Tản mạn về địa danh ở Sài Gòn

Thứ sáu - 24/03/2023 04:55
Sài Gòn có khoảng 6.000 địa danh, kênh rạch tương đối đầy đủ là 2.245, đường phố độ 2.000 tên, Chợ… Cầu… khoảng 1700 tên.

1. Sài Gòn có khoảng 6.000 địa danh, kênh rạch tương đối đầy đủ là 2.245, đường phố độ 2.000 tên, Chợ… Cầu… khoảng 1700 tên.

2. Trong hơn 6.000 địa danh vừa nêu, thành tố đứng trước có 260 địa danh mang từ Bà. Một số thành tố mang từ Bà chỉ người phụ nữ đã lớn tuổi, như Bà Điểm, Bà Chiểu; một số là biến âm của Bàu, như Bà Hói, Bà Môn (âm gốc Bàu Hói, Bàu Môn); một số là biến âm của Bờ, như Bà Băng, Bà Đập, Bà Ngựa (âm gốc Bờ Băng, Bờ Đập, Bờ Ngựa). Còn thành tố Ông ở trước xuất hiện trong 220 địa danh. Một số yếu tố Ông chỉ người đàn ông lớn tuổi hoặc đáng kính, như cầu Ông Lãnh (Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng: 1798-1866), khu Ông Tạ (Trần Văn Bỉ: 1918-1983, danh hiệu Tạ Thủ). Một số là biến âm của Ong, như rạch Ông Lớn, cầu Ông Lớn, rạch Ông Bé.
 

3. Sài Gòn là vùng sông nước nên có rất nhiều địa danh mang các từ chỉ sông nước. Ngoài các từ chỉ các dòng chảy phổ thông như sông, suối, kinh, mương, ngòi còn các từ rạch (Ong Lớn – sông nhỏ), rỏng (Rỏng Gòn – Hóc Môn – đường khuyết sâu, có nước đọng), tắt/tắc (Tắc Rổi – dòng nước chảy tắt qua khu sinh sống của những người trung gian bán tôm cá), xép (cù lao Xép – dòng nước nhỏ – Cần Giờ), xẽo (rạch Xẽo – Củ Chi – dòng nước nhỏ), ngọn (rạch Ngọn Chùa – Bình Chánh), ụ (bến Ụ Ghe – quận 8 -dòng nước đậu ghe để sửa). Địa hình chỉ sông nước thì có vàm (vàm Ông Chi, Củ Chi – ngã ba sông rạch), bưng (Bưng Sáu Xã – quận 2,9 – vùng nước rộng lớn), bùng binh (rạch Bùng Binh – quận 3 – nơi phình rộng, ghe thuyền có thể trở đầu).

4. Sài Gòn cũng như Nam Bộ thuộc vùng nhiệt đới nên mưa nhiều, kênh rạch chằng chịt nên tên cầu cũng nhiều. Có 136 địa danh mang từ Cầu ở trước. Một số thành tố sau là từ Ông (như phường Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Ông Thìn), Bà (như rạch Cầu Bà Nga, rạch Cầu Bà Cả), hoặc công trình xây dựng (như rạch Cầu Chùa, phường Cầu Kho, rạch Cầu Nhà Việc), hoặc từ chỉ màu sắc (như rạch Cầu Đen, vùng Cầu Trắng), hoặc tên cây cỏ (như rạch Cầu Tràm, rạch Cầu Sơn), hoặc tên cầm thú (như rạch Cầu Sấu, rạch Cầu Khởi (Khỉ)).

Hai từ cổ cùng chỉ dòng chảy là Cái và Hóc. Số địa danh mang từ Cái ở trước là 21 đơn vị. Hóc ở trước xuất hiện trong 12 địa danh. Yếu tố đứng sau thường là tên cây: Cái Đước, Hóc Môn, Hóc Sắn, hoặc tên cầm thú: Hóc Hươu, Hóc Mối. Một số thành tố mang từ Cái bị biến âm thành Cả: Cả Cấm (rạch cấm đi qua vì cá sấu), Cả Tắc (rạch để đi tắt).

5. Yếu tố đứng sau gồm nhiều loại đối tượng. Một số là tên cây. Những tên cây phổ biến trong: Bàu Dứa, Gò Xoài, Giồng Đế. Một số cây là đặc sản của Nam Bộ: Giồng Trôm (Cần Giờ), Cây Cám (rạch, quận 1 – lá cây có bụi trắng như cám heo), Cây Bướm (rạch, Nhà Bè), Cây Cui (tắt, Cần Giờ), Cây Sộp (ấp, Củ Chi), Cây Gầm (rạch Hóc Môn), Cây Lơn (chợ, quận 9), Cây Nhum (rạch, Củ Chi), Cây Tri (rạch, Bình Chánh), Cây Trường (ngã ba, Gò Vấp), Cây Ủ (bến sông, Củ Chi), Thai Thai (rạch, Củ Chi), Thiềng Liềng (rạch, Cần Giờ), Củ Chi (huyện – cây mã tiền). Một số có nguồn gốc Khmer: Bến Lức (sông, Rôlưk), Rạch Chiếc (cầu, Cèk), Gò Vấp (quận, Kompắp).
 

6. Một số là tên cầm thú. Những con thú vốn là gia súc, như Chuồng Bò (chợ, quận 10), Trâu (rỏng, Củ Chi), Chuồng Chó (ngã năm, Gò Vấp – vốn là trường quân khuyển từ thời Pháp thuộc đến ngày 30-4-1975). Một số vốn là tên những con vật sinh sống từ thuở hoang sơ: Sấu (rạch, Cần Giờ), Trăn (rạch, Cần Giờ), Hố Bò (kinh, Củ Chi – bò rừng), Voi (rạch, Bình Thạnh), Chó Tru (ngã ba, Cần Giờ – chó sói), Bàu Nai (ấp, Hóc Môn), Hóc Hươu (rạch, Bình Chánh). Tên các loại cá là đặc sản khá phong phú: Cá Bông (doi đất, Cần Giờ), Cá Lăng (vùng đất, Củ Chi), Cá Heo (rạch, Cần Giờ), Cá Tra (rạch, Nhà Bè), Cá Nháp (sông, Cần Giờ), Cá Nóc (rạch, Nhà Bè), Cá Vồ (rạch, Cần Giờ), Cá Úc (rạch, Nhà Bè), Cá Súc (rạch, Cần Giờ).

7. Địa danh được xem là những tấm bia lịch sử bằng ngôn ngữ. Trong địa danh chứa nhiều từ cổ: rạch Bến Bối (Bình Thạnh – bối là “từ chỉ kẻ ăn trộm trên sông”), rạch Ngả Bát, Ngả Cạy (Cần Giờ – rạch “bên phải, bên trái”), Trảng Lấm (Củ Chi – lấm là “bùn” – chân lấm, tay bùn), chợ Đũi (quận 3 – đũi là “thứ hàng dệt bằng tơ gốc, mặt hàng thô”). Địa danh cũng chứa đựng nhiều từ lịch sử: thành Bát Quái (quận 1- thành có tám cạnh như hình bát quái), đường Lũy Bán Bích, khu Mả Ngụy hay mả Biền Tru (quận 3 – mả của 1.831 người tử tù vì theo Lê Văn Khôi nổi loạn), cầu Trùm Bích (quận 12), Trường Thi (quận 1), kinh Nhiêu Lộc (ông nhiêu học tên Lộc). Còn từ địa phương thì xuất hiện nhiều trong tên cây, tên cầm thú, tên các địa hình.

8. Hiện tượng tỉnh lược cũng khá đậm nét trong địa danh Việt Nam. Tỉnh lược là giảm bớt một số tiếng trong các từ ngữ nhiều tiếng. Rất nhiều thí dụ trong tiếng Việt: nấm tai mèo – nấm mèo, bánh vú bò (“thứ bánh đổ vào chén giống cái vú con bò”) – bánh bò. Địa danh cũng thế: cầu Kiệu được Trương Vĩnh Ký ghi cầu Xóm Kiệu. Chúng tôi cũng đã nêu ý kiến: Bến Dược vốn là tỉnh lược của bến Bà Dược vì tại đây có xóm Bà Dược và được nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh tán đồng.
 

9. Kiêng húy là một phong tục khá phổ biến dưới các triều đại quân chủ. Trong tác phẩm của mình, Ngô Đức Thọ cho biết trong tiếng Việt trước đây có 531 chữ kiêng húy. Đó là tên các vua chúa hoặc hoàng thân quốc thích, tên các thánh thần, tên các bậc trưởng thượng,… Để khỏi phạm húy, người xưa có mấy cách xử lý tên huý: Nói chệch đi, bằng cách giữ âm đầu và thanh: Chu (chúa Nguyễn Phúc Chu) thành châu (ấp Châu Thới, Bình Chánh); Cảnh (Trần Cảnh, hoàng tử Cảnh, Nguyễn Hữu Cảnh) thành kiểng (xã Phước Kiểng, Nhà Bè); tông (Miên Tông, vua Thiệu Trị) thành tôn (đường Lê Thánh Tôn, Tôn Đản); thì (Nguyễn Phúc Thì, Hồng Nhậm – vua Tự Đức) thành thời, nhiệm (đường Ngô Thời Nhiệm). Kiểu này phổ biến nhất. Thay thế bằng từ đồng nghĩa: Hoa (quí phi Hồ Thị Hoa – mẹ vua Thiệu Trị): Cầu Hoa (Bình Thạnh, gần vườn hoa của Tả quân Lê Văn Duyệt) thành cầu Bông. Lệ kiêng huý xuất hiện từ đời Tống (960-1279) ở Trung Quốc. Còn ở Việt Nam, tục lệ này xuất hiện từ đời Trần (1225-1400). Tục lệ kiêng húy bị bãi bỏ ở miền Bắc sau năm 1955. Còn ở miền Nam vẫn tiếp tục duy trì. Hơn nữa, tục này đã xâm nhập vào tiếng nói hằng ngày của mọi người dân.

10. So với Bắc Bộ và Trung Bộ, Nam Bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng là vùng đất mới. Yếu tố Hán Việt Tân (nghĩa là “mới”) đứng trước địa danh ở Nam Bộ và Sài Gòn nhiều hơn hẳn. Theo số liệu thống kê của chúng tôi, Tân trong địa danh ở Nam Bộ có tổng cộng 546 (xếp vị trí số 1, trong đó Sài Gòn có 255 đơn vị), còn cả Bắc Bộ và Trung Bộ chỉ có 270 địa danh, đứng thứ 29. Xin nêu thí dụ ở Sài Gòn có các địa danh: Tân Bình, Tân Phú, Tân Định,…

11. Vết tích Sài Gòn vốn là vùng quê, sống bằng các nghề nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là chủ yếu, được thể hiện trong 28 địa danh mang từ Vườn: Vườn Bầu, Vườn Bông, Vườn Cau, Vườn Chanh, Vườn Chuối, Vườn Dừa, Vườn Điều, Vườn Lài, Vườn Mít, Vườn Ngâu, Vườn Nhãn, Vườn Thơm, Vườn Trầu, Vườn Xoài,… 50 địa danh mang từ Lò ở trước: Lò Bột, Lò Bún, Lò Chén, Lò Da, Lò Đúc, Lò Đường, Lò Gạch, Lò Gang, Lò Gốm, Lò Heo, Lò Lu,… và 54 địa danh mang từ Xóm: Xóm Bột, Xóm Bưng, Xóm Cải, Xóm Chiếu, Xóm Chùa, Xóm Cối, Xóm Củi, Xóm Dầu, Xóm Đình, Xóm Lụa, Xóm Mới, Xóm Quán, Xóm Than, Xóm Thuốc, Xóm Trại, Xóm Trĩ, Xóm Ve Chai,…
 
saigon 4

12. Về ngữ âm, tiếng Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung mang một số nhược điểm: lẫn lộn một số phụ âm đầu nên một số địa danh cũng ảnh hưởng, bị sai lạc về chính tả, như trong ngã tư Hàng Xanh (cây sanh), khu Cây Da Xà (Da Sà), Giồng Ao (Vồng Ao),… Một số địa danh bị sai lạc về vần: Cát Lái (Các Lái), Gò Vấp (Gò Vắp – cây vắp là loại cây lớn và thân rắn chắc nên người Pháp dịch là bois de fer, ở đường Trương Định vẫn còn cây này), rạch Chung (Chun), Dần Xây (Giằng Xay), Lào Táo (Làu Táu), Thiền Liền (Thiềng Liềng),… Sai lạc về thanh: Kênh Tẻ (Tẽ), rạch Xẻo Đơn (xẽo, Củ Chi). Sai lạc cả thanh và vần: khu Mã Lạng (Mả Loạn), sông Hào Võ (Hàu Vỏ),…

Trích “Sài Gòn mê”, Nxb Tổng hợp
 

Nguồn tin: saigonxua.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Facebook Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Kênh Youtube Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập145
  • Hôm nay27,705
  • Tháng hiện tại282,551
  • Tổng lượt truy cập69,757,883
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây