Người hùng của gia đình tôi

Thứ sáu - 29/10/2021 09:56
Mặc dù ba không phải là người hoàn hảo, có nhiều sai sót nhưng đối với tôi, ông mãi là anh hùng dù có chết đi sống lại nhiều lần trên giường bệnh ông vẫn chiến đấu kiên cường.
 
-
 
Đối với mọi người có thể ba tôi chỉ là một người đàn ông bình thường, tàn tật nhưng đối với chị em chúng tôi và bạn bè thân quen của ông thì ông là một anh hùng cả trên chiến trận lẫn trên giường bệnh.

Tôi chỉ được nghe kể về những “kỳ tích” của ông trong chiến tranh qua bạn bè ông và mẹ tôi. Lúc đó, tôi chỉ là một con nhóc con 4, 5 tuổi cũng chưa thể hiểu hết những chuyện đó, chỉ thầm ái mộ ông qua lời kể của họ và xem ông như một thần tượng mãi cho đến bây giờ. Đối với đồng đội ông luôn biết bảo vệ, hy sinh, chấp nhận bị “lột lon” để bênh vực cấp dưới của ông. Đối với anh em trong gia đình, ông chấp nhận thiệt thòi, ghẻ lạnh chỉ muốn cha mẹ vui, anh em hòa thuận.

Bây giờ tôi chỉ viết xuống đây vài dòng ký ức của tôi khi tôi bắt đầu có trí khôn.

Khi ấy, tôi tầm khoảng 4 tuổi, mẹ đi buôn bán, ba ở nhà chăm sóc chị em tôi, do mẹ nói thấy ba tui “ngày xưa làm sĩ quan oai phong, hét ra lửa, giờ giải phóng, thất nghiệp ở nhà đi đập lúa tội nghiệp” nên mẹ đề nghị ba ở nhà giữ con. Ba bày đủ trò cho chị em tôi chơi, lúc thì làm súng từ cây gỗ đẽo ra, dạy cách cầm súng, dạy mấy chiêu “phòng thân lỡ ra đường có kẻ bắt nạt mà không có ba bên cạnh”, dạy đọc sách, lật sách làm sao cho đúng, bảo vệ sách ra sao… Chiều mẹ đi bán về thì ba phụ mẹ làm bánh bao, làm bánh bông lan…ba lấy củ sắn dư của mẹ chơi trò “làm ông cha nhà thờ dâng lễ” cho chị em tôi lên rước Mình Thánh Chúa bằng củ sắn, làm Cha giải tội, các con lên xưng tội… Qua trò chơi giải tội ba khuyên con phải nhường nhịn, yêu thương anh em… Hôm nào trời mưa lớn, nhà ngập nước mưa, chị em tôi không biết nỗi khổ của ba mẹ mà trái lại thì mừng rỡ vì nước vô nhà chị em tôi được “bơi”, có khi bắt được con cua, ba dạy cho cách cầm làm sao không bị nó kẹp… Trời nắng thì ba phụ mẹ đi gánh nước về đổ đầy mấy cái lu.

Có một lần tôi học lớp 1, đi chơi xóm bị một đứa trong xóm đánh, nó đè đầu, túm tóc tôi xuống đất, lúc đó tôi nhớ đòn ba dạy cố “phụt” nó một cái rồi ba chân bốn cẳng chạy nhanh về nhà. Khoảng 10 phút sau, mẹ nó dẫn nó tới nhà tôi la lối, mắng vốn là tôi đánh nó, tim tôi lo sợ ba đánh đòn, vì quả thật ông rất thương con, nhưng đòn roi của ông cũng thật là “chất lượng”. Nhưng hôm đó lại khác, ba tôi nghe bà đó méc, ba quay sang nhìn tôi rồi đá mắt ra hiệu: “vô nhà quì gối cho ba, im lặng, không được nói gì”, tôi lẵng lặng đi vô nhà quì gối. Bà đó thấy vậy dẫn con về, ba tôi vô nhà kêu: “đứng lên, ba không phạt vì con bé đó hung hăng, con phòng vệ chính đáng”.

Ba động viên chị em tôi học tốt cuối tuần ba chở xe đạp ra Tân Lý chơi trong sân trường có nhiều cây bàng, có khi ba chở cho xuống Mỹ Tho xem phim “con bạch tuột” của Ý rồi vòng ra xem tượng “ông Thủ Khoa Huân” ở bến sông vườn hoa Lạc Hồng. Ba ngồi ghế đá kể chuyện ngày xưa ở Huế ba với chú Vĩnh leo lên cây sầu đông nhảy xuống sông Hương tắm về bị bà nội đánh đòn, thỉnh thoảng trên đường về ba vừa đạp xe vừa kể chuyện đi tu ở chủng viện, rồi chuyện ba đi lính, nhảy dù từ máy bay trực thăng xuống.

Khi tôi lớn hơn một chút khoảng năm 1986, khi đó tôi 7 tuổi, đang ngồi chơi với mẹ và mấy chị em thì nghe trong phòng có tiếng đạp rầm rầm, mẹ tôi hớt hải chạy vô thì thấy ba mắt trợn trắng, sùi bọt mép. Mẹ hốt hoảng chạy kêu hàng xóm qua cấp cứu cho ba. Cũng từ đó, cứ mỗi khi mẹ đi bán là ba lên giường ngồi sát vô tường chờ mẹ về vì sợ lên cơn động kinh sẽ té xuống đất nguy hiểm. Và cũng từ đó, chị em tôi trong túi lúc nào cũng có hộp kim châm cứu để khi mẹ chưa về mà ba lên cơn động kinh thì biết cách cấp cứu cho ba tỉnh lại và không cắn lưỡi. Cũng từ đó, hễ mẹ đi bán là tôi không còn đi sang nhà hàng xóm chơi với mấy đứa trong xóm mà chỉ chơi quanh quẩn trong sân nhà để canh chừng ba.

Rồi sau đó, tôi trải qua tháng ngày mặc cảm vì lũ bạn bè trong lớp nó biết ba tôi bệnh, mỗi khi nó gặp tôi trong sân trường hay căn tin là chạy theo châm chọc: “ê tụi bây, con TT ba nó đạo Thiên Chúa ăn thịt chó nên bị mắc kinh phong đó tụi bây” (vì thời đó hễ ai đạo Chúa là họ ghép cho cái tội Đạo Chúa là ăn thịt chó). Thời gian đó tôi thật sự khủng hoảng tinh thần và học hành không còn như lúc còn ba kèm học nữa. Tôi cũng thầm giận ba trong lòng là tại sao ba mình lại mắc cái bệnh gì kỳ cục xấu hổ vậy không biết.

Thời gian trôi qua 4 năm sau là năm 1990, ba tôi nói với mẹ là ba cảm thấy yếu nửa bên thân người, cơn động kinh cũng kéo tới thường xuyên hơn, mẹ đưa ba xuống tỉnh khám thì họ giới thiệu ba mẹ lên bệnh viện Chợ Rẫy, lúc đó ai nghe hai tiếng “Chợ Rẫy” cũng lo sợ điều chẳng lành.

Mẹ cũng gom góp tiền bạc đưa ba đi thì phát hiện ba có khối u trong não, bác sĩ nói nếu mổ may mắn ba tôi có thể sống 3 năm hoặc hơn. Nếu không, ba tôi chỉ còn sống khoảng 3 tháng. Tin sét đánh đối với cả gia đình, cả ông nội và cô chú lúc đó chưa ai đi Mỹ, không một ai dám ký giấy mổ cho ba, mà để mẹ tôi tự quyết định. Trước hôm ba lên bàn mổ, mẹ dẫn 4 chị em tôi lên gặp ba, cũng xem như chia tay ông nếu ca mổ không thành công. Ba dặn tôi đủ thứ chuyện mà một đứa trẻ như tôi không thể nào nhớ hết được, chỉ nhớ là lo học, giúp mẹ và chị em phải yêu thương nhau thôi.

Cả nhà cầu nguyện, lần hạt, đọc kinh xin cho ca mổ thành công. Mẹ chờ gần cả ngày thì bác sĩ ra nói với mẹ ca mổ thành công và ông ngạc nhiên là chưa thấy khối u của ai to như của ba tôi, tạm thời ba tôi sẽ liệt nửa người và mất trí nhớ một thời gian. Với kỹ thuật lúc đó do khối u quá lớn, bác sĩ không thể lấp lại hộp sọ cho ba tôi. Mẹ giao cả công việc buôn bán cho chị hai tôi lúc đó khoảng 18 tuổi ở nhà đi gom tiền hàng cho mẹ, lo cho ba đứa em nhỏ. Thừa cơ hội mẹ không có nhà, bạn hàng thay phiên nhau quỵt tiền. Gia đình tôi trắng tay.

Ba xuất viện, mẹ cố gắng gom góp tìm người về châm cứu cho ba mau bình phục, nhưng do chi phí mấy tháng nằm Chợ Rẫy và thuốc men nên mẹ không còn khả năng thuê người châm cứu cho ba nữa mà ba tự tập ở nhà. Bao nhiêu khó khăn đè hết lên vai mẹ. Nhưng mẹ tôi là một người rất tâm lý và tôn trọng ba, dù ba không còn sức lao động, mọi sự lớn nhỏ trong nhà mẹ lo, nhưng mẹ vẫn đưa ba ít tiền phòng “khi ra ngoài với bạn, con cái xin gì cho tụi nó kẻo tụi nó chỉ biết mẹ không biết ba, anh cho tụi nó ăn bánh cho tụi nó khoái”.
Thời gian trôi qua, ba tôi dần đi được dù chân không còn như xưa, tay chân vẫn liệt tới tận bây giờ, nhưng ông không để phiền vợ con, sáng dậy tự đi ăn sáng, quét sân, tới giờ cơm tự múc ăn, quần áo tự giặt. Sở thích vẫn không thay đổi, vẫn thích nhạc Pháp, dịch tiếng Pháp dùm mấy cô trong xóm. Thỉnh thoảng vẫn tự soạn quần áo vào túi ra đầu đường đón xe lên Sài Gòn thăm bà nội, thăm bạn bè. Khi về nhà không bao giờ quên ghé nhà sách Xuân Thu mua cho tôi vài quyển truyện cổ tích, truyện Tin Tin, Lucky Luke…..những câu chuyện mà khi chưa bị động kinh ông thường lấy ra kể cho chị em tôi nghe bằng những quyển sách đẹp, nhiều màu sắc, bìa sách dày thơm toàn tiếng Pháp mà khi xưa ba và chú tôi nhặt về từ nhà một người quen đi vượt biên bỏ lại.

Tôi lên đại học, là đứa con đầu tiên xa gia đình lên thành phố học. Ba căn dặn đủ điều, và chỉ thêm “vài chiêu độc” phòng thân lỡ bị kẻ xấu “làm hại con”. Lúc đó năm nhất, tôi ở nhà người bà con, thỉnh thoảng ba vẫn thường đón xe đò, tay chân “xi cà que” như lời ba hay nói, lên thăm con gái, xem người ta cho con ăn uống như thế nào… Thấy tình hình không ổn, ba nói mẹ cho tôi ra ở ký túc xá. Rồi tôi tốt nghiệp ra trường lấy chồng, gia đình ông bà nội đi nước ngoài hết. Ông nội mất, ba cứ mỗi năm đón xe lên “giỗ nội” nhưng bị người thân của ba mời về: “em đâu có làm giỗ ba, anh lên làm gì, thôi anh về đi”, ba tôi “xi cà que” xách giỏ ra đầu đường tìm điện thoại công cộng gọi cho tôi là: “Ba qua chú Mẫn bạn ba chơi ít hôm, con nói mẹ để mẹ biết ba qua nhà chú Mẫn”. Vậy mà một năm sau, trời mưa gió, ba tôi lại kêu chị hai tôi chở ông bằng xe máy lên “giỗ nội” lại bị mời về do không có làm giỗ. Hai cha con về mưa trong gió, đường trơn, chị tôi lạc tay lái làm hai cha con té xuống đường.

Vòng đời cứ xoay, tôi lấy chồng, ba tôi vẫn khỏe mạnh dù vẫn còn “xi cà que”, lâu lâu ông đón xe lên thăm chú Mẫn, thăm con gái. Tôi sanh con đầu lòng phải về quê cho mẹ chăm, ngày nào 5h sáng ba cũng đứng trước mùng nhìn cháu ngoại. 5 tháng thai sản, tôi trở lại Sài Gòn dạy học, bỏ lại con cho mẹ chăm, ba phụ mẹ giữ cháu ngoại, đưa võng,…dẫn chạy chơi, qua ông Mười, con bé nó dường như cũng biết ông ngoại “xi cà que” nên mới có mười mấy tháng tự đi cả hơn 500m không để ông ngoại bế, chỉ để ông ngoại bế một tay qua vũng nước rồi nó đòi xuống đi tiếp.

Ngày quốc tế thiếu nhi, ông mua quà cho cháu, bỏ quên cái bóp tiền, khi quay lại họ tham không trả lại cho ông, về nhà ông bệnh mấy hôm, chị em tôi trêu ông tiếc của sanh bệnh, ông nói “ba xưa nay không tiếc tiền, chỉ tiếc cái hình mẹ mày lúc làm y tá ba bỏ trong bóp mất thôi, bệnh do tiếc tấm hình”. Thế nên, bộ đồ chơi đó 16 năm nay con gái tôi vẫn còn giữ làm kỷ niệm “ông ngoại làm mất cái bóp”.

Trước khi ba nằm một chỗ, chân ba bắt đầu yếu, đi không được phải lếch bằng mông, vậy mà có tiền thì thấy ai nghèo trong xóm đi ngang cũng kêu cho vài chục ngàn. Trong xóm ai cũng yêu mến “ông tư” là ba tôi vì ông “xộp” hay giúp người. Có lần trong nhà nghe vé số, ông lếch ra mua 2 tờ, 20.000đ, ông đưa tờ 500.000đ nó lấy đi luôn. Ông tức, ông giận mà ú ớ không ra lời, mãi sau bình tâm ông kể lại thì nó đi xa rồi mà chị tôi cũng chả biết người đó là ai.

Ba dù “xi cà que” nhưng không bao giờ bỏ lễ ngày chủ nhật, dù nhà thờ trên lầu ba vẫn cố lên 2 tầng lầu và bước thụt lùi xuống không cần ai dẫn. Cách đây 2 năm, ba hôn mê, bác sĩ nói bệnh cũ tái phát, nhưng do ba quá yếu nên họ đành bất lực. Trong cơn đau mê sảng, trong tay ông vẫn cầm tràng hạt Mân Côi đọc kinh dù không còn ra tiếng, dù câu kinh không trọn vẹn, mũi đeo ống thở, miệng vẫn: “Mẹ ơi cứu con, Chúa ơi giúp con, ông Thánh Giuse ơi”. Năm đó là năm 2019 mùng 6 Tết, cứ nghĩ ba tôi sẽ ra đi mãi mãi vì lưỡi đã thụt, ăn phải truyền ống, mẹ tôi chuẩn bị quần áo để khi ông trút hơi thở thì khâm liệm, nhưng phép mầu đã xảy ra, ba tôi tỉnh dần, khỏe dần, mặc dù ba khó nhớ tên từng đứa con, từng đứa cháu khi chúng tôi về thăm, nhưng nhìn mặt ông vẫn nhớ là con cháu, khi chúng tôi tạm biệt ba để về lại Sài Gòn thì ông nắm tay, hôn tay con cháu. Các chú bác cựu chủng sinh Huế tới thăm, ba vẫn nhớ từng người dù nói năng khó khăn.

Kể từ hôm tết tới nay, dịch bệnh hoành hành và cũng gần cả một năm gia đình tôi không về thăm ba được, lòng đau da diết khi biết ba trở bệnh mà không thể chạy về, chỉ nhìn ba qua video call mà bất lực. Con cầu xin Chúa ban phúc lành cho ba con mạnh khỏe như lời ba hay nói: “Súng đạn bắn tau bay lên ngọn chuối rớt xuống sình tau còn chưa chết thì bệnh dễ gì chết, tau sống dai lắm, 90 tuổi mới chết”.

Cả đời ba mang bệnh tật, nhưng ba luôn sống lạc quan, vui vẻ, quan tâm mọi người, có hiếu với mẹ cha, thương anh chị em, thương vợ con. Mặc dù ba không phải là người hoàn hảo, có nhiều sai sót nhưng đối với tôi, ông mãi là anh hùng dù có chết đi sống lại nhiều lần trên giường bệnh ông vẫn chiến đấu kiên cường. Và đối với ông lúc nào cũng “để Thánh Giuse lo cho”.

Maria Nguyễn Thị Thảo Tiên
con của Giuse Nguyễn Văn Tiên HT62
(Trích tập sách TÌNH CHA bài số 1 do GĐ F1 CCSHuế sắp phát hành)
 
-
 
-
 
-

Tác giả: Maria Nguyễn Thị Thảo Tiên F1/HT62

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Chú ý: Được đăng lại bài viết, nhưng vui lòng ghi rõ nguồn "Gia đình Cựu Chủng sinh Huế" và link đến bài viết trên trang này.
 Tags: tình cha, cha tôi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Facebook Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Kênh Youtube Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập126
  • Hôm nay44,676
  • Tháng hiện tại180,680
  • Tổng lượt truy cập69,656,012
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây