư cách là một Tổng Giám mục.
Sự ngạc nhiên và lòng ngưỡng mộ ngày càng tăng theo năm tháng, khi mà những câu chuyện kể về việc ngài bị giam cầm chất chứa đầy chi tiết đau lòng, hài hước và kiến tạo (*).
Đau lòng: Nếu Đức Hồng y còn sống sót sau khi trải qua những điều kiện giam giữ khắc nghiệt đó là nhờ sức mạnh tâm hồn được nuôi dưỡng bởi Chúa Thánh Thần đang hoạt động nơi ngài. Chẳng hạn ngài kể rằng trong thời gian dài hơn một trăm ngày, ngài phải nằm trên mặt đất của một trong các phòng giam của ngài để có thể thở trước một cái lỗ duy nhất được đào để thoát nước dưới chân tường. Câu chuyện về cây thánh giá trước ngực ngài có ý nghĩa đặc biệt về những xúc phạm mà người ta đã gây ra cho ngài, về những phản ứng vừa can đảm vừa giàu trí tưởng tượng của ngài; ngài đã mang cây thánh giá này suốt mọi ngày cho đến giây phút cuối đời.
Quả thế, ngài kể lại rằng trong thời gian bị cầm tù người ta cấm gọi ngài là giám mục, và tước bỏ mọi huy hiệu phẩm tước của ngài kể cả cây thánh giá trên ngực; nhưng vì coi trọng các biểu tượng này nên ngài không buông bỏ; với sự đồng thuận của hai quản tù, ban đầu ngài kiếm được một mảnh gỗ để đẽo khắc cây thánh giá, đem giấu một thời gian trong một miếng xà phòng, rồi ngài làm sợi dây đeo bằng dây điện sau khi thuyết phục được người quản tù rằng ngài sẽ không dùng nó để tự tử, bởi vì “linh mục công giáo không tự tử”.
Hài hước: Đấng Đáng kính Đức Hồng y có một óc quan sát cực kỳ nhạy bén và không ít lần ngài tham gia vào các trò bắt chước vui nhộn. Tài nắm bắt khía cạnh khôi hài của cuộc sống rất hữu ích với ngài trong thời gian bị cầm tù. Một trong những người giám sát mà ngài đã cải hóa đã được mời đến tham dự lễ khai mạc án phong chân phước của ngài theo sáng kiến của Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. Ông này nhắc lại một chi tiết mà chính Đức Hồng y nhiều lần kể lại, rằng ngài đã dạy ông hát kinh Veni Creator. Mỗi sáng rửa mặt sau khi tập thể dục, nghe ông cựu công an cộng sản này hát bài thánh ca thường làm cho tù nhân Văn Thuận cảm thấy vui vẻ!
Kiến tạo: Thực tế, câu chuyện về bài hát Veni Creator cũng cho thấy mối quan tâm của Đức Hồng y về điều có thể gọi là “sư phạm” mà ngài không bao giờ chùn bước ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất của đời tù tội. Chính trong những năm này, ở mặt sau của các tờ lịch cũ do một đứa trẻ bí mật mang đến ngài đã viết 1.100 thông điệp thiêng liêng – như chuyện nghìn lẻ một đêm – gửi cho các tín hữu, hay khi các viên trưởng công an xin ngài dạy ngoại ngữ (ngài biết nhiều ngoại ngữ) cho các quản ngục, hoặc để người đối thoại hiểu đúng bản chất của Giáo hội, ngài đã biên soạn một cuốn từ điển giản lược gồm 1.500 từ tôn giáo tiếng Pháp, Anh, Ý, La tinh, Tây Ban Nha, Trung quốc, với phần giải thích tiếng Việt. Quả đúng là đầu óc nhanh nhạy phi thường vẫn hoạt động bền bỉ ngay cả trong thời gian bị áp chế khủng khiếp này!
Từ mối quan tâm có tính “sư phạm” này, Đức Hồng y đã mang đến một chứng cứ khác cho Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình để thúc đẩy việc soạn thảo cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, một sáng kiến mà đáng tiếc là ngài không thể hoàn tất.
Nhưng chiều kích đáng khâm phục của đời sống ngài chắc hẳn là khả năng tha thứ và yêu thương kẻ thù của ngài. Trước bức tường thù nghịch không thể lay chuyển của những người quản ngục của mình, trong một đêm tuyệt vọng, trong đầu ngài nảy ra một suy nghĩ: “Phanxicô, con vẫn giàu có lắm, con có tình yêu Đức Kitô trong trái tim con, hãy yêu thương họ như Đức Giêsu đã yêu thương con”. Ngài kể, ngày hôm sau ngài bắt đầu yêu thương họ, và làm điều có vẻ khó khăn nhất là thuyết phục họ tin rằng ngài sẽ yêu thương họ cả khi họ quyết định giết ngài.
Nếu ngài đã thành công trong việc yêu thương kẻ thù mình, thì tình yêu của ngài dành cho các bạn hữu của mình lại càng lớn biết bao! Trong những năm cuối đời ngài, các cộng sự viên Công lý và Hòa Bình của ngài là những người đầu tiên nhận được sự quan tâm của ngài. Thật vậy, Đức Hồng y đã để trên bàn làm việc của mình một bó hoa vải, đúng với số lượng các cộng tác viên của ngài, để họ luôn hiện diện trong tâm trí và lời cầu nguyện của ngài.
Giữa những bông hoa này có cắm một tấm thiệp từ Mêxicô gửi đến, đất nước mà ngài có mối liên hệ rất chặt chẽ, trên đó có hình ảnh những con quỷ con với những cái chĩa của chúng. Những con quỷ con khiến ngài liên tưởng đến việc chọc phá đôi lúc khiến ngài thấy đau khi có cảm giác bị những cái chĩa của chúng đâm phải. Bởi vậy, mỗi khi ngài đến văn phòng làm việc của mình, ngài cầu nguyện để những con quỷ con này để cho ngài được yên, cũng như để các cộng sự của mình được yên: phải chăng đó chẳng phải là bằng chứng về sự dịu dàng vui nhộn của một tâm hồn vĩ đại và giản dị, điều cần được xem là kim chỉ nam để “sống giây phút hiện tại bằng cách lấp đầy nó bằng tình yêu thương”? (Tông huấn Gaudete et exsultate, 17)./.
Nguồn: https://fr.zenit.org/2021/04/19/aime-les-comme-jesus-ta-aime-lappel-entendu-par-le-card-van-thuan/?fbclid=IwAR0YPf-_TsqmMPXDVMcAJEjZYGLao4jxr6vs2j2JFJq66ryQg8pHZQjSctc
----------------------------------
Ghi chú của người dịch:
* Edifiant: Xây dựng nên, khuyến thiện, cảm hóa… Ở đây dịch là kiến tạo. Kiến tạo, một từ khá mới áp dụng vào lãnh vực giáo dục và xã hội, được định nghĩa là: Sự tiếp cận với hoàn cảnh, đối tượng, không theo cách thông thường, nhưng có chủ động tương tác và có tính sáng tạo, từ đó biến đổi hoàn cảnh theo chiều hướng tích cực. Đời sống kiến tạo (la vie édifiante) áp dụng vào trường hợp Đức HY Nguyễn Văn Thuận có nghĩa là ngài luôn biết tiếp cận giây phút hiện tại cách sáng tạo, dù xảy ra trong những hoàn cảnh tăm tối nhất, để thay đổi bản thân, biến đổi những hoàn cảnh, cảm hóa những con người mà ngài gặp gỡ, hướng đến và tạo ra những điều tốt đẹp cho bản thân và cho người khác: “Ngài tiếp cận giây phút hiện tại BẰNG CÁCH lấp đầy nó bằng tình yêu.... Các khía cạnh về nhân cách của vị Hồng y người Việt Nam thật phong phú và các biến cố cuộc đời của ngài thì quá nhiều và quan trọng vượt quá khuôn khổ của một bài viết, nên tốt hơn hết là tập trung vào cái mà ngài đại diện, cụ thể là một biểu tượng các quyền con người hết sức độc đáo. Hết sức độc đáo bởi lẽ ngài đã thực hiện cuộc đấu tranh của ngài để nhân quyền được tôn trọng bằng những phương tiện khác thường đối với cuộc chiến này, bằng sự đơn sơ đến độ mỉa mai và nhất là bằng tình yêu. Và không thể phủ nhận rằng các nhân quyền của ngài đã bị chà đạp trên mọi phương diện.” (Flaminia Giovannelli)
- Về tác giả:
Bà Flaminia Giovannelli, nguyên Thứ trưởng Thánh Bộ Dịch vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện, là người phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Vatican (the Most Influential Woman in the Vatican). Năm 1974, bà làm việc ở Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa Bình. Năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô sát nhập Hội đồng Giáo hoàng Đồng Tâm và Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình thành Thánh Bộ Dịch vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện, do Đức Hồng y Peter Turkson làm Bộ trưởng, bà được bổ nhiệm làm Thứ trưởng, là người nữ giáo dân đầu tiên được bổ nhiệm vào một chức vụ cao tại Vatican (the first lay woman appointed to a high level position at the Vatican). Bà đã phục vụ qua 5 đời Giáo Hoàng và về hưu năm 2018.
Flaminia Giovanelli có bằng Khoa học Chính trị tại Đại học La Sapienza của Rome, bằng Khoa học Thư viện của Trường Khoa học Thư viện Vatican và bằng Nghiên cứu Tôn giáo của Đại học Giáo hoàng Gregorian. Vào tháng 5 năm 2014, bà đã được trao bằng Tiến sĩ Danh dự “Doctor of Humane Letters” (L.H.D.) (Bằng tiến sĩ danh dự dành cho người có chuyên môn và nhiều cống hiến trong lãnh vực con người và phát triển) từ Đại học DeSales.