Tường thuật Họp mặt Miền Tây sông nước của 2 lớp HT69 & HT71 (23-25/7/2024)

Thứ sáu - 02/08/2024 10:08
Trước ngày khởi hành, mưa gió, áp thấp vần vũ gây lo lắng cho ban tổ chức, nhưng tôi phó mặc cho trời đất, vì mọi sự trong cuộc đời vốn vô thường. Riêng với cha sở Năm Căn, một người bạn tâm giao, nhận bài sai thuyên chuyển đến một họ đạo tuốt tận vùng Chương Thiện Hậu Giang, nhưng ngài cố nán lại Năm Căn để tiếp đón chúng tôi...
 
Vừa đúng một tuần ngày đi, nay tôi mới nộp bài tường thuật sau khi được nhiều người hối thúc viết cho kịp kẻo nguội... Với lại cá nhân tôi phụ trách tổ chức và điều phối, nếu tự mình viết, e không khách quan cho bằng để người khác viết, nên mới lần lữa mãi đến chừ.

Vào dịp họp hè 2023 vào tháng 3 tại Qui Nhơn của HT71, ai cũng mong được một lần trong cuộc đời về miền tây để khám phá vẻ đẹp miền sông nước.

Và trước đây 5 tháng, anh Thế Cường lớp trưởng HT69 ngỏ ý lớp HT69 tháp tùng với HT71. Có gì mà lăn tăn, càng đông càng xôm tụ, tôi chỉ việc "bổn cũ soạn lại", vì cuối năm 2022, anh Vũ Quang Hà đã nhờ tôi lên chương trình tây du ký gồm 80 anh chị HT67, trong đó có 10 giáo sĩ đồng hành; nay tôi sao chép nguyên bộ chương trình đó để mần lại cho lần tây du ký này...

Tuy đã có nhiều kinh nghiệm để tổ chức, nhưng thật sự với tâm thế của 2 lớp hơn 80 tham dự viên, cần phải chuẩn bị càng kỹ lưỡng thì mới khả dĩ thành công trọn vẹn. Tôi được anh Thế Cường khẩu lệnh chú ý và sắp đặt những việc cần thiết cho chuyến song kiếm hợp bích HT69 & HT71 tây du ký, nhất là cao điểm của Hội Ngộ là thánh lễ Bổn mạng lớp HT69 và Tạ ơn của HT71...

Riêng với anh chị em HT71 vùng Huế và Quảng Trị, ngoài số tiền phải đóng cho hành trình 3 ngày 2 đêm, họ còn phải chịu chi phí cho đoạn đường trên 1.000 km bằng máy bay, xe đò hay tàu lửa, nên chi phí có thể đội lên gấp đôi. Đây là một vấn đề nan giải, nhưng không thể để anh chị em ao ước tham dự lại chùng bước trước bài toán khó, chúng tôi ngầm vận động các mạnh thường quân để hỗ trợ tối đa cho họ. Trước đó 1 tháng, tôi đã bay ra tận Huế để họp tất cả anh chị em Huế - Quảng Trị lại, tìm cách tháo gỡ những khó khăn trước chuyến đi có một không hai này. Ngoài ra có trường hợp Nguyễn Xuân Hải trước giờ G một tháng, bỗng bị tức ngực và khó thở vì bệnh tim mạch vành, phải nhập viện TW Huế. Bác sĩ đặt 2 stent, một cái thành công và một cái thất bại. Với khuôn mặt buồn bã, đầy thất vọng, Hải nói với tôi, mình không thể tham dự được, tôi chỉ biết an ủi và xốc lại tinh thần cho Hải. Hoàn cảnh Hải đáng thương, cụt một chân do tai nạn lao động, hộ nghèo và vợ đi làm osin... Vậy mà trước khi đi 2 ngày, Hải báo với tôi sức khỏe đã tốt lên, nên sẽ tham dự, cũng như mong muốn đến Tắc Sậy khấn với cha Trương Bửu Diệp. Và tất cả đã sẳn sàng cho ngày hội ngộ lịch sử này...

Tới ngày 22/7 trước giờ G 1 ngày, có cha Chiếm và 32 anh chị em cả 2 lớp nhờ tôi chuẩn bị hotel gần nơi tập kết khởi hành. Tôi đã lên tận nơi xem xét có gì trở ngại và dẫn mọi người đến ăn tối, lai rai chúc mừng cuộc tương phùng tiền Hội Ngộ miền tây sông nước.
 

Trước ngày khởi hành, mưa gió, áp thấp vần vũ gây lo lắng cho ban tổ chức, nhưng tôi phó mặc cho trời đất, vì mọi sự trong cuộc đời vốn vô thường. Riêng với cha sở Năm Căn, một người bạn tâm giao, nhận bài sai thuyên chuyển đến một họ đạo tuốt tận vùng Chương Thiện Hậu Giang, nhưng ngài cố nán lại Năm Căn để tiếp đón chúng tôi... Xin ghi nhận tấm thịnh tình của vị linh mục nơi đầu cực nam của Đất Nước.

Và giờ G đã đến, 5g00 sáng ngày 23/7, 2 chiếc xe 45 chỗ đã y hẹn đón khách và lăn bánh.

Xe dừng chân tại quán hủ tiếu Mỹ Tho Tuyết Ngân lúc 7g30 để mọi người điểm tâm và cà phê.
 

Sau hơn 2 giờ, xe đã qua cầu dây văng Cần Thơ đến vùng Tây Đô của miền tây, một thành phố trù phú bậc nhất của Nam bộ. Xe tiếp tục đến điểm du lịch đầu tiên Cồn Sơn, tại đây chúng tôi được các hướng dẫn viên miệt vườn chờ sẵn, đón chúng tôi tại bến đò Bà Từ và 3 chiếc thuyền neo sẵn để "Đưa em sang sông".
 

Điểm đầu tiên là bè cá nổi tiếng Bảy Bon, nơi đây anh nông dân Lý Văn Bon, chủ nhân của bè cá cùng tên với ao đầm bè cá diện tích hơn 10 ngàn mét vuông nổi danh người thành công với nghề nuôi cá thương phẩm, bảo tồn nhiều loại cá quý hiếm sắp tiệt chủng và kết hợp du lịch miệt vườn. Chúng tôi vinh hạnh được ông chủ bè Bảy Bon thuyết minh tường tận của người am hiểu về đặc tính, hình ảnh, tập quán sinh trưởng của nhiều loại cá miền tây như cá hô (Ông cá hô), cá vồ đêm, cá tra dầu, cá tra bần, cá tra cờ, cá bông lau, cá hú... Ngoài ra ông Bảy Bon còn nuôi thêm cá thác lác cườm để bán rộng rãi mỗi năm hơn 700 tấn dưới dạng chả cá chế biến sắn theo tiêu chuẩn Viet Gap. Ông Bảy Bon tâm sự, sở dĩ cơ ngơi của ông có được cho tới hôm nay, là nhờ trong một lần công tác nghành thủy sản, ông may mắn được một vị tiến sĩ thủy sản người Pháp cố vấn tận tình, ông đã rời Cà Mau tới Cồn Sơn lập nghiệp từ 1998 cho tới nay. Tuy đã thành danh, nhưng biết bao nhiêu thất bại và khó khăn đã gắn liền với bè cá Bảy Bon mà tục ngữ gọi là nghề "Hạ bạc" bạc bẽo như tên gọi vốn có.
 

Rời cơ ngơi Bảy Bon, chúng tôi đến điểm cá lóc bay của nhà vườn Thành Tâm. Cá lóc là loài cá rất "hám" mồi, mỗi lần cho cá ăn, huấn luyện viên sẽ gõ vào xô đựng thức ăn, và đàn cá mỗi khi nghe hiệu lệnh, đồng loạt nhảy lên khỏi mặt nước đớp mồi theo kiểu phản xạ có điều kiện. Đàn cá cả nghìn con được huấn luyện từ lúc 15 ngày tuổi, cho đến khi được 4 đến 6 tháng, độ tuổi nhảy lên khỏi mặt nước mạnh mẽ nhất, khác nào loài cá heo đang phi thân làm xiếc. Khi đàn cá già đi, không còn nhảy được, nhà vườn sẽ thả về sông tự nhiên, chớ không hề bán làm thịt. Họ sẽ cho đàn cá vào một nơi để cá lấy lại tập tục tự cánh sinh một thời gian cho quen dần, sau đó mới thoát ra sông Hậu. Ngoài ra còn có mục cho cá trê "bú bình", để thức ăn trong bình, sau đó cá trê trườn lên tấm ván để ngậm bình gọi là bú bình... Theo lời hướng dẫn viên, nhà vườn đang huấn luyện cá lóc bay qua vòng lửa, tuy khó để thực hiện, nhưng hoàn toàn có cơ sở để thực hiện trong tương lai...
Điểm tham quan cuối là nhà vườn làm bánh dân gian Công Minh (Còn nhiều điểm như các nhà vườn trái cây, nuôi ong... do các ông bà đã U70, đi không xuể) có nhiều loại hình làm bánh dân gian như bánh bò, bánh đúc, da lợn, bánh chuối, bánh khọt, bánh khoai mì... Chúng tôi chọn bánh cốm nổ. Gạo được cho vào một ống lò bằng tôn thép, sau đó vừa đốt lò vừa quay đều với đồng hồ đo áp suất chỉ định, sau đó nhà vườn đem qua đặt trên một chiếc bàn có gắn lưới kín kẻ, và đếm 1,2,3 ... du khách cầm chiếc búa sắt, gõ mạnh... Ầm, một tiếng nổ lớn vang động khắp cả thôn xóm, những hạt cốm trắng bay tung tóe nằm yên trong lưới, sau đó họ ép lại từng thỏi bánh cốm truyền thống, tặng cho du khách...

Cuối cùng khi đồng hồ điểm cầm canh 12g00, ai nấy đều chân chồn, mỏi gối và bụng đã cồn cào, vội bước qua cầu khỉ, tập trung tại nhà vườn Song Khánh, thưởng thức sản vật thức ăn rặt miền tây: Tôm sông nướng mọi, cá hủn hỉn kho tộ, cá tai tượng nướng lá me, ốc bươu nướng tiêu, điên điển xào tép, lẩu tả pí lù cá vồ đêm và tráng miệng nhãn xuồng ruột vàng. Tuy nhiều món, nhưng mỗi nhà vườn phụ trách một món, sau đó họ dọn sẵn lên mâm, cứ thế du khách thưởng thức ngon lành các sản vật tự nhiên của sông nước Hậu Giang.

Nhà vườn còn đặt sẵn gánh đàn ca tài tử để rồi biểu diễn cải lương, vọng cổ, hò sông Hậu, dân ca Nam bộ...giao lưu cùng khách, nào là Dạ cổ hoài lang, Tình anh bán chiếu, Áo mới Cà Mau...thật đặc sắc và và thú vị.

Ông trời thương chiếu cố đến đoàn tây du ký, cũng có lúc mưa, nhưng lựa khi viễn khách đang ở trong nhà, một lát sau lại tạnh để mọi người thung dung dạo cảnh trên con đường chân quê miệt vườn, dưới hàng cau thơ mộng, bên cạnh những vườn cây xum xuê quả ngọt, bên kia ao cá thương phẩm đang chờ ngày thu hoạch.

"Về Cần Thơ thăm xóm Cồn, qua sông lớn.
Chuyến đò ngang đưa anh về lại tuổi thơ
Ngày mộng mơ, qua những vườn cây ao cá
Anh bước trong chuyện cổ tích hoang đường..."

Vui chơi mãi đến 14g00 khi trời chưa tắt nắng, chúng tôi tạm biệt xóm Cồn, trở về khách sạn Holiday tại Cái Khế. Mọi người nhận phòng, nghỉ ngơi sau một chuyến hành trình dài.

Đến 16g30, đoàn lên xe trực chỉ Đại Chủng Viện Thánh Quý, nơi đào tạo linh mục cho 3 giáo phận Cần Thơ, Vĩnh Long và Long Xuyên. Chỉ tiếc là cha Bề trên và quý cha giáo đã đi vắng, chỉ có quý thầy ứng trực tiếp đoàn rất chu đáo, nước uống và khăn lạnh đã dọn sẵn... Chúng tôi vội vào ngôi nhà nguyện bề thế, khang trang để khai mạc Thánh lễ đầu tiên mừng Bổn mạng Thánh Giuse Thợ của lớp HT69. Quý ông đã sắp sẵn trong trang phục đeo cà vạt trịnh trọng, quý phu nhân HT69 trong bộ cánh áo dài tha thướt.
 

Thánh lễ trọng thể do cha Vinh chủ tế, cha Chiếm giảng lễ, ngài nhấn mạnh vai trò và sứ vụ của Thánh Giuse, nhất là cầu nguyện, lao động trong thinh lặng.
 
 

Sau đó chúng tôi cám ơn quý thầy đã chuẩn bị chu đáo, đồng thời nhờ quý thầy chuyển lời cám ơn cha Bề trên, cha quản lý và quý cha trong ban đào tạo. Chúng tôi tranh thủ đi bến Ninh Kiều nổi tiếng trong ca dao:

"Cần Thơ có bến Ninh Kiều
Có dòng sông đẹp, có nhiều giai nhân."

Du thuyền Ánh Dương đã neo đậu trên bến, chờ các viễn khách bước lên thuyền, các dãy bàn đặt sẵn đã bày biện sẵn sàng. Khi khách đã an vị, ban nhạc du thuyền mời khách đăng ký và mở màn bằng chất giọng Tây đô. Thuyền khởi hành, lênh đênh dọc dòng sông Hậu thơ mộng, đưa viễn khách về miền viễn xứ phương nam. Vào năm 2022, khi đưa đoàn HT67 đến tại nơi này, tôi có ngẫu hứng sáng tác bài Khúc Phương Nam, nay đọc lại cho những ai chưa đọc để nói lên tâm tình trong lúc này.
 
 
 
 
KHÚC PHƯƠNG NAM

Từ sông Hậu nhớ đến sông Hương
Cũng cầu, cũng nước, cũng công nương
Cũng thuyền hát đờn ca tài tử
Nhớ điệu Nam Bình của Huế thương.
Đêm Phương Nam, trời mây sông nước
Em hát bài “gạo trắng, nước trong”
Thuyền đi, sóng vỗ dồn vào mạn
Sóng lại xa bờ, cạn chén thôi.
Trăng lên, yến tiệc sáng trên trời
Tráng sĩ cười, thỏa chí người ơi
Suốt đời, mấy thuở anh hùng tận
Thì hãy cứ vui, mặc kệ đời.
“Khách ngồi lại, cùng em thêm chốc nữa
Vội vàng chi, trăng sáng quá khách ơi” *
Đêm nay, quân vương say cùng thiếp
Thuyền Ninh Kiều, ngỡ điện Hàm Dương...

Mic Nguyễn Hùng Dũng
----------
* Thơ Xuân Diệu

Vi vu, dập dìu ca hát, cạn chén mãi đến 21g00, thuyền cập bờ để du khách trở về khách sạn nghỉ đêm. Qua một ngày đầu tiên bình an tại Tây đô.

Sớm hôm sau, ngày thứ 2 của chương trình, trời chưa kịp sáng, viễn khách vội lên đò đi chợ nổi Cái Răng. Mỗi chiếc đò đều có hướng dẫn viên thành thạo thuyết minh về quang cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền, các địa danh truyền thống, nhất là ghe thương hồ tại Cái Răng. Mỗi chiếc ghe khi bán các sản vật nào, treo sản vật đó trên một cây sào, gọi là cây biệu, tỷ như bán khoai, treo củ khoai, bán bí ngô, treo bí ngô...có đủ loại thương phẩm như thơm, củ đậu, sầu riêng, bưởi, xoài...từ các tỉnh đổ về đây buôn bán. Trên đường đi, các ghe nhỏ được các tài công lái rất sành sỏi, cập mạn đò để rao bán đủ loại thức uống, thức ăn và trái cây... Điểm cuối cùng là lò hủ tiếu và cửa hàng bán đủ mọi loại sản vật địa phương cho du khách, cũng như giới thiệu cách làm hủ tiếu thủ công của ông bà truyền lại cho con cháu.

Sau khi thưởng lãm quang cảnh sông hồ chợ Nổi, đò quay về lại bến Ninh Kiều ...

..."Ghe thuyền tấp nập thành chợ nổi
Ngang dọc thương hồ chợ Cái Răng.
Đò em băng nhẹ theo con nước
Ngọt lịm câu hò chợ Cái Răng."

Chúng tôi trở về Holiday hotel để điểm tâm buffet theo tiêu chuẩn khách sạn 3 sao, đầy đủ thức ăn, thức uống để cho khách tùy nghi chọn lựa, nhưng trước hết, mọi thứ đều an toàn thực phẩm, bảo đảm cho sức khỏe du khách.

Đúng 8g00, làm thủ tục check out, rời khách sạn để thẳng tiến về Năm Căn, Cà Mau. Đoàn dừng xe tại Tân Huê Viên, Sóc Trăng để viễn khách mua quà bánh pía, đặc sản danh tiếng của miền tây. Khu vực công viên Tân Huê Viên rộng lớn với nhiều tiểu cảnh ngoạn mục làm cho ai mới đến lần đầu choáng ngợp. Sau khi shopping, mọi người tập trung vào sảnh ẩm thực dùng cơm trưa với đặc sản lạp xưởng Tân Huê Viên nức tiếng.

Rời Tân Huê Viên, đoàn xe tiến về Năm Căn, Cà Mau, xấp xỉ 200 km, còn qua Bạc Liêu, qua thủ phủ Cà Mau, mới đến Năm Căn, tới khách sạn Ozon 3 sao lúc 16g00. Sau khi nhận phòng, mọi người vội lên xe đi về hướng nhà thờ Năm Căn vừa mới khánh thành tháng 6/2024. Ngôi nhà thờ bề thế tọa lạc trên trục lộ hướng về Mũi Cà Mau, trước đó chỉ là vuông đất sình lầy nuôi tôm, cha Phêrô Nguyễn Hoàng Liêm mới dày công nạo vét và san lấp, tiền dọn mặt bằng hạ tầng ngang ngửa với tiền mua đất. Cha về đây được 6 năm thì xin giấy phép làm nhà thờ 4 năm, hồi đó chỉ có nhà nguyện khiêm tốn ngay chợ Năm Căn, sau này mới dời tới đây. Muốn tìm hiểu về vùng đất truyền giáo này, mở google tra cứu mục nhật ký truyền giáo của cha Pio Ngô Phúc Hậu, mới thấy công cuộc mở mang Đức Tin cam go và vất vả dường nào. Sau đó cha Phêrô tiếp tục kiến nghiệp và sau 3 năm, ngài mới từng bước xây dựng nên ngôi nhà thờ uy nghi như bây giờ. Biết bao công khó, tâm lực và sức lực mà cha Phêrô đã tận lực cho việc này. Bổn đạo Năm Căn kể rằng suốt ngày, suốt tháng, cha sở phơi nắng, đội mưa đứng ngoài trời để theo dõi việc san lấp và làm móng. Sau khi hoàn thành ngôi nhà thờ, ngài nhận bài sai thuyên chuyển đến họ đạo kinh tế mới ở Hậu Giang.
 
 

Với cá nhân tôi, đã nhiều lần vinh hạnh gặp ngài, một mẫu linh mục nhiệt huyết, năng nỗ và chân tình, mỗi lần dẫn các đoàn tham quan Mũi Cà Mau đều ghé thăm ngài và giáo xứ.

Sau khi đưa đoàn khách đến nhà thờ, cha Phêrô đã đích thân ra tận xe đón chào 3 linh mục đồng hành và cả 2 lớp HT69, HT71. Cha đã nán lại giáo xứ để đón tiếp chúng tôi trước khi đáo nhậm xứ mới.

Thánh lễ Tạ Ơn chiều nay kính Thánh Giacôbê Tông đồ, được dời lên trước 1 ngày, do ngày mai 25/7 xe chạy suốt về Sài Gòn lúc nửa đêm, không có thánh lễ.

Và ngày 24/7 lại ngẫu nhiên trùng với ngày cưới 30 năm của 2 vợ chồng tôi, vì mỗi sự kiện của nhà trường, hay các lớp, tôi đều chọn tuần thứ 3 của tháng 7. Ngay cả cha Huệ chủ tế thánh lễ cũng vừa biết về chuyện kỷ niệm hôn phối này do ai đó báo. Chúng tôi quá đỗi hạnh phúc và vinh dự khi kỷ niệm ngày cưới 30 năm, có 4 cha dâng lễ đồng tế tại vùng cực nam tổ quốc, và một điều bất ngờ nữa, cả 3 cha lớp HT69 đều có mặt trong ngày cưới 30 năm trước của chúng tôi. Cha Phêrô Liêm được mời trao Phép Lành Tòa Thánh cho vợ chồng tôi, Phép Lành Tòa Thánh do một vị đàn anh tại hải ngoại tặng. Ngài bảo sao không để các cha Hoan Thiện trao, tôi bảo trong Phép Lành Tòa Thánh có ghi: Thánh lễ mừng 30 năm hôn phối tại nhà thờ Năm Căn, Cà Mau vào ngày 24/7/2024, nên cha sở Phêrô đảm nhận việc này mới hợp lẽ.
 
 
 

Ôi quá trân trọng và vinh dự khi Thánh lễ long trọng kỷ niệm ngày thành hôn trong sự chúc lành của quý cha, bổn đạo Năm Căn và vòng tay ấm áp của anh chị em 2 lớp, nhất là HT71. Sau lễ, vợ chồng tôi còn được cha Phêrô và quý hiền mẫu cắt bánh kỷ niệm 30 năm. Hạnh phúc tròn trịa và viên mãn.

Cũng không quên nhắc lại trong Thánh lễ, cộng đoàn chúc mừng Bổn mạng Thánh Giacôbê Trương Khoa HT69 và Trần Văn Thọ HT71; cũng như hiệp thông cầu nguyện cho ông Phêrô thân sinh của anh Minh tài xế vừa ly trần; cả 2 ông bà Giuse và Maria, thân sinh và thân mẫu của anh Lê Dũng Tiến qua đời tròn 3 năm (trong một ngày).

Sau lễ là bữa ăn đặc sản Cà Mau: Cua Năm Căn, ốc len xào dừa, tôm hấp tươi rói...được các hiền mẫu chế biến trên cả tuyệt vời. Quý phu nhân trong đoàn nhận xét đó là bữa ăn ngon nhất trong suốt chuyến hành trình Tây du ký. Rượu thì được cha sở chiêu đãi loại dược thảo thơm ngon, đậm đà, hợp với khẩu vị thức ăn đặc sản.

Sau đó là phần văn nghệ giao lưu với giáo xứ Năm Căn. Với cá nhân tôi, đây là một ngày đầy ắp niềm vui, hạnh phúc ngút ngàn cả ý nghĩa đạo lẫn đời. Cha Phêrô còn nói với tôi rằng: Năm Căn kể từ ông Adong và bà Evà, lần đầu tiên có Thánh lễ mừng hôn phối như vậy.

"Về Năm Căn, cực nam Đất Nước
Phu tướng hề, dạ cổ hoài lang
Thánh lễ vàng, vòng tay bè bạn
Niềm Tạ Ân, hạnh phúc ngút ngàn..."

Mãi đến 21g00, chúng tôi bùi ngùi chia tay với cha sở, quý chức, hiền mẫu Năm Căn để quay về khách sạn, hẹn ngày tái ngộ...

Buổi sáng ngày cuối cùng 25/7, chúng tôi qua một đêm đẫy giấc, đến 6g00 sáng mới vào sảnh nhà ăn dùng buffet điểm tâm. 7g00 đoàn viễn khách đi Mũi Cà Mau cách đó 55 km, địa điểm tham quan cuối cùng, cũng như rẻo đất cuối cùng của bản đồ Việt Nam.

Đa số tham dự viên mới lần đầu tiên đến đây, nên tâm tình họ xúc động và háo hức khám phá địa danh linh thiêng của tổ quốc. Những công trình đậm bản sắc dân tộc như đền Lạc Long Quân, tượng đài Âu Cơ, bờ kè chắn sóng giữ đất, tiểu cảnh Mũi Cà Mau hình con tàu căng buồm đón gió, cột mốc tọa độ 0001 (km số 0) là điểm đầu tiên của bản đồ Việt Nam...nhìn những rừng đước bạt ngàn với chùm rể chi chít như suối tóc của nàng Âu Cơ chằng chịt gìn giữ bờ cõi nước Việt.

"...Về Đất Mũi, mãi cuối trời Nam
Nghĩ vận nước mà lòng man mác
Tổ quốc ơi, rừng vàng biển bạc
Ôi Nước Non, quyết giữ vẹn toàn..."
 

Đất trời, biển cả mênh mông, lòng người mênh mang khi đến Mũi Cà Mau, mà cả đời chỉ mường tượng trong sách giáo khoa, nay mới được tận mục sở thị, làm cho lòng viễn khách lâng lâng khôn tả.
 
tay du 19

Xe đưa chúng tôi trở về khách sạn, sau khi check out, mọi người vào sảnh ẩm thực dùng bữa cơm trưa cuối cùng tại Cà Mau. Trên đường về, đoàn dừng chân tại Tắc Sậy, kính viếng cha Trương Bửu Diệp để nhiều người khấn vái xin ơn riêng cho mình. Cha Diệp đang được Đấng Bản quyền làm thủ tục phong Thánh.

"Về Tắc Sậy, viếng thăm cha Diệp
Kính lạy ngài tử đạo phương nam
Là thánh nhân, sá gì lương giáo
Thắp tạ ngài, hương khói ngút ngàn..."
 
tay du 21
 

Sau cùng chúng tôi ghé trạm dừng chân Minh Phát dùng bữa tối cuối cùng và chia tay tại Sài Gòn vào lúc 12g đêm, kết thúc chương trình.

***Lời cuối cho cuộc viễn du:

Xin thay mặt BTC gửi lời xin lỗi chân thành về thiếu sót, sai sót trong khâu tổ chức.

Xin hết lòng cám ơn quý cha và toàn thể anh chị em 2 lớp HT69 và HT71, các lớp khác, cũng như các thân hữu xa gần đã tham gia Tây du.

Xin cám ơn quý cha ĐCV Thánh Quý, quý thầy đã tạo điều kiện để chúng con được dâng lễ Bổn mạng tại Đại Chủng viện.

Xin cám ơn cha sở Phêrô Nguyễn Hoàng Liêm, quý chức HĐGX Năm Căn và các hiền mẫu xinh đẹp đã tiếp đón trọng thị.

Cám ơn quý mạnh thường quân đã quảng đại hỗ trợ, tạo điều kiện cho mọi người tham dự tốt đẹp, đặc biệt nhất là anh lớp trưởng HT69 Nguyễn Thế Cường đã tài trợ cho lớp HT69.

Cám ơn cha Nguyễn Tấn Lục đã gửi quà cho HT69: Bánh phồng tôm đặc sản của Cà Mau.

Cám ơn lớp HT69 đã quyên góp ngay trên xe cho Nguyễn Xuân Hải HT71 (em ruột của Nguyễn Xuân Hùng A) số tiền 6 triệu, để Hải có điều kiện thăm khám chuyên môn tại khoa tim mạch bệnh viện ĐH Y Dược.

Cám ơn anh Nguyễn Cả đã biếu tặng cho đoàn hàng chục bộ sách bổ dưỡng tinh thần "Sống Thánh Mỗi Ngày", và anh Lê Văn Hùng HT69, người đã dày công biên tập cho bộ sách này.

Cám ơn nhà xe Minh Tuấn với giàn tài xế tận tâm, nhiệt tình, đóng góp cho chuyến Tây du an toàn, thành công, tốt đẹp.

Ngày vui qua mau, tạ ơn Chúa đã cho chúng con ngày trở về nhà bình an.

CHÚC TỤNG DANH CHÚA ĐẾN MUÔN ĐỜI

Thủ Đức ngày 30.7.2024
Mic Nguyễn Hùng Dũng HT71

Tác giả: Mic Nguyễn Hùng Dũng HT71

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập269
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm267
  • Hôm nay38,108
  • Tháng hiện tại123,910
  • Tổng lượt truy cập68,089,449
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây