(Suy niệm Tin mừng Mat-thêu (Mt 21, 28-32) trích đọc vào Chúa nhật 26 thường niên)
Dụ ngôn Tin mừng Mát-thêu thuật lại rằng: Từ sáng sớm, người cha gọi đứa con thứ nhất đến và bảo: “Nầy con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho với cha.”
Nó vốn ham chơi, lười lao động, nên trả lời ngay: “Con không đi đâu!”
Nhưng nó chợt hồi tâm, nhớ công lao cha mẹ: Cha mẹ lo cho mình từng miếng cơm manh áo. Khi đau ốm cha mẹ chạy chữa thuốc men, khi buồn phiền, cha mẹ ủi an nâng đỡ… Nếu để cha lao động vất vả một mình mà không giúp đỡ, mình là con bất hiếu. Thế là sau một lát hồi tâm, phản tỉnh, nó quyết định vác cuốc ra vườn cùng làm với cha.
Còn người con thứ hai, sau khi nghe cha gọi đi làm vườn, nó dạ dạ vâng vâng cho qua chuyện, rồi sau đó, bỏ mặc cha lao động một mình.
Thế là, nhờ biết hồi tâm, nhìn lại mình, người con thứ nhất trở thành đứa con ngoan; trái lại, vì thiếu hồi tâm, người con thứ hai trở thành đứa con hư hỏng.
Sống trên đời, ai cũng mắc phải lỗi lầm, không ai vô tội. Tuy nhiên, người ta có thể vượt qua lỗi lầm để trở nên người tốt.
Những ai biết phản tỉnh, nhìn lại mình, nhận ra lầm lỗi mình và quyết tâm sửa đổi thì sẽ trở nên người tốt. Ngược lại, nếu không nhìn lại mình để phát hiện lầm lỗi và không quyết tâm sửa đổi thì không thể nên tốt được.
Tiếc thay, mọi người đều có mắt nhìn ra ngoại giới để nhận biết sự vật chung quanh, nhận ra đủ thứ lỗi lầm của người khác… trong khi đó, ít người có khả năng nhìn vào nội tâm để thấy những sai trái của bản thân; vì thế, không thể cải thiện đời sống được.
Cần soi gương
Tấm gương soi tuy đơn sơ nhưng vô cùng hữu dụng. Nhờ soi gương, ta có thể nhận ra đầu tóc rối bù của mình để chải vuốt lại, nhận ra những vết dơ trên khuôn mặt để lau chùi sạch sẽ, nhận ra bộ râu tua tủa để tỉa xén cho gọn gàng… Nếu suốt cả chục năm trời không một lần soi gương, chắc là khuôn mặt ta trông “ghê” lắm!
Biết thế, nên nhà nào cũng sắm gương, người nào cũng soi gương để trang điểm khuôn mặt mình.
Tuy nhiên, việc soi tâm hồn, soi nhân cách để thấy được điều xấu trong đời mình quan trọng hơn soi mặt rất nhiều.
Ta có thể soi tâm hồn, soi hành vi của ta bằng cách phản tỉnh, tức là tự nhìn mình, tự xem xét phê phán mình.
Hãy nhìn lại mình như nhìn một đứa bé đang chơi, một con kiến đang bò… Hãy soi xét chính mình như ta đang xét xem người khác.
Soi thái độ của ta: có trịch thượng, cha chú… hay lịch sự, khiêm nhường?
Soi cung cách ứng xử của ta: có gần gũi hay xa cách người khác?
Soi hành vi của ta, xem có văn hóa hay thiếu chuẩn mực?
Soi lời ăn tiếng nói xem có ôn tồn, nhã nhặn hay cộc cằn, thô lỗ…? Vân vân…
Khi soi mặt, thấy có vết dơ, người ta rửa sạch liền không trì hoãn.
Tương tự như thế, khi tự soi mình, phát hiện nhân cách mình xấu xa, đáng trách… người ta sẽ quyết tâm cải thiện không chậm trễ.
Nhưng nếu không chịu soi nhân cách, ta không thể thấy những nết xấu của mình và hậu quả là sống chung với tật xấu suốt đời.
Lạy Chúa Giê-su,
Không gì làm Chúa vui lòng cho bằng thấy đoàn con biết chừa bỏ thói xấu, cải thiện cuộc đời, trau dồi nhân đức.
Xin giúp chúng con luôn soi mình mỗi ngày, để thấy được những hành vi sai trái mà chừa bỏ; nhờ đó, chúng con sẽ sống đẹp lòng Chúa hơn. Amen.